Người bị văn hóa dân gian “bỏ bùa”

20.08.2018

Lớp lớp bề dày văn hóa các vùng miền đất nước hòa quyện, thấm đẫm trong tâm hồn đã giúp nhạc sĩ Nguyễn Cường chưng cất thành những tác phẩm để đời mà ông gọi là “những món quà đặc biệt của cuộc sống” dành tặng người yêu nhạc.
Ca khúc của Nguyễn Cường, dù viết về vùng đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên hay Tây Bắc… đều có giai điệu phóng khoáng, mãnh liệt, ca từ đẹp, gợi cảm và giàu tính dân tộc. 

Người bị văn hóa dân gian “bỏ bùa”

“Tôi đang mê Tây Bắc”

Nhạc sĩ Nguyễn Cường mở đầu câu chuyện về âm nhạc bằng việc “chiêu đãi” tôi ca khúc “Phải chăng em từ Mường Trời”. Trong không gian êm ả của buổi chiều trên phòng làm việc rộng thoáng của ông ở  tầng 15, một giai điệu rung ngân cất lên từ một chất giọng vang khỏe, rộn ràng.

Chủ và khách như đắm chìm trong tiếng suối chảy rỉ rả, tiếng thác dội vào vách đá, như thấy mây vờn đỉnh núi, thấy nếp váy thổ cẩm xập xòe trên những vạt ruộng bậc thang… Rồi thốt nhiên, ca từ “phải chăng em từ Mường Trời /xuống chơi đêm xòe noọng ơi!” lại đưa người nghe vào miền thanh âm nhịp nhàng da diết, cuốn hút mê mị của những bắp chân trần, những vòng lượn chênh chao điệu múa xòe Tây Bắc.

“Khi xâm nhập vào những vùng văn hóa của đất nước mình, tôi luôn luôn bị mê hoặc. Tôi mê vẻ đẹp bình dị, khỏe khoắn, rực rỡ mà tinh tế trên khăn piêu, trên trang phục thổ cẩm của đồng bào dân tộc Tây Bắc. Sức sống giữa không gian văn hóa mang đậm màu sắc dân tộc của chợ phiên, chợ tình, của hát si hát lượn, khèn môi, kèn lá, sáo Mông…

Tôi lại hăm hở học dân ca Thái, tìm hiểu về các loại nhạc cụ, văn hóa vùng cao, phong tục tập quán của đồng bào, choáng ngợp trước nguồn cội, quê hương của trường ca “Đẻ đất đẻ nước”…Tôi lại viết được “Đà Giang đại hợp xướng”, lại viết thêm những ca khúc dạt dào cảm xúc tươi mới” - nhạc sĩ Nguyễn Cường hồ hởi trải lòng về tình yêu của ông với những miền văn hóa dân gian.

Đơn đặt hàng uy lực…

Nhạc sĩ ví von: “Tây Nguyên là một chàng trai vạm vỡ, khỏe khoắn tràn căng nhựa sống. Còn Tây Bắc thì như một cô gái xinh đẹp nõn nường, hấp dẫn hun hút chiều sâu. Nếu bản nhạc, bài hát của tôi mà không có màu sắc dân ca thì tôi không coi đó là thành công của mình.

Như nhìn theo lẽ tự nhiên thì không có một con người nào bỗng dưng  từ trên trời rơi xuống cả. Cái gì cũng phải có nguồn gốc xuất xứ. Ca khúc của tôi cũng vậy, nếu không tái hiện màu sắc văn hóa Việt Nam thì… coi như không có bản sắc gì cả”.

Không bao giờ chạy theo đề tài hay xác định ca khúc phải mang màu sắc một loại hình nghệ thuật bác học nào nhưng mạch nguồn văn hóa dân gian cứ tha thiết chảy trong tâm hồn Nguyễn Cường, khiến những giai điệu của ca trù, tuồng, chèo, quan họ, hát trống quân cứ trỗi lên trong các ca khúc ông viết.

Luôn khẳng định, mình sáng tác theo đơn đặt hàng, nhưng cái đơn đặt hàng đó là đơn đặt hàng của cuộc sống. Chỉ có cuộc sống tươi đẹp ngồn ngộn mãnh liệt mới đủ uy lực để nhạc sĩ dồn năng lượng cho sáng tạo, để ông không trái lời.

...Đất  tri kỷ người tri âm 

 
Với Tây Nguyên, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có rất nhiều cơ duyên để trải nghiệm, cảm nhận về con người và vùng đất khoáng đạt mà ông gọi là “thiên định”. Năm 1981, ông lại có tới 7 tháng trời lặn lội đi thực tế  nơi mảnh đất cao nguyên đầy nắng, đầy gió, ngăn ngắt màu xanh ấy. Ông hòa nhập vào đời sống của đồng bào dân tộc, về các buôn làng như người con trở về nhà, như cá gặp nước.
Người ta nói “3 cùng” chứ như ông phải là “5 cùng” mới đúng, vì không chỉ cùng ăn cùng ở cùng làm mà ông còn say mê tập hát dân ca, tập làm người  Ê Đê, Ba Na, Jarai…

Được đất tri âm, được người tri kỷ, tôi lạc quan là “kho tư liệu” với hàng trăm bài hát nằm trong ngăn kéo của mình sớm có nhiều cơ hội đến được với đông đảo bạn yêu nhạc”.

Kim Phượng
(giaoducthoidai.vn)