Khi độc giả thành thính giả

26.04.2021
Tịnh Anh
Sách nói (audiobook) vốn sẵn trên đà phát triển từ trước khi có COVID-19, và đại dịch lại trở thành cú hích cho sự tăng trưởng của loại hình này.

Khi độc giả thành thính giả

Từ viễn tượng của Thomas Edison

Năm 1878, sau khi phát minh ra máy hát (phonograph), Thomas Edison đã mơ đến ngày công nghệ ghi âm tiến bộ đến mức có thể thâu lời đọc cả một quyển tiểu thuyết. 

Giấc mơ ấy hiển hiện gần 150 năm sau, các bản ghi âm được số hóa, và chỉ riêng trên Audible (dịch vụ sách nói có thu phí của Amazon) đã có gần nửa triệu tựa sách nói, hơn 67 triệu người Mỹ nghe sách nói mỗi năm, trên đủ loại thiết bị, từ máy tính, smartphone đến dàn âm thanh trên xe hơi và loa thông minh.

Thị trường sách nói như ta biết ngày nay xuất phát từ nỗ lực để người khiếm thị có thể tiếp cận văn học và sách vở vào năm 1932, khi Quỹ Người mù Hoa Kỳ được thành lập, bắt đầu thu âm đọc sách lên đĩa than. Năm 1933, Quốc hội Mỹ sửa luật, thêm “sách nói” (talking book) vào danh mục sách tại thư viện cho người mù và khiếm thị.

Quá trình tiến hóa của sách nói từ giai đoạn đó gắn liền với sự phát triển của cách ghi âm và phương tiện nghe audio, từ băng cátxét vào thập niên 1960 đến đĩa CD những năm 1980. Các nhà sách bắt đầu có thêm quầy băng đĩa sách nói, các nhà xuất bản lớn cũng bắt đầu lập bộ phận riêng cho xuất bản phẩm bằng âm thanh.

Từ audiobook để chỉ sách nói, với định nghĩa “bản ghi âm sự đọc một quyển sách”, chính thức được sử dụng và trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghiệp xuất bản vào năm 1994. Chỉ một năm sau, Audible thành lập, với dịch vụ tải sách nói về máy tính để bàn.

Cột mốc mở đầu cho việc mang sách cùng với ta mọi lúc mọi nơi đến không lâu sau đó: năm 1997, Audible ra mắt thiết bị chuyên để nghe audiobook bỏ túi, giá 200 USD với bộ nhớ chỉ 4MB, lưu được khoảng 2 giờ nội dung. 

Ngày nay, hơn 35.000 quyển sách mới được xuất bản mỗi năm, và audiobook đã có một hệ sinh thái sôi động gồm các tác giả, nhà làm sách, người góp giọng, đơn vị phát triển app với các quan hệ tất cả cùng có lợi.

(Được người khác đọc sách cho nghe) là một thứ kết nối nhân văn và cần thiết ở thời điểm mà rất nhiều người cảm thấy bị cô lập với nhau - Duncan Honeyman, Nhà xuất bản Penguin Random House

Thiên thời

“Người Mỹ đang nghe sách nói nhiều hơn bao giờ hết” là dòng tít lớn trong báo cáo doanh số ngành audiobook năm 2019 của Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA). Theo đó, doanh số audiobook ở Mỹ năm 2019 đạt 1,2 tỉ USD, tăng 16% so với năm trước đó - đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp ngành này đạt tăng trưởng hai chữ số.

Đại dịch COVID-19 với các lệnh phong tỏa chỉ càng khiến người ta tìm đến sách nói nhiều hơn. APA chưa có báo cáo về doanh số của ngành trong năm ngoái, song Deloitte dự đoán doanh thu audiobook toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,2 tỉ USD trong năm 2020.

Sách nói đúng là đã gặp thiên thời trong đại dịch. “Được người khác đọc cho nghe là một điều thật sự thân tình và dễ chịu; đó là một thứ kết nối nhân văn và cần thiết ở thời điểm mà rất nhiều người cảm thấy bị cô lập với nhau” - Duncan Honeyman, người đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược audiobook của Nhà xuất bản Penguin Random House, nói với báo The Guardian.

Cũng theo Honeyman, ngày nay người ta có thể “mua và tải cả quyển sách chỉ trong chớp mắt và bắt đầu nghe ngay, có thể vừa nghe vừa làm đủ thứ, từ tập thể dục đến nấu ăn hay làm việc nhà”. Loa thông minh có kèm trợ lý ảo cũng giúp sách nói phổ biến hơn bao giờ hết: 1/4 số người có loa thông minh đã nghe ít nhất một quyển sách nói bằng thiết bị này, theo The Guardian.

 
Thời dịch giã cũng tác động lên lựa chọn sách của thính giả, và xu hướng nổi bật nhất, theo Honeyman, là sách phi hư cấu “nặng ký” như Lược sử loài người của Yuval Noah Harari và Đọc vị người lạ của Malcolm Gladwell vì “người ta muốn dành thời gian phải ở trong nhà để tìm hiểu về thế giới xung quanh”.

Sean McManus, giám đốc cấp cao phụ trách nội dung của Audible xác nhận sách thuộc thể loại phi hư cấu, nhất là những quyển giúp người ta hiểu được dòng thời sự rối rắm và phức tạp, đang được chọn nghe rất nhiều. 

“Đã có sự gia tăng mức độ quan tâm đến các tác phẩm phi hư cấu bàn về các vấn đề như chủng tộc, bình đẳng và đặc quyền” - McManus nói với The Guardian, và kể một số ví dụ gồm quyển Why I’m No Longer Talking to White People About Race (tạm dịch: Vì sao tôi không nói chuyện chủng tộc với người da trắng nữa).

Với những người mới bắt đầu làm quen với nghe sách thay vì đọc sách, các tựa kinh điển lại là lựa chọn phổ biến nhất. “Có lẽ lắng nghe những giọng điệu êm ái là cách hấp dẫn để đi hết những quyển sách ta luôn muốn đọc nhưng chưa bao giờ có thể làm thế” - BBC lý giải. 

Đó là những tựa sách ai nghe cũng biết nhưng đọc thì chưa chắc, như Alice ở xứ sở thần tiên hay Gulliver du ký. Laurence Howell, giám đốc nội dung của Audible, cũng cho rằng tác phẩm kinh điển “là lựa chọn khởi đầu phù hợp cho những người không tin lắm vào việc nghe sách”.

Sách nói ngày càng được chú ý cũng mở ra một kênh truyền thông mới cho các đơn vị làm sách. Tháng 9-2020, Công ty sách Nhã Nam ra mắt tập đầu tiên của chuyên mục “Trích đọc trước giờ đi ngủ”, tiếp cận độc giả bằng âm thanh. 

Các đầu sách được chọn trích đọc dựa trên các tiêu chí như dễ tiếp nhận cho người nghe, được nhiều độc giả mong chờ và yêu cầu, và không có quá nhiều tên riêng nước ngoài gây khó khăn cho thính giả. Giọng đọc và nhạc nền cũng được lựa chọn kỹ để phù hợp với phong cách của sách. 

Chưa đầy một năm ra mắt, dự án đã có hơn 20.000 lượt nghe chỉ riêng Spotify, và video nhiều lượt xem nhất trên Facebook đạt gần 30.000 view. 

“Đó là những khích lệ lớn tới từ độc giả, và là thước đo tương đối cho hiệu quả truyền thông mà dự án đem lại” - đại diện truyền thông của Nhã Nam cho biết. Công ty này chưa có dự định tham gia vào thị trường sách nói có thu phí.
Không giết sách in

Cũng như các tranh cãi đã từng nổ ra trước việc sách điện tử (ebook) có giết chết sách in, trước sự bùng nổ của audiobook, câu hỏi đặt ra là sách nói có lấy mất độc giả của sách truyền thống hay không?

Báo cáo của Deloitte nhận định rằng có vẻ sách nói đang giành thị phần từ sách điện tử nhiều hơn là sách in, và dự đoán audiobook sẽ vượt ebook về doanh số trong vài năm tới. 

Trong khi đó, theo BBC, ngay cả khi doanh số audiobook tăng và doanh thu của sách in giảm trong thời đại dịch, hai chuyện này không nhất thiết có liên quan với nhau. 

Trên thực tế, audiobook đang thu hút một lớp người tiếp nhận mới - những người không thường mua sách hoặc những người chọn nghe các quyển sách thuộc những thể loại mà họ sẽ không mua sách in.

Nghiên cứu của Nielsen Book cho thấy lượng người mua audiobook ở Anh nhiều nhất là nam giới, sống ở thành thị, tuổi từ 25-44. Số liệu từ Audible cũng ghi nhận tăng trưởng cao trong nhóm tuổi 18-24, “nhóm tuổi không nằm trong số những người hay mua sách truyền thống”.

Fionnuala Barrett, giám đốc phụ trách audio của Nhà xuất bản Harper Collins, đánh giá audiobook không khiến ngành xuất bản sách in phải sợ hãi hay lo lắng, mà được nhìn nhận như một nhân tố bổ sung vào cuộc chơi.

Richard Lennon, phụ trách mảng audio tại Nhà xuất bản Penguin, cho rằng thính giả của audiobook rất đa dạng - từ người vốn đã thích đọc sách nay muốn tranh thủ thời gian đi lại, tập thể dục hay nấu nướng để “đọc” thêm, đến những người muốn giảm thời gian dán mắt vào màn hình. 

“Nhóm người tiếp cận sách nói khiến tôi thích thú nhất là những người mà sách vở và việc đọc vốn không phải là một phần cơ bản của cuộc sống của họ trước đó” - Lennon nói.

Theo tác giả Alex Preston của The Guardian, ngành xuất bản không phải là một trò chơi tổng bằng không, nơi mà các định dạng khác nhau của sách sẽ phải giành giật độc giả với nhau. 

Audiobook có một lớp thính giả lớn là những người đã đọc sách in, nay muốn nghe lại chính quyển sách đó. Từ kinh nghiệm cá nhân, Preston cho rằng “tất cả những quyển sách tôi đã yêu thích khi đọc sách giấy giờ mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ khi nghe”. 

Tác giả cho rằng thành công của audiobook không nhất thiết phải đến từ thất bại của các định dạng khác của sách, và điều quan trọng nhất là “một câu chuyện hay vẫn sẽ là một thứ hương lành giữa những ngày nhiễu nhương này, bất kể chúng đi vào óc ta bằng đường nào và ta đã đọc chúng trước đó bao nhiêu lần”. 

Thay đổi ngành xuất bản

Sự phổ biến của audiobook, cùng lúc với đà tăng trưởng mạnh mẽ của podcast - các nội dung âm thanh có thể nghe trực tuyến mọi lúc mọi nơi hoặc tải về thiết bị, đã dẫn đến những thay đổi bất ngờ trong lĩnh vực xuất bản.

Theo BBC, các nhà xuất bản ngày càng quan tâm hơn đến đôi tai của độc giả, và vì thế “đào xới các nguồn tài nguyên để chuyển sang định dạng này [sách nói], xây dựng các đội ngũ chuyên tâm và dựng các phòng thu nội bộ để sản xuất các trải nghiệm nghe sách ngày càng sáng tạo và đầy tham vọng”.

Richard Lennon cho biết Penguin đã đầu tư rất nhiều vào audiobook trong những năm qua với phương châm tìm cách đẩy trải nghiệm nghe sách xa hơn nữa, chẳng hạn thu âm cả những quyển sách mà cách đây 10 năm không ai nghĩ đến việc khai thác audiobook.

Đơn cử như The Lost Words, tuyển tập thơ dựa trên những từ bị rút khỏi từ điển Oxford Junior Dictionary. Phiên bản in của tác phẩm này gồm nhiều tranh minh họa tuyệt đẹp, nhưng rõ ràng định dạng audio khó mà truyền tải được sự đặc sắc về mặt thị giác đó. 

Giải pháp của Penguin là cậy đến chuyên gia âm thanh Chris Watson, người từng làm việc với vua phóng sự về thiên nhiên hoang dã David Attenborough. “Chúng tôi ghi lại âm thanh hoang dã từ các vùng quê nước Anh và tạo thành một “khung cảnh bằng âm thanh” để phát kèm khi đọc mỗi bài thơ” - Lennon giải thích.

Một thay đổi khác: nhiều tác giả giờ đây sáng tác thẳng nội dung cho sách nói, thay vì mang đi in trước rồi mới tìm giọng đọc. Michael Lewis - tác giả nhiều đầu sách bán chạy về kinh tế như Bán khống, Trò bịp trên Phố Wall, hay Phillip Pullman - tác giả bộ ba Vật chất tối của ngài, cùng nhiều nhà văn khác đều viết tác phẩm sách nói nguyên bản (original) dành riêng cho Audible. 

“Với các tác giả, đó là cơ hội đầy hứng khởi để viết lách sáng tạo nhưng trong một định dạng khác - viết và nghĩ đến âm thanh và việc câu chuyện sẽ khiến người nghe thấy gần gũi ra sao” - Laurence Howell nói.

(tuoitre.vn)