Giới hạn khiến AI không thể chạm đến nghệ thuật
“Théâtre D'opéra Spatial” của Jason Allen.
“Théâtre D'opéra Spatial” đã được tạo nên bởi Jason Allen, tác phẩm mô tả một buổi biểu diễn opera và phần lớn được tạo thành bởi chương trình trí tuệ nhân tạo Midjourney – một công cụ tạo ra hình ảnh thực tế theo lệnh của người dùng.
Nói một cách dễ hiểu thì công cụ này tạo ra một sản phẩm bằng cách cắt ghép, vá víu, hòa trộn các dữ liệu trong các thư viện tranh, ảnh,… có sẵn trên internet. Để có một bức tranh điều người dùng cần làm là nhập những mô tả anh ta cho là cần thiết để tạo ra bức tranh ấy, sau đó, phần mềm sẽ cho ra kết quả chỉ trong thời một gian rất ngắn.
Một trong những bước để tạo nên một bức tranh trên Midjourney.
Tại sao một số người lại đánh giá cao một bức tranh vẽ bằng trí tuệ nhân tạo? Định nghĩa sáng tạo nghệ thuật trong thế giới hiện đại phải chăng đã thay đổi? Tranh vẽ bằng trí tuệ nhân tạo có đụng chạm gì đến ý nghĩa của việc trở thành một nghệ sĩ? Điều này có mang lợi ích gì cho công chúng? Và nó có phải là một xu thế trong xã hội hiện đại?
Hàng loạt các câu hỏi, các lập luận đã được đặt ra xoay quanh vấn đề này. Và để trả lời một phần cho điều đó, PV Arttimes.vn đã có cuộc gặp gỡ với họa sĩ Lê Thiết Cương.
Bản chất của nghệ thuật là gì?
Trước hết, theo họa sĩ Lê Thiết Cương, chúng ta cần hiểu chính xác mục đích cũng như ý nghĩa của cuộc thi này.
Cuộc thi được tổ chức hôm 29/8 trong khuôn khổ Hội chợ ở bang Colorado (Mỹ), bức tranh có tên “Théâtre D'opéra Spatial” đã đánh bại hàng chục bức tranh khác để dành vị trí cao nhất trong hạng mục “Nghệ thuật kỹ thuật số”. Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định: Vậy mục đích của cuộc thi này, hạng mục này nói về sức mạnh của trí tuệ nhân tạo vào thời điểm hiện tại nó đã đi được đến đâu rồi, chứ mục đích của nó không phải là từ giờ trở đi chúng tôi phát hiện ra được một "nhân tài”.
Bản chất của nghệ thuật là gì? Nghệ thuật tức là sự sáng tạo để tạo ra những tác phẩm chứa đựng những giá trị tinh thần của con người, có thể chạm tới cảm xúc của con người. Để đoạt giải nhất của một cuộc thi thì nó phải có được nhiều yếu tố vượt trội hơn nữa, đó là sự mới lạ, sự sáng tạo, chứa đựng ý nghĩa và hơn hết là phải đẹp.
“Thế nhưng với bức tranh mà tôi nhìn thấy, tôi cho rằng nó không có gì mới cũng không có gì là đẹp. Nếu chỉ hiểu là đây là lần đầu tiên máy tính có thể vẽ được như thế thì tôi công nhận, chứ không mới và không đẹp thì đâu phải là nghệ thuật, đâu phải là sáng tạo” – Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.
Cuộc thi này, ngay từ ban đầu ta đã thấy nó không nói về câu chuyện nghệ thuật, mà ý nghĩa của nó ở đây là cho mọi người thấy sức mạnh của công nghệ ngày hôm nay đã làm nên được những gì. Bức tranh giúp chúng ta nhận ra rằng trí tuệ nhân tạo đã phát triển tới mức độ nào, nhưng liệu đó có phải là nghệ thuật không khi mà nó không mang những yếu tố cần phải có?
“Nghệ thuật là cái đẹp của sai - thứ mà trí tuệ nhân tạo không bao giờ có được”
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “nghệ thuật là cái đẹp của sai – thứ mà trí tuệ nhân tạo không bao giờ có được”.
Khi Picasso vẽ tác phẩm “Guernica”, ông vẽ những đầu người và những con mắt, thậm chí có những con mắt nó chỉ có một nửa hoặc nó “bay” hẳn ra ngoài, những bàn tay không nối vào bả vai. Nhưng nó lại là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại, ý nghĩa cũng như vẻ đẹp của nó đã được vô số người công nhận, đấy là cái đẹp của sai, điều mà AI “sợ” nhất.
Tác phẩm Guernica - Một kiệt tác, một biểu tượng chống lại chiến tranh.
Chúng ta đều biết, AI có rất nhiều ưu điểm nhưng trên đời này bao giờ cũng có hai mặt của một vấn đề. Có ngày thì phải có đêm, có mặt trăng phải có mặt trời, có xấu thì phải có tốt, có hạnh phúc tức là phải có bất hạnh, với trí tuệ nhân tạo cũng vậy. Một số nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng trí tuệ nhân tạo không có khả năng sai và cũng không có khả năng sửa chữa cái sai. Đó là giới hạn của AI.
Trong nghệ thuật chúng ta có thể thấy AI không bao giờ thay thế được con người, ít nhất là trong điểm này. Bởi lẽ, việc trí tuệ nhân tạo mắc lỗi còn khó hơn việc tạo ra kết quả chính xác. Sai ở đây hãy hiểu theo nhiều nghĩa, sai ở đây gồm có cả sự thăng hoa trong nghệ thuật.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng AI không thể thay thế được con người trong sáng tạo nghệ thuật.
Trong nghệ thuật, đôi khi nó phải thăng hoa, nó phải mù mờ, nó phải lấp lửng, nó phải nói ít hiểu nhiều nhưng với trí tuệ nhân tạo thì lại khác, AI hoạt động theo những gì đã được lập trình, nó tạo ra nghệ thuật không phải bằng cảm xúc, không phải bằng cái khao khát mãnh liệt thôi thúc lòng ham muốn được đắm mình trong thế giới nghệ thuật.
Một họa sĩ khi tạo nên bức tranh của mình họ phải trải qua rất nhiều công đoạn, phải vẽ phác thảo: phác thảo về bố cục, phác thảo về hình,... Thế nhưng ngay cả khi bắt đầu đầy đủ các phác thảo, khi người ta đưa lên một miếng toan to thì chúng cũng không bao giờ có thể trùng khít với nhau. Đó là cái khoảng mờ, là cái mà nếu dùng trí tuệ nhân tạo để vẽ thì không thể có.
Đây là điều AI khó vượt qua, không chỉ riêng trong lĩnh vực hội họa, mà cả trong các lĩnh vực khác nữa và sẽ còn nhiều vấn đề AI sẽ không bao giờ có thể đảm đương hay thay thế con người.
Ứng dụng sản phẩm của AI trong cuộc sống
Không thể phủ nhận sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI qua những thành quả mà nó đã và sẽ đạt được trong khoa học, công nghệ và trong nghệ thuật cũng vậy. Những bức tranh vẽ bằng trí tuệ nhân tạo không phải dòng chủ lưu nhưng có thể xếp nó là một dòng, một dòng thì cũng sử dụng vào được một số việc.
Để thiết kế hoa văn trang trí cho các vận dụng hàng ngày, bằng khả năng của trí tuệ nhân tạo nó có thể qua các thao tác chọn lọc, chắp nối, kết hợp… để tạo ra được vô số hoa văn họa tiết khác nhau theo yêu cầu và mục đích của người sử dụng. Cũng có thể sử dụng những sản phẩm do AI tạo ra vào mỹ thuật ứng dụng.
Trong một xã hội hiện đại, mọi thứ không ngừng vận động và phát triển, những thành tựu mới của khoa học, công nghệ có thể sẽ tạo ra khác biệt so với những điều đã xuất hiện rất lâu về trước. Chúng ta phải chăng nên thừa nhận nó như một điều mới lạ, như một điều tất yếu sẽ xảy ra?
(arttimes.vn)