Văn học Đà Nẵng 15 năm nhìn lại
Văn học Đà Nẵng đến nay, vẫn là sự tiếp nối dòng văn học của vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là văn học cách mạng hình thành và phát triển sau những năm 1975. Gần nhất, 15 năm qua, nhìn lại những chặng đường phát triển văn học thành phố, với ý nghĩa tự do sáng tạo mang đậm tinh thần “chủ nghĩa yêu nứớc và nhân văn, gắn bó với dân tộc”, đồng thời góp phần tôn vinh văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng, Hội Nhà văn đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phong phú, đem đến nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, Hội đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, nói chuyện về văn học đáng nhớ như : hội thảo “Văn học Đà Nẵng 1997-2007”, “Thơ Đà Nẵng 1975-2013 xu hướng và triển vọng”, Hội thảo về “Chu Cẩm Phong – tác giả tác phẩm” nhân dịp nhà văn được phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT, tọa đàm giới thiệu tác phẩm của các tác giả: Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Minh Nhân, Trần Trung Sáng, Võ Kim Ngân, Lê Anh Dũng, H.Man, Nguyễn Ngọc Hạnh, Đặng Ngọc Khoa… Mở rộng mối quan hệ giao lưu với văn học quốc tế, Hội tổ chức 2 buổi tọa đàm giao lưu với đoàn nhà văn Ấn Độ, đồng thời nhận lời mời của Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ – Việt Nam, Hội Nhà văn trực tiếp tham dự Festival thơ quốc tế và Hội chợ sách quốc tế tại Kolkata (Ấn Độ). Tổ chức buổi tọa đàm về văn học Nhật Bản do GS Numano Mitsuyoshi Viện Đào tạo sau đại học, đại học Tokyo trực tiếp trao đổi về văn học Nhật và giao lưu giữa văn học Việt-Nhật trong xu hướng phát triển hiện nay… Đã triển khai xuất bản các tập sách: “Tuyển “Thơ Đà Nẵng 1997-2012”, “Gửi lòng con đến cùng Cha” (thơ viết về Bác Hồ), “Ngàn năm thương nhớ” (tập thơ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội), “Giao hưởng và đốm lửa” (thơ văn các tác giả trẻ). Như tiếng biển đêm (NXB Hội Nhà văn, 2018) – tập hợp đông đảo, đa dạng các nhà thơ nữ Đà Nẵng, đa phong cách, đa âm sắc. Biển bắt đầu từ sóng (NXB Đà Nẵng, 2020) – tập tuyển thơ của các nhà thơ trong và ngoài nước viết về Đà Nẵng và được giới thiệu trên trang thơ báo ĐNCT do nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chọn và giới thiệu. 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là một tác phẩm đặc biệt đang lập guinness thơ phổ nhạc ở VN, quy tụ nhiều nhạc sĩ trong nước, đặc biệt phần nhiều các nhạc sĩ của TP tham gia trong tuyển sách này. Trong 2 năm đại dịch Covid-19, các nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Lê Anh Dũng cũng cho ra mắt một số tác phẩm được công chúng quan tâm…
Tuy nhiên, trong 15 năm qua, nếu nhắc đến các tác phẩm tiêu biểu như những điển hình sự kiện văn học mang tầm quốc gia, không thể không nhắc trường hợp các tác phẩm sau đây:
Thế Kỷ Bị Mất (NXB Hội Nhà Văn, 2011), tác phẩm của Phạm Ngọc Cảnh Nam một thời được dư luận cả nước chú ý . Đây là cuốn tiểu thuyết gần như đầu tiên viết về phong trào Duy Tân đất Quảng. Đây là phong trào vận động cách mạng khởi phát từ Quảng Nam rồi nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh ven biển miền Trung cũng như trên phạm vi cả nước…Tất cả những sự kiện lịch sử nêu trên đều được nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam nghiền ngẫm để tìm cách ứng xử nghệ thuật tốt nhất trong Thế Kỷ Bị Mất… Đặc biệt hơn nữa, vào ngày 22-12-2020, Chi nhánh MT-TN Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập là một sự kiện văn học thu hút đông đảo giới văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học trong cả nước tham dự. Những tác phẩm về lịch sử của nhà văn Nguyễn Văn Xuân là một phần của đời sống lịch sử được trở lại, được sống lại với chúng ta trong thời đại này. Mặc dù ông đã mất nhưng những tác phẩm của ông vẫn sống như một di sản và thế hệ sau có nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản ấy.
Sau tuyển tập tác phẩm nhà văn Nguyễn văn Xuân, tháng 11/2021 Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng cho ra mắt bạn đọc bố tuyển tập Thái Bá lợi gồm 5 quyển, bao gồm các Truyện ngắn, bút ký, Tiểu thuyết quan trọng nhất của nhà văn Thái Bá Lợi. Bộ sách tuyển tập Thái Ba lợi góp phần giúp bạn đọc yêu mến nhà văn có cái nhìn hệ thống về những đóng góp của ông cho văn học Việt Nam hiện đại, nhất là dòng văn học viết về chiến tranh.
Và sự kiện mới nhất, Tác phẩm văn học đoạt giải (2001-2021) do Nhà xuất bản Đà Nẵng được ấn vào những ngày đầu xuân vừa qua là một sự kiện quan trọng, được nhiều tờ báo Trung ương và địa phương đánh giá cao. Sách do Hội đồng nghệ thuật Hội nhà văn Đà Nẵng biên soạn, gồm các tác phẩm thơ văn tiêu biểu của 44 tác giả đã nhận các giải thưởng uy tín, danh giá của trung ương và địa phương trong 20 năm qua. Trong tuyển tập này, bao gồm sự góp mặt nhiều tác giả tiêu biểu từ thế hệ kháng chiến Pháp-Mỹ như: Lưu Trùng Dương, Phạm Phát, Nguyễn văn Xuân, Đoàn Xoa, Hoàng Minh Nhân, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngân Vịnh… cho đến những gương mặt trưởng thành sau 1975 như: Lê Anh Dũng, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nho Khiêm, Nguyễn Kim Huy, Đinh thị Như Thuý, Trần Tuấn, Nguyễn thị Anh Đào… Trong đó, có cả một số tác giả đã mất, không kịp chia sẻ niềm vui ngày ra mắt sách như: Nguyễn văn Xuân, Lưu Trùng Dương, Đoàn Xoa, Phụng Lam, Hoàng Minh Nhân, Đà Linh, Đỗ Xuân Đồng, Bùi Tự Lực, Hoàng Tư Thiện
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) nhận định: “ Đọc những trang thơ văn trong tuyển tập là tôi đã đi qua một thời gian dài về những gì đã và đang diễn ra trên mảnh đất này… Mỗi bài thơ, mỗi chương tiểu thuyết, mỗi truyện ngắn, mỗi ghi chép, mỗi tản văn mà các nhà văn đã kể lại bằng sự sáng tạo khác biệt của mình đã cho người đọc thấy được một Đà Nẵng ở bên trong những ngôi nhà. Hay nói cách khác là một Đà Nẵng của những số phận người khác nhau, của những thăng trầm và những biến cố lịch sử và của thời đại. Biết bao câu chuyện và bao số phận mà nếu không có nhà văn thì người đọc không bao giờ biết được. Biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống ẩn chứa trong những chuyện thường nhật được hiển lộ bởi quyền năng của văn học. Đời sống rộng lớn và thẳm sâu như biển cả. Và tôi vẫn nghĩ các nhà văn Đà Nẵng là những con sóng bền bỉ kể về đại dương vô tận của đời sống ấy.”.
Nhìn chung, 15 năm qua, những hoạt động của văn học Đà Nẵng đã có nhiều nổ lực sự sáng tạo, đột phá, nhưng không rời xa dòng mạch “chủ nghĩa yêu nứớc và nhân văn, gắn bó với dân tộc”. Ngoài một số tác phẩm văn học của thành phố nhận được các giải thưởng cao quý, có 3 tác giả được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật: nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Thái Bá Lợi. Đặc biệt, một số tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế: tiểu thuyết “Minh Sư” của Thái Bá Lợi nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á, tập thơ “Sương đẫm lá khộp khô” của Ngân Vịnh, tiểu thuyết “Xôn Ve” của Hoàng Minh Nhân nhận tặng thưởng, giải thưởng Văn học Sông Mê Kông.
Hiện nay, trong thời kỳ mới, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cũng như mọi lĩnh vực khác, văn học, nghệ thuật đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt. Do đó, thời gian tới, người cầm bút sáng tạo cần phản ánh đúng hơn nữa những thành tựu công cuộc xây dựng đổi mới đất nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng; xứng với tiềm năng sáng tạo của giới văn nghệ sĩ ở địa phương; để góp phần xây dựng “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong tình hình thế giới diễn biến phức tạp và đầy biến động, nhằm góp phần quan trọng trong việc thể hiện tính kế thừa xây dựng lịch sử văn học không chỉ của Đà Nẵng mà của cả nền văn học Việt Nam./.
T.T.S