Nghệ thuật biểu diễn múa dân tộc qua góc nhìn báo chí

26.11.2020
Phương Lan
Múa là một bộ môn nghệ thuật biểu diễn sử dụng ngôn ngữ hình thể để phản ánh tình cảm, hiện tượng của cuộc sống. Nguồn gốc của nghệ thuật múa chính là những hành động của con người trong đời sống, trong quá trình lao động cộng với sự quan sát thiên nhiên. Từ đó, các động tác múa có những thay đổi, cải tiến, đi đến khái quát nghệ thuật;

Nghệ thuật biểu diễn múa dân tộc qua góc nhìn báo chí

Còn báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, góp mặt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Xã hội càng phát triển, báo chí càng đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đặc biệt là cầu nối cho việc làm đẹp, làm giàu cho vốn văn hóa của dân tộc bằng cách đăng tải nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Qua đó nhân dân được tiếp cận, thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, từ đó nâng tầm nhận thức, hiểu biết của nhân dân về văn hóa các quốc gia trên thế giới, giúp kết nối văn hóa các quốc gia dân tộc với nhau thông qua văn hóa nghệ thuật. Riêng với nghệ thuật múa, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã góp phần to lớn thúc đẩy, lan tỏa những thành tựu của nghệ thuật múa nước nhà và khai thác được những góc nhìn mới lạ.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, mỗi một tộc người lại có nét văn hóa riêng biệt. Đây là kho tàng văn hóa phong phú và quý giá “dệt” nên “tấm thổ cẩm” nghệ thuật rực rỡ sắc màu. Các nghệ sĩ, các biên đạo nếu biết dựa vào nền tảng vững chắc này sẽ góp nhặt được vô số chất liệu quý giá cho các tác phẩm của mình. Dưới góc nhìn báo chí, có thể thấy nghệ thuật biểu diễn múa những năm vừa qua phát triển mạnh mẽ như vũ bão, với rất nhiều công ty múa, các vũ đoàn, các trung tâm nghệ thuật múa mọc lên như nấm. Múa trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam và góp mặt trong các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đặc biệt, múa dân gian dân tộc đã được quan tâm và xuất hiện nhiều hơn trên sân khấu. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng nếu đánh giá thật kỹ sẽ thấy những “hạt sạn” không đáng có.

THIẾU VẮNG TINH THẦN DÂN TỘC

Trong bối cảnh xã hội đương đại với sự giao lưu, tiếp biến về văn hóa, múa dân gian dân tộc cũng được giao lưu, tiếp biến và phát triển phù hợp với thẩm mỹ đương đại. Tuy nhiên, dù có tiếp biến thì múa dân gian dân tộc vẫn cần phải giữ được hồn cốt, bản sắc của dân tộc.

Là phóng viên theo sát các kỳ thi, liên hoan, hội diễn, cá nhân tôi thấy múa dân tộc đã có sự xuất hiện nhiều hơn, song so với các loại hình múa khác thì tần suất xuất hiện của loại hình múa này vẫn còn quá ít. Một cuộc thi lớn cũng chỉ có vài ba tiết mục múa mang đúng chuẩn hồn cốt dân tộc, khiến cho khán giả chưa đã “cơn thèm”. Bên cạnh đó, một số biên đạo lạm dụng quá nhiều các phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ hiệu ứng, còn chất liệu ngôn ngữ lại bị hạn chế. Một số khác lại sử dụng ngôn ngữ múa một cách pha trộn. Lẽ ra chỉ học hỏi về thủ pháp thôi thì một số biên đạo lại cẩu thả “copy” cả ngôn ngữ một cách vụng về. Rồi đôi khi trong các sự kiện, múa nói chung và múa dân tộc nói riêng lại chỉ là thành phần phụ họa cho chương trình với các động tác bê đỡ, hoặc múa với hát không ăn nhập gì với nhau. Như vậy có thể nói, múa dân tộc vẫn chưa có được vị trí xứng đáng cho mình.

Bên cạnh đó, điều khiến khán giả yêu múa dân tộc như tôi cảm thấy “bức bối” nhất đó là khi biên đạo nhầm lẫn múa của dân tộc này với dân tộc khác, âm nhạc hay trang phục của dân tộc này với dân tộc khác rồi “chắp vá” một cách tùy tiện, đôi khi ngượng ngập khiến cho chương trình chỉ hoành tráng ở màu sắc bề ngoài. Nếu những trường hợp “đầu Ngô, mình Sở” này xảy ra thường xuyên mà không được các nhà nghiên cứu, các nhà chuyên gia về nghệ thuật múa phát hiện, chấn chỉnh kịp thời, dần dà sẽ khiến múa dân tộc bị biến tướng và mất dần nét đặc trưng của dân tộc đó.

Lỗ hổng lớn hơn, đáng đau xót hơn nữa là những bộ quần áo dân tộc “bỗng dưng” bị “thiếu vải”, các điệu múa dân tộc bỗng bị lai căng, phảng phất nét nhảy của sexy dance, hiphop, breakdance… Múa chỉ để khoe cơ thể, khoe trang phục, không có kỹ thuật; rồi múa đông người thì chỉ thấy đi ra, đi vào hoặc mạnh ai nấy múa…Nếu như múa của dân tộc Thái có nét mềm mại, đằm thắm; múa Khơ Me mang nét vui nhộn, hài hước; múa dân tộc Kinh duyên dáng, tinh tế; Múa dân tộc Chăm mềm mại, sâu lắng; múa của các dân tộc vùng Tây Nguyên sôi động, khỏe khoắn, hoang dã,…thì do không hiểu biết nên một số biến đạo “vô tình” khiến múa của các dân tộc bị “mix” lại với nhau, trộn lẫn, rồi biến tướng, không mang được nét đặc trưng, đôi khi cứ có nét hao hao nhau khiến khán giả khó phân biệt.

Qua đây mới thấy, những đợt tập huấn, thâm nhập thực tế, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân tộc là những trải nghiệm vô giá cho các biên đạo, diễn viên muốn hết mình với múa dân tộc. Những đợt khai thác thực tế kiểu này đã được các giảng viên Múa Dân tộc của Học viện Múa Việt Nam những năm qua thực hiện thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả tích cực. Hay như trước đây, giảng viên Nguyễn Thị Thanh Mai của Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Việt Bắc (Thái Nguyên), đã cất công nhiều ngày đêm sống cùng với đồng bào dân tộc Dao quần trắng ở Tuyên Quang để dàn dựng tiết mục múa có tên “Khóc”, lấy từ nghi lễ Báo hiếu-nghi lễ tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Tiết mục múa này được chính các con em của đồng bào Dao quần trắng đang học tại trường biểu diễn, đưa về Thủ đô tham dự cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số và đã gây được ấn tượng tốt đẹp với Ban Giám khảo và khán giả.

Có thể nói, những cuộc cất công tìm tòi này là cơ hội tốt để khai thác được nhiều chất liệu quý từ việc tìm hiểu về phong tục tập quán, trang phục, âm nhạc, điêu khắc, hội họa của đồng bào các dân tộc. Múa của các dân tộc ít người như Sila, Đan Lai, Sán Chay, Pa Dí… cần được khai thác và đưa lên sân khấu nhiều hơn.

PHẢI CHẮT CHIU TỪ NGUỒN CỘI

Xã hội ngày càng phát triển, các sân chơi nghệ thuật ngày càng nở rộ với nhiều loại hình mới lạ, đây là cơ hội không nhỏ cho nghệ thuật múa thể hiện mình. Nhìn ở bề nổi, có vẻ như nghệ thuật múa đang thăng hoa, phát triển rầm rộ, thế nhưng các tác phẩm độc lập hoặc đỉnh cao như thơ múa, kịch múa…lại khá khiêm tốn.

Ngẫm lại mới thấy, để có những tác phẩm để đời với sức sống lâu bền như Kịch múa “Ngọn Lửa Nghệ Tĩnh” (Tập thể Biên đạo Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam); Kịch múa “Tấm Cám” (Tập thể Biên đạo Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), hay các tác phẩm Cánh chim và ánh sáng mặt trời” ( NSND Thái Ly); “Mùa Ban nở” (NSND Minh Tiến); “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ” (PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh); “Mùa xuân trên bản H’Mông” (NSND Chu Thúy Quỳnh); “Câu chuyện bên dòng sông” (NSND Nguyễn Công Nhạc); “Múa KaTu” (NSND Thái Ly – NSUT Ngân Quý); “Nguyệt Cô hóa cáo” (TS.NSND Nguyễn Văn Quang) “Múa trống Tây Nguyên” (NSND Y Brơm),…thì các tác giả thực sự có trình độ, có sự am hiểu sâu sắc về múa dân tộc và cả tâm huyết cháy bỏng với nghề. Sự trau chuốt, tỉ mỉ trong từng tư thế, động tác, chú trọng thể hiện từ thủ pháp tới ngôn ngữ múa và tình cảm nội tâm của nhân vật… đã khiến cho các tác phẩm trường tồn với thời gian. Đây là những tố chất quan trọng mà các nghệ sĩ trẻ cần trau dồi, học hỏi.

Khách quan mà nói, một vài năm gần đây, trong các kỳ liên hoan, hội diễn đã có nhiều biên đạo trẻ khai thác đề tài múa dân tộc. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của thế hệ trẻ tới các giá trị truyền thống của dân tộc. Chỉ mong sao các đơn vị chức năng, các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp có sự đồng hành với các biên đạo để họ có hướng đi đúng và không có những “nhầm lẫn”, những sự cẩu thả đến đáng tiếc. Tác phẩm múa dân tộc dù tiếp thu thủ pháp từ múa đương đại để mang hơi thở mới, sức sống mới, tạo sự gần gũi với khán giả, song vẫn phải giữ được tính dân tộc trong đó. Tính dân tộc ở đây không phải chỉ là hình thức dân tộc (trang phục, âm nhạc, đạo cụ…), mà phải có nội dung dân tộc (bản sắc, khí phách, tâm hồn dân tộc). Nội dung dân tộc ấy được thể hiện qua phong tục, tập quán, qua ngôn ngữ nghệ thuật…đủ để khán giả nhận biết dân tộc này với dân tộc khác. Suy cho cùng bản chất của một tác phẩm múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao giờ cũng gồm ba yếu tố cơ bản: nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của tác phẩm và tính cội nguồn truyền thống. Ba yếu tố này tác động tới nhau sẽ tạo ra những sáng tạo mới mang một bộ mặt, tâm hồn dân tộc trong thời đại mới.

CẦN LẮM SỰ CHUNG TAY

Dẫu thế nào múa dân tộc vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu đối với khán giả yêu múa. Ngay trong các chương trình đối ngoại, các show biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách quốc tế thì các loại hình nghệ thuật dân tộc vẫn gây được sự tò mò, thích thú với khán giả hơn cả. Họ muốn tìm hiểu về cội nguồn, bản sắc văn hóa của quốc gia mà họ có cơ hội đặt chân tới, đó là nhu cầu chính đáng. Chúng ta làm nghệ thuật là để phục vụ khán giả, vậy thì phải xuất phát từ chính nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của khán giả.

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP trong công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam những năm vừa qua. Những nghị định này ra đời đã khiến chúng ta loại bỏ đi những “hạt sạn” lớn trong các hoạt động biểu diễn, trong đó có biểu diễn nghệ thuật múa. Thêm một vấn đề cốt lõi mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra là tiếp tục đổi mới tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong văn học, nghệ thuật. Sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ, phải bắt đầu từ trong các cấp ủy đảng đến chính quyền, từ Trung ương đến địa phương. Từ chính sách đãi ngộ, sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan, ban ngành…

Sự chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, của các nhà làm nghệ thuật và những nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, chắc chắn sẽ làm thay đổi bộ mặt hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo hướng tích cực. Cần lắm những đợt bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, những trại sáng tác, những đợt thâm nhập thực tế… cho các biên đạo, các nghệ sĩ, đặc biệt là tạo điều kiện cho nghệ sĩ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ địa phương, vùng miền trên cả nước có cơ hội tham gia trải nghiệm, nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn để hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử các dân tộc.

Một khi ở đâu đó vẫn chưa coi văn học, nghệ thuật là cốt lõi, là lĩnh vực tinh tế của văn hóa, góp phần tạo nên nền tảng tinh thần của nhân dân, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, thì ở đó vẫn còn những trở ngại, hạn chế cho quá trình phát triển của văn học, nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật múa./.

(hoinghesimua.vn)