Đổi mới đào tạo để có đội ngũ kế cận

21.10.2020
Quỳnh Hoa
Trước sức ép của nhiều loại hình nghe, nhìn, thị phần của Múa đang ngày càng bị thu hẹp, thậm chí trong một chừng mực nhất định, còn trở thành những màn múa minh họa trong các chương trình ca nhạc, nghệ thuật tạp kỹ khác.

Đổi mới đào tạo để có đội ngũ kế cận

Định vị ngôn ngữ "chuẩn" của múa 

Tháng 3/2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã lên kế hoạch tổ chức cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc - 2020 tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Cuộc thi được chia thành 4 bảng. Trong đó, bảng A - ballet cổ điển và ballet hiện đại; bảng B - đương đại; bảng C - dân gian dân tộc, dân tộc hiện đại và truyền thống; bảng D - phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ có tính chất đường phố như hiphop, popping, breakdance, locking… dành cho các diễn viên múa đang công tác tại đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập; học sinh, sinh viên đang theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật trên toàn quốc; thí sinh tự do từ 16 tuổi trở lên có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

Theo lịch trình, tháng 10 chính là thời điểm tổ chức cuộc thi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã phải chậm lại.Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Múa Việt Nam vẫn tìm được hướng đi riêng trước sức ép của nhiều loại hình nghe, nhìn đương đại.

Tuy nhiên, trên thực tế, trước sức ép của nhiều loại hình nghe, nhìn, thị phần của Múa đang ngày càng bị thu hẹp, thậm chí trong một chừng mực nhất định, còn trở thành những màn múa minh họa trong các chương trình ca nhạc, nghệ thuật tạp kỹ khác. Không ít người đã tỏ ra tiếc nuối cho một thời vàng son của Múa, với những vở kinh điển (dù chỉ là trích đoạn) như Hồ Thiên Nga, Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, từng gây tiếng vang cách đây 45 năm (1975), trước nguy cơ chìm vào dĩ vãng. Thế rồi, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nhấn mạnh nhiệm vụ khơi lại cội nguồn gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hiện đại hóa đất nước đã thổi luồng gió mới cho nghệ thuật Múa. Múa được hồi sinh và phát triển với những gì được cho là tinh túy nhất của ngôn ngữ hình thể. Đặc biệt, thoát khỏi thân phận Múa minh họa để trở thành những vở diễn độc lập, chiếm sóng truyền hình và xuất hiện tại nhiều rạp hát trong nước và thế giới.

Xốc lại đội nhình, tạo nguồn kế cận 

Cuối tháng 9/2020, Đại hội Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã diễn ra với sự tham dự của gần 500 đại biểu, đại diện cho hội viên Hội nghệ sĩ Múa cả nước. Đại Hội khẳng định, những thế hệ nghệ sĩ đi trước của Hội đều là những tấm gương sáng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà... Không lý do gì thế hệ ngày nay không làm được điều tương tự.

Với một bề dầy kinh nghiệm cũng như sự nỗ lực đòi hỏi không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ múa, chúng ta có quyền nghĩ đến những sản phẩm đã và đang đào tạo trong các lò nghệ thuật Múa của Hội, càng tin tưởng vào tương lai Múa Việt Nam sẽ có tác phẩm đỉnh cao. Chính vì vậy, việc chuẩn bị đội ngũ kế cận được coi là nhiệm vụ hàng đầu của tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Múa. Nhưng, với đặc thù của Múa để truyền đạt lại những kỹ năng, kỹ xảo hay nói đúng hơn là những “tuyệt kỹ” trong múa hết sức khó khăn. Do đó, Cục nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sĩ Múa đã tổ chức các lớp tập huấn cho chính giáo viên, nghệ sĩ hiện đang công tác tại các cơ sở đào tạo, để họ vững vàng chuyên môn và có thể đem hết nhiệt huyết truyền dạy cho học viên của mình. Gần đây nhất là năm 2018, 18 hội viên – giáo viên của 8 trường VHNT trên cả nước tham dự tại Quảng Ninh. Tại đây, những phương pháp về giảng dạy Múa đương đại đã được truyền thụ một cách khoa học để các giảng viên có thể lĩnh hội và truyền đạt đến học viên tại các cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, đây vốn chỉ là những kiến thức nền, còn thực tế, để trở thành nghệ sĩ múa, và để có được tác phẩm đỉnh cao thì cần thêm nhiều yếu tố. NSND Hà Thế Dũng, giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chia sẻ: Đào tạo tài năng buộc phải theo “thời vụ” từng mùa và yếu tố tiên quyết là phải đạt chuẩn nghệ thuật. Để có thể đào tạo thế hệ nghệ sĩ múa tài năng kế cận, rất cần đào tạo tại các sân khấu múa chứ giảng đường không thì không đủ. Cần nhiều hoạt động giao lưu, đưa nghệ sĩ Việt ra nước ngoài và đưa nghệ sĩ từ nước ngoài về Việt Nam giao lưu. Nhưng các hoạt động của sân khấu múa chuyên nghiệp hiện tại còn quá hạn chế.

Để có được một kết quả viên mãn trong nhiệm kỳ VII, có lẽ nhiệm vụ trong tâm của nhiệm kỳ chính là làm thế nào để tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo của Hội, đào tạo múa Việt Nam nói chung đang đứng trước những khó khăn, thách thức của thời kỳ hội nhập. Có thể các giáo trình tới đây sẽ được số hóa, và được giảng dạy trên nền tảng trực tuyến để mở rộng biên độ Múa. Song những giá trị của múa truyền thống vẫn cần được coi trọng, bởi đây chính là nền tảng để múa nghệ thuật đương đại thăng hoa.

(baovannghe.com.vn)