Người đứng đầu với công tác cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị
Tuy nhiên do cơ chế quyền lực khác nhau nên vai trò người đứng đầu các cấp uỷ đảng và các cơ quan quyết định tập thể theo nguyên tắc thiểu số - có khi người đứng đầu thuộc thiểu số - phải phục tùng đa số, không giống với vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với tư cách thủ trưởng được quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đương nhiên ở đây người đứng đầu cũng chỉ có thể hoàn toàn được quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong trường hợp cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, khác với trường hợp cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.
Chẳng hạn khi Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII chủ trương cho thực hiện thí điểm người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình, thì quyền quyết định cuối cùng tuỳ thuộc vào cấp trên - ví dụ như giám đốc sở được quyền tiến cử nhân sự cho chức danh phó giám đốc sở nhưng được chấp nhận hay không là do ban thường vụ tỉnh uỷ/thành uỷ quyết định. Tương tự như vậy, khi Kết luận số 21-KL/TW chủ trương cho thực hiện thí điểm bí thư cấp uỷ giới thiệu để bầu uỷ viên ban thường vụ và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình, quyền quyết định cuối cùng vẫn tuỳ thuộc vào cấp uỷ cấp trên.
Dưới góc nhìn của người làm nghề tổ chức xây dựng đảng thì ở trường hợp nào cũng đều cần sự công tâm trong đánh giá cán bộ. Thực tế cho thấy hiếm khi sự lựa chọn nhân sự để tiến cử của người đứng đầu không được đồng thuận. Điều này có phần do có sự ràng buộc rằng nhân sự ấy phải nằm trong quy hoạch, nghĩa là về cơ bản đã được sự tín nhiệm nhất định của tập thể. Thế nhưng ở đây cũng có thể có khả năng thiên vị trong đánh giá, trong sự lựa chọn nhân sự để tiến cử đối với các nhân sự nằm trong quy hoạch. Vấn đề của người đứng đầu là phải vì việc xếp người chứ không vì người xếp việc, là phải lựa chọn người phù hợp với công việc chứ không chỉ và chủ yếu cũng không phải lựa chọn người phù hợp với bản thân mình. Đương nhiên phương án tối ưu là vừa phù hợp với công việc vừa phù hợp với nhãn quan của người đứng đầu, song ưu tiên hàng đầu là vẫn phải lựa chọn cho được người phù hợp với công việc.
Vượt qua được chính nhãn quan thậm chí định kiến của mình để lựa chọn được người phù hợp với công việc mới là đóng góp lớn của người đứng đầu trong công tác cán bộ, thể hiện bản lĩnh chính trị của một thủ trưởng/một người lãnh đạo. Nói người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có vai trò hết sức quan trọng trong công tác cán bộ là theo nghĩa đó.
Trong thực thi công vụ, người đứng đầu nào cũng muốn nhất hô bá ứng, cũng muốn mọi ý tưởng lãnh đạo của mình đều được sự đồng thuận tuyệt đối của các cộng sự, và nếu được như vậy thì chắc chắn mọi việc của địa phương, cơ quan, đơn vị đều thuận buồm xuôi gió… Tuy nhiên trong thực tế, người đứng đầu dẫu tài giỏi đến mấy cũng phải biết thực sự phát huy dân chủ ngay trong tập thể lãnh đạo của mình, để qua trí tuệ tập thể, qua những ý kiến phản biện của các cộng sự gần gũi nhất, những ý tưởng đã đúng càng có điều kiện hoàn thiện hơn, và quan trọng là có điều kiện điều chỉnh thậm chí từ bỏ những ý tưởng chưa đúng hoặc không còn đúng so với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trách nhiệm của người đứng đầu là phải góp phần lựa chọn và bố trí vào chức danh đã quy hoạch đối với những cán bộ đủ trí tuệ và tâm huyết để nói khác thậm chí nói ngược với người lãnh đạo cao nhất, cũng có thể là người đã ủng hộ mình thăng tiến trong công vụ. Đương nhiên, nói khác thậm chí nói ngược ở đây hoàn toàn không phải là thói bàn lui, bàn ra, kỳ đà cản mũi, nhất là dối với những ý tưởng mang tính đột phá, những cách nghĩ cách làm mang tính canh tân, đổi mới của người đứng đầu…
Trong câu chuyện này, vai trò của người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp uỷ - cơ quan chuyên trách việc “gác cổng” cho Đảng trong công tác cán bộ - càng trở nên quan trọng. Khi bố trí vào chức danh đã quy hoạch đối với cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp quản lý, trưởng ban tổ chức cấp uỷ cùng lúc được thực hiện hai cơ chế quyền lực: Với tư cách người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp uỷ là cơ quan tham mưu giúp việc về công tác cán bộ, trưởng ban tổ chức cấp uỷ được toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định tiến cử của mình - thể hiện trong tờ trình chính thức tại cuộc họp của ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp bàn công tác cán bộ; nhưng với tư cách uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, trưởng ban tổ chức cấp uỷ cũng chỉ có một phiếu thuận, giống như bí thư cấp uỷ, phó bí thư cấp uỷ và các uỷ viên ban thường vụ khác.
Vì vậy muốn thuyết phục được đa số và hơn thế, thuyết phục được toàn thể ban thường vụ cấp uỷ đồng thuận với phương án nhân sự do mình tham mưu tiến cử, với tư cách người đứng đầu cơ quan tổ chức, trưởng ban tổ chức cấp uỷ phải biết cầu thị lắng nghe những ý kiến tham vấn của các cộng sự thân thiết của mình, sao cho bản thân mình đủ tự tin để khẳng định phương án nhân sự như vậy là tối ưu, là đảm bảo mọi tiêu chuẩn cơ bản nhất, là thực sự vì việc xếp người. Chỉ khi nào có đủ tự tin như vậy thì với tư cách uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, trưởng ban tổ chức cấp uỷ mới có thể bảo vệ thành công phương án tham mưu tiến cử của mình trước tập thể ban thường vụ cấp uỷ…
Trong quá trình tham mưu tiến cử của trưởng ban tổ chức cấp uỷ trước tập thể ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp, có một trường hợp rất tế nhị cần phải ứng xử thật tinh tế và hiệu quả là khi có sự khác biệt giữa hai người đứng đầu - người đứng đầu cấp uỷ và người đứng đầu ban tổ chức cấp uỷ. Kinh nghiệm cho thấy không ít lần phương án tham mưu tiến cử của trưởng ban tổ chức cấp uỷ phải đối diện với nguy cơ “phá sản” ngay từ đầu do không giống với dự kiến lựa chọn nhân sự của chính bí thư cấp uỷ.
Kinh nghiệm cũng cho thấy trong trường hợp này, để thuyết phục bí thư cấp uỷ thay đổi sự lựa chọn riêng để đồng thuận với phương án tham mưu của mình, trưởng ban tổ chức cấp uỷ cần phải chứng minh nhân sự mà mình tiến cử là hoàn toàn tương thích, đáp ứng cao nhất với đòi hỏi của từng tiêu chuẩn liên quan tới chức danh sắp đề bạt, và ở đây một lần nữa sự tự tin cùng bản lĩnh của người làm nghề tổ chức xây dựng đảng sẽ giúp trưởng ban tổ chức cấp uỷ bảo vệ thành công phương án tham mưu của mình - đương nhiên cũng không nên loại trừ tình huống trưởng ban tổ chức cấp uỷ được bí thư cấp uỷ thuyết phục ngược lại rằng nhân sự do chính bí thư cấp uỷ lựa chọn mới là phương án tối ưu, từ đó thay đổi phương án chính thức trình tập thể ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp./.
B.V.T