Đại hội Hội Âm nhạc lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018
Chuẩn bị tiến tới Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng khóa VIII nhiệm kỳ 2014-2019, được sự chấp thuận của Uỷ ban nhân dân thành phố và Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018 trong 2 ngày 12/4 và 13/4/2014.
Đại hội chính thức diễn ra vào sáng ngày 13/4/2014. Đến dự có TS-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam-Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam-Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Vân Dung, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, NSND Tường Vy, đại diện lãnh đạo một số Sở, ban ngành liên quan trong thành phố, đại diện Ban chấp hành 8 Hội chuyên ngành.
55 hội viên trên tổng số 84 hội viên Hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng đã tham dự Đại hội.
Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc thay mặt Đoàn chủ tịch trình bày dự thảo báo cáo Tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2007-2013 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018.
Đại hội cũng đã nghe trình bày báo cáo Kiểm điểm của Ban chấp hành, các tham luận đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm trong hoạt động âm nhạc ở Đà Nẵng và thảo luận đóng góp vào phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2013-2018 trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo để khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đưa hoạt động âm nhạc thành phố lên một bước phát triển mới.
TS-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát biểu chào mừng đại hội, ghi nhận những đóng góp của Hội Âm nhạc Đà Nẵng đối với hoạt động âm nhạc cả nước thời gian qua và mong muốn Hội tiếp tục hoạt động có hiệu quả.
Tại đại hội, TS-Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã trao Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Hội Âm nhạc Đà Nẵng là đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong Liên hoan âm nhạc các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ lần thứ 23 năm 2014.
Nhà thơ Bùi Công Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng phát biểu biểu dương những thành tích của Hội Âm nhạc trong nhiệm kỳ qua, thống nhất với những nhiệm vụ đã đề ra trong nhiệm kỳ mới và xác định trách nhiệm Ban Chấp hành phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, lãnh đạo hội viên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2013-2018.
Đại hội đã được nghe ý kiến phát biểu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và nhạc sĩ Vân Dung, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội-hai Hội kết nghĩa chúc mừng đại hội thành công tốt đẹp, mong muốn quan hệ hỗ trợ, phối hợp hoạt động của Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc Đà Nẵng ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển nền âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát biểu chào mừng đại hội và trao đổi một số thông tin về việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, qua đó bày tỏ sự quan tâm và kêu gọi các nhạc sĩ Đà Nẵng cộng tác để bảo vệ lợi ích tác giả.
Nhiệm kỳ 2013-2018, Đại hội đã bầu :
Ban chấp hành gồm 9 thành viên:
1/ Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa : Chủ tịch
2/ Nhạc sĩ Trương Duy Huyến : Phó chủ tịch
3/ NSƯT Nguyễn Đình Thậm : Phó chủ tịch
4/ Nhạc sĩ Văn Thu Bích : Uỷ viên
5/ Nhạc sĩ Lưu Văn Bình : Ủy viên
6/ Nhạc sĩ Mai Danh : Ủy viên
7/ NSƯT Nguyễn Thị Kim Oanh : Ủy viên
8/ Ca sĩ Trần Thị Thanh Trà : Ủy viên
9/ Nhạc sĩ Phạm Quang Trung : Ủy viên
Ban kiểm tra gồm 3 thành viên:
1/ Nhạc sĩ Lưu Văn Bình : Trưởng ban
2/ Nhạc sĩ Nguyễn Minh Đức : Uỷ viên
3/ Nhạc sĩ Trần Hồng : Uỷ viên
Ban chấp hành mới đã ra mắt Đại hội. Nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa, Chủ tịch Hội, thay mặt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2013-2018 phát biểu nhận nhiệm vụ lãnh đạo Hội Âm nhạc thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đại hội lần thứ III đã thông qua để xứng đáng với sự quan tâm, tạo điều kiện và mong đợi của lãnh đạo và công chúng yêu thích âm nhạc của thành phố.
NHỮNG THÀNH TÍCH HOẠT ĐỘNG TRONG NHIỆM KỲ 2007 – 2013
1/ Tổng số hội viên: 84, Hội viên Trung ương: 33 Kết nạp Hội Âm nhạc Đà Nẵng: 31 Giới thiệu kết nạp Hội Nhạc sĩ ViệtNam: 11 2/Thực tế sáng tác tại nhiều quận huyện trong thành phố, nhiều địa phương trong nước và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). 3/Phối hợp với huyện Hòa Vang tổ chức thực tế sáng tác và in tuyển tập ca khúc về “Xây dựng nông thôn mới”. 4/Phối hợp thực hiện một số chương trình ca nhạc, giới thiệu Tác giả-Tác phẩm, Văn nghệ - Ðời sống phát trên sóng phát thanh và truyền hình thành phố Đà Nẵng. 5/Tổ chức nhiều cuộc giao lưu VHNT và giới thiệu tác giả - tác phẩm với tỉnh Lạng Sơn, thành phố Hải Phòng, Huế, Kontum, một số tỉnh Nam Bộ và các trường Trung học, Cao đẳng và Ðại học ở Đà Nẵng. 6/Tham gia Liên hoan Âm nhạc miền Trung – Tây Nguyên và ÐôngNambộ với nhiều tiết mục xuất sắc, được đánh giá là đoàn có phong trào mạnh, là đơn vị xuất sắc trong các Liên hoan. 7/Phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức các cuộc tọa đàm “Làm thế nào để có bài hát hay”, “Bài hát Việt”, “Kinh nghiệm sáng tác những ca khúc “địa phương ca” để giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. 8/Xuất bản một số tuyển tập ca khúc, Audio CD và album âm nhạc giới thiệu với đông đảo công chúng. 9/ Tham gia Ban giám khảo và tư vấn công tác tổ chức cho các Hội thi, Hội diễn, các Liên hoan từ cấp quận huyện, thành phố, các ngành, nghề, cuộc thi Tiếng hát truyền hình khu vực và toàn quốc. 10/Tham gia sáng tác kịch bản văn học, kịch bản âm nhạc, sáng tác và phối khí, hòa âm các thể loại nhạc không lời làm nền cho pháo hoa với các chủ đề: Huyền thoại sông Hàn (2010), Lung linh sông Hàn ( 2011), Sắc màu Ðà Nẵng (2012). 11/Thực hiên biên soạn giáo trình và tham gia giảng dạy các loại nhạc cụ, thanh nhạc và âm nhạc phổ thông cho hàng ngàn học viên là thiếu nhi và quần chúng yêu âm nhạc trong thành phố. Một số giáo trình đã được xuất bản, phổ biến rộng rãi, được công chúng đón nhận. 12/Xuất bản một số tập sách nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc chất lượng như: Âm nhạc Chăm của Văn Thu Bích, Các bài báo về Âm nhạc “Với làn điệu và tiếng hát quê hương” của Trương Ðình Quang, “Âm nhạc dân tộc Chăm – Sự giao thoa giữa nhạc Chăm và nhạc Việt” của Trần Hồng. 13/Các giải thưởng đạt được: -02 giải thưởng Nhà nước, 02 Nghệ sĩ ưu tú, 03 Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Âm nhạc ViệtNam. -Nhiều giải thưởng tại các cuộc thi sáng tác về Ngân hàng, Tổng cục dầu khí, An toàn giao thông, Bộ Giáo dục, Tập đoàn công nghiệp Cao su, Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hàng không Việt Nam, Bộ Quốc phòng và các cuộc vận động sáng tác của các tỉnh, thành trong cả nuớc. -Nhiều giải thưởng hằng năm của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT ViệtNam, của Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng. -11 giải thưởng VHNT thành phố Đà Nẵng lần thứ II (2005-2009) gồm: 04 giải B, 04 giải C, 03 giải Khuyến khích. -05 giải thưởng tại cuộc vận động sáng tác ca khúc về Ðà Nẵng gồm: 01 giải Nhì, 02 giải Ba và 02 giải Khuyến khích. -Nhạc sĩ lão thành Trương Ðình Quang 10 năm liền đạt giải thuởng của Hội Nhạc sĩ ViệtNam.
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NHIỆM KỲ 2013 – 2018
1/ Về sáng tác: Tiếp tục phát huy thế mạnh của sáng tác ca khúc thanh nhạc, từng buớc nâng tầm, khuyến khích sáng tác khí nhạc, hợp xướng. Thể nghiệm và tìm kiếm những phương cách mới trong sáng tác, trong hình thức biểu hiện. Tổ chức trại sáng tác, thực tế sáng tác, tọa đàm theo từng chủ đề cụ thể. Tổ chức giao lưu, giới thiệu tác phẩm mới trên sóng phát thanh – truyền hình và ở những cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài thành phố.Thực hiện và phát hành nhiều tuyển tập ca khúc, album Audio, Video giới thiệu tác phẩm của hội viên. 2/ Về biểu diễn: Tiếp tục phát huy hình thức biểu diễn âm nhạc tại các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan đến Âm nhạc đường phố, Âm nhạc học đường, Âm nhạc giải trí nhóm bạn, Âm nhạc gia đình v.v… tạo điều kiện giúp các ban, nhóm nhạc nâng cao tính chuyên nghiệp, tiến đến thành lập các câu lạc bộ nhạc dân tộc, nhạc semi- Classic. 3/ Về Lý luận – Phê bình: Phát hiện và bổ sung lực lượng nghiên cứu-lý luận-phê bình, nâng cao chất lượng, trao đổi, thảo luận về chuyên môn. Ðộng viên khích lệ những bài viết nhanh, nhạy và thiết thực đối với tình hình âm nhạc của thành phố và đất nước nhằm định hướng cho phong trào trong sáng tác, biểu diễn và nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của công chúng. 4/ Về đào tạo và giảng dạy: Gắn kết và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học trong thành phố để đẩy mạnh hoạt động. 5/ Về tổ chức Hội: Chú trọng nâng cao trình độ hội viên, ưu tiên phát triển hội viên mới ngành biểu diễn, nghiên cứu-lý luận-phê bình và hội viên nữ. Theo dõi, giúp đỡ và giới thiệu những hội viên có đủ điều kiện và năng lực kết nạp Hội Nhạc sĩ ViệtNam. Bảo vệ và hỗ trợ hội viên thực hiện quyền tác giả thông qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ViệtNam. 6/ Về hoạt động phong trào: Tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn và hoạt động phục vụ chào mừng các ngày lễ lớn của thành phố, đất nước, đặc biệt là Ngày Âm nhạc ViệtNam với hiệu quả cao. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các hội bạn trong nước và quốc tế để nâng cao chất lượng hoạt động. 7/ Về Website của Hội: Phục hồi, củng cố website của Hội và phát huy hiệu quả để trở thành diễn đàn giới thiệu, quảng bá tác phẩm của nhạc sĩ Ðà Nẵng và hoạt động của Hội.
|
Phạm Lý