Phim nông thôn mới hút khán giả
Cảnh trong phim “Lối về miền hoa” (Ảnh cắt từ màn hình)
Phim "Lối về miền hoa" của đạo diễn Vũ Minh Trí hiện đang phát sóng trên kênh VTV3 là tác phẩm tiếp theo khai thác thành công đề tài nông thôn mới. Phim thu hút được khán giả, cho thấy tiềm năng lớn của đề tài này, góp phần tạo sự đa dạng cho thị trường phim truyền hình.
Tạo được sự chú ý
Phim "Lối về miền hoa" có nội dung xoay quanh nhóm bạn trẻ lớn lên ở một làng hoa và câu chuyện trưởng thành của họ. Trong đó, Lợi (Trọng Lân đóng) là thanh niên 25 tuổi sống bằng nghề buôn bán hoa từ làng đến các cửa hàng trong tỉnh. Lợi cùng hai người bạn là Linh (Lâm Đức Anh đóng) và Bão (Mạnh Quân đóng) tự xưng là "ba người lính ngự lâm", tinh nghịch quậy phá khắp làng. Tuy vậy, cả ba đều mang trong mình trái tim nhiệt huyết, chân thành và hiệp nghĩa...
Phim thu hút ngay từ đầu bởi các tình tiết dí dỏm, hài hước nhưng chân thật, gần gũi xoay quanh tuổi thanh xuân rạng ngời, chuyện tình yêu, lập nghiệp, trưởng thành dần của các nhân vật. Diễn xuất tốt của dàn diễn viên cùng phần lời thoại mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, phù hợp với tuổi trẻ nông thôn hiện nay cũng là lợi thế khiến khán giả thích thú với phim.
Nhiều khán giả bình luận trên các diễn đàn, Fanpage của phim: "Xem phim, tôi xúc động quá! Một trời thanh xuân tươi đẹp...; Phim hay, nhẹ nhàng mà ý nghĩa; Diễn viên vào vai tự nhiên; Xem phim như thấy lại thanh xuân của mình!"… "Lối về miền hoa" vào top 10 chương trình truyền hình tháng 2-2022, do Kantar Media Vietnam thống kê dựa trên số lượng rating, khán giả trên 4 tuổi, tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ.
Trước "Lối về miền hoa", phim nông thôn mới "Phố trong làng" do NSƯT Nguyễn Mai Hiền làm đạo diễn cũng tạo được sự chú ý với khán giả. Một số phim khai thác đề tài nông thôn mới thành công còn có "Mùa hoa tìm lại" của đạo diễn Vũ Minh Trí; "Cô gái nhà người ta" của đạo diễn Trịnh Lê Phong. Trong đó, phim "Cô gái nhà người ta" dù chưa hoàn hảo nhưng được đánh giá như một làn gió mới của đề tài nông thôn hiện đại.
"Tôi thấy phim "Lối về miền hoa" khai thác đề tài nông thôn mới nhưng ở khía cạnh khác so với các phim cùng đề tài. Sự gần gũi, đời thường nhưng không lặp lại góp phần giúp phim thành công chinh phục khán giả. Một chuỗi phim đề tài nông thôn mới gần đây trên màn ảnh nhỏ đều khai thác vấn đề, góc độ khác nhau và thành công. Đây là điều đáng khích lệ, ủng hộ để phim truyền hình đa dạng, chứa đựng thông điệp ý nghĩa, gần gũi cuộc sống hơn" - nhà báo Cát Vũ nhận định.
Sẽ phát triển nếu đáp ứng nhu cầu
Đề tài nông thôn đã từng một thời nở rộ màn ảnh nhỏ với những tác phẩm được đánh giá là kinh điển như: "Ma làng", "Đất và người", "Người thổi tù và hàng tổng", "Gió làng Kình"... Ở thời điểm này, các phim nông thôn tập trung khai thác về những bi kịch, những nỗi trăn trở ở giai đoạn khó khăn cùng biến động của xã hội đã dần trở nên không hợp thời, bão hòa rồi vắng dần.
Tuy nhiên, sự thay đổi từ cách nhìn của các nhà làm phim cùng làn gió mới trong khai thác khiến chủ đề nông thôn hiện đại trở nên thú vị và mới mẻ trên màn ảnh nhỏ. Theo biên kịch Thanh Hương, đề tài nông thôn thời hiện đại nhiều tiềm năng khai thác cho phim truyền hình. Nhưng để đề tài này được duy trì thì không nên đổ xô khai thác cùng một kiểu, sẽ dễ gây nhàm chán cho khán giả.
"Lợi thế đề tài này hiện nay là bối cảnh nông thôn đẹp, mới lạ so với nhà xe đông đúc trong các phim bối cảnh thành thị. Những câu chuyện được kể cũng đa dạng, khai thác nhiều kiểu về nông thôn mới từ lập nghiệp, đả phá hủ tục, tình yêu. Để thực hiện đề tài nông thôn hiện đại là điều không dễ, bởi nông thôn ngày nay đâu chỉ có cánh đồng, bờ tre, ao cá... mà còn cả điện thoại thông minh, kết nối mạng xã hội cùng sự cởi mở, tân tiến của một số người lớn tuổi nắm bắt nhanh công nghệ" - biên kịch Thanh Hương nói.
"Xã hội đã phát triển, nông thôn cũng dần hiện đại, giới trẻ lại dễ dàng nắm bắt nhanh. Phim khai thác đề tài nông thôn mới nhưng không cập nhật từ lời thoại cho đến tình tiết thì khó thuyết phục khán giả. Một câu chuyện khiến người xem thấy họ trong đó, không nhiều khoảng cách chênh lệch với thực tế bên ngoài sẽ tạo nhiều cảm xúc hơn" - biên kịch Đông Hoa nhận định.
Việc khuyến khích người trẻ ở lại làng quê lập nghiệp, tiếp nối nghề cha ông, phát triển những gì đã có thay vì bỏ hết lên thành thị tìm kiếm đều xa vời cũng là một thông điệp cần có trong các phim khai thác đề tài nông thôn mới. Người trong giới kỳ vọng với sự tươi mới của các đề tài nông thôn hiện đại, thị trường phim truyền hình sẽ phát triển đa dạng, đáp ứng nhiều hơn nhu cầu khán giả.
Đưa hơi thở cuộc sống đến với khán giả
Biên kịch Thanh Hương cho rằng đề tài nông thôn hiện đại có tiềm năng nhưng không ít thử thách. Biên kịch phải từng trải nghiệm cuộc sống nông thôn mới có thể mang đến câu chuyện chân thật, thuyết phục được khán giả. Nếu vay mượn cảm xúc, không có trải nghiệm thực tế thì rất khó tạo nên câu chuyện thuyết phục. Còn khai thác về người trẻ, ngoài câu thoại phải trẻ trung, phù hợp, biên kịch phải nắm bắt được xu hướng của giới trẻ để đưa vào phim như một cách mang hơi thở cuộc sống đến gần với khán giả.
(nld.com.vn)