Màu sắc trong văn chương - Huỳnh Văn Hoa
Màu sắc là chất liệu không thể thiếu được trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và văn học. Màu sắc tồn tại trong thế giới tự nhiên như mọi yếu tố vật chất khác. Trong đời sống con người nhận thức màu sắc dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau. Bản thân là vật chất, thế nhưng, khi đi vào sáng tạo nghệ thuật, màu sắc lại mang sắc thái, bóng dáng riêng, tùy thuộc vào cảm quan hiện thực, vào nhân sinh quan, thế giới quan của người nghệ sĩ.
Như thời gian và không gian nghệ thuật, màu sắc là một tín hiệu phản ánh thế giới thế giới tâm hồn của chủ thể sáng tạo. Bất kì nghệ sĩ nào, khi tiếp nhận và đưa màu sắc vào thế giới nghệ thuật của mình, đều theo một cách riêng, dáng vẻ riêng.
Tập hợp bảng màu của một tác giả, một tác phẩm, ta có thể tìm ra những yếu tố về tư duy nghệ thuật của tác giả, tác phẩm đó trong một thời kì lịch sử nhất định. Màu đỏ trong thơ Tố Hữu là một ví dụ. Khi đi vào nghệ thuật, màu sắc không còn tồn tại như một yếu tố vật chất đơn thuần, mà còn gắn liền với đề tài, chủ đề, tư tưởng của một tác phẩm cụ thể, phản ảnh cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ. Do vậy mà, từ màu sắc bên ngoài được phản ánh vào tác phẩm, ta có thể nhận ra màu sắc bên trong – màu sắc tâm hồn – của một nhà văn, nhà thơ.
Trong bảng màu của một tác giả, màu sắc xuất hiện cũng không đồng đều. Có thời kì, sắc màu này chiếm ưu thế, sang đến thời điểm khác, màu sắc khác lại trỗi vượt. Tất cả đều có lí do của nó.
Theo lí thuyết vật lí Newton cho rằng ánh sáng mặt trời do 7 sắc cầu vồng tạo nên: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Song ở nghệ thuật, cảm giác về màu sắc là một trong những cảm giác chủ quan nhất của con người. Nghĩa là, nó tùy thuộc hoàn toàn vào sự cảm nhận của cá nhân nghệ sĩ. Nhưng nói vậy không có nghĩa là phủ nhận tác động của khách quan, đặc biệt là tác động của xã hội. Điều này cho thấy vì sao khi đi vào một tác phẩm hay một tác giả, ta lại bắt gặp nhiều điều khá lí thú.
Ở mỗi nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ có phong cách, đều có những cách nói rất lạ và độc đáo về màu sắc. Có cách nói chệch chuẩn, tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn, ở Truyện Kiều, Nguyễn Du nói các màu: màu quan tái, màu quan san, màu sương, màu hiền. Ở Chinh phụ ngâm, có màu kiêu hãnh, màu áo cưới, màu ẩn sĩ. Ở Đoàn Phú Tứ có màu thời gian. Ở thơ Chế Lan Viên, có màu xứ sở, màu Tổ quốc, màu tà dương, màu rách xé, màu hoa lau, màu cuồng tín, màu liễu. Thực ra, đây là cách nói riêng về màu sắc, một cách nói đặc biệt của tác giả, nhằm tạo sắc thái biểu cảm cho hình tượng thơ.
Trong văn học Việt Nam, có những màu sắc thơ ca cổ điển dùng đến như tía, thắm (Chinh Phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều) thì thơ ca hiện đại ít dùng. Ngược lại có những màu dễ tìm thấy trong thơ cổ điển. Trong Chinh Phụ ngâm, màu vàng: xuất hiện 5 lần, màu đỏ: 2 lần, màu hồng: 2 lần và trong Cung oán ngâm khúc, màu vàng: 4 lần, màu đỏ: không có, màu hồng: 6 lần. Thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận sau 1945 thì đậm đặc các màu này.
Bảng màu trong thơ ca cổ điển cũng đơn giản, ít đa dạng như bảng màu của thơ ca hiện đại:
- Chinh phụ ngâm: 9 màu – 27 lần xuất hiện.
- Truyện Kiều: 12 màu – 196 lần xuất hiện.
- Cung oán ngâm khúc: 11 màu – 31 lần xuất hiện.
- Thơ Tố Hữu: 19 màu – 564 lần xuất hiện.
- Thơ Chế Lan Viên: 17 màu – 917 lần xuất hiện.
Như đã nói, màu sắc trong nghệ thuật cũng biến đổi theo từng thời kí lịch sử, không nhất thành bất biến.
Trước Cách mạng tháng Tám, màu sắc trong tập Lửa thiêng không nét độc sáng của Huy Cận. Cái hay của Lửa thiêng lại nằm ở thời gian và không gian nghệ thuật. Huy Cận có cái nhìn rất cá thể về thời khắc buổi chiều. Nói đúng hơn, nhà thơ đã cá thể hóa buổi chiều. Đó là những: chiều mồ côi, chiều quạnh quẽ, chiều vĩnh biệt, chiều hiu hiu, chiều tận thế, chiều đông tàn, chiều buồn Hà Nội, chiều buồn buồn, quán chiều, chợ chiều, buồn chiều…
Với Huy Cận, chiều là thời điểm của tâm trạng, của bâng khuâng xa vắng ngậm ngùi:
- Chiều ơi! Hãy cuống thăm ta với
Thiên hạ lìa xa, đời trống không.
(Tâm sự)
- Non xanh ngây cả buồn chiều
(Thu rừng)
- Nắng đá xế về bên xứ bạn
Chiều mưa trên bãi nước sông đầy
(Vạn lí tình)
Ở Lửa thiêng, Huy Cận có dùng màu sắc, song không có gì sáng tạo. Điều này hoàn toàn khác với những tập thơ sau này của ông. Các các tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Những năm sáu mươi (1968), màu sắc rất tươi tắn, đậm đà, nhất là màu vàng.
Song, nếu nói màu sắc là một phương diện của cái nhìn nghệ thuật, thì trong thơ ca hiện đại, Chế Lan Viên là nhà thơ có bảng màu phong phú, độc đáo và sáng tạo nhất. Dường như ông rất có ý thức về việc sử dụng màu sắc trong thơ.
Ngay từ thời Điêu Tàn (1937), màu sắc đã là một trong những chất liệu tạo nên thế giới nghệ thuật riêng biệt của ông, so thơ ca lãng mạn đương thời. Ông đứng riêng một cõi. Đúng như Hoài Thanh nhận xét “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở nửa thế kỷ hai mươi, nó (Điêu Tàn) đứng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bất mật”. Điêu Tàn nói đến cõi âm giới và những xương, sọ, đầu lâu, mồ không, huyệt lạnh, tha ma, pháp trường và phủ lên đó một màu sắc tàn lụi, kinh dị. Các yếu tố này cộng hưởng với nhau làm cho Điêu Tàn chìm đắm trong bóng tối cô đơn, lạnh lẽo với những cơn mê sảng của tâm hồn, với nhũng phù chú ảo thuật về ngôn từ, với những ánh sáng nhiều màu nhưng có phần xa lạ với cuôc đời. Trong 36 bài thơ, Chế Lan Viên sử dụng 9 màu, chủ yếu màu trắng, xanh, đen mờ. Màu sắc ấy cùng với hình ảnh cõi chết, cõi xa xôi, sọ, xương, đầu lâu đã làm nên một thế giới đầu hư linh, ma quái.
Chế Lan Viên dựng lên dòng sông Linh hư hảo, xem đó như một biểu tượng của thời gian. Và trên dòng sông nhân chứng đó, ông cho sống lại những tà dương, nắng xế, những đêm mờ sương lạnh, những hồn ma lẩn tránh. Màu sắc đã cụ thể những đổ nát, những thành quách lâu đài, những ngàn lau sọ trắng, những tháp đổ ngạch rơi và cả những chiều thẫm máu hồng… Trong cõi chiều tà, đêm sâu ấy, màu trắng mà màu ghê rợn nhất không gợi lên chút gì của tinh khiết trắng trong. Ta chỉ thấy: một khớp xương ma trắng rợn, nền giấy trắng như xưa trong bãi chém, thành sọ trắng của ma thiêng, não trắng rủ nhau tuôn.
Có thể nói, trước và sau Điêu Tàn, văn học Việt Nam chưa óc tác phẩm nào có cách nói về màu lạ lùng và kinh dị như thế.
Sau 1945, ông từ giã thung lũng đau thương để bước ra cánh đồng vui, từ chân trời một người đến với chân trời tất cả, như nhà thơ nói. Chế Lan Viên chia tay với gia tài đồ sộ hàng triệu nỗi buồn đến với Tổ quốc và nhân dân. Thoát ra khỏi cái tôi siêu hình, cái “thơ ăn mất hồn”, ông có những câu thơ đầy cảm động:
Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp tiếng thoi đưa
....
Con nhớ mế lửa hồng soi tóc bạc
Năm con đau mế thức một mùa dài
Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
(Tiếng hát con tàu)
Màu sắc trong thơ cũng từ đó chuyển hóa rõ rệt. Chế Lan Viên nói đến màu hồng với với nhiều cung bậc khác nhau: tương lai hồng, sự sống hồng, đời hồng, thành phố hồng, cờ hồng và màu xanh cũng thế. Màu xanh của trời bể, của núi rừng, của quê hương, của tâm hồn. Đi ra bốn ô cửa cuộc đời, màu xanh thành tiếng hát, thành lộc biếc, thành bước chân quyến luyến, thành khát vọng giao hòa. Ở Ánh sáng và phù sa (1960) ông đã sử dụng màu xanh đến 57 lần. Các tập thơ sau cũng mang âm điệu ấy. Ông cũng nói nhiều đến màu trắng (154 lần), nhưng khac với Điêu tàn. Ở thơ Chế Lan Viên, màu trắng đã đi vào ngõ ngách riêng tư của đời thường, của suy tưởng. Một làn mây trắng bay ngang cũng làm chạnh lòng thương nhớ, một mùi hương của hoa xoan nở trắng tháng ba cũng khiến lòng chùng lại, ngần ngại qua vườn, sợ mùi hương, sợ mùi hương... nhắc mình. Người đọc cũng khó quên hình ảnh: mây trắng - em - nỗi nhớ đan lồng vào nhau, gợi mãi không thôi. Hai phương trời chỉ một phong thư: mây trắng:
Màu trắng là màu mây của em
Trắng trời em lại nhớ anh thêm
Em đi muôn dặm thư về chậm
Chỉ lấy màu mây trắng nhắn tin.
(Mây của em)
Đặc biệt, Chế Lan Viên có chùm thơ về hoa, đầy sắc màu lung linh: hoa súng hồng, hoa súng tím, hoa đại đỏ, hoa gạo son, hoa đào, hoa trắng đỏ, hoa mai vàng, hoa lau trắng... Nói như thi hào Goethe: “Hãy cho ta cảm thụ màu sắc theo cách riêng của ta” thì ý rất hợp với chùm thơ về hoa. Đúng là ông đã cảm thụ màu sắc của hoa theo kiểu rất Chế Lan Viên.
Những năm cuối đời, nhất là những ngày nằm bệnh, ý thức sự hữu hạn của đời người, ông sợ quảng trắng, sợ cõi quên. Nhà thơ nói đến sắc trắng lặng thinh, mây trắng ngang trời hoài niệm, mây trắng thời gian. Ông muốn chống lại cái chết, cái con đường hun hút về vô tận (CLV) bằng sự có mặt của trang viết, song làm sao được! Thương thay!
H.V.H