Covid-19 định hình xu hướng thưởng thức nghệ thuật mới
Ca sĩ Mỹ Linh hát theo yêu cầu khán giả trong đêm nhạc trực tuyến
Những bước đi đầu tiên
Kỷ niệm chuỗi sự kiện 30/4; 1/5, chiến thắng Điện Biên Phủ… Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã lên kế hoạch và triển khai xây dựng trưng bày online với 2 chuyên đề: Di tích Bãi Cọi - nơi gặp gỡ các nền văn hóa; Đảng Cộng sản Việt Nam - từ Đại hội đến Đại hội. Ngay lập tức, phần mềm số hóa của bảo tàng đã ghi nhận tỷ lệ người truy cập mỗi ngày một tăng, trở thành nguồn động lực để bảo tàng tiếp tục cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại để xây dựng trưng bày chuyên đề mới, Sau 2 chuyên đề nói trên, chuyên đề Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia chạy trên nền tảng công nghệ 3D cũng tiếp tục trình làng trên Website của bảo tàng để giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng.
Sau Bảo tàng lịch sử, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng nhanh chóng bắt tay với công nghệ để tổ chức các cuộc triển lãm trên website trungbayonline.hoangthanhthanglong.com. Một số triển lãm đã được thực hiện, như: Đất nước trọn niềm vui; Hồi ức xúc động về thời khắc lịch sử 30/4/1975… và nhiều chuyên đề về cuộc chiến phòng chống Covid-19, giúp công chúng yêu nghệ thuật có được một cái nhìn tổng thể về từng thời khắc lịch sử của dân tộc, còn cảm nhận được cuộc chiến dai dẳng, cam go nhưng cũng đầy tự hào của những chiến binh áo trắng, lực lượng chức năng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” Covid-19. Mới đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm và Hội sách trực tuyến kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Triển lãm được thiết kế, sử dụng công nghệ hiện đại, trưng bày nhiều xuất bản phẩm, tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với Triển lãm sách, Hội sách trực tuyến, triển lãm chuyên đề Người đi tìm hình của nước kỷ niệm sự kiện 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu cũng đã được ban tổ chức triển khai trên các nền tảng công nghệ hiện đại, góp phần làm nổi bật những giá trị, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã được công chúng đón nhận.
Trên thực tế, việc đưa các tác phẩm nghệ thuật giới thiệu trên các nền tảng trực tuyến đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngoài mục đích giảm căng thẳng về mặt tinh thần cho người dân còn giúp cho các đơn vị nghệ thuật duy trì có nguồn thu nhằm tái đầu tư cho hoạt động nghệ thuật trong điều kiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn là hình thức khá mới mẻ và chưa được triển khai một cách rộng rãi. Do hạn chế về nguồn lực và thói quen thưởng thức thuật trực tiếp của người dân khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật còn e ngại, thậm chí trong một chừng mực nhất định còn được coi là mạo hiểm khi thói quen dùng “chùa”, và nạn ăn cắp bản quyền trên nền tảng trực tuyến còn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nghệ thuật thành tài sản kinh tế một cách minh bạch
Trước nhận định về dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài nhiều năm. Và kể cả khi dịch được khống chế thì những di chứng của dịch vẫn còn đè nặng lên đời sống kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới toàn diện các hoạt động nghệ thuật đã và đang được đặt ra với nhiều câu hỏi mang tính sống còn: Đổi mới để đi tiếp hay dừng lại để đối mặt với sự tan rã, phá sản?.... Và câu trả lời đã có, nhiều đơn vị nghệ thuật đã sử dụng nền tảng trực tuyến để đưa tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng và cũng có đơn vị sử dụng nền tảng xã hội như một công cụ để bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc số hóa văn hóa nghệ thuật vừa là thách thức vừa là cơ hội trong bối cảnh hiện tại: “Nếu số hóa được những dữ liệu liên quan đến văn hóa nghệ thuật thì chúng ta có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, biến chúng thành tài sản của dân tộc…”. Tiên phong cho xu hướng thưởng thức nghệ thuật trực tuyến, chuyển tải nghệ thuật thành tài sản kinh tế, Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đối tác phát triển dự án “Cổng trời” nhằm số hóa và định danh các phẩm văn hóa mà trước mắt là tác phẩm mỹ thuật bằng công nghệ NFT (công nghệ Non Fungible Token) trên nền tảng blockchain của Kardiachain, ngoài giúp người dùng xây dựng được một bộ sưu tập kỹ thuật số/ trí tuệ nhân tạo với chi phí thấp, còn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập, theo nguyên tắc, giá trị của độc bản số sẽ tỷ lệ thuận với số lần chuyển nhượng. Đây chính là bước tiến quan trọng của đời sống nghệ thuật trong nước, tạo cơ hội để tác phẩm và nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới. Đồng thời thiết lập kênh thông tin riêng, xác định bản quyền công khai, duy nhất, chuyển trao, giao dịch quyền sở hữu trí tuệ vốn đang được coi là mảnh đất màu mỡ hiện nay.
Thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã đóng băng gần như hết thảy các hoạt động nghệ thuật dưới hình thức trực tiếp, làm thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật của công chúng từ trực tiếp sang trực tuyến. Song, để công chúng thưởng thức văn hóa nghệ thuật tạo ra thị trường trên các nền tảng trực tuyến vẫn còn là bài toán chưa có lời giải. Theo các chuyên gia kinh tế, cần có những chính sách để hỗ trợ cho những tổ chức văn hóa, nghệ thuật, hay những đơn vị làm về truyền thông số, để họ cùng liên kết tạo ra cơ chế, từ đó thúc đẩy phát triển loại hình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến. Trong đó có việc xóa bỏ thói quen “dùng chùa” và nạn “ăn cắp bản quyền” trên nền tảng trực tuyến. Muốn vậy, những dự án hỗ trợ xây dựng nền tảng trực tuyến, phát triển kỹ thuật, kỹ năng thưởng thức nghệ thuật trực tuyến cũng cần phải được nhìn nhận thỏa đáng. Và những khuyến cáo này nhanh chóng được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch triển khai thông qua nhiều dự án như đặt hàng các đơn vị nghệ thuật, tổ chức các xuất diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội nhằm đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên vẫn chưa tạo ra những đột phá, giúp các đơn vị nghệ thuật tạo ra nguồn thu, thậm chí nhiều đơn vị còn lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4. Tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, Bộ cần tạo nguồn lực và tập trung nguồn lực cho 3 đột phá chiến lược; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nắm bắt xu thế thời đại để có hướng đi đúng, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, quản lý số, vấn đề này đã có đường lối, chính sách chung, ngành phải mạnh dạn triển khai hiệu quả, phù hợp tình hình.
Dịch bệnh đã và đang làm thay đổi mọi thói quen tưởng chừng như khó bỏ, như phải “xem tận mặt, bắt tận tay” để thay vào đó là xem trên nền tảng trực tuyến, thích nghi với công nghệ thực tế ảo để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, làm giàu thêm vốn văn hóa của mỗi cá nhân. Do đó, để văn hóa, nghệ thuật không bị nhấn chìm bởi Covid, việc thích ứng với nền tảng trực tuyến đã trở thành mệnh lệnh bất khả kháng, chứ không còn dừng lại ở việc muốn hay không thuận theo tự nhiên. Môi trường trực tuyến vốn không giới hạn với bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề, lại càng không phải là cánh cửa hẹp đối với văn hóa nghệ thuật, việc còn lại của các đơn vị quản lý, các đơn vị nghệ thuật và các bên liên quan chính là tạo hành lang pháp lý, cơ chế để các bên liên quan phối hợp đưa tác phẩm nghệ thuật lên nền tảng trực tuyến, bên cạnh đó là xiết chặt hơn nữa vấn đề bản quyền để tác giả, tác phẩm, công chúng được thụ hưởng những giá trị đích thực từ lao động nghệ thuật một cách xứng đáng.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
(baovannghe.com.vn)