Tất cả chúng ta đều đã khác

15.05.2023
Mai Dương
Có những ngày tôi trốn khỏi sự ồn ã của những đứa trẻ trong nhà, ngoi lên sân thượng, để gió táp thẳng vào mặt mình, mát rượi. Tôi cảm giác cả ngôi nhà chỉ có duy nhất góc sân thượng là dành riêng cho mình, nơi có thể khóc. Tôi thường nán lại ngó xa xôi nhìn xem hướng nào về nhà mẹ? Hướng nào còn sót lại ruộng đồng? Hướng nào có những con người đang vội vã trở về tổ ấm? Một ngày mệt mỏi rã rời, có khi đủ thứ chuyện không vui ập đến mà chẳng thể than thở được cùng ai. Nói đúng hơn là tôi lười chia sẻ.

Tất cả chúng ta đều đã khác

Minh họa Hoàng Đặng

Vì biết có chia sẻ cũng không ai giúp tôi giải quyết được vấn đề của riêng mình. Tôi chỉ biết bận rộn, phiền não, hạnh phúc với những đứa trẻ của mình. Những đứa trẻ hồn nhiên luôn nghĩ cuộc đời chẳng có gì đáng buồn ngoài việc rơi đâu mất vài viên kẹo ngọt. Tôi từng nói với bạn, ước gì những lúc buồn được trở về nằm dưới thảm cỏ trong khu rừng năm xưa. Hé mắt ngắm những tia nắng lấp lánh lọt qua tán lá bạch đàn.

Hoặc nhắm mắt im nghe tiếng di chuyển của đàn kiến dưới lớp lá khô, tiếng vỗ cánh chuyền cành của một chú chim nào đó, tiếng của một cành cây khô vừa rụng xuống trong rừng. Bạn cười bảo: “Giờ nằm dưới cỏ sợ sâu lắm. Sâu từ dưới đất bò lên, từ tán cây rơi xuống. Chúng ta bây giờ khác với chúng ta của những năm thơ ấu. Đứa trẻ năm ấy đã lớn lên với muôn vàn nỗi sợ. Tất cả đều đã khác, ngay cả khu rừng ấu thơ giờ chắc cũng khác rồi…”.

Bạn nói đúng, thời gian chảy trôi, tất cả chúng ta đều đã khác. Đâu còn là đứa trẻ hồn nhiên đặt lưng xuống bất cứ nơi đâu cũng có thể ngủ ngon lành. Chúng ta của hiện tại bé nhỏ và bất an trước thế giới xung quanh. Bây giờ nằm trong căn nhà kiên cố, cửa khóa trong khóa ngoài, vậy mà một tiếng động ngoài trời cũng khiến ta bồn chồn suốt đêm không tài nào ngủ được. Chúng ta của hiện tại nhiều lo toan, tính toán thiệt hơn. Không còn là đứa trẻ sẵn sàng xòe tay ra cho bạn hết tất cả nắm kẹo mà mình có.

Chúng ta của bây giờ hoài nghi cả những điều tốt đẹp. Chẳng còn là đứa trẻ mải tin vào cổ tích, tưởng mỗi khi khó khăn chỉ cần òa khóc là bà tiên, ông bụt sẽ hiện lên. Chúng ta thường chỉ nhìn thấy được những gì hiện hữu ngay trước mắt. Rất khó để có thể nhận biết được những vấn đề mà người khác đang gặp phải trong tâm hồn họ. Chúng ta thường đi tìm nguyên nhân khi sự việc đã rồi. Khi thấy một ai đó kết thúc cuộc đời mình, người ta mới nghe thấy tiếng kêu cứu đã vang lên trước đó. Tiếng kêu cứu vì bị cô lập, chèn ép, áp lực, của bạo hành gia đình, bạo lực học đường hay của căn bệnh trầm cảm không tìm ra lối thoát.

Tôi giật mình nhận ra cuộc đời lạ lắm. Có người suốt ngày than thở, nay dọa chết, mai đòi phải sống còn, lại chẳng bao giờ chọn cách bi quan nhất. Nhưng có người trong số họ, hôm qua vẫn còn cười nói đấy thôi. Còn rủ tôi đi chọn váy, đi xem phim. Còn bàn tính chuyện tương lai về một cuộc đi chơi xa. Dự định mua mảnh đất lưng tựa núi mặt hướng hồ để làm nhà. Hào hứng và thiết tha. Cởi mở và chân thành. Không một tiếng thở than nào vậy mà chỉ hôm sau chính người đó chọn cách bi quan nhất cuộc đời mình...

Chúng ta nhận diện sự khắc nghiệt của đời sống này với mục đích gì? Bạn hỏi như thế khi đứng trước quyết định ly hôn. Tôi nói với bạn rằng sự khắc nghiệt khiến chúng ta trưởng thành. Nó giúp chúng ta biết cần nắm chặt hay buông bỏ đúng lúc. Khi nhận ra tất cả chúng ta đều đã khác tôi sẽ thấy nhẹ nhõm bao dung với người khác và với chính mình.

Người bạn đời hôm nay đã khác với chàng trai tuổi đôi mươi ta từng yêu nhiều năm về trước. Người chồng cũng nhận ra vợ mình không còn giống cô gái tuổi đôi mươi ngày ấy anh theo đuổi. Chúng ta chấp nhận sự đổi thay dù tích cực hay tiêu cực. Bởi trước khi ta thất vọng về ai đó thì có khi người ta cũng đã từng ít nhiều thất vọng về mình…

(baodanang.vn)