Ý TƯỞNG HAY, VIỆC LÀM ĐẸP CỦA NGƯỜI CON BÌNH DƯƠNG - Nguyễn Thượng Hiền

08.12.2021
Nguyễn Thượng Hiền
“Bình Dương, một xã được 2 lần nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và 1 lần Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Truyền thống quê hương và gia đình luôn là nguồn sức mạnh, là ngọn cờ vẫy gọi những đứa con phấn đấu vươn lên, xung phong góp sức”.

Ý TƯỞNG HAY, VIỆC LÀM ĐẸP CỦA NGƯỜI CON BÌNH DƯƠNG - Nguyễn Thượng Hiền

Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng

     Tôi là người con của Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, một vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, được giải phóng từ cuối năm 1962. Tôi rời quê hương tham gia kháng chiến ở tuổi đôi mươi. Hơn 10 năm sống và làm việc ở Ban Tuyên huấn Khu uỷ V đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp với thế hệ các cô chú và đồng đội, trong đó có nhiều anh chị em quê Quảng Nam, Quảng Đà.

  Tôi nhớ rất nhiều những anh chị ở huyện Thăng Bình như anh Phan Thanh Ba, anh Phan Đấu, Nguyễn Anh Hùng, Nguyễn Đào ở xã Bình Dương; anh Trương Quang Sáu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Đi, Nguyễn Thạnh ở xã Bình Đào và Lê Đức Khánh ở xã Bình Hải… Tôi muốn nhắc đến một lớp người như vậy, vì những tên đất, tên làng ấy đã gắn bó với chúng tôi từ những năm tháng chống Mỹ, cứu nước mãi đến hôm nay. Có đi đâu xa rồi cũng nhớ về mảnh đất miền Trung yêu thương - nơi chôn nhau cắt rún của mình. Nghĩ như vậy, không phải mình cục bộ, cũng không phải đóng khung trong cái nhìn hẹp về các xã vùng Đông Thăng Bình, mà từ đó nhìn rộng ra, ý nghĩa lớn hơn ở chỗ - giành lòng tri ân đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ những đồng đội của mình đã chiến đấu hy sinh giành lại sự sống cho ngày hôm nay, để cùng cả nước vun trồng cho vườn hoa hạnh phúc.

 Những ngày tháng Bảy linh thiêng, những đứa con luôn nghĩ về mẹ và những ký ức về mẹ cứ tràn về trong tôi và may mắn thay, tôi được đọc “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn đăng trên báo Nhân Dân ngày 27 tháng 7. Nhớ lại kênh truyền hình Nhân Dân phát Ký sự miền Trung - một ký sự rất hay mà có lẽ hay nhất, xung đột nhất, gay go và ác liệt nhất... là ký sự nói về vùng Cát cháy ở xã Bình Dương của nhà báo Nguyễn Vinh Quang. Những thông tin ấy khiến tôi càng yêu mến, càng thổn thức với ý tưởng “Vườn Mẹ” của Phan Đức Nhạn.

Phan Đức Nhạn sinh ra ở đất Bình Dương, một xã được 2 lần nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và 1 lần Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Truyền thống quê hương và gia đình luôn là nguồn sức mạnh, là ngọn cờ vẫy gọi những đứa con phấn đấu vươn lên, xung phong góp sức. Nhạn là con út trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha anh đã từng làm Chủ tịch của huyện Thăng Bình trong những năm 1952-1953 và sau đó đi tập kết ra Bắc. Mẹ anh là người mẹ dũng cảm kiên cường đấu tranh sản xuất chi cũng hì (Nhật ký Chu Cẩm Phong). Người mẹ chịu thương chịu khó lo cho cuộc sống gia đình và bám trụ tham gia công tác ở địa phương rồi cuối cùng mẹ hy sinh trên mảnh đất quê hương. Trong cuộc chiến đấu ác liệt với Mỹ - ngụy, gia đình anh đã hy sinh 04 người trong 4 năm liền từ 1967 tới 1970. Mẹ anh là liệt sỹ được nhà nước vinh danh bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ở một xã nhỏ như Bình Dương mà đã có đến 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 1.347 liệt sỹ trên tổng số dân 7.800 người trong 10 năm (1964-1975). Với Nhạn, khi mới 13 tuổi anh đã là A trưởng thiếu sinh quân, rồi sau đó lên A trưởng du kích Bình Dương. Cuộc đời Nhạn đã nếm trải những gian khó của cuộc chiến đấu ác liệt trên mảnh đất quê hương và chứng kiến những đau thương tang tóc để rồi sẵn sàng cầm súng chiến đấu nhằm trả mối hận thù cho quê hương, cho mẹ và các anh chị. Tháng 6 năm 1969, anh gác súng rời quê hương đi Bắc học tập văn hóa. Sáu năm miệt mài đèn sách ở trường học sinh miền Nam Đông Triều. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhạn về lại quê hương và tiếp tục học phổ thông trường nội trú tỉnh Quảng Nam, xong phổ thông anh vào đại học Bách khoa Đà Nẵng. Những năm học bách khoa (1978-1983) là thời kỳ đất nước ta trải qua nhiều gian truân, khổ cực do hậu quả của mấy chục năm chiến tranh, lại phải tiếp tục cầm súng để giữ yên biên cương phía Nam, phía Bắc. Nhạn đã phấn đấu vượt khó và hoàn thành chương trình học tập. Anh là học sinh phổ thông đầu tiên của đại học Bách khoa Đà Nẵng được kết nạp vào Đảng trong những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Sau lễ tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm giảng viên dạy bộ môn vật liệu xây dựng và kiêm Phó Giám đốc Xí nghiệp vật liệu xây dựng nhà trường. Nhưng do nhu cầu trường đảng Trung ương III cần một đảng viên là kỹ sư xây dựng, để đảm nhận công tác quản lý kỹ thuật tại công trình xây dựng lớn của trường, thế là anh nhận quyết định phân công về công tác ở trường đảng Trung ương III. Tại đây, tôi và Nhạn có dịp tiếp xúc và trở thành anh em thân thiết. Khi đó tôi là một giảng viên khoa triết, tham gia Đảng ủy, làm Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan. Nhạn là đảng viên trẻ về làm Bí thư Chi bộ Ban Kiến thiết. Tôi biết Nhạn có nhiều trăn trở về con đường phấn đấu của mình. Một hôm anh em gặp nhau, Nhạn chia sẻ: Anh Hiền ơi! chú Hồ Liên Sơn Trưởng khoa kinh tế gọi em lên khoa chiều nay, chú nói sau thời gian theo dõi sự phấn đấu, cháu xứng là con em gia đình truyền thống, lại ăn nói mạch lạc, chú nghĩ có thể chuyển đổi ngành nghề để trở thành giảng viên dạy khoa kinh tế, chú đã đề xuất và được Đảng ủy Ban Giám đốc thống nhất để cháu đi học trường Đảng - Maxcova Liên Xô và cũng là định hướng của trường muốn bồi dưỡng xây dựng lớp cán bộ lãnh đạo cho giai đoạn mới của trường. Tôi động viên, nhưng Nhạn lại muốn thực hiện lời cha dặn: Muốn làm bác sỹ giỏi phải tới bệnh viện, muốn là kỹ sư giỏi phải ra công trường. Rồi Nhạn đi thẳng đến phòng làm việc của thầy Trần Tâm Giám đốc để trình bày nguyện vọng: Thưa chú, cháu cảm ơn sự quan tâm của các chú đã sắp xếp cho cháu đi học nhằm chuyển thành cán bộ giảng dạy của trường, nhưng cháu đã “say” với ngành nghề mình học, cháu xin phép ở lại ban kiến thiết để hoàn tất nhiệm vụ xây dựng cơ bản của trường sau đó xin chú cho cháu được chuyển công tác về một công ty xây dựng … Chú Trần Tâm vui vẻ khen công việc của em và còn động viên: Một cán bộ trẻ yêu nghề vậy là tốt rồi,  chú sẽ trao đổi lại với thầy Sơn - Trưởng khoa kinh tế. Mấy tháng sau, Nhạn đến bắt tay tôi và mọi người tạm biệt Trường để nhận công tác ở công ty Hợp doanh Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng. Tháng ngày cứ trôi đi, hết năm này qua năm khác, mỗi người mỗi việc, chỉ biết là Nhạn đã yên tâm với vị trí Chủ tịch Hội đồng Xí nghiệp của công ty xây dựng rồi chuyển vào Quảng Nam công tác. Sau hơn 10 năm không gặp, nhưng thông tin về nhau vẫn thường xuyên kết nối. Bất ngờ, tại cuộc họp Ban Giám đốc xét duyệt danh sách học viên lớp cử nhân chính trị, phòng giáo vụ trình Ban Giám đốc có tên học viên Phan Đức Nhạn chức vụ Giám đốc Công ty Xây dựng Quảng Nam, sáng hôm sau tôi giảng môn triết cho lớp cử nhân của Nhạn. Sau tiết học đầu tiên, Nhạn vội vã đến chào và bắt tay tôi cười vui: Anh, thầy ơi! Quả đất cứ quay và mình có ngày gặp lại nhau. Hai năm chăm chỉ nghiên cứu học tập ở Học viện là thời gian để Nhạn chiêm nghiệm lại việc làm của một giám đốc khi vận dụng một cách sáng tạo giữa lý luận và thực tiễn ở công ty. Tôi biết Nhạn là một con người có ý chí quyết tâm, có phương pháp lãnh đạo và phẩm chất đạo đức tốt cho nên ở đâu cũng vậy, Nhạn là niềm tin yêu của anh em bạn bè đồng nghiệp. Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi về trình độ cử nhân chính trị trên tay, chắc Nhạn cũng thấy lòng mình phấn khởi. Sau này, khi chia tách tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Nhạn lần lượt giữ các chức vụ Quyền Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Mở Chu Lai, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, được nhân dân tín nhiệm bầu vào Đại biểu Quốc hội khóa XI, rồi chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Những bước đi và sự phấn đấu không ngừng của Nhạn - người con của vùng cát Thăng Bình, Quảng Nam luôn để lại hình ảnh đẹp.

       Những năm tháng phấn đấu trưởng thành đã cho Nhạn một cái nhìn về chiều dài lịch sử đất nước và cũng để lại biết bao cảm xúc về cuộc chiến đấu không cân sức của thời chiến tranh, giữa một bên là quần chúng nhân dân ở một vùng quê nghèo khó mà phải kiên cường bám trụ, chiến đấu, hy sinh để giữ đất giữ làng, với một bên là kẻ thù Mỹ - ngụy có thừa lính tráng, súng đạn, máy bay trên không, xe tăng dưới mặt đất, vũ khí không thiếu một thứ gì. Chắc chắn Nhạn rất tự hào về truyền thống của vùng đất Địa linh nhân kiệt, Ngũ phụng tề phi đã có từ đời tiên tổ. Nhạn cũng đau xé lòng khi nhớ lại bọn đế quốc xâm lược đã đàn áp, tàn sát một cách đẫm máu những người dân vô tội ở chợ Được, Vĩnh Trinh và nhiều nơi khác trên quê hương mình. Thật vậy, có nỗi đau nào lớn hơn khi mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Mẹ Ung Thị Du ở Cao Ngạn - Bình Phú, mẹ Vương Thị Cận (mẹ của Nhạn) ở Bình Dương và nhiều bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã tiễn chồng con ra trận mà không đón được chồng con trở về sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Bây giờ khi ở tuổi bảy mươi, có thời gian để suy ngẫm, thì “Vườn Mẹ” như một điểm sáng bật lên để Nhạn và các cộng sự của mình hình thành, thực hiện nêu lên ý tưởng không gian “Vườn Mẹ”, mong ước cháy bỏng để vườn mẹ trở thành hiện thực. Tôi nghĩ đây là phẩm chất cao đẹp ở con người Nhạn rất đáng trân trọng, đã ghi dấu ấn cho cả xưa và nay, có cả truyền thống và hiện đại của xã Bình Dương. Với quy mô ban đầu của 18 hạng mục như ý tưởng phát triển mà Nhạn đã đưa ra, chắc chắn sẽ đạt được mục đích mà mọi người đã ấp ủ từ lâu.

Chúng ta cũng vui mừng “Vườn Mẹ” đã được Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm và Chủ Tịch nước đã gửi thư ủng hộ ý tưởng không gian “Vườn Mẹ” của kỹ sư Phan Đức Nhạn tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam xem xét… Tôi nghĩ, chắc chắn  nó sẽ trở thành hiện thực sinh động trong thời gian sớm nhất. Bởi vì ý tưởng nung nấu ấy mang tính đại diện của bao lớp người khi động tới cái tên “Vườn Mẹ” tưởng như chạm tới trái tim mình, đặc biệt những người con từng xa mẹ để tham gia, phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp này như chúng tôi, như Phan Đức Nhạn. Con người được sinh ra lớn lên và trưởng thành đều có cội nguồn, gốc rễ nơi mảnh quê hương, môi trường sống ấy như một nhà thơ đã viết Mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ.

       Với cách nhìn của một người con đất Quảng, một người đã có mặt và tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hơn nữa còn là một thầy giáo của nhiều lớp nhiều thế hệ học viên ở khu vực miền Trung - Tây nguyên, trong đó có Phan Đức Nhạn, tôi rất ngưỡng mộ và tin tưởng “Vườn Mẹ” sẽ là sợi chỉ đỏ, là địa chỉ - là điểm hẹn - điểm đến của mọi du khách gần xa; là nơi hội tụ, giao lưu, sẻ chia về những giá trị truyền thống, những điều hay, ý đẹp của các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế ...

 

 Đà Nẵng - 9.2021

Nguyễn Thượng Hiền

(Nguyên Phó Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương III)