Sức sống ngầm của phim tài liệu

12.10.2021
Văn Tuấn
Không đình đám như phim điện ảnh hay truyền hình, phim tài liệu được ví như “một nốt trầm xao xuyến”. Sức sống của phim như mạch ngầm, len lỏi sâu vào đời sống, đặc biệt là trong thời gian ngắn vừa qua.

Sức sống ngầm của phim tài liệu

Những hình ảnh xúc động trong phim tài liệu Ngày con chào đời. Ảnh: NVCC

Cơn sốt

Sau khi lên sóng chương trình VTV đặc biệt tháng 9, 2 phim tài liệu Ranh giới và Ngày con chào đời (đạo diễn Tạ Quỳnh Tư) đã gây xúc động mạnh với người xem. Ngay sau đó, 3 tập phim series HTV từ tâm dịch (phóng viên Lê Trường Giang) gồm: Dã chiến, Ngày về và Hậu phương cũng mang đến những góc nhìn đa chiều về “cuộc chiến” của các y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19. 

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho hay: “Thành công lớn nhất của 2 bộ Ranh giới và Ngày con chào đời là gửi đến người xem cái nhìn toàn diện, chân thật về sự khắc nghiệt của đại dịch Covid-19. Đa số phản hồi của người xem theo chiều hướng tích cực. Họ rút ra nhiều bài học, ý thức phòng dịch tốt hơn, trân trọng cuộc sống mình đang có”. Đạo diễn gạo cội Nguyễn Hoàng, từng có nhiều năm làm việc tại Hãng phim Truyền hình TPHCM (TFS), cũng đánh giá rất cao 2 bộ phim bởi tính chân thật, đem đến cho người xem nhiều thông tin về sự nguy hiểm của đại dịch. Ông nhấn mạnh: “Phim giúp người xem có ý thức tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng”. 


Còn theo phóng viên Lê Trường Giang, có lẽ chưa khẳng định được thành công của bộ phim vì tất cả phụ thuộc vào sự đón nhận của khán giả. Tuy nhiên, riêng anh đã tìm ra những câu chuyện cổ tích giữa tâm dịch. “Hành trình của mình ở bệnh viện dã chiến là hành trình mang đến cho khán giả niềm tin và hy vọng về tình yêu thương, y đức trong những ngày dịch Covid-19 đe dọa từng mái nhà. Đặc biệt, người xem cảm nhận rõ trái tim của những người thầy thuốc. Họ không chỉ điều trị mà còn dùng tình cảm, lương tâm để bệnh nhân có được khoảnh khắc đoàn tụ”, anh chia sẻ. 

Ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, rất nhiều ê kíp đã bất chấp nguy hiểm, đi vào tâm dịch ghi lại những hình ảnh chân thực, khốc liệt và xúc động. Danh sách những bộ phim tài liệu đã được sản xuất, phát sóng vẫn đang nối dài: Chuyện ở thành phố thức, Trở về cuộc sống - Cuộc chiến sinh tử của các F0, Cùng nhau vượt qua đại dịch, Lựa chọn của tôi, Niềm tin vững bước, Tầng thứ 3… Ngoài phát sóng trên truyền hình, có những bộ phim như Cuộc chiến không giới hạn từng được Hội đồng duyệt phim quốc gia và Cục Điện ảnh cấp phép lưu hành, dự kiến ra mắt tại rạp nhưng đành lỗi hẹn cũng vì dịch bệnh. Đơn giản, chân thật nhưng xúc động, có lẽ những thước phim ấy không cần lời bình nào bởi khi từng khung hình hiện lên, mọi thứ đã thật như cuộc sống.  

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ, ngoài trách nhiệm của một phóng viên, khi hơi thở cuộc sống đang diễn ra gấp gáp, quyết liệt chính là chất liệu tuyệt vời để nhà làm phim khai thác. “Bình thường, khi làm các phim khác mình phải tìm đề tài, lên ý tưởng kịch bản, khảo sát thực tế. Nhưng trong bối cảnh đặc biệt này, tất cả chỉ cần khảo cứu trong suy nghĩ là đã tiến hành ngay. Mọi thứ diễn ra trước mắt, chỉ việc bắt tay ghi hình và đưa vào phim”, anh chia sẻ thêm.  

Tìm lại chỗ đứng

Đạo diễn Nguyễn Hoàng nhớ mãi câu nói của một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Mỹ trong một buổi thảo luận về ý nghĩa và tầm quan trọng của phim tài liệu: “Một đất nước thiếu phim tài liệu giống như trong một gia đình không có cuốn album”. Ông cho rằng, thời nào cũng cần phim tài liệu bởi bản chất của thể loại này là tính chân thật, người thật, việc thật. Theo đạo diễn Quỳnh Tư, phim tài liệu gắn liền với lịch sử đất nước từ thời đầu của nền điện ảnh nên không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt của nó. Tuy nhiên, hầu hết nhà làm phim có chung nhận định, phim tài liệu là thể loại kén khán giả và không có nhiều bộ phim đủ sức níu chân họ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng phân tích: “Cái chính là những nhà làm phim đưa ra vấn đề gì, giải quyết vấn đề đó ra sao, người dân có quan tâm đến vấn đề đó hay không? Tôi cho rằng, làm phim chỉ đúng thôi chưa đủ, phải làm phim hay. Phim tài liệu hay là phim phải có nhiều thông tin và đầy cảm xúc”. Lê Trường Giang cho rằng, có 3 yếu tố quyết định thành công của phim tài liệu: sự thật được thể hiện một cách hấp dẫn, bất ngờ và có chiều sâu. Anh nêu quan điểm: “Sự thật là yếu tố ăn khách, giúp phim tài liệu vẫn còn dồi dào đất sống so với các thể loại báo chí khác. Từ người thật việc thật, khán giả xem phim sẽ cảm giác các nhân vật rất gần gũi và đôi khi cũng có hình bóng của chính 
mình trong phim”. 

Điều đáng mừng là, phim tài liệu những năm gần đây ít nhiều khởi sắc: sự quan tâm của các đài truyền hình, đề tài đa dạng, sức trẻ của các nhà làm phim, đội ngũ yêu nghề hơn và quyết tâm theo đuổi ước mơ. Phim tài liệu hiện nay, nói như Trường Giang “là một bộ phim điện ảnh được quay từ những nhân vật, sự kiện có thật và không có sự dàn dựng, sắp đặt”. Ngoài ra, không thể không kể đến thuận lợi về mặt kỹ thuật, máy móc khiến một cá nhân có thể tự sản xuất được phim tài liệu, đồng thời dễ dàng phổ biến trên các mạng xã hội. Và, không ít phim tài liệu đã ra rạp: Màu cỏ úa, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm Phong, Bức tường - Chuyện ngày hôm qua…    

Từ kinh nghiệm thực hiện 2 bộ phim gần đây, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư cho rằng sẽ rất khó để biết đâu là giới hạn của nhà làm phim khi họ được đặt để vào hoàn cảnh đòi hỏi sự gấp gáp với một guồng quay rất nhanh. Ở góc nhìn người trẻ, Lê Trường Giang cũng bổ sung, sự lăn xả, cống hiến và trung thực chính là điều kiện đủ để tác phẩm được sống trọn vẹn và lan tỏa.

(sggp.org.vn)