Về ca khúc "Thơ tình cuối mùa thu": Mùa thu "và", "vào" hay "vàng" hoa cúc?
Tuy nhiên, có một từ mà nhiều ca sĩ đã thể hiện khác nhau: "Mùa thu vào hoa cúc", "Mùa thu vàng hoa cúc" và "Mùa thu và hoa cúc". Tùy vào sự lựa chọn, ai cũng cho mình có lý và tạo ra sự tranh luận với nhiều ý kiến.
Muốn giải quyết vấn đề này, cách tốt nhất mà cũng cần thiết, hợp lý nhất là ta phải xét từ văn bản thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, bởi nhạc sĩ đã phổ nhạc từ đó. Căn cứ vào tập sách "Xuân Quỳnh - Cuộc đời và tác phẩm" (NXB Hội Nhà văn - 2003), trang 25 có đoạn: Cuối trời mây trắng bay/ Lá vàng thưa thớt quá/ Phải chăng lá về rừng/ Mùa thu đi cùng lá/ Mùa thu ra biển cả/ Theo dòng nước mênh mang/Mùa thu vào hoa cúc/Chỉ còn anh và em…
Ta hãy xét từng câu: Vào thu mây trắng bay và lá vàng thưa thớt, tức lá đã rụng nhiều. Thử hỏi, lá rụng về đâu? Tác giả cũng phân vân nên nghi vấn, có thể "lá về rừng". Từ "về" là chỉ sự quay trở lại vị trí cũ. Lúc đó, mùa thu đi theo cùng lá về rừng nhưng không chỉ có thế, vì thế, mới có câu kế là "Mùa thu ra biển cả". "Ra" trong ngữ cảnh là chỉ sự di chuyển từ trong ra ngoài, ở đây có thể mùa thu ra biển cả bằng cách theo dòng nước mênh mang. Những câu thơ này dù tài hoa nhưng cũng bình thường, phải chờ đến câu cuối mới là sự độc đáo, tài tình và mới lạ: "Mùa thu vào hoa cúc". So với điểm xuất phát thì "vào" là di chuyển vào vị trí phía trong, bấy giờ mùa thu đã ở trong hoa cúc. Một cách ẩn dụ đầy chất thơ và gợi cảm.
Qua các trích dẫn này, ta thấy, tùy vào sự vật mà các động tác diễn ra khác nhau, đó là "về", "ra" và cuối cùng là "vào". Các từ được sử dụng hợp lý và không lặp lại. Và cái sự "vào" cuối cùng của mùa thu mới có tính khái quát nhất khi tác giả đã chọn lấy hoa cúc.
Với cúc, từ ngàn xưa đến nay, nó đã trở thành biểu tượng của loài hoa rất đẹp nở vào mùa thu. Không những thế, còn có hàng loạt từ liên quan đến hoa cúc để nói về mùa thu như "cúc nguyệt" là tên chỉ tháng tám âm lịch, lúc hoa cúc nở. Hoa cúc vàng rực, cái màu vàng này nói như nhà thơ Tế Hanh "Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa"; và cũng màu vàng thương nhớ đó, nhà thơ Bích Khê lại gọi Hoàng hoa: "Vàng phai nằm im ôm non gầy/ Chim yên neo mình ôm xương cây"; ngay cả "Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây" thì vàng phai, vàng sao cũng đều chỉ hoa cúc nở lúc vào thu. Do đó, khi Xuân Quỳnh viết: "Mùa thu vào hoa cúc" là câu thơ đạt đến "ý tại ngôn ngoại" nhằm chuyển tải cung bậc của tình cảm nhớ nhung nên chọn hoa cúc là vậy, chỉ hoa cúc chứ không là hoa gì khác. Vậy nên, từ "vào" cực kỳ đắc địa, nói cách khác nó chính là "nhãn tự" của bài thơ.
Nếu, thay "vào" bằng "và" thì quá ngớ ngẩn vì không hiểu giữa hoa cúc và mùa thu là một, chứ không phải cả hai là sự vật có tính cách riêng biệt để rồi cần kết hợp nhau bằng từ và. Nếu, thay "vào" bằng "vàng" thì cũng tệ hại nốt, bởi khi nói "Mùa thu vàng hoa cúc" chỉ là miêu tả sự việc một cách đơn giản, "thấy sao nói vậy" chứ nó không mang sự đa nghĩa như từ "vào" vừa phân tích. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi phổ thơ đã đồng cảm với nhà thơ và giữ đúng từ "vào".
(nld.com.vn)