Tàu về theo gió

20.07.2023
Ny An
Thương kiểm tra kỹ túi ny lon, mớ dây su vàng, đậy kín nắp mấy nồi sữa, cột chồng ghế nhựa đỏ và mấy cái bàn thiệt chặt rồi đẩy xe ra khỏi ngõ, chầm chậm hướng về phía đầu hẻm. Dừng lại dưới gốc cây me to, Thương vặn khóa bánh xe, dọn xếp bàn ghế ngay ngắn.

Tàu về theo gió

Minh họa: VĂN TIN

Mặt đường nhựa không bóng nắng, mặt trời đã trốn ở sau quả núi lớn, để lại màu cam nhàn nhạt trên nền mây. Tối hôm qua đổ trận mưa dông lớn, nên cả ngày ni cái nắng dịu hẳn, ít gắt gao rát bỏng như mấy bữa đầu mùa.

Thương thường dọn hàng từ trước hoàng hôn, bán qua chập tối, mãi khuya mới đẩy xe về. Trời hè càng oi, mấy đứa sinh viên và bọn trẻ con càng thích kiếm vỉa hè ngồi, làm vài ly sữa mát lạnh. Bữa rày, khách ghé có những người tuổi trung niên, các cặp vợ chồng già. Thương bán đủ loại sữa tự tay nấu từ nguyên liệu sạch của mấy bà mang ở quê ra.

Dưới ánh đèn đường vàng ấm, nhịp sống phía tây thành phố thong thả trôi đi ngày qua ngày. Hàng bên trái chong đèn dầu bán hột vịt lộn và đậu phụng luộc. Xe đẩy bên phải bán món mít trộn, bánh tráng đập và những xâu nem, chả gói bởi lá chuối. Đằng xa xa có tiệm sinh tố, chè thái, chè thập cẩm và nước ép các loại. Góc bán sữa đậu của Thương luôn tấp nập khách ghé ngồi, dù trời mưa vẫn lai rai vài người. Ngoài trà chanh “chém gió” tám chuyện, dân ở phố rất khoái uống sữa đậu mát lạnh vào mỗi đêm hè.

*
*            *

Chồng hay hỏi Thương, tốn bao năm ăn học làm chi, cầm tấm bằng cử nhân về treo lên tường cho đẹp rồi mở hàng quán bán sữa đậu nành. Làm việc bàn giấy ngồi văn phòng máy lạnh cho sướng thân, lại cứ phải đâm đầu tự hành xác.

Chồng không hiểu, là Thương chán ghét bị trói chân trong những cái hộp chật hẹp thiếu khí trời. Lý do quan trọng hơn, Thương tha thiết được ngắm nhìn phố phường chuyển động từng ngày. Sớm mai, khi mặt trời từ từ rải những tia nắng ấm áp hong khô giọt sương đêm đọng trên tán lá me, người lớn hối hả chở mấy đứa trẻ đến trường.

Họ ngang qua con đường này, ghé mua ổ bánh mì nóng giòn thơm phức của bà Bốn mập bên cạnh, rồi tiện tay mua thêm ly sữa đậu từ xe đẩy của Thương. Khi bóng chiều nghiêng nghiêng những người đã cố gắng học tập, làm việc suốt ngày dài mỏi mệt sẽ ghé góc quán quen thuộc để chuyện trò cùng nhau.

Khách lạ, khách quen, họ đều đang sống mỗi ngày, dù nén khóc, gượng cười hay thật sự vui vẻ trọn vẹn. Lúc rảnh tay, Thương vô tình thoảng nghe vài chuyện, hoặc trở thành người bạn xã giao dăm ba câu với khách.

Để Thương biết rằng, trên đời này, không có cuộc sống của ai là dễ dàng cả. Và đúng thời khắc đó của hoàng hôn, sau khi Thương dọn hàng xong, âm thanh quen thuộc từ đường ray xe lửa sẽ tới.

Giờ tan tầm, mọi người chen nhau trên đường, vội đón con, đi chợ, về nhà, nấu ăn, tụ tập bạn bè… Tất thảy đều mặc kệ âm thanh ù ù tành tạch của bánh xe lửa cạ vào đường ray. Dường như chỉ có Thương thờ thẫn lắng tai nghe đoàn tàu xình xịch kéo rít trong gió.

Vô số lần ở quá khứ, Thương muốn nhảy lên tàu để xem thử đoạn cuối đường ray dẫn đi đâu. Ở nơi ấy liệu có má của Thương chăng? Trong những đám tụm ba tụm bảy xôn xao, Thương nghe thấy họ biểu má leo tàu vào đồn điền cao su.

Từ năm Thương bốn tuổi, hình bóng của má trong ký ức nhạt nhòa dần sau bao mùa mưa nắng. Nhiều đêm chập chờn, rõ ràng Thương đã nhìn thấy má rồi, đợi khi mở mắt ra, gương mặt má lại trở nên nhòe mờ, cố thế nào cũng chẳng nhớ được.

Hồi bé xíu, Thương hay canh thời điểm đoàn tàu ngang qua. Thương chạy bộ trên con đường đất cát dọc theo đường ray, nhưng chỉ vài phút, con tàu dài ngoằng to lớn đã mất hút ở chân trời. Có bữa quíu quắn, Thương đang đuổi theo thì rớt mất một chiếc dép, cứ thế chạy chân trần trên mặt đường cát sỏi khiến da trầy trụa tứa đỏ. Có khi trợt chân xìa dép té cái rầm, mặt mũi dính toàn đất. Dù Thương chạy hộc xì dầu, há mỏ thở dốc, thoắt cái đoàn tàu đã mất dạng.

Lớn thêm chút, Thương cong mông đạp xe trên con đường bê tông song song. Tới lúc thanh chắn mở ra, Thương vừa chạm chân lên được đường ray sỏi đá, chỉ còn nhìn thấy toa cuối đoàn tàu nhỏ rí xa tít tầm tay với. Thương đuổi theo để đòi má từ con rết sắt không chân khổng lồ. Mà chẳng lần nào Thương chạy theo kịp.

*
*           *

Con tàu chưa một lần dừng giữa chừng, cũng như cuộc đời không bao giờ trả má cho Thương. Từ ngày má bỏ đi, trong lòng Thương có khoảng trống thăm thẳm, dù ngoại đã cố gắng ôm ấp chăm chút. Gánh sữa đậu nành của ngoại rong ruổi khắp hẻm phố, nuôi Thương lớn lên. Ngoại thường dậy từ sớm, khi màn sương vẫn im lìm lơ lửng nơi không trung, gà còn chưa nhảy chuồng gáy sáng và Thương đang cuộn tròn say sưa giấc mộng về hình bóng má. Ngoại vớt đậu nành đã ngâm qua đêm, rải lên khay cho ráo nước rồi đem giã nhuyễn.

Sau đó nhen bếp lửa bằng rơm khô, bắc nồi nước to để đun sôi đậu nành. Ngoại thêm lá dứa cho nồi sữa đậu thơm hơn và lọc bỏ hết bã. Đợi lúc chiếc loa già cỗi trên cây trụ cao đầu xóm tính tang: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” thì gánh sữa đậu của ngoại đã thủng thẳng trước ngõ bao nhà. Mấy cô dậy sớm cầm chổi dừa quét lá sàn sạt, í ới gọi ngoại dừng chân.

Hồi đó, đám bạn hay chòng ghẹo, cứ thấy mặt Thương ở đâu là nhại lời bài hát: “Ngày xưa em bán sữa đậu nành, ngày xưa em đạp chiếc xe màu xanh”. Trùng hợp, chiếc xe quanh năm trật xích ngoại dành dụm mua cho Thương được sơn màu xanh nước biển đậm.

Có chút ấm ức trong lòng, nhưng Thương đều xem như gió thoảng qua tai. Dù chi ly sữa đậu nành của ngoại cũng ngon ăn đứt mấy hàng quán khác. “Ta bán sữa đậu nành đó, làm chi được nhau!” - Thương từng dõng dạc tuyên bố trước bọn nít ranh như thế.

Đằng sau gáy của ngoại có cục u sần cứng do vết hằn quang gánh theo năm tháng. Ngoại luôn kể má gởi tiền về nhiều lắm, nhưng trong bọc ny lon lận lưng quần ngoại chỉ toàn những tờ tiền lẻ nhàu nát, bạc màu chữ. Bao lần ngoại vứt dép chạy đằng sau níu giữ Thương mỗi lúc đoàn tàu ngang qua.

Tới lúc ngoại mất, Thương mới biết được, má không leo lên con tàu nào hết. Má đã nằm trên đường ray. Năm đó má đi làm ở xưởng cá về khuya, bị ba tên đàn ông kéo vô hẻm tối. Má quyết tâm giữ lại sinh linh đang lớn dần trong bụng, nhưng từ lúc Thương ra đời, bệnh trầm cảm của má càng nặng hơn. Không phải má bỏ rơi Thương, là má chẳng thể ngăn bóng tối nhấn chìm bản thân.

Ngoại sợ nói thiệt ra, Thương sẽ làm như má. Nên ngoại đành để Thương giận má trách con tàu suốt nửa đời người. Thương biết ngoại mơ hồ lo sợ, nhưng ngoại nghĩ sai rồi. Phải may mắn chừng nào mới được có mặt trên cuộc đời này và phước lành bao nhiêu khi ngoại luôn kề bên, nên Thương chưa bao giờ nghĩ tiêu cực như thế.

Tự dưng Thương thấy có lỗi với má và cả những ai chứng kiến bữa đó. Khách trên tàu bất ngờ ra sao, ông lái tàu chắc hết hồn hoảng sợ. Hẳn họ ám ảnh cả trong giấc ngủ. Xét đến cùng, chúng ta đều có quyền tự quyết định cuộc đời mình và phải chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó, nhưng đừng khiến người xung quanh phải vướng vào rắc rối.

*
*            *

Lời nói trong cơn tức khí thuở nhỏ, ai ngờ Thương làm thiệt. Thời chừ ít có con cái nhà ai kế thừa cái nghề buôn bán vất vả của gia đình. Bọn trẻ được cho đi học ở phố, có chuyên môn, kỹ năng để làm những công việc được cho là cao sang, xa rời với cuộc sống lao động chân tay ngày trước của ba má. Mấy làng nghề thợ mộc, nuôi tằm dệt vải, xay bột quế làm nhang,… đều phải chật vật duy trì, huống chi chỉ một gánh sữa đậu nành nhỏ nhoi.

Thế mà, Thương từ bỏ hết thảy hào nhoáng từ công việc văn phòng xúng xính đầm váy, trở về khoác áo sơ mi ca rô, đeo khẩu trang vải đi bán sữa đậu như ngoại ngày xưa. Từ cách làm thủ công của ngoại, Thương nâng cấp lên dùng máy xay, chế biến thêm thắt cho món sữa thơm ngon hơn.

Chồng hay ca thán bên tai Thương. Dọn nhà vào phía đông thành phố đi em, sát biển, không khí mát mẻ dễ chịu hơn, đỡ phải nghe tiếng tàu lửa rầm rập mỗi ngày. Đổi nghề đi em, đã buôn bán thì mở hẳn quán ăn hoặc quán nhậu kiếm thêm. Cầm mấy đồng bạc lẻ từ nồi sữa đậu làm sao giàu nổi. Người ta làm tới cái chi rồi, Thương còn ở đây đếm năm, mười ngàn đồng.

Cằn nhằn chán, chồng Thương lại theo công trình đi miết. Thực ra, anh cái chi cũng tốt, chỉ có ham kiếm tiền quá, ít ở nhà chơi cùng con. Theo chân Thương riết thành quen, nhóc con trai đòi lớn lên làm ông lái tàu đưa Thương đi muôn nơi, đi tìm chồng và má Thương. Âm thanh bánh xe lửa cạ vào đường ray dường như đã trở thành phần không thể tách rời trong tâm thức Thương và con trai.

Thương vẫn ngày qua ngày đẩy xe ra khúc cua đầu hẻm, dừng dưới tán me xanh mướt mát rượi, cột từng bịch sữa đậu cho khách. Và đúng giờ đó mỗi chiều, đoàn tàu xé gió chạy ngang qua, tành tạch thôi thúc từng nhịp tim Thương dồn dập. Thương đứng ngó mãi, ngó miết cho tới khi con tàu mất hút vào không gian.

Biết đâu một bữa nào đó, con tàu dừng lại, má sẽ từ toa hành khách bước xuống. Hoặc từ phía hoàng hôn, ngoại quảy đôi quang gánh chầm chậm cười. Nhưng rốt cục, chỉ có chồng Thương cầm túi xách đứng ở nơi chẳng phải sân ga, bế thốc con trai đặt lên cổ, cùng với Thương đẩy xe sữa đậu về nhà.

 (QNO)