Viết chậm
Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn
Nhưng có thể Milan Kundera đã lo lắng quá hoặc nhận thấy điều ấy khi còn sung sức và chính ông cũng là người viết nhiều. Đến một thời điểm nào đấy người ta không viết nhanh được nữa, không có nhu cầu viết hoặc không muốn viết.
Người viết nhanh rất nhiều, người viết chậm cũng không ít. Phần đông những người viết chậm là do tính cầu toàn cẩn thận, mỗi ngày có khi chỉ nhích được đôi ba dòng, thậm chí vài chữ, cả năm mới viết được một hai cái truyện ngắn và rất nhiều năm mới có một cuốn tiểu thuyết. Gần đây khi đọc lại Kim Lân tôi phát hiện ra ông viết rất ít, trong tuyển tập gần như toàn vẹn của ông đếm được chưa đến hai chục truyện ngắn, ông dừng bút từ rất sớm. Và một người nổi danh khác như Nguyễn Huy Thiệp, cả đời văn cũng chỉ có trên dưới năm mươi truyện ngắn.
Viết chậm, nếu tính theo hiệu suất thì thiệt thòi so với người viết nhanh. Sự nghiệp của người viết mau, năng suất cao có thể là hàng chục cuốn tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn và rất nhiều thể loại khác; còn người viết chậm đôi khi chỉ vẻn vẹn đôi ba cuốn tiểu thuyết, vài chục truyện ngắn, các thể loại khác cũng không nhiều.
Viết chậm ấy là viết theo tạng của mình, câu chữ không tuôn ra ầm ầm được. Mỗi từ mỗi câu là nắn nót suy nghĩ hoặc chủ trương không viết nhiều. Ít mà tinh còn hơn nhiều mà ẩu vội, ấy cũng là điều đáng trân trọng. Nhiều người khi cảm thấy không còn viết hay được như trước nữa thì dừng lại, như trường hợp Kim Lân, đấy cũng là cách tôn trọng mình và độc giả. Nhưng có sự chậm là do sức ỳ, ngại hoặc nguồn lực sáng tạo không dồi dào. Lại có một kiểu khác là do sức khoẻ yếu hoặc thiếu những động cơ đủ mạnh để viết.
Như chính Milan Kundera, tuổi trẻ ông viết rất nhiều và nhanh, càng có tuổi, ông càng viết ít và mỏng hơn. Ta thường thấy các nhà văn viết ào ạt lúc thanh niên rồi quá trình viết cứ chậm dần lại. Rõ ràng không phải khi nào người ta cũng duy trì được năng suất cao. Sức lực, các nguồn lực hỗ trợ đều cạn kiệt thì muốn viết nhanh nữa cũng không được. Bản thân tôi, sự lo lắng viết nhanh mấy năm trước cũng không còn nữa, tôi đã viết chậm đi rất nhiều dù ý thức vẫn mong muốn duy trì năng suất cao nhưng không được.
Ta sẽ bàn về quá trình viết chậm dần. Chẳng phải càng viết, người ta càng có kinh nghiệm và kĩ thuật nhuần nhuyễn hơn ư? Nhưng kinh nghiệm và kĩ thuật chỉ là những thành tố đóng góp cho sự viết, nó không phải là tất cả. Khi bắt đầu vào nghề hoặc lúc tuổi trẻ, năng lực sáng tạo rất mạnh, người ta đọc nhanh, nghĩ nhanh và viết cũng nhanh; cả một thế giới rộng lớn để khai thác, viết gì cũng được, viết gì cũng xong. Rồi khi đã khai thác gần như cạn kiệt các chủ đề ưa thích, vốn sống đã được sử dụng tối đa, trí não còn lại lúc ấy đôi khi là những khoảng trống, không thể lặp lại những điều mình đã viết, lặp lại những thứ đã có hoặc cái mới chưa kịp bồi đắp, tích tụ, lúc này kinh nghiệm và kĩ thuật cũng không còn giúp được nhiều nữa, ngừng viết hay viết chậm là điều đương nhiên.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự thỏa mãn cũng ảnh hưởng đến tốc độ. Khi đạt được những thành tựu nhất định, đôi khi đơn giản là in vài cuốn sách, vài giải thưởng ghi nhận, động lực cho sự sáng tạo cũng không còn nhiều. Người ta rất khó làm một việc với năng suất, chất lượng cao khi mục đích không rõ ràng hoặc thiếu một lực hấp dẫn đủ lớn. Theo như quan sát của tôi làm biên tập ở một tạp chí văn học chuyên ngành, khi có một cuộc thi mở ra số bản thảo gửi về tăng vọt nhưng khi cuộc thi kết thúc thì sự giảm hụt tác phẩm gửi đến rất đáng kể. Những người trước đó từng rất hăng hái, tích cực cũng có cảm giác thụ động, mệt mỏi; kể cả những người đoạt giải cao cũng cần có thời gian để hồi phục năng lượng và nhiệt huyết; cá biệt có những người đoạt giải rồi sau đó gần như mất tích hoặc chất lượng tác phẩm giảm sút rõ rệt. Hiện tượng ấy cũng có thể nhìn thấy trong các hội nghề nghiệp, khi đã được công nhận là hội viên, số lượng tác phẩm của người viết cũng giảm đáng kể so với trước đó.
Sức khỏe là yếu tố quan trọng chi phối việc viết. Một người bạn của tôi bảo lúc năm mươi tuổi đang sung mãn, một ngày anh có thể viết được năm nghìn từ còn bây giờ đã bảy mươi tuổi, dù có đầy nhiệt huyết và ý tưởng thế nào, viết chưa đến ba nghìn từ là phải ngừng, vì lo sợ máu lên não không đủ, căng thẳng quá có thể gây ra đột quỵ. Sức khỏe tốt người ta có thể làm nhanh và ngược lại, bất kể công việc nào cũng thế.
Một kiểu nữa là viết chậm để nhâm nhi, chọn lựa. Lúc viết nhanh có thể do áp lực kiếm tiền, danh tiếng, còn khi đã có những điều kiện nhất định, đã thỏa mãn, người ta viết bình tĩnh và kĩ càng hơn. Nhưng cũng phải nói ngay sự bình tĩnh và kĩ càng không đồng nghĩa với việc tác phẩm sẽ hay hơn tác phẩm viết lúc vội, lúc gấp. Lịch sử văn học đã chứng minh điều này bằng nhiều ví dụ điển hình, Dostoevsky viết như điên để trả nợ đánh bạc vẫn tạo ra những kiệt tác. Vũ Trọng Phụng viết để kiếm cơm hằng ngày vẫn có những tác phẩm để đời. Và tất nhiên bá tước Lev Tolstoy bình thản viết trong một điền trang rộng lớn, trong một ngôi nhà tiện nghi có người phục vụ chu đáo, vẫn có những tác phẩm đỉnh cao. Thời tiền chiến, người viết văn đơn thuần để kiếm sống, kẻ xuất thân giàu có, viết để chơi, để khẳng định mình... đều cho ra nhiều tác phẩm hay.
Vậy nên, sự viết chậm cũng rất nhiều đường, nhiều kiểu. Người vốn đã viết chậm đôi khi cần những động cơ, áp lực để tăng năng suất. Nhìn những bạn trẻ không bận rộn, vướng mắc gì về kinh tế, công việc hoặc gia đình mà một năm chỉ viết được một hai truyện ngắn tôi thấy cũng sốt ruột. Tuổi trẻ đã chậm chạp thế thì khi có tuổi sẽ ra sao? Còn những người viết chậm vì cạn kiệt nguồn cảm hứng có lẽ cần tìm lại xúc cảm và năng lượng, bồi đắp thêm những nguồn tài nguyên và động lực mới. Một nhà văn bảo tôi rằng, trước khi viết một cuốn tiểu thuyết mới, anh thường đọc năm, sáu cuốn sách để có thêm nhiệt huyết và ý tưởng. Sự đọc này - phương pháp kinh điển để gia tăng chiều kích tư duy, là một nguồn tài nguyên quan trọng, đa dạng, gần như vô tận để kích thích sự sáng tạo - là lựa chọn của nhiều người viết. Bởi không thường xuyên làm giàu cảm xúc và ý tưởng, các nguồn lực sẽ cạn rất nhanh, thậm chí là rất sớm và ai cũng biết rằng muốn viết thì cần có thứ để bày ra trên trang giấy.
Còn viết chậm do điều chỉnh tốc độ thì không đáng ngại lắm, người ta lúc nhanh, lúc chậm thì cuộc sống mới điều hoà được. Nhà văn Tô Hải Vân đã có lần khuyên tôi rằng hãy ngừng viết mười năm rồi hãy viết tiếp, khi ấy biết đâu nó rất khác. Chính anh từng dừng lại lâu hơn như vậy và đã thành công.
Vậy nên, viết chậm cũng không phải là việc quá đáng lo.
(VNQĐ)