Sách nghệ thuật: Cần một chiến lược dài hơi

04.03.2022
Đậu Dung
Trên thế giới, sách nghệ thuật (sách giúp người đọc hiểu về nghệ thuật) là một ngách đi phong phú, đa dạng của thị trường xuất bản, trong khi ở Việt Nam, việc khai thác dòng sách này đang diễn ra khá manh mún, chất lượng thiếu đồng bộ, chưa có chiến lược dài hơi trong việc định hướng và nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của độc giả.

Sách nghệ thuật: Cần một chiến lược dài hơi

“Vẽ gì cũng là tự họa – ghi lại 60 năm làm nghề của họa sĩ Trịnh Lữ là một cuốn sách nghệ thuật đang “đắt hàng”

“Nếu nhìn lại lịch sử xây dựng nhà ở từ năm 1900 - 2000, dễ thấy, nhà ở đại chúng của Việt Nam rất xấu. Khi có sự giao thoa từ năm 2000 - 2010 thì bớt xấu đi. Từ năm 2010 - 2020, nhà đẹp đã bắt đầu xuất hiện, không chỉ ở các thành phố mà ở cả miền trung du. Nhà cửa cũng đương đại, pop art hơn. Phố xá, đèn xanh đèn đỏ… ở các khu phố mới cũng đẹp hơn. Đó là do người dân giờ đây có nhiều nguồn tham khảo: ti vi, sách, báo, internet… Sách nghệ thuật cũng là một kênh tác động trực tiếp lẫn gián tiếp vào đời sống”.  Nhà nghiên cứu Lý Đợi

Có tiềm năng nhưng mới manh nha

 Omega Plus không phải là đơn vị đầu tiên triển khai sách nghệ thuật ở Việt Nam. Trước đó đã có không ít đơn vị khai thác nhưng chỉ dưới dạng những cuốn sách lẻ tẻ. Trong cuộc ra mắt kết hợp triển lãm cuốn sách Vẽ gì cũng là tự họa tại Hà Nội gần đây, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Công ty cổ phần sách Omega Việt Nam (Omega Plus) - đã có chia sẻ về tủ sách nghệ thuật mà đơn vị đang khai thác. Theo đó, manh nha từ năm 2017, nhưng phải từ 2018 trở đi, với các sách Leonardo Da Vinci, Michelangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời (mảng tiểu sử), Câu chuyện nghệ thuật (mảng lịch sử nghệ thuật); Vincent Van Gogh, Paul Gauguin, Claude Monet (mảng danh họa qua tác phẩm)… một tủ sách riêng về nghệ thuật mới chính thức hình thành. Sau khi xuất bản những cuốn sách mỹ thuật thế giới, Omega Plus triển khai các ấn phẩm mỹ thuật Việt Nam, mà Vẽ gì cũng là tự họa của họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ - là cuốn sách mở đầu.

Đầu những năm 2000, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã có tủ sách nghệ thuật trên dưới 100 cuốn (cả bìa thường và bìa cứng, của tác giả trong nước lẫn sách dịch)… Một số cuốn tiêu biểu như: Những thành phố Việt Nam (nghệ thuật kiến trúc), bộ Danh nhân - nghệ thuật tạo hình thế giới, Nghệ thuật Việt Nam… Sau đó, NXB Kim Đồng cũng có in những cuốn thuộc dòng này nhưng độc lập, rải rác, ở các lĩnh vực hội họa, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc… Các đơn vị làm sách khác như Đông A, Nhã Nam… đều đã - đang khai thác sách thuộc dòng này.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nói: “Người ta vẫn mặc định sách nghệ thuật là sách đẹp, ít chú trọng tính phổ biến kiến thức hoặc bày tỏ quan điểm”. Ví dụ cuốn Hoàng Cầm về Kinh Bắc - được công bố nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hoàng Cầm do NXB Hội Nhà văn và Quỹ Tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm kết hợp in ấn. Cuốn sách vượt lên trên tính sáng tác, bày tỏ lẫn phổ biến, có thể xếp vào sách nghệ thuật.

Trước đây, ở ta, không hẳn là chưa có sách thuộc dòng này, nhưng không nhiều. Đặc biệt, nửa cuối thế kỷ XX, do đặc điểm của đời sống xã hội, sách nghệ thuật rất ít, thay vào đó, đa phần là sách có tính hữu dụng cao. Khoảng năm, mười năm trở lại đây, mới phát triển sách nghệ thuật thỏa mãn phần nhìn/chơi nhiều hơn.

Sự thay đổi đó đến từ sự vận động của các cá nhân, nghệ sĩ hoặc các đơn vị làm sách để kinh doanh. Tinh thần “chơi” là chính, in với số lượng giới hạn, có ký hiệu, đánh số đặc biệt, giá bìa cao, tiến tới sưu tập. Bên cạnh đó, cũng có những cuốn sách nghệ thuật, kiêm bày tỏ sáng tạo, tái hiện lịch sử sáng tác lẫn tính thị trường… Ví dụ Câu chuyện nghệ thuật, Vẽ gì cũng là tự họa của (Omega Plus), Nguyệt sáng gương trong của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn (NXB Mỹ thuật)… Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, “nhìn chung, vẫn đang ở tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm, thích thì làm, không thì thôi. Chúng ta thiếu một sự quyết liệt như một số nước có truyền thống về dòng sách này như Nhật Bản, Anh, Ý, Tây Ban Nha…”.

Hiện đang có một cuộc chạy đua làm sách đẹp nhưng không thực sự chú trọng chất lượng, tôn trọng bản quyền; hoặc sách nghệ thuật nhưng ít tính nghệ thuật, không có định hướng, ý tưởng rõ rệt… Tuy nhiên theo bà Trần Hoài Phương, “sự cạnh tranh đó là tín hiệu tốt, bởi nó thúc đẩy tìm tòi và phát triển, khiến các đơn vị xuất bản hoặc thay đổi trong cách tiếp cận, trong phương thức xuất bản; hoặc mở sang các lĩnh vực mới mà trước đó còn ngần ngại”. Đối với những lo ngại về chất lượng, thị trường và công chúng sẽ là người quyết định.

Giá sách nghệ thuật không quá cao 

“Qua tương tác với bạn đọc, chúng tôi nhận thấy có một thế hệ bạn đọc mới, ngày càng đông đảo, có nền tảng tri thức tốt, sức đọc tốt, và khao khát hiểu biết. Nhưng đang có một khoảng trống lớn của các kiến thức nền tảng ở nhiều lĩnh vực, mà tủ sách nghệ thuật là một hướng đi khả dĩ trong việc nâng cao văn hóa đọc nói chung, và mỹ cảm, khả năng cảm thụ nghệ thuật nói riêng”, bà Trần Hoài Phương nói. Ở khía cạnh giá sách, theo bà, “với mức sống trung bình hiện nay, chí ít là của cư dân thành thị, việc mua một cuốn sách nghệ thuật giá từ 1 triệu đồng trở xuống là hoàn toàn trong khả năng tài chính của nhiều người. Miễn là nhìn thấy giá trị lâu bền nằm trong đó”.

Nói về tầm nhìn khi khởi động tủ sách nghệ thuật, đại diện Omega Plus cho biết, tủ sách sẽ được thiết kế với lộ trình dài lâu, nhấn mạnh tính hệ thống, và nỗ lực cân bằng giữa sự bài bản và tính linh hoạt. “Hiện, đây mới chỉ là sản phẩm cho thị trường ngách, phục vụ một nhóm đối tượng cụ thể, không quá rộng. Nhưng hy vọng trong tương lai, sách nghệ thuật sẽ trở thành một sản phẩm đại chúng, một nhu cầu phổ biến của xã hội”.

Hiện trên thế giới, có những đơn vị xuất bản chuyên về sách nghệ thuật, ví dụ các đơn vị Art/Books, Tate Publishing, ACC Art Books (Anh), Prestel Publishing (Đức), Siglio Press, Abrams Books (Mỹ)… Nơi đây trở thành “thiên đường” của các nhà văn và nghệ sĩ tài năng. Những người làm sách phối hợp với một số nghệ sĩ, nhà văn, đầu bếp và nhà tư tưởng lớn… để tạo ra những cuốn sách đột phá về nghệ thuật, thiết kế, thời trang, nhiếp ảnh, kiến ​​trúc, ẩm thực và du lịch… Ngoài ra, các hội chợ dành riêng cho sách nghệ thuật cũng thu hút công chúng, chẳng hạn Hội chợ sách nghệ thuật New York (có từ năm 2006), là một sự kiện lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này… Thị trường xuất bản thế giới đã phát triển với những phân khúc rõ ràng và vận hành trơn tru, và cùng với sự thay đổi, phát triển của xã hội, tiềm năng của dòng sách này là không hề nhỏ.

Cần thay đổi cách dạy nghệ thuật 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt sách giáo khoa Mỹ thuật 10, gồm 10 quyển, thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, áp dụng ngay trong năm học 2022 - 2023. Mười quyển này gồm: Thiết kế mỹ thuật sân khấu điện ảnh, Hội họa, Thiết kế công nghiệp, Đồ họa (tranh in), Kiến trúc, Thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, Thiết kế đồ họa, Điêu khắc, Thiết kế thời trang, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. 

Theo ông, hội họa Việt Nam đang phát triển mạnh trong khi số người thưởng thức mỹ thuật dù có nhiều lên, nhưng thực sự vẫn còn thiếu và mỏng ở nhiều khía cạnh. Trình độ kinh tế, xã hội, văn hóa ngày một phát triển. Cùng với đó là một thế hệ công chúng trẻ, rất mới, với cách thụ hưởng, thưởng thức văn hóa - giải trí khác. “Mỹ cảm, thẩm mỹ giới trẻ hiện nay, đa phần không được quyết định bởi các mô hình giáo dục truyền thống, thay vào đó là mạng xã hội, các công cụ như Instagram, TikTok… Nếu ta không thay đổi tư duy trong giáo dục, cũng như các thiết chế xã hội khác, rất khó tiếp cận được các em”, ông nói.“Không bàn đến việc lấy đâu ra giáo viên để dạy 10 quyển này, khi mà đào tạo sư phạm mỹ thuật cực kỳ qua loa, lấy lệ suốt mấy chục năm qua. Trong khi thực tế đời sống cho thấy rằng nhu cầu tiếp xúc với mỹ thuật, thưởng thức và sở hữu mỹ thuật đang khá cần. Sao không có cuốn nào dạy học sinh cách thưởng thức?”, nhà nghiên cứu Lý Đợi đặt vấn đề. 

Ông cũng cho rằng cần phải xác định lại việc dạy nghệ thuật trong nhà trường để có thể hy vọng có một thế hệ công chúng có trình độ thưởng lãm nghệ thuật trong tương lai. Trong sự vận động, thay đổi đó, sách nghệ thuật là một công cụ hữu hiệu để giáo dục nghệ thuật, ngành xuất bản cũng cần quan tâm để có chiến lược dài hơi, tránh tình trạng “đứt gánh giữa đường”. 

(PNO)