Tọa đàm “Đưa tuồng xuống phố - Giải pháp tình thế hay định hướng phát triển”

17.07.2015

Tọa đàm được tổ chức vào sáng ngày 17/7/2015 tại Hội trường Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố.

Tọa đàm “Đưa tuồng xuống phố - Giải pháp tình thế hay định hướng phát triển”



Đây là sinh hoạt chuyên đề do Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố tổ chức nhân thực hiện “ Đưa tuồng xuống phố” - chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh diễn ra từ 19 giờ - 20 giờ 45 chủ nhật hằng tuần, tại phía đông cầu Rồng theo chủ trương của thành phố. 

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật thành phố - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật thuộc Liên hiệp Hội báo cáo đề dẫn và chủ trì buổi tọa đàm.

NSND Trần Đình Sanh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam- nguyên giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố bày tỏ quan điểm về nghệ thuật tuồng và xác nhận tính chất tình thế trong giải pháp đưa tuồng xuống phố. NSND Trần Đình Sanh nêu rõ đưa tuồng xuống phố trong bối cảnh hiện nay có thể chấp nhận nhưng vấn đề căn bản và cốt tử là phải đưa tuồng trở về với nhà hát, phải thu hút khán giả đến với nhà hát để thưởng thức tuồng, một loại hình nghệ thuật hàn lâm. Thành phố cần có chính sách đãi ngộ đối với diễn viên và đầu tư xây dựng tiết mục, vở diễn, quảng bá vở diễn, đảm bảo diễn viên có thể sống được bằng nghề thì mới có thể bảo tồn và phát triển tuồng.
 

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến trao đổi về “Đưa tuồng xuống phố” được phát biểu sôi nổi: trước mắt cần chú trọng quảng bá và thu hút người xem, không nên quá xem nặng về nghệ thuật; cố gắng vận dụng hình thức biểu diễn phù hợp nhằm nối lại sự gián đoạn giữa công chúng với tuồng; cùng với việc “Đưa tuồng xuống phố” cần tiếp tục đưa tuồng vào học đường; chú trọng chất dân gian, giảm chất hàn lâm trong tuồng để gần gũi với người xem; chú ý phần âm nhạc để du khách nước ngoài có thể cảm nhận được nội dung diễn; duy trì thường xuyên về thời gian và địa điểm diễn để khán giả tiện theo dõi; phải nhận thức ở nhà hát thì diễn vở tuồng còn ở đường phố thì diễn trích đoạn và đảm bảo đúng bản sắc của tuồng; thường xuyên đổi  mới về nội dung, chương trình để tránh nhàm chán đối với khán giả…

 

NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh thành phố

 

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố

 

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố

 

Nhà nghiên cứu Trần Hồng

 

NSƯT Phạm Thanh Tỵ

 

Nhạc sĩ Trương Đình Quang

 

Tọa đàm diễn ra trong không khí cới mở, chân tình, thẳng thắn và xây dựng với mục đích làm thế nào để nghệ thuật tuồng được bảo tồn và phát triển đúng hướng, phấn đấu để nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Đinh Trang