Nhạc sĩ Văn Ký từ trần
Phó Giáo sư Vũ Chí Nguyện, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, cho biết nhạc sĩ Văn Ký được cấp cứu ở Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội 10 ngày qua. Đến sáng 26-10, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện.
Đam mê mãnh liệt với âm nhạc
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1-8-1928 trong một gia đình có 4 anh em ở làng Hào Kiệt (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Bố ông là thầy đồ dạy học, mẹ làm nghề nông. Gia đình nghèo nên từ rất sớm, bà nội đã đón Văn Ký vào sống với ông bà tại Hà Trung (Thanh Hóa). Ông vừa đi học vừa chăn trâu, cắt cỏ. Lớn hơn một chút, ông về ở với chú ruột tại Nông Cống (Thanh Hóa). Chính nơi đây, ông được giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia phong trào Việt Minh, bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa lúc mới 15 tuổi. Dù địch dùng đủ cực hình tra tấn nhưng chàng thiếu niên Văn Ký vẫn không hé răng nửa lời. 18 tuổi, ông được kết nạp Đảng, làm Huyện đội trưởng Nông Cống (Thanh Hóa) lúc mới 20 tuổi...
Tham gia cách mạng từ rất sớm và đam mê của ông chính là âm nhạc. Ông rủ bạn mua sách dạy nhạc lý về tự học và năm 18 tuổi đã sáng tác bài "Trăng xưa" - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò. Vì đam mê mãnh liệt với âm nhạc nên sống trong quân đội, dù đóng quân ở đâu, ông cũng hăng say đàn hát và hoạt động văn nghệ phong trào. Chính nhờ điều này mà ông đã được cử đi học lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ ở liên khu, bộ môn âm nhạc, để từ đó, nền âm nhạc Việt Nam có một nhạc sĩ Văn Ký tài năng và chuyên nghiệp. Ông sở hữu một gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, vũ nhạc, ca kịch...
Cuộc đời của những niềm hy vọng
Nhắc đến Văn Ký là nhắc đến "Bài ca hy vọng". Dù đã 62 năm trôi qua nhưng "Bài ca hy vọng" với ca từ sâu lắng và giai điệu nhẹ nhàng đã in sâu vào tiềm thức người Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Ký sáng tác ca khúc này năm 1958, khi đất nước còn bị chia cắt hai miền.
Lúc sinh thời, ông từng kể mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài "Bài ca hy vọng" đã bật ra một cách tự nhiên. Tình hình đất nước lúc đó rất khó khăn nhưng ông cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. "Thậm chí, tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/...Đàn chim bay cùng ta cất cánh/ Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu..." - nhạc sĩ kể.
Ông mang tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trưởng Ban Âm nhạc, bố trí để nhạc sĩ Văn Ký trực tiếp dàn dựng. "Đó là thời kỳ đất nước bị chia cắt, nhưng chân lý "Việt Nam nhất định thắng" và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã khiến cho "Bài ca hy vọng" có sức lan tỏa mạnh mẽ" - tác giả "Bài ca hy vọng" kể.
Những năm tháng ấy, qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như qua truyền miệng, học lẫn nhau, "Bài ca hy vọng" đã vượt qua Vĩ tuyến 17, có mặt ở rất nhiều nơi. Cách đây không lâu, chia sẻ thêm về ca khúc này, nhạc sĩ cho hay ông sáng tác "Bài ca hy vọng" khi 30 tuổi, đầy sức sống, đầy hy vọng. "Bây giờ tôi vẫn không thấy nó cũ. Hạnh phúc đó đưa mình đến chân trời có những niềm vui, tôi luôn thấy có những ước ao, hy vọng trước mặt mình" - nhạc sĩ Văn Ký ở tuổi 92 tâm sự.
Mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Văn Ký lại có những câu chuyện rất riêng. Ca khúc "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi" (từng đoạt giải của Bộ GD-ĐT) được ông lấy cảm hứng khi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 năm 1967. Nhạc sĩ Văn Ký đã gặp và rất ấn tượng với bản báo cáo thành tích của cô giáo người Tày Tô Thị Rỉnh, chiến sĩ thi đua toàn quốc, ngay sau đó, ca khúc ca ngợi người giáo viên nhân dân đã ra đời và có đời sống rất đáng trân trọng.
Còn ca khúc "Tây Nguyên bất khuất" được sáng tác từ cảm hứng sau khi đọc xong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc hồi năm 1960. Năm 1983, sau khi "Tây Nguyên bất khuất" ra đời được hơn 20 năm, tác giả mới có dịp vào thăm Tây Nguyên. Năm 1977, khi đến Khánh Hòa, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp lộng lẫy nắng vàng của biển Nha Trang, ông vội ghi những cảm xúc dâng trào lên vỏ bao thuốc lá. Sau đó, ca khúc "Nha Trang mùa thu lại về" đã hoàn thiện và giành giải thưởng của tỉnh Khánh Hòa. Giai điệu của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa.
Nhạc phẩm cuối cùng: "Covid phải lùi xa"
Ở tuổi 90, nhạc sĩ Văn Ký vẫn rất minh mẫn, vui khỏe, tập yoga và sáng tác. Ông tập yoga từ năm 2000 và đến tận những ngày tháng gần đây vẫn duy trì thói quen tập thiền và yoga mỗi ngày. Nhạc sĩ từng chia sẻ bí quyết sống khỏe của mình là yoga, nhờ đó mà ông cảm nhận được cơ thể mình thay đổi, có được sức khỏe bền bỉ.
Nhạc sĩ Văn Ký cũng là người yêu thích công nghệ, ông thường xuyên dùng máy tính để cập nhật tin tức, trao đổi thông tin bằng thư điện tử; gọi facetime với bạn bè con cháu. Mới đây, trong dịch Covid-19, nhạc sĩ lại khiến nhiều người bất ngờ khi ông giới thiệu sáng tác mới "Covid phải lùi xa". Ông cho hay vào thời khắc dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, ông lại có cảm xúc như thời chống giặc. Nhạc sĩ tâm sự ông đã đi nhiều nơi, đã tham gia những sự kiện lớn, trải qua những giai đoạn gian khổ và mỗi giai đoạn ấy, ông đều có những tác phẩm ghi dấu và đến thời Covid-19 cũng vậy.
(nld.com.vn)