Sắc màu không gian sáng tạo
Không gian
Ban đầu, con người coi không gian và thời gian là hai khái niệm song hành không thể tách rời. Toán học đưa đến các khái niệm không gian hình học, không gian đẳng hướng, không gian hai hay ba chiều. Triết học đặt không gian trong phạm trù của tư duy để giải thích các khái niệm. Trí tuệ của chúng ta cũng được coi như một không gian mà trong đó các khái niệm cũng có chỗ đứng nhất định. Qua thời gian phát triển, ngày nay khi nói đến không gian xã hội, không gian sáng tạo, không gian tri thức là con người đề cập đến một sự không giới hạn, một sự hòa nhập hay một biểu hiện đặc tính kết nối cũng như tập hợp nào đó. Khái niệm không gian đôi khi gắn với các hình ảnh đối lập như đặc – rỗng, sáng – tối, ngày – đêm, sinh – tử, âm – dương, hệ thống và phi hệ thống, cứng và mềm, đôi khi lại nói là không gian vật chất và không gian tinh thần… Không gian đã thu hút chúng ta ngay từ khái niệm đầu tiên khi muốn tìm hiểu không gian sáng tạo.
Không gian sáng tạo vừa là nơi diễn ra mọi hoạt động sáng tạo của con người nhưng cũng chính là kết quả của những hoạt động đó. Phần lớn các hoạt động này đã tạo dựng và phát triển nên các TP. Do đó, TP chính là không gian không thể bỏ qua trong mọi hoạt động sáng tạo phát triển các lĩnh vực.
Mạng lưới các TP sáng tạo của Unesco (The UNESCO Creative Cities Network – UCCN) bao gồm bảy lĩnh vực phát triển sáng tạo. Gắn các lĩnh vực đặc trưng này với không gian TP thì chúng ta có các không gian: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật truyền thông, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học, Âm nhạc. Chính những khái niệm này cho chúng ta hình ảnh phong phú về không gian đầy sắc thái trong TP sáng tạo. Thủ đô Hà Nội trở thành một phần trong mạng lưới không gian “Thiết kế” các TP sáng tạo.
Lao động sáng tạo của con người qua thời gian tạo dựng nên các lớp không gian có thể gọi là các nền văn minh. Chúng là hình ảnh lưu giữ ý tưởng sáng tạo trong quá khứ tạo nên truyền thống văn hóa. Chính vì vậy kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chính là văn hóa truyền thống. TP lúc này trở thành tổng hòa của tầng tầng, lớp lớp các không gian văn hóa truyền thống phong phú và sáng tạo. Chúng ta đề cập đến nó như muôn màu sáng tạo của không gian TP.
Dưới góc độ nhà thiết kế thì không gian là một thế giới không giới hạn của những trải nghiệm sáng tạo. Nền tảng truyền thống văn hóa cùng với sáng tạo là nguồn lực chính tạo dựng nên không gian sống.
Đặc trưng văn hóa truyền thống định hướng không gian
Đặc trưng văn hóa truyền thống là hạt nhân định hướng không gian. Chính vì vậy không gian như những biểu hiện phong phú kết nối với truyền thống theo muôn vàn cách thức khác nhau từ thiết kế, tạo dựng hay lựa chọn không gian sống rất phong phú và sống động.
Sáng tạo đem lại sắc thái muôn màu cho không gian
Sáng tạo chính là nguồn năng lượng cốt lõi, ý tưởng để định hình các không gian phong phú.
Một mẩu truyện của Art Gensler, người đã tạo ra công ty thiết kế lớn nhất thế giới, nói về nội thất Apple Store đầu tiên của Apple do ông thiết kế.
Trong khi KTS Art Gensler nói rằng ông chỉ cần một tuần là sẽ có được bản thiết kế của Apple Store. Tuy vậy Steve Job yêu cầu ông sẽ làm việc một tiếng hàng tuần cùng với mình để bàn về nó. Nhìn vào cửa hàng đầu tiên này, cho đến bây giờ, người ta mới nhận ra dự định của Steve Job. Ông không thiết kế một cửa hàng mà chính là một phương thức trải nghiệm người dùng cho sản phẩm, một không gian sáng tạo của Apple.
Trí tuệ nhân tạo
Dưới sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, các lựa chọn thiết kế trở nên linh hoạt và thích ứng hơn. Nếu coi trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực mà con người muốn khám phá chính mình, thì các lĩnh vực sáng tạo hay không gian sáng tạo cũng không nằm ngoài tư duy đó.
Sao chép dập khuôn và rủi ro tiềm ẩn của phát triển
Quan điểm tạo dựng TP ngày nay cho rằng nếu chỉ làm theo những hình mẫu đã thành công ở các TP khác thì sự phát triển TP sẽ mãi là “lạc hậu” hay “đi sau”. Các hình mẫu cũng cho thấy những khó khăn rất lớn để hòa nhập với môi trường mới chưa kể đến động lực phát triển khác nhau trong nội tại của chúng. Do đó, sáng tạo chính là chìa khóa của phát triển. Tất nhiên nó cũng đi kèm với các thách thức và rủi ro. Chính vì vậy, chấp nhận thách thức, đương đầu và đánh giá rủi ro là những vấn đề hết sức quan trọng.
Chúng ta hay dùng từ “đánh đổi” để nói về sự thiệt hại nào đó như cái giá của phát triển. Tuy nhiên, dưới góc độ không gian sáng tạo thì việc chúng ta cần làm là tăng thêm giá trị cho không gian chứ không phải là làm mất đi những giá trị đã có hay “đánh đổi” một giá trị nào đó. Không gian sáng tạo hướng tiêu điểm của chúng ta đến giá trị, đến chất lượng hơn là số lượng của chúng.
Kết luận
Truyền thống văn hóa là hạt nhân, bản sắc của không gian, sự sáng tạo sẽ định hình và tạo dựng nên chính không gian này. Không gian sáng tạo phần nào thể hiện nỗ lực phát triển, tạo dựng TP, nơi con người tin rằng sáng tạo là sức mạnh, là nguồn lực cho phát triển bền vững, là giải pháp cho những vấn đề mới phát sinh trong một thế giới nhiều biến động.
Không gian sáng tạo chính là không gian sống mà con người hướng tới nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sống. Thiết kế không gian sáng tạo chính là tạo thêm nhiều giá trị và ý nghĩa cho không gian sống. Cũng chính vì vậy, không gian truyền thống luôn là một phần có tính chất nền tảng, không thể thiếu của muôn màu không gian sáng tạo.
Tài liệu tham khảo
1. Charles Landry. The Art of City-making, 1st Edition.Earthscan, England, 497 pages.
2. Henri Lefebvre. The Production of Space. Blackwell, Cambridge, 461 pages. Bản dịch của Donald Nicholson-Smith
3. Tạp chí Kiến trúc, Architecture Record, phiên bản số năm 2022.
4. Nguồn dữ liệu internet: Sưu tầm các hình ảnh minh họa và mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (The UNESCO Creative Cities Network – UCCN)
(tapchikientruc.com.vn)