Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phục dựng vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”
Vì lý do dịch bệnh nên nhà hát chia ra từng giai đoạn để tổ chức tập luyện dưới sự chỉ đạo của Hội đồng nghệ thuật nhà hát. Đến đầu tháng 10/2021 tình hình dịch bệnh có chiều hướng bớt phức tạp việc tập luyện cũng thuận lợi hơn, nhà hát mời một số NSND, NSƯT nâng cao chất lượng biểu diễn cho các diễn viên chính. Với sự tham gia của NSƯT Minh Hải trong vai Thị Hến, NSƯT Bích Phượng trong vai Bà huyện, nghệ sĩ Bá Huỳnh vai chú Ốc, nghệ sĩ Thanh Quảng vai quan huyện, nghệ sĩ Hồng Hà vai Trùm sò, nghệ sĩ Trung Tám vai thầy Đề, nghệ sĩ Tấn Đông vai lý trưởng... đến nay vở diễn đã hoàn thành, nhà hát tổ chức diễn báo cáo với lãnh đạo Sở và hội đồng nghệ thuật và được đánh giá cao về chất lượng diễn xuất, chất lượng nghệ thuật của vở diễn.
Trước mắt nhà hát sẽ ghi hình và phát trên kênh youtube và facebook của nhà hát. Hiện bộ phận kỹ thuật đang hoàn thanh các công đoạn kỹ thuật để phát sóng phục vụ nhân dân.
Diễn viên đóng vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" chụp ảnh lưu niệm.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: Vở tuồng “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” nguyên tên chữ của vở tuồng là Di tình (移情), là một vở tuồng đồ (tức tuồng do các nhà Nho nghèo sáng tác hoặc dựa theo tích dân gian) sáng tác bằng văn vần chữ Nôm, tuy nhiên dân gian thường gọi theo tên một số nhân vật trong tuồng. Tác giả khuyết danh, không rõ thời gian sáng, vở tuồng được xem là xuất phát từ tuồng Quảng Nam, sau lan đến cả Bình Định.
“Nghêu, Sò, Ốc, Hến” là loại hình tuồng hài, do tác giả dân gian sáng tác, lấy đề tài trong cuộc sống đời thường và để diễn cho dân chúng xem, nội dung mang tính châm biếm, đả kích quan lại địa phương, giàu chất hài hước, làm cho vở diễn có sức hấp dẫn từ đầu đến cuối... Nhiều nhân vật, diễn tích trong vở trở thành những thành ngữ thông dụng trong dân gian.
Ban đầu, vở tuồng mang tính chất là tuồng dân gian, tình tiết không cố định, chỉ lưu hành trong dân gian vùng Quảng Nam. Khoảng cuối năm 1959, nhà nghiên cứu sân khấu dân gian Việt Nam Hoàng Châu Ký, bấy giờ là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đồng thời là thành viên Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu, đã cho dựng lại tuồng "Nghêu Sò Ốc Hến" và cho công diễn tại Nhà hát Tuồng Trung ương (Hà Nội), với dàn diễn viên gốc Quảng Nam, Bình Định, gồm Nguyễn Lai (Trùm Sò), Ngô Thị Liễu (bà Huyện), Minh Đức (Thị Hến), Đinh Quả (Đề Lại), nghệ sĩ Kích (Ốc). Khi công diễn vở tuồng đã làm sôi nổi dư luận giới sân khấu, vì không ngờ trong vốn tuồng lại có loại vở hài tuyệt vời như thế.
Với sự thành công của vở tuồng, nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký cùng với nhà nghiên cứu Tống Phước Phổ đã chỉnh lý và biên soạn lại kịch bản vào năm 1965. Đây là kịch bản chính thức đầu tiên của vở tuồng này.
Năm 1967, Xưởng phim truyện Hà Nội đã ghi hình vở tuồng "Nghêu Sò Ốc Hến", do Bắc Xuyên và Trúc Lâm làm đạo diễn, do các diễn viên của Đoàn tuồng Liên khu 5 thủ diễn. Sau đó, "Nghêu Sò Ốc Hến" đã được chuyển thể sang nhiều loại hình sân khấu khác nhau như kịch nói (chuyển thể: Dương Ngọc Đức), chèo, cải lương (chuyển thể: Nguyễn Thành Châu) và hài kịch "Thị Hến kén chồng" (kịch bản: Phạm Công Trình) do nghệ sĩ Xuân Hinh đóng. Thậm chí, vở diễn còn được biểu diễn nhiều lần ở nước ngoài như Liên Xô, Cộng hòa Czech, Hoa Kỳ. Dù ở loại hình nghệ thuật nào thì cũng trở thành vở diễn hết sức đặc sắc do có nhiều tình tiết bất ngờ, hóm hỉnh thu hút khán giả.
Mời bạn đọc xem vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" trên kênh Yutube:
https://www.youtube.com/watch?v=JYWNTW8oo4Q