Buổi chiều màu xanh

30.09.2022
Lữ Mai
Một chiều hè lộng gió bên thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, trên thảm cỏ non xanh, những em nhỏ chào đón chúng tôi trong chiếc áo màu da trời và cất cao tiếng hát: “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Bông lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi/ Của bao người/ Nuôi lúa lớn lúa ơi!” Sắc xanh của biển, của cỏ, của bầu trời hòa vào màu áo xanh nhẹ nhõm. Mọi thứ cứ bồng bềnh như mây, chao nghiêng theo từng điệu nhạc. Và tất cả vỡ òa khi tưởng chừng nghe rõ cả nhịp đập tim mình, cảm nhận được mọi màu sắc và giai điệu đang lấp lánh hào quang, như ta ở cõi thần tiên nào đó.

Buổi chiều màu xanh

Nhà thơ Lữ Mai. Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

Nơi ngập tràn sắc xanh mướt mát, dịu êm ấy chính là trường Hope (còn có tên gọi quen thuộc là Hy vọng), mái nhà mới của những em nhỏ không may mất cha, mẹ do đại dịch Covid-19 từ mọi miền Tổ quốc đã đoàn tụ trong vòng tay yêu thương của Tập đoàn FPT. Trong năm học đầu tiên, nhà trường đón nhận khoảng 300 em học sinh và ở giai đoạn tiếp theo sẽ có kế hoạch đón hơn 1.000 em. Tại đây, các em được chăm sóc bởi cơ sở vật chất, nhân sự và các chương trình đào tạo chuẩn mực, đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt và học tập.

Quan trọng hơn cả, Hope là ngôi trường đong đầy tình yêu thương. Đó là tình yêu thương từ các thầy cô, đội ngũ vận hành Quỹ Hy vọng, anh chị em đồng cảnh ngộ và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Trước đó, ngày 16-9-2021, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19 với mong muốn tạo ra một môi trường để các em nhỏ được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng tương lai.

Do đặc thù nghề báo, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc, thăm nom nhiều ngôi trường, cơ sở bảo trợ trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lần nào trở về cũng luôn có những niềm vấn víu, băn khoăn, thậm chí là dằn vặt. Tôi từng chia sẻ với các đồng nghiệp của mình ước muốn đến nơi đó được nhìn thấy tuổi thơ. Nghĩa là, trẻ em phải thực sự khỏe mạnh, hồn nhiên, tràn đầy khát vọng. Các em có thể nói cười, bày tỏ mọi điều sau nỗi bất hạnh lớn lao đã trải qua.

Nhưng, một nghịch lý ta phải chấp nhận, đó là chúng ta không dễ gặp được tuổi thơ trong mắt trẻ thơ, nhất là với trẻ em hoàn cảnh đặc biệt. Vẫn vui cười, hát ca, trò chuyện… nhưng một cảm giác cứ dâng lên trong lòng khách lạ, đó là: điều ta gặp, đôi khi chỉ là cái bóng của trẻ thơ. Những đứa trẻ thật sự, những nỗi niềm thực sự, đã rời bỏ chúng ta đến một nơi nào đó bất an, vô định. Không phải bỗng dưng tôi và mọi người dấy lên cảm xúc ấy. Là bởi chúng tôi từng chứng kiến ánh mắt vô hồn của trẻ em khi hát múa, nhận quà hoặc chuyện trò. Chữ “không” được nói nhiều nhất. Không buồn, không đau, không chờ đợi, không mơ ước…

Một trong những nỗi dằn vặt lớn nhất của người viết là khi cảm nhận căng đầy, ứa tràn, nhức nhối, mà không thể đặt bút xuống để viết. Các em còn quá nhỏ, đã chịu nhiều mất mát, tổn thương… liệu những trang viết sau chuyến đi đôi phần phần “cưỡi ngựa xem hoa” có mang tính cứu rỗi, thức tỉnh và thay đổi? Thật khó để có câu trả lời chính xác hay hành động dứt khoát. Chỉ biết rằng, dù trẻ em không nói ra, dù ta tiếp nhận bao nhiêu lời hoa mỹ từ chung quanh, thì sợi dây kết nối cảm xúc giữa con người với con người vẫn rung lên bằng những tín hiệu chân thật nhất.

Tôi tin rằng, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi buồn đau, bất hạnh của đồng loại, ngay cả khi im lặng. Chỉ cần tấm lòng đủ nhạy cảm, bao dung và tha thiết. “Mắt người đã khô/ Mưa vẫn xoáy trũng tim đá núi”, tôi nhớ cảm giác trong câu thơ mình viết vào mùa đông ở Hà Giang, khi đối diện với những bàn chân sưng phù, đỏ đến tứa máu của trẻ em vì giá rét. Mà chính xác hơn, là cả cơ thể phát cước lên vì không đủ áo quần, giày dép, mũ, tất…

Lòng tôi thầm reo vui khi buổi chiều màu xanh ấy ùa qua mình như một làn gió mát. Sợi dây cảm xúc đã rung lên bằng một giai điệu. Tôi gặp được tuổi thơ hồn nhiên trong vắt khi đối diện ánh mắt, nụ cười của từng em nhỏ. Tất nhiên, ưu tư vẫn đó, bởi các em đã mất đi một gia đình, cuộc sống đã rẽ sang một bước ngoặt, nhưng tương lai rộng dài phía trước lại được mong chờ từ ngày hôm nay. Em út nhỏ nhất trong ngôi nhà Hope được thầy Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School “khoe” về khả năng dẻo dai, có thể chạy bền ngang với các cô chú anh chị. Em đang nhảy vũ điệu “Bài ca tôm cá” trong sự hưởng ứng sôi nổi của mọi người. Anh cả của ngôi nhà chung đã là học sinh PTHT, trầm lặng hơn, nhưng không khép mình. Trong từng cử chỉ khích lệ, chăm sóc và hòa nhịp múa hát cùng các em toát lên tình cảm của một thành viên trong mái ấm.

Nếu bạn đến với Hope chỉ để khai thác hay lắng nghe về hoàn cảnh riêng tư, khó khăn bi kịch hoặc đơn giản hơn là… cứu trợ, hẳn sẽ thất vọng. Hope là ngôi trường không truyền thông, đề cao bảo vệ hình ảnh và quyền trẻ em, “kén chọn” tiếp nhận quà tặng.

Trong cuộc giao lưu thuộc khuôn khổ chương trình Hội nghị những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức giữa các đại biểu, khách mời và học sinh trường Hope phần lớn quà tặng là sách. Đó cũng là món quà mà ban quản lý dự án vui lòng tiếp nhận với mong muốn sẽ xây dựng một thư viện quy mô có hàng triệu đầu sách hay, sách quý của Việt Nam và thế giới tạo nên gia tài tri thức quý giá với các em.

Thầy Quyền chia sẻ, ngoài thời gian học tập, sinh hoạt chung, học sinh trường Hope sẽ tham gia lao động và đọc sách tại thư viện. Các em thỏa thích trồng và chăm sóc cây, thu hoạch nông sản, mở từng phiên chợ nhỏ hoặc trao đổi, tranh luận về những điều mình thu lượm được qua sách vở. Thầy cô và trò trường Hope thân thiện, hòa đồng như những người bạn lớn và nhỏ. Dường như, đó cũng là bí quyết giúp các em sớm bắt nhịp ở mái nhà chung, cảm thấy vững vàng trong tâm lý và cuộc sống.

Quay trở lại ký ức chưa xa về giai đoạn toàn xã hội phải chống chọi với đại dịch Covid-19, chưa bao giờ hết thương những đứa trẻ tự chơi một mình, giữa bốn bức tường, xung quanh cơ man nào máy tính, iPhone, iPad… nào đồ ăn, sữa ngọt, thú bông… nhưng các con của mình liệu có thực sự ổn không thì khó bậc cha mẹ nào đưa ra câu trả lời chắc chắn.

Tôi từng nép sau cánh cửa, ngắm đứa cô con gái nhỏ của mình trò chuyện với đám thú bông: “Này em gấu, đây bao lì xì đỏ, Tết vừa qua ông bà mừng tuổi chị. Chị phần nhỏ, nhường em phần lớn nhé”; “Khỉ ơi! bánh kẹo và quả ngọt, chị bày ra chúng mình cùng ăn”; “Nếu ta ngoan thì bức tường sẽ ấm!”… Thấy cay nơi khóe mắt, chợt nghĩ tới những ngày cơ quan cho làm việc ở nhà, trong phòng riêng của căn hộ chung cư, tôi bỗng nhận ra con người bé nhỏ và tù túng không chỉ bởi bốn bức tường, mà chính xác hơn là sáu bức tường, như đóng thành một chiếc hộp hình bao diêm, treo lơ lửng giữa lưng trời. Cuộc sống đầy nguy nan, hiểm họa còn thiên nhiên thì vẫn đẹp đẽ, bình yên… Vẫn những tia nắng vàng rực rỡ, những cơn gió trong lành, đàn sóc nâu ngày thường trú ngụ tận đâu nay thản nhiên khoe chiếc đuôi đỏ hoe trên tán cây giữa phố…

Chúng ta chỉ có thể ngắm nghía, cảm nhận qua từng song chắn ban công, cửa sổ và hầu hết, không ai đủ tâm trạng mà cảm nhận bởi dịch bệnh tràn đến nên phải căng mình ứng phó và mỗi trẻ em cũng là một chiến binh. Chúng ta xót xa trước sự mất mát, bất hạnh bỗng đâu đổ ập xuống. Bần thần, thấu cảm khi thế giới rộn rã của trẻ thơ không còn được thỏa thuê bằng những bước chân chạy vã mồ hôi, những phút giây rượt đuổi cười tít mắt, những chiếc cặp rực rỡ sắc màu được tung lên cùng bóng bay, cờ hoa ngày bế giảng… Năm học qua đi trong lặng lẽ. Mùa hè cũng đã qua đi trong lặng lẽ. Và rồi, năm học mới đến từ màn hình máy tính, tiếng trống khai giảng vang qua chiếc loa nhỏ bé… Có lẽ, chưa bao giờ đời sống của trẻ em lại có những bước ngoặt, khúc quanh kỳ lạ và nhiều nỗi niềm đến thế. Song, đó vẫn chưa phải là tất cả hậu quả của cơn biến động.

Một sự thật dù giờ đây nỗ lực bao nhiêu ta cũng không cách nào thay đổi được, đó là trên dải đất hình chữ S, có rất nhiều trẻ nhỏ mồ côi sau đại dịch Covid-19. Nỗi đau ấy nhen nhóm cảm xúc để tôi viết trường ca “Hồi sinh” với hình tượng chính là trẻ em mồ côi sau đại dịch. Bóng tôi dẫn tôi qua từng đám rước chỉ toàn đom đóm vụt bay. Bóng tối dẫn tôi tới tận cùng tiếng khóc, là một dòng suối trong, vục mặt xuống thơm mùi sữa mẹ. Bóng tôi dẫn tôi gặp những bàn chân đang run rẩy chạm lên thảm cỏ đẫm sương. Và có một điều kỳ lạ, tận cùng cơn mộng mị dài, tuôn ra bởi những dòng thơ đầy khắc khoải, tôi gặp một mùa hè ngát xanh, có tiếng hát trong veo, có những bước chạy vã mồ hôi trên đất…

Mọi điều trong giấc mơ, phần nào trùng lặp với hiện tại tươi đẹp tôi gặp ở Hope. Thật lạ lùng! Chợt nhớ cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cách đây nhiều năm, ông chia sẻ: “Trẻ em là phần trong trẻo và thiêng liêng nhất của cuộc sống này mà ngay cả những tội phạm khủng bố, giết người, cướp của… đôi khi cũng phải dừng lại bởi lòng trắc ẩn trong sâu thẳm dâng lên. Còn một nhà thơ người Mỹ thì nhận định: “Thế giới này nếu có tàn lụi/ Chỉ bởi người lớn không biết cách cúi xuống bế đứa trẻ lên…”. Đã có nhiều phụ huynh học sinh hỏi tôi: Tại sao các nhà văn, chuyên gia nghiên cứu… không viết cẩm nang hướng dẫn cụ thể để trẻ em ứng phó với dịch bệnh và cách thích nghi khi môi trường sống bị thay đổi? Tôi nghĩ rằng, chúng ta có viết đến 1.000 câu chuyện đi chăng nữa, thì trẻ nhỏ hoàn toàn có thể gặp tình huống thứ 1.001 và bất ngờ, khủng hoảng, kiệt sức… nếu thiếu sự quan sát, đồng hành tận tụy…”

Nếu không phải là đại dịch Covid-19, biết đâu đời sống của chúng ta vẫn bị đảo lộn vì những nguy cơ, hiểm họa khác, nên ở một mặt nào đó, hiện thực đời sống với đủ mọi sắc thái, tâm trạng sẽ giúp con người thêm trải nghiệm và trưởng thành. Những bước ngoặt, khúc quanh khởi đầu bằng bất hạnh, không hoàn toàn dẫn con người về phía bóng tối mà có thể là ánh bình minh. Ta không phải chờ đợi quá lâu để gặp được điều tươi đẹp. Không cần ấp ủ hoài nghi rằng ánh bình minh đó là thực hay ảo. Quan trọng là trong từng bước chân của trẻ thơ, luôn cần đến sự nâng niu, đồng hành và yêu thương từ những con người lớn hơn, thế giới lớn hơn, như Hope.

Tất lẽ không ai mong có thêm nhiều mái nhà như vậy, bởi phía sau đó, dù mọi điều kiện có tốt đẹp bao nhiêu, tương lai có hứa hẹn đến nhường nào, thì sự khởi đầu vẫn là bi kịch. Ai mong thêm nhiều bi kịch? Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng, trẻ em mồ côi sau đại dịch và trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói chung đang chiếm số lượng không nhỏ, còn những mái nhà lý tưởng như Hope chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Không ai mong chờ bi kịch, nhất là bi kịch lại chạm vào thế giới trẻ thơ, nhưng ta hoàn toàn có thể nỗ lực để góp phần giải quyết hậu quả sau những nguồn cơn biến động, để mỗi trẻ em được che chở bởi một mái nhà ấm êm đúng nghĩa.

Món quà học sinh trường Hope mang đến không chỉ là lời ca tiếng hát. Cao hơn hết, đó là sức sống, hy vọng căng tràn mà chính các em đã tự tin lan tỏa tới mọi người. Một phiến đá xinh xắn được thu lượm, mài cho sáng bóng để cùng nhau vẽ chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thật mộc mạc và ngộ nghĩnh. Bàn tay bé nhỏ nắm lấy tay của nhà thơ Trần Đăng Khoa – “thần đồng” các em vốn chỉ biết qua sách vở. Cả rừng tay vẫy xòe ra như những đóa hoa, những tia nắng ở cổng trường khi tiễn khách… Mọi thứ đều xôn xao, rực rỡ, đong đầy, như biển lúa đang ngả vào tương lai những bông vàng uốn câu trĩu trịt dẻo ngọt vị đời mà thơm hương gió trời.

(vanvn.vn)