Đà Nẵng, năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám

03.09.2021
Bùi Văn Tiếng
Năm đầu tiên ở đây tính từ cuối tháng 8-1945, từ lúc lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên nóc Tòa Đốc lý Tourane và từ cuộc mit tinh tại sân vận động Chi Lăng sáng ngày 26-8 ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Thái Phiên đến cuối tháng 12-1946 khi “Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa/ Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh” (Tế Hanh, Trường ca Thành Thái Phiên).

Đà Nẵng, năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám

Nhân dân thành phố Đà Nẵng vui mừng khi lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Tòa Thị chính Đà Nẵng ngày 29/3/1975. Ảnh: Tư liệu.

Công vụ thứ nhất mà những người lãnh đạo thành phố phải xử lý trước khi khởi nghĩa giành chính quyền là việc trung lập hóa quân đội Nhật đang đồn trú trên địa bàn chờ giải giáp. Người có công đầu chính là Lê Văn Hiến.

Tuy nhiên, ngay sau khi giành được chính quyền, vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết là quân đội Tưởng Giới Thạch được giao giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra vừa đến Đà Nẵng vào đầu tháng 9-1945.

Sau đó, quân đội Pháp vào thay chân quân đội Tưởng Giới Thạch theo Hiệp định sơ bộ mồng 6 tháng 3 cũng có mặt tại Đà Nẵng vào đầu tháng 4-1946, gây cho chính quyền cách mạng vô vàn khó khăn về an ninh chính trị và an sinh xã hội [1].

Công vụ thứ hai là công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu của bộ máy cầm quyền đang quản lý toàn diện xã hội và theo một cung cách khác với chế độ quân chủ, từ nhân sự Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố và các khu, đặc biệt là phương án điều chỉnh nhân sự do một số cán bộ thành phố được Trung ương điều động, cho đến nhân sự phụ trách các ngành các lĩnh vực với sự tham gia của một số trí thức như Nguyễn Văn Bổng ở lĩnh vực thông tin, Tế Hanh ở lĩnh vực giáo dục, Võ Quảng ở lĩnh vực tư pháp, Bùi Công Trọng ở lĩnh vực kinh tế...

Có thể nói ngay sau khi giành được chính quyền, khá nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng được chuyển về công tác ở cấp kỳ hoặc cấp Trung ương. Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Lê Văn Hiến ra Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động ngay cuối tháng 8-1945; người kế nhiệm Lê Văn Hiến là đại biểu Quốc hội khóa I Lê Dung cũng được giao chức Ủy viên Thư ký Ủy ban Hành chính Trung Bộ vào đầu năm 1946; đại biểu Quốc hội khóa I Trần Đình Tri được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố;

Bí thư Thành ủy, đại biểu Quốc hội khóa I Huỳnh Ngọc Huệ trước khi chuyển hẳn về cấp bộ vào tháng 4-1946 đã phải kiêm nhiệm nhiều trọng trách như Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, được phân công phụ trách công vận và trực tiếp làm Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Trung Bộ…

Công vụ thứ ba là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố. Trước hết, để bảo đảm an ninh lương thực, Trưởng ty Kinh tế Bùi Công Trọng quê Nại Hiên Tây đã chỉ đạo khai thác nguồn gạo từ Phú Yên, Quảng Ngãi nhằm chủ động cung cấp cho nhân dân và bộ đội ta, cũng như cho cả lực lượng quân đội Tưởng Giới Thạch cùng với đồng tiền Quan kim mất giá đang lũng đoạn thị trường lúc bấy giờ [2].

Có vài tư liệu chưa được kiểm chứng cho rằng thời gian này Trưởng ty Thông tin Nguyễn Văn Bổng vừa làm công tác tuyên truyền vừa đứng ra thành lập và trực tiếp làm hiệu trưởng Trường Trung học công lập Thái Phiên giống như Trường Trung học công lập Phan Châu Trinh vừa được thành lập ở Hội An.

Có thể Trường Trung học công lập Thái Phiên mới chỉ dừng ở ý tưởng chứ chưa được triển khai trong thực tế, song ý tưởng này đã thể hiện một nhu cầu rất cấp thiết của người Đà Nẵng đương thời trên lĩnh vực giáo dục.

Cần nhớ rằng, mặc dù đã trở thành thành phố cấp II từ năm 1889 nhưng cho tới năm 1945, ở Tourane chỉ có trường tiểu học công lập và đến năm 1940 mới có một trường trung học mà là trường tư (Trường Trung học Chấn Thanh của Phan Bá Lân, trường duy nhất ở miền Trung tuyển sinh học trò nam và nữ học chung, đã giải thể cuối năm 1944).

Công vụ thứ tư và quan trọng nhất là tập trung bảo vệ thành quả cách mạng đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Thực tiễn ngay từ cuối tháng 8-1945 cho thấy, Đà Nẵng có nhiều khả năng trở thành tuyến đầu của cả đất Quảng trong trường hợp Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Như đã nêu trên, đến đầu quý 2-1946, cả quân đội Tưởng Giới Thạch và quân đội Pháp đều có mặt tại Đà Nẵng với danh nghĩa đại diện Đồng Minh giải giáp quân đội Nhật, gây cho chính quyền cách mạng nhiều khó khăn về an sinh xã hội và nhất là về an ninh chính trị.

Cho nên Đà Nẵng phải tính toán đến việc chuẩn bị hậu phương thông qua nhiều động thái kết nối với tỉnh Quảng Nam. Ngày 24-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 11/SL về việc tổ chức chính quyền nhân dân tại các thị xã lớn, quy định: “Khi chưa có lệnh mới thì thành phố Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế và Đà Nẵng đều tạm coi như thị xã lớn”. Điều này có nghĩa thời điểm này chính quyền nhân dân tại Đà Nẵng đang tạm thời trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Đương nhiên với tư cách một “thị xã lớn”, Đà Nẵng vẫn có vị trí nhất định trong một số lĩnh vực như tài chính hay tư pháp. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị định số 104-TP-NĐ ngày 21-3-1946 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe quy định thị xã Đà Nẵng được đặt một tòa án sơ cấp (điều 2), quản hạt tòa án sơ cấp Đà Nẵng là địa hạt thị xã Đà Nẵng và huyện Hòa Vang (điều 3) và được xếp hạng Nhất (điều 4);

Đồng thời cùng với tỉnh Quảng Nam được đặt một tòa án đệ nhị cấp (điều 7), quản hạt tòa án đệ nhị cấp Quảng Nam là tỉnh Quảng Nam trừ Đà Nẵng và Hòa Vang - hai địa phương này thuộc quản hạt tòa án đệ nhị cấp Đà Nẵng (điều 8) và tòa án đệ nhị cấp Đà Nẵng được xếp hạng Ba (điều 9).

Ngoài ra, căn cứ Nghị định số 190-TC ngày 5-2-1946 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng. Đà Nẵng vào thời điểm này tiếp tục được xem là trung tâm thu thuế trước bạ khu vực duyên hải Trung Bộ và Tây Nguyên. Càng về thời điểm cuối năm 1946, động thái kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam càng rõ nét.

Tháng 11-1946, Xứ ủy Trung Bộ quyết định hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; chỉ định Tỉnh ủy mới do Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trương Quang Giao làm Bí thư Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội khóa I Trần Tống làm Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành lập Ủy ban Kháng chiến tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do Đại biểu Quốc hội khóa I Trần Đình Tri làm Chủ tịch, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đại biểu Quốc hội khóa I Nguyễn Xuân Nhĩ được phân công làm Chính trị viên Tỉnh đội…

Bộ Chỉ huy Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng cũng sớm được thành lập, do Chỉ huy trưởng Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng Đàm Quang Trung làm Chỉ huy trưởng; Bí thư Tỉnh ủy Trương Quang Giao làm Chính ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ - Chính trị viên Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng Huỳnh Ngọc Huệ làm Phó Chính ủy… để thống nhất chỉ huy các lực lượng vũ trang trên địa bàn.

Tình hình trở nên rất căng thẳng khi Pháp đưa thêm bán lữ đoàn bộ binh lê dương số 13 và trung đoàn bộ binh lê dương số 3 cùng nhiều vũ khí, xe tăng đổ bộ lên cảng Đà Nẵng từ ngày 5-12-1946; đến ngày 12-12, Đại tá Larèque đáp máy bay đến Đà Nẵng để lập bộ chỉ huy mặt trận.

Ngay hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp và Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu phản đối việc Pháp đổ quân vào Đà Nẵng.

Ngày 16 - 12, D’Argenlieu ngang nhiên tuyên bố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp. Ngày 19-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không ! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Đáp lời kêu gọi của vị cha già dân tộc, người Đà Nẵng một lần nữa lại tiếp tục thể hiện quyết tâm bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Đúng 2 giờ sáng ngày 20-12, Tiểu đoàn 19 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng nổ súng đánh địch tại Sân bay Đà Nẵng là hiệu lệnh chiến đấu chung cho toàn Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, báo hiệu giờ phút thành Thái Phiên bắt đầu “tắm mình trong khói lửa/ đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh”…

B.V.T

[1] [2] Xem Võ Hà, Dấu ấn Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Huỳnh Ngọc Huệ, Báo Đà Nẵng điện tử ngày 2-9-2019.