Thúc bách tạo dựng dòng ảnh chủ đạo cho nền nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà
Nhiếp ảnh Việt Nam đang đứng ở vị trí nào và sẽ đến đâu?
Xét về bản chất, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh của Hội NSNA Việt Nam hôm nay (và ở thì tương lai) được hội tụ nhờ kết quả của những cuộc thi ảnh. Vậy nếu bảo rằng nhân tố con người là quan trong nhất của một hoạt động phong trào, thì ở đây nó đã lệ thuộc vào chất lượng các cuộc thi. Nói cụ thể hơn, là lệ thuộc vào chất lượng ở công tác thẩm định tác phẩm nhiếp ảnh.
Thực tế cũng đã chỉ ra và có thể dễ dàng kiểm chứng, trong từng giai đoạn phát triển của Hội NSNA Việt Nam, sự ổn định của phong trào, sự đoàn kết trong đội ngũ phụ thuộc rất lớn vào công tác cầm cân nảy mực của Hội đồng nghệ thuật và các ban giám khảo.
Nhằm nâng cao chất lượng các cuộc thi, Ban sáng tác triển lãm, Hội đồng nghệ thuật và các ban chuyên môn phải có cùng trách nhiệm để phối hợp hoạt động. Giảm thiểu các chuyện “đã rồi”, hướng đến những mục đích cao cả là đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân, lại tôn vinh đúng mực tài năng và sự đóng góp công sức của người nghệ sĩ. Sẽ làm gì, để ít đi những ồn ào làm thuyên giảm uy tín của Hội? Thực tế chỉ khi có được môi trường lành mạnh và trong sáng, có sự công bằng bình đẳng trong thi cử, thì mới hòng khai phóng cho sự phát triển của mỗi cá nhân, đội ngũ từ đó sẽ có sự kế tục trưởng thành một cách căn cốt và vững chãi.
Một số tổ chức khảo sát quốc tế thường hay đưa ra những thông số thống kê, ví dụ: hệ thống giáo dục của các quốc gia, chỉ số thu nhập tính theo bình quân đầu người, thứ hạng trong môn bóng đá... Trong nhiếp ảnh, ta chưa thấy có tổ chức nào xếp thứ bậc, nên ai đó đã mạnh dạn tuyên bố rằng: “Việt Nam là một cường quốc nhiếp ảnh.” Vậy tại sao ở Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam năm 2021, nhằm nâng cao uy tín cho cuộc thi ảnh, Ban tổ chức phải cần đến sự bảo trợ của một số tổ chức nhiếp ảnh tại các quốc gia khác?
Để xác định một hướng đi, nhiếp ảnh Việt Nam không thể liên tục thay đổi gu thẩm mĩ và quan niệm về nhiếp ảnh như các lớp sóng triều rộ lên ở khắp nơi trên thế giới. Càng không thể lấy hình mẫu từ một quốc gia khác để áp vào cho nền nhiếp ảnh nghệ thuật nước nhà. Chúng ta phải chọn ra được một dòng ảnh cụ thể để làm rường cột phù hợp với truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đồng thời tạo cho các thể loại nhiếp ảnh có một chỗ đứng, khuyến khích sự quan tâm của giới chuyên môn tới dòng ảnh khổ lớn hiện vẫn còn đang rất xa lạ với đại đa số các nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Việt Nam và ưu tiên để các trường phái nhiếp ảnh được bung nở.
Vai trò chỉ đạo của ban tổ chức trong các cuộc thi
Trong mỗi cuộc thi đều có một ban tổ chức, thậm chí còn có cả ban chỉ đạo ở bên trên và đều thống nhất để đưa ra một bản quy chế ràng buộc nghĩa vụ có tính pháp lí, tưởng rằng đã rất chặt chẽ cho các bên. Nhưng tại sao kết quả cuối cùng vẫn lại thường gây bất ngờ? Ví dụ, gần đây trong Liên hoan ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Hồng năm 2021, đề tài cuộc liên hoan ghi rõ: “Tác phẩm dự liên hoan là các tác phẩm thuộc thể loại nhiếp ảnh: phong cảnh, văn hóa, di sản vật thể, phi vật thể... phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Phản ánh vẻ đẹp các làng nghề, danh lam thắng cảnh, những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khuyến khích các tác phẩm mang nội dung giới thiệu di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các loại hình âm nhạc, ca múa, lễ hội, trò chơi dân gian, văn hóa đồng bào các dân tộc trong khu vực.” Với một đề tài như thế, lẽ ra Ban tổ chức phải chọn một ban giám khảo không những có chuyên môn nghiệp vụ cao, còn phải nắm chắc những tình tiết đặc thù của quá trình phát triển đội ngũ nhiếp ảnh trong khu vực và mấu chốt là phải có hiểu biết về văn hoá của vùng miền. Nhưng hình như, những vấn đề trên chưa được lãnh đạo cân nhắc tới. Thế nên, khi nhận được thông báo về kết quả cuối cùng, nhiều người tham gia trong khu vực thấy bức xúc và cũng đã gây bất ngờ cho những người quan tâm đến cuộc liên hoan đó. Có thể nói Ban giám khảo đã làm ngơ nội dung của thể lệ, khi trao những giải cao nhất lạc sang đề tài công nghiệp, như cố tình quảng bá cho ngành đóng tàu và ngành than. Hoặc chuyện ở một cuộc thi khác có hạng mục “tự do” nhưng tác phẩm được chọn lại chỉ như chú trọng vào một vài dòng ảnh nào đó, bỏ rơi hàng loạt thể tài khác. Vậy là “tự do” ở đây đã không có “trăm hoa đua nở”… Khó có thể kết luận nguyên nhân từ đâu. Nhưng không thể khẳng định rằng ban tổ chức các cuộc thi hoặc liên hoan trên kia là đủ mạnh. Nếu chỉ cố gắng kiểm soát người gửi ảnh tham gia, rồi lại buông lỏng giám sát người thẩm định, thì sẽ gây rối cho hoạt động phong trào, khó lòng mà giữ được đoàn kết, di chứng sẽ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực cho thế hệ nhiếp ảnh ở thì tương lai, khiến hội viên cứ thấy mông lung vời vợi xa với tôn chỉ “xây dựng nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Mong muốn của một người tham gia gửi ảnh dự thi hiện nay là gửi tác phẩm mình tâm đắc cho một ban tổ chức mạnh, có uy tín. Ban tổ chức đó khiến người gửi ảnh vị nể và trao cùng với tác phẩm là niềm an tâm, tin tưởng tuyệt đối. Muốn vậy thì các ban tổ chức không nên tự đặt mình vào kép phụ, khi phó thác quá nhiều quyền lực cho các ban giám khảo. Mỗi ban tổ chức cần phải tự trang bị một tư duy phản biện khoa học, có đủ sức kiểm soát cao độ, buộc người gửi ảnh và người thẩm định phải tuyệt đối tuân thủ những điều khoản trong thể lệ mà các ban tổ chức đã ban hành.
Đặt ra tiêu chí thẩm định ảnh để tránh hiện tượng “cán bộ nào, phong trào ấy”
Tại các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, một ông giám đốc mê cầu lông là sẽ có hàng loạt sân cầu lông được xây dựng phục vụ công nhân viên chức. Tương tự doanh nghiệp kia, ông giám đốc thích chơi bóng bàn là sẽ có hàng chục phòng dành riêng để kê những bàn bóng cho nhân viên giải trí mỗi khi rỗi việc…
Ở những cuộc thi ảnh của Việt Nam, khi xem danh sách ban giám khảo, người xem có thể non già đoán được mảng ảnh nào sẽ nổi trội lọt vào chọn treo và xếp giải. Chỉ đơn giản, người ta đã dựa vào cái gu mà ông trưởng ban giám khảo yêu thích... Điều đó nhiều người thấy, mà đành phải chấp nhận nín nhịn - chả khác gì bà mẹ chồng biết anh con trai rước một cô gái có cá tính về làm vợ và để cho yên ấm gia đình thì bà luôn nhắc cả nhà phải đổi nết cho giống cô con dâu. Chuyện “nhập gia tùy tục” theo truyền thống gia phong áp cho một cô dâu “bơ vơ mới về” đã biến dạng!
Những năm tám mươi của thế kỉ trước, các nghệ sĩ đi chấm ảnh luôn nhắc nhau những tiêu chí căn bản để định giá một tác phẩm nhiếp ảnh: 1/ bố cục độc đáo, 2/ ánh sáng li kì, 3/ thời cơ không lặp lại. Tiêu chí sáng tạo luôn khẳng định vai trò của người nghệ sĩ... Phòng ảnh phong phú đề tài, cho thấy sự cân đối của một phong trào nhiếp ảnh mạnh. Phàm những bức ảnh có thể chụp lại được, hoặc có nét (dù nhỏ thôi) tương tự với một tác phẩm đã xuất hiện ở đâu đó, vì thiếu ảnh thì có thể châm chước được chọn vào treo. Nhưng nếu trao giải cho bức ảnh ấy, thì như đã ngầm cổ vũ cho nạn rập khuôn, đạo nhái nở rộ.
Ban chấp hành và Hội đồng nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam phải làm sao xây dựng một quy chế rành mạch cho quy trình chấm chọn ảnh ở các cuộc thi, buộc người chấm phải tuân thủ những điều khoản có tính nguyên tắc... Khi nhận kết quả chấm chọn sơ bộ, ban giám khảo phải có cuộc họp kín với ban tổ chức. Sau khi được kiểm tra, đôi bên chất vấn và trả lời chất vấn mọi vấn đề một cách thông tỏ, rành mạch và thấy mọi vấn đề đã được kín kẽ, thì ban tổ chức mới công nhận kết quả chấm chọn của hội đồng giám khảo. Kết quả đã được thông báo ra công khai là có gắn trách nhiệm của cả ban giám khảo và ban tổ chức. Tuyệt đối không tái sử dụng một vị giám khảo cố bảo vệ cho một bức ảnh, mà anh ta sau đó chỉ trả lời với công luận rằng “tôi thích”, nhưng lại không đủ lí lẽ để bênh vực cho cái “thích” của mình. Nó sẽ làm rối loạn dư luận. Điều tệ hại hơn là sẽ đẩy tác giả vào thế bị tổn thương, khi phải bơ vơ một mình đối đầu với những ý kiến khen - chê của cả xã hội.
Sau mỗi cuộc thi, liên hoan…, ban tổ chức cần mở ra các cuộc hội thảo, hay một mục trên tạp chí điện tử, để tạo điều kiện cho người dự thi, các thành viên ban giám khảo và người xem tham gia tranh luận công khai một cách bài bản, khoa học và văn hoá. Nếu quá trình còn tồn đọng những vấn đề khách quan, hoặc chủ quan, ban tổ chức cần sớm rút kinh nghiệm, quyết không để tái diễn ở các cuộc thi sau.
Đánh thức vai trò cá nhân những nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc ở Việt Nam hiện nay
Trong danh sách của Hội NSNA Việt Nam hôm nay, dễ nhận thấy đã xuất hiện khá nhiều cá nhân đoạt được các tước hiệu cao ở trong nước và quốc tế. Để giành được một tước hiệu ấy, chúng ta hiểu rằng mỗi người nghệ sĩ đều phải trải qua một quá trình nỗ lực phấn đấu đầy cố gắng, hi sinh. Họ tích luỹ được cả một kho kinh nghiệm thực tế đầy sống động. Nhiều người trong số họ đã từng giữ những trọng trách ở một thời kì nào đó trong quá khứ. Và, nhiệt tâm của họ vẫn không ngừng âm ỉ cháy.
Nhưng quan sát từ bên ngoài, hay đi sâu tìm hiểu nội tâm một số cá nhân nghệ sĩ có tước hiệu, dường như họ đã không giấu được vẻ đơn độc tựa cái cây mọc giữa hồ, hoặc lầm lũi giống một đầu xe lửa không toa kéo, nằm đợi chơ vơ trên một sân ga… Câu hỏi đặt ra: Hội NSNA cố gắng vun vén, xây dựng những nghệ sĩ mang tước hiệu cao để làm gì, khi mà sau đó lại như bỏ quên không dùng đến họ?
Kỉ nguyên số đem lại lợi thế cho mọi người, khi một bức ảnh từ điện thoại của bà nội trợ thoáng chốc đã có thể lan đến khắp mọi ngõ ngách của thế giới phẳng. Những nghệ sĩ nhiếp ảnh một thời đi tiên phong, không ngại tốn kém để đưa hình ảnh quê hương đất nước giới thiệu với bạn bè quốc tế, thì nay đã có thể phải cân nhắc nhằm nghĩ đến những ý tưởng thiết thực, hữu ích hơn cho sự lớn mạnh của nhiếp ảnh nước nhà. Giữa thời đại có sự phân công lao động với trình độ chuyên môn hóa sâu, thì Hội NSNA Việt Nam cần phải khuyến khích các nghệ sĩ hàng đầu thêm một lần dấn thân để đứng ra làm trụ cho các trường phái nhiếp ảnh bung nở. Ví dụ “cách đi” của NSNA Dương Quốc Định, hoặc “cách làm” của NSNA Bá Hân, mỗi người có một dáng nét khác nhau, nhưng tựu trung, họ có niềm đam mê khác biệt và thu phục được sự công nhận, tôn trọng từ nhiều người.
Gắn cho nghệ sĩ một tước hiệu, thì đồng thời phải để người nghệ sĩ nhận ra trọng trách: phận làm cây tùng, cây bách nếu không hướng đến việc vươn cành, buông lá nhằm che chắn cho sự trường tồn của một cánh rừng, thì người ta có thể tính ra hạn mức tuổi thọ cho cái cây đơn lẻ ấy. Chỉ khi quy nạp được những nghệ sĩ ưu tú nhất cùng góp sức vào cho một mục tiêu cao đẹp chung, thì khi đó nhiếp ảnh Việt Nam mới tránh được lãng phí, mới có được sự kế tục phát triển trong hài hoà và lành mạnh.
(vannghequandoi.com.vn)