Cầu đá xanh - Nguyễn Kiên

06.05.2014
Cậu Tần, em họ mẹ tôi, bị mù sau một trận đau mắt nặng,  từ ngày còn nhỏ. Nhà cậu ở kề nhà bà ngoại tôi. Mỗi lần sang nhà cậu, tôi cố đi rón rén nhưng tai cậu thính lắm, cậu nghe được bước chân không hề phát ra tiếng động của tôi và cậu à lên ngay: “À, cháu cậu. Lại đây với cậu. Lại đây!”. Cậu Tần thường ngồi ở đầu hiên nhà, đan lát, chẻ đóm hút thuốc lào, vót tăm hoặc một việc gì đại loại như thế, mò mẫm mà khéo léo. Cậu gẩy đàn bầu, tiếng đàn của cậu mộc mạc, buồn não nùng. Cũng có lúc cậu ngồi im lặng, tấm lưng còng, cái cổ gầy nổi gân xanh, đôi tròng mắt lờ đờ chỉ một màu trắng đục cứ chớp giạt lên, như là cậu đang chăm chú nhìn cái gì đó. Cậu Tần đã lớn tuổi nhưng vẫn thơ ngây như trẻ con.

Cầu đá xanh - Nguyễn Kiên

Những hình ảnh ít ỏi cậu thu lượm được khi còn là chú bé sáng mắt, ngày càng lấp lánh trong cái vùng đen tối mênh mông bủa vây đời cậu. Cậu rì rầm kể lại với tôi những trò nghịch ngợm, lội ao, trèo cây hoặc bắt rắn, hun chuột ở ngoài đồng. Rồi cậu bỗng náo nức:

- Cậu muốn ra cái cầu đá xanh ở đồng Ngà. Cháu đưa cậu ra nhé.

Đoạn đường từ nhà ra tới cổng làng, cậu Tần đã quen, cậu vừa đi vừa gõ gõ hoặc lia lia cái đầu gậy về phía truớc là có thể nhận biết những chỗ lồi lõm, những khúc quanh. Ra tới đường đồng, thành đường lạ nhưng cậu không cho tôi dắt cậu, chỉ được đi bên cậu, cái đầu gậy của cậu không ngừng gõ gõ, lia lia và cậu quả quyết:

- Cháu chỉ cần đưa cậu đi dăm ba bận là cậu nhớ đường, cậu có thể đi một mình. Rồi cháu xem!

Đồng Ngà ở xa làng, có con ngòi chảy ngoằn ngoèo, nhịp cầu đã xanh không biết được bắc từ thuở nào, cái phiến đá đều mòn nhẵn. Đầu cầu nổi một gò đất, sườn gò có gian quán nhỏ, mái ngói lên rêu, không có tường vậy, gió lùa thông thống. Cậu Tần buông cái gậy, nằm dài ra trên nền quán, nói thảng thốt như trong mơ:

- Đồng Ngà nhiều cua lắm. Ngày trước, cứ giấc trưa cậu ra đây lội bì bõm bắt cua, nắng há miệng nhưng vào cái quán này, nằm dài một lúc là tỉnh.

Rồi cậu lần ra cầu, sờ soạng từng phiến đá, bàn tay lần theo những vét nứt hoặc những chỗ sứt mẻ.

- Cái cầu này vẫn y nguyên, chẳng có gì suy xuyển. Cả vùng, chỉ có mỗi làng mình có cái cầu đá xanh. Mà lại ở giữa đồng. Hay thật…

Tôi rời quê ngoại, trở về nhà, quê nội. Dù không có tôi, cậu Tần cứ một mình dò dẫm ra tận cầu đá xanh đồng Ngà. Một lần cậu nhặt được con chó con, không biết từ đâu lạc đến, nằm rên ư ử trong bụi cây ven quán Ngà. Con chó ốm o, đầy mụn ghẻ, hai mắt đùn rử xanh. Mặc cho cả nhà phàn nàn, ca cẩm, cậu Tần tắm rửa cho con chó, cho nó ăn, vỗ về nó. Con chó lành bệnh, béo ra, sủa nhanh nhách, nó luôn quấn quýt bên cậu Tần. Tôi lại có dịp về chơi quê ngoại. Lúc ấy, con Vện của cậu Tần đã lớn, chỉ sau mấy ngày nó thấy cậu Tần yêu quý tôi, hễ tôi sang nhà cậu là nó chạy ra, vẫy đuôi rối rít. Cậu Tần ngồi gẩy đàn bầu. Con Vện dù đang chơi nhởn đâu đâu cũng chạy vội về, ngồi chầu hẫu trước cây đàn. Vện ngồi im phăng phắc, chỉ hai vành tai dựng đứng của nó thỉnh thoảng hơi rung rung. Con Vện biết nghe đàn, vẻ như nó thấm thía tiếng đàn buồn não nùng của người chủ mù. Nó biết canh cây đàn bầu, cậu Tần thường móc vào cái mấu tre, treo lên vách. Hễ ai vô ý đụng vào cây đàn là Vện xông tới, sủa ầm lên.

Rồi tôi đi xa. Đi kháng chiến. Ở rừng Việt Bắc kháng chiến, tôi vẫn nhớ về làng quê, nhớ cậu Tần của tôi. Không ngờ, ngày trở về cậu Tần không còn nữa. Một trận giặc càn, dân làng chạy nháo nhác. Cậu Tần mù, không thể chạy đi đâu. Cậu ở nhà, nấp sau cái cót thóc. Còn con Vện, cậu xua nó ra vườn. Lính Tây và lính bảo hòang lùng sục khắp làng, chúng xông vào nhà cậu Tần, ngó nghiêng, không thấy có gì khả nghi, chúng định bỏ sang nhà khác. Một tên lính nhìn thấy cây đàn bầu trên trên vách, táy máy gẩy vào dây đàn, nẩy một tiếng “phừng!”. Con Vện rúc kín ở góc vườn lập tức xông ra, nó cứ quẩn vào chân bọn lính, sủa ăng ẳng. Do thế mà bọn lính tiếp tục xăm xoi, chúng tìm thấy cậu Tần nấp sau cái cót thóc. Chúng lôi cậu ra sân đình. Rồi chúng lùa một số dân làng, trong đó có cậu Tần, lên bốt Mô. Số dân làng bị giam lại qua đêm ở bốt Mô. Còn cậu Tần, bọn giặc đã chắc chắn là người mù thật, đến xế chiều thì chúng thả cho về. Khổ thân cậu, mù loà, thoát khỏi đồn giặc nhưng biết đường nào mà đi? May còn con Vện. Con Vện chui lủi ngoài đồng, vẫn theo rõi chủ nó, trong đoàn người lam lũ bị sa vào tay giặc. Con Vện quẩnh quanh bên ngoài bốt Mô. Nó chạy lại bên cậu Tần, cọ người vào chân cậu, đuôi nó vẫy rối rít. Cậu Tần dò dẫm đi theo con Vện, con Vện thỉnh thoảng lại dừng chân, quay đầu, khẽ rên lên ư ử, như để báo hiệu và khuyến khích cậu. Cố lên, cố lên, thầy trò ta sắp về đến cầu đá xanh đồng Ngà rồi!

Cậu Tần về đến cầu dá xanh thì phía bên kia đồng, bọn lính đi càn xa bấy giờ mới trở về. Nắng chiều chênh chếch suốt cánh đồng vàng hoe, cánh đồng chết. Bọn lính thấy giữa đồng có bóng người di động chậm chạp. Chẳng cần biết người đó là ai, chúng chỉ trỏ rồi giơ súng ngắm và nổ cả một băng đạn dài.

Cậu Tần nằm vắt ngang bờ ruộng, máu chảy ra chan hoà. Con Vện chạy quanh cậu, tru lên thảm thiết… Con Vện nhất định không chịu về nhà. Bà con đi làm đổng thỉnh thoảng lại thấy con Vện xuất hiện bên mộ cậu Tần, nó đi quanh nấm đất, mũi cúi xuống hít hít. Nó gầy rạc, lông xác xơ. Rồi con Vện biến đâu mất. Có thể nó thành con chó hoang, cũng có thể nó đã chết vùi ở nơi nào…

 

N.K

Nguồn: vanvn.net