Đình làng - nước nguồn chảy mãi

25.09.2023
Trương Công Định
Mình thương mình gửi chút tình/ Nuôi anh mua gỗ dựng đình làng ta (Ca dao). Trong hàng trăm định nghĩa về văn hóa, tôi vẫn nghiêng về nội dung, rằng văn hóa là những gì còn lại sau khi mất đi tất cả.

Đình làng - nước nguồn chảy mãi

Xủi mả là dịp con em xa xứ về dâng hương tiên tổ, gặp gỡ, giao lưu. Ảnh: TCĐ

Văn hóa làng/xã trong cơn lốc đô thị hóa còn lại những gì? Chắc nhiều người đồng ý với tôi làng quê đã mất đi nhiều thứ, nhưng những giá trị văn hóa còn nhiều, rất nhiều. Nhiều vùng, miền vẫn còn nguyên hồn cốt làng quê truyền thống mà bằng chứng rõ nhất là hệ thống thiết chế văn hóa tâm linh (bao gồm: Đình, chùa, nghè, miếu, văn thánh, võ thánh (có nơi chỉ quy mô văn chỉ), nhà thờ tộc họ).

Cũng như hầu hết các làng lưu vực Linh Giang 靈江(Châu Bố Chính) được tạo lập từ thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), làng Minh Lệ (明禮/礼) (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) quê tôi là một làng như thế.

Minh Lệ còn lưu giữ được những đặc trưng cơ bản của làng xã Việt Nam truyền thống. Làng là nơi tụ cư 4 dòng họ: Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần ngay từ buổi khai thiên phá thạch. Suốt hơn 500 năm tồn tại, cũng có một số người mang họ khác đến định cư, lập nghiệp, nhưng không có họ nào đủ điều kiện để lập một dòng họ mới. Theo cơ cấu hành chính mới, làng cổ được chia thành 3 thôn: Bắc Minh Lệ, Nam Minh Lệ và Tây Minh Lệ, nhưng dân cả 3 thôn vẫn thuần nông. Thời thế thay đổi, những biểu tượng truyền thống của làng như cây đa, bến nước/giếng nước, lũy tre cũng phần nào phai nhạt nhưng đình làng - với chức năng là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, nơi tụ họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật vẫn được bảo tồn, phát huy.

Đình làng Minh Lệ được dựng từ thời Hồng Đức triều Lê. Năm 1993 được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là vinh dự, niềm tự hào to lớn đối với làng.

Người xưa đã định vị thế đứng:“Tiền hướng Linh Giang thông đại hải’’/”Hậu liên Ngùi Lĩnh tiếp cao sơn’’ (hiểu nghĩa: Mặt tiền hướng ra Rào Nan một nhánh của Linh Giang (nay là Sông Gianh)/ Phía sau, đình tựa lưng vào ngọn Ngùi Lĩnh, nối dãy Trường Sơn hùng vĩ). Trải qua hơn 5 thế kỷ kể từ ngày lập đình, qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, hứng chịu bao bão táp, mưa sa, lụt lội, đình bị tàn phá, hư hại, phải nhiều lần sửa chữa, trùng tu, nâng cấp để hôm nay ngôi đình vẫn sừng sững giữa đất trời, chiếm trọn niềm tin yêu của dân làng.

Đình làng là nơi thờ các vị phúc thần (Thượng đẳng thần): Bản Quốc Sơn Xuyên Cao Các Mạc Sơn, Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương, Tá Thánh Khuông Quốc, Thành hoàng Bản thổ, Tứ hướng thần kỳ - các vị thần tổ phù trì, bảo hộ cho cuộc sống nhân dân. Nơi hội họp, tổ chức các lễ hội của làng, là nơi làm việc của hội đồng kỳ mục, lý dịch làng, xã. Phía trên cửa vào điện thờ treo hoành phi với 4 đại tự: “Hội đồng hữu dịch”, hai gian tả hữu treo hai hoành phi: “Tự sự khổng minh”- “Gia hội hợp lễ”. (Lời nói phải minh bạch, rõ ràng, trung thực, xây dựng/ Tổ chức lễ hội phải hợp lý, hợp lẽ). Nếu nói vương quyền kết hợp với thần quyền là “phương thức” cai trị thiên hạ của các triều đại phong kiến thì có lẽ đây là biểu hiện cụ thể nhất.

Bên cạnh những giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc thì nội dung các hoành phi, câu đối tại đình làng cho thấy nhân dân đều suy tôn các vị thần, thừa nhận sự tối linh của thần. Gian giữa, trước điện thờ Thành hoàng có câu đối: Tại kỳ thượng tại kỳ tả hữu/ Tỷ nhĩ thọ tỷ nhĩ xí xương (hiểu nghĩa: Thần ở trên, thần ở bên trái bên phải/ Tâm thành kính lòng dạ sáng trong).

Hình ảnh Thành hoàng - Trung lang thượng tướng quân Trương Hy Trọng trong mắt người dân là người tuấn kiệt, uy dũng, văn võ song toàn: “Hân yết đại danh thùy vũ trụ/ Hiên ngang chính khí tráng sơn hà” (hiểu nghĩa: Tên tuổi lớn được lưu danh trong trời đất/ Khí phách hiên ngang vang dội núi sông). Theo nhiều nguồn sử liệu, Ngài lập được nhiều công trạng trong việc bình định giặc Lồi, giữ yên bờ cõi. Tại nhà thờ Ngài (xóm 2 thôn Bắc Minh Lệ) có câu đối: “Thần công biểu hiện lịch triều phong” (nghĩa: Công trạng của Ngài được ghi tạc rõ ràng, các triều đại theo đó phong sắc).

Xong việc binh đao, Ngài cùng các thuộc hạ chiêu dân lập làng Thị Lễ (示禮/礼) gồm 5 thôn (nhất xã ngũ thôn): Minh Lễ

(明禮/礼), Diên Trường (延長), Hòa Ninh (和寜), Vĩnh Lộc (永祿), Vĩnh Phước (永福). Ngài được vua ban: “Bản thổ tiền bình Lồi Trung lang thượng tướng quân, bố võ tuyên văn, hộ quốc tý dân, hiển hựu công đức gia tặng Thành hoàng, bảo yên chính trực, hữu thiện đôn ngưng dực bảo trung hưng tôn thần”. 

Đình làng giữ lại cho hậu thế những giá trị về lễ - nghĩa, về đức cao, công dày của thần linh, các bậc tiền hiền, hậu hiền. Cây có gốc, sông có nguồn, chim có tổ, người có tông - công đức thánh thần, công đức tổ tiên to lớn biết chừng nào! Con cháu phải ghi tạc, phải giữ mạch đạo lý cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” và luôn coi đó là bổn phận làm người: “Xa thư cộng đạo văn minh xiển/ Hương hỏa thiên thu điển lễ tồn” (Dịch nghĩa: Thành kính thánh thần tâm trí quang minh, khoáng đạt/ Tế tự tổ tiên phép tắc lễ nghi mãi còn). Dân có đức tin thì xóm làng yên bình, hòa thuận, nhà nhà giữ nếp gia phong, cuộc sống thái bình.

Danh xưng làng cũng phản ánh ý niêm tổ tiên gửi gắm. Từ khi còn là thôn, đến khi tách ra để lên làng, vẫn giữ được chữ Lễ: thôn An Lễ (安禮) làng Thị Lễ (示禮), đến làng /xã Minh Lễ, tổng Thuận Thị, huyện Minh Chính, phủ Quảng Trạch. Lễ, nghĩa là một phần hồn cốt của làng. Từ thế kỷ XVI, TS Dương Văn An đã nhận xét: “ Nhìn xem, Thị Lễ, đều theo lễ nghĩa nho gia (Dương Văn An - Ô Châu cận lục, NXB Thuận Hóa, 2001, tr 80). Trước đó, trong đình làng đã có câu: “Sơn cao thủy tú phong quang vô hạn hảo/ Địa linh nhân kiệt hoằng thạc xuất nhân trung”. Dù không nằm trong bát danh hương của Quảng Bình một thời, nhưng sử sách vẫn lưu truyền, Minh Lệ là làng hiếu học. Người đỗ đạt, thành danh thời nào cũng có.

Người quê tôi viết: Sơn thủy bao hàm bồi thắng địa/ Miếu đường hoa lệ tráng kỳ  thiên (nghĩa: Núi sông bao bọc bồi bổ cho đất đai màu mỡ/ Miếu đường làm tăng thêm vẻ đẹp, linh khí quê hương). Đình làng, cùng các thiết chế văn hóa tâm linh đã tô thêm vẻ đẹp cho làng, giữ được hồn cốt của làng. Số phận của làng là số phận của đình. Làng hưng thịnh các hoạt động tín ngưỡng được phục hồi mạnh mẽ. Cũng đã thành nếp, ngày xủi mả làng (Mồng Một tháng Chạp), đình trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của dân làng. Con cháu làm ăn xa chọn ngày này về thăm quê, dâng hương tiên tổ. Xóm làng rộn ràng, đầy ắp nụ cười, tiếng chào hỏi. Đây cũng là dịp để những con dân làng đỗ đạt, thành danh “vinh quy bái tổ” - một dấu son văn hóa làng quê.

Đình là khởi nguồn của dòng chảy văn hóa làng. Mà ai cũng biết, nước chảy từ nguồn bao giờ cũng trong xanh, hiền hòa, vô tận.

(baodanang.vn)

Những câu in đậm được lấy từ đình làng
* Tên làng chữ Hán Nôm (安禮明禮示禮) là An Lễ, Minh Lễ, Thị Lễ, nhưng do phát âm người địa phương nặng, nên đọc thành Lệ. Khi chuyển sang chữ quốc ngữ, chữ viết theo âm đọc, nên trong các văn bản viết là “lệ”. Trong bài, khi viết tên làng bằng Hán Nôm chúng tôi vẫn viết Lễ, tiếng Việt là Lệ nhằm tôn trọng di sản tổ tiên. Chúng tôi nhọc công tìm tên Minh Lệ bằng chữ Hán Nôm nhưng không có kết quả.