Xây dựng kho dữ liệu mở di sản nghe nhìn: Khó nhưng cần làm vì thế hệ mai sau
Những thước phim quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
“Kho báu” phim - di sản văn hóa quý giá cần lưu giữ
Những thước phim sống động sẽ giúp giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch nước nhà; đồng thời giúp thế hệ hôm nay và mai sau thêm hiểu, tự hào về truyền thống dân tộc, khơi dậy khát vọng, truyền cảm hứng vươn lên trong mỗi người Việt Nam. Phim, tư liệu hình ảnh động là những di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn. Việc chuyển đổi phim, hình ảnh động sang dữ liệu số một cách nguyên vẹn, nhanh chóng là xu hướng tất yếu, giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu khai thác, thưởng thức của công chúng hiện nay.
Lưu trữ điện ảnh là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước. Hiện tại, với số lượng hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim đã và đang xuống cấp, hư hại theo thời gian. Theo đó, sẽ vô cùng tốn kém để thực hiện việc tu sửa, phục hồi, chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số rồi lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số phù hợp. Dù vậy, đây lại là lựa chọn duy nhất thời điểm này để bảo tồn, lưu trữ các kho phim điện ảnh - di sản văn hoá vô giá của nước nhà.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ tại buổi Hội thảo Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do Viện Phim Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã chia sẻ, Việt Nam đang sở hữu và mỗi ngày được làm dày dặn thêm khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ. Nhưng cùng với đó, sự “lão hóa” của những cuốn phim vật lý là không thể chống lại. Phim nhựa 35mm chính là định dạng rực rỡ nhất nhưng cũng mong manh nhất. Phim đang “chết” đi và “chết” nhanh hơn chúng ta tưởng. Một cái chết vật lý của những cuốn phim chắc chắn sẽ kéo theo những cái chết - sự biến mất của tinh thần và trí tuệ con người.
Nhìn nhận về khó khăn trong hoạt động lưu trữ, bảo quản phim ở Viện Phim Việt Nam, đại diện Viện Phim Việt Nam cho hay, một trong những vấn đề là trang thiết bị, máy móc dùng cho tu sửa, phục hồi phim nhựa còn bị hạn chế; bên cạnh đó, nhân lực làm công việc phục chế với phim nhựa phải có tay nghề tốt và phải được đào tạo thường xuyên qua các trường dạy nghề, lớp chuyên ngành. Viện đang thực hiện in chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4K, trong đó có nhiều phim mang giá trị lịch sử, văn hóa. Song, số lượng phim nhựa xuống cấp còn nhiều, trong khi trang thiết bị, máy đọc, tu sửa, phục hồi đang dần hạn chế vì các hãng ngừng sản xuất; thiết bị chuyển đổi số còn chưa đủ đáp ứng…, nên khó bảo quản phim nguyên vẹn.
Bà Nguyễn Hương Giang (Bảo tàng Hồ Chí Minh), kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện nay Bảo tàng đang lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị nhưng việc bảo quản không hề đơn giản. Bên cạnh việc lưu trữ theo phương pháp truyền thống, Bảo tàng tiến hành số hóa phim âm bản, tức là chuyển các thông tin hình ảnh từ hình thức lưu trữ thông thường trước đây sang dạng ứng dụng số - các tệp tin dưới dạng số hóa. Nhờ có giải pháp số hóa, thông tin hình ảnh của khối lượng lớn phim âm bản có thể được lưu trữ trong những bộ nhớ với kích thước nhỏ, thuận tiện cho việc khai thác mà không làm ảnh hưởng đến phim gốc.
Năm 1997, tài liệu phim điện ảnh của Điện ảnh Quân đội nhân dân mới chính thức được đưa vào bảo quản trong hệ thống kho lạnh. Tuy nhiên, điều kiện nhiệt độ, độ ẩm chưa đạt chuẩn. Vì vậy, nhiều tài liệu phim đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sử dụng. Điện ảnh Quân đội nhân dân vừa là đơn vị làm phim, vừa là nơi lưu trữ lớn nhất trong toàn quân nên việc lưu trữ, bảo quản phim nhựa vẫn được đặt lên hàng đầu do tuổi thọ lưu trữ của phim được lâu dài, có thể hàng trăm năm nếu điều kiện bảo quản tốt. Trong thời gian tới, Điện ảnh Quân đội nhân dân sẽ từng bước số hóa toàn bộ số lượng phim hiện có để lưu trữ và khai thác. Với phim nhựa vẫn bảo quản, lưu trữ và phục hồi theo cách truyền thống là tái bản lại những bản phim bị xuống cấp.
Viện lưu trữ nghe nhìn ở các nước đang phát triển rơi vào tình thế khó khăn khi những khoản đầu tư rất lớn vào trang thiết bị sớm trở nên lỗi thời và luôn có xu thế bị tụt hậu về mặt công nghệ. Với những đơn vị có ngân sách eo hẹp như Viện Phim Việt Nam và các đơn vị khác thì những khó khăn, thách thức đó là không thể tránh khỏi.
Băn khoăn nạn xâm hại tác quyền trên mạng
Tuy nhiên, khi phim tài liệu được số hoá và xã hội hoá để phục vụ quần chúng nhiều người lo ngại về vấn đề bảo vệ bản quyền phim trên mạng. Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo tình trạng xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan đối với xuất bản phẩm in, xuất bản phẩm điện tử trên website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động, gọi chung là trên không gian mạng, có chiều hướng gia tăng. Do vậy, các cơ quan chức năng đang khuyến khích các doanh nghiệp phát hành cung cấp thông tin bị xâm hại quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tình trạng xâm hại bản quyền phim ảnh trên không gian mạng vốn phổ biến trong nhiều năm nay. Đơn cử, trong năm 2020, nhiều trang web xem phim lậu đã bị chặn, nhưng lập tức xuất hiện nhiều trang mới để tiếp tục hoạt động khiến nhiều nhà phát hành bất bình. Còn vào khoảng cuối năm 2020, dư luận xôn xao tranh cãi xung quanh việc một số bộ phim Việt Nam trên nền tảng chiếu phim có thu phí của nước ngoài nhưng không tuân thủ pháp luật về bản quyền tại Việt Nam.
Thực trạng nhức nhối đã cho thấy các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật bản quyền cho phim ảnh số tại nước ta. Bên cạnh nhiều cơ quan, cán bộ quản lý vẫn mơ hồ về pháp luật bản quyền, nhiều đơn vị quản lý, sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam cũng thường làm việc cảm tính, tuỳ tiện, dẫn đến việc bản quyền phim bị “rải rác” ở nhiều nơi. Mặt khác, cũng cần làm rõ đối với những phim có quá nhiều nguồn cung cấp, thì quy định như thế nào về việc đơn vị nào được cung cấp trên nền tảng mạng, đơn vị nào được quyền phân phối có tính thương mại, đơn vị nào chỉ chiếu phim phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa.
Số hoá phim ảnh, đặc biệt là những phim tài liệu quý giá của nước nhà, là xu hướng tất yếu, nhiệm vụ cần thực hiện kịp thời để bảo tồn những di sản điện ảnh, gìn giữ cho các thế hệ sau này. Bên cạnh đó, để đảm bảo nội dung được lan truyền sẽ không gây tác động tiêu cực, vi phạm quy định pháp luật, tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phim, cần sớm có quy định, chế tài để đưa hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên không gian mạng vào khuôn khổ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường xác định vai trò, nhiệm vụ trong quản lý điện ảnh để từ đó góp phần xây dựng thành công nền tảng số với hệ thống phim đồ sộ, trong đó có mảng phim chiếu miễn phí và thu phí.
Tất cả các thước phim tư liệu phản ánh các thời kỳ cũng như sự phát triển của dân tộc là “kho báu” lịch sử cần phải được bảo tồn. Hy vọng với những bước tiến trong công nghệ tu sửa phục hồi hình ảnh động bằng kỹ thuật số, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành công cuộc số hóa và phục hồi các kho phim điện ảnh - di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, công tác gìn giữ, bảo quản, số hóa khối lượng di sản điện ảnh khổng lồ của nước nhà cần sự chung tay của cộng đồng.
Bộ VH-TT&DL đã và đang hợp tác với các thành viên Hiệp hội các Viện Lưu trữ nghe nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương để trao đổi chuyên môn, tìm ra giải pháp lưu trữ, bảo quản, phát huy hình ảnh động trong thời đại số; đồng thời đầu tư công nghệ, liên kết với các đơn vị, tổ chức cùng bồi đắp, phát huy giá trị của di sản văn hóa hình ảnh động bền vững, phục vụ công cuộc phát triển đất nước, phát triển điện ảnh.
(baophapluat.vn)