Nỗ lực hoàn thiện quy trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT
Các nghệ sĩ biểu diễn kịch với chủ đề về Bác Hồ trong hành trình Xuân Biên giới 2023 của Nhà hát kịch Việt Nam |
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định, người được xét tặng danh hiệu NSND phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật từ 20 năm trở lên (15 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa); đã được tặng danh hiệu NSƯT. Cá nhân hoạt động nghệ thuật phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 1 giải Vàng của cá nhân.
Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật thì phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, được công chúng yêu thích đón nhận (tác phẩm đạt tiêu chí: có 1 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc có ít nhất 2 tác phẩm đạt giải Vàng quốc gia). Với danh hiệu NSƯT, người được xét tặng phải có thời gian hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật 15 năm trở lên (10 năm đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa). Cá nhân hoạt động nghệ thuật phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia trong trường hợp không có 1 giải Vàng của cá nhân). Cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, được công chúng yêu thích đón nhận (tác phẩm đạt tiêu chí: có 1 tác phẩm đạt ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc có ít nhất 2 tác phẩm đạt giải Vàng quốc gia).
Cũng theo dự thảo, một số trường hợp đặc biệt được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là các cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc: Cá nhân là người cao tuổi có nhiều đóng góp trong lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp; cá nhân tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch; cá nhân là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc gia, quốc tế và vẫn đang tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ VHTTDL đã tổ chức 3 đợt xét tặng danh hiệu. Kết quả đã có 186 NSƯT được phong tặng danh hiệu NSND, 686 nghệ sĩ được tặng danh hiệu NSƯT. Hiện nay, Bộ VHTTDL đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu NSND cho 136 NSƯT và xem xét, xét tặng danh hiệu NSƯT cho 347 nghệ sĩ.