Báo chí trong công cuộc đổi mới văn học cuối thế kỷ XX
Báo chí mở đường cho công cuộc đổi mới nền văn học
Trở lại những năm 80 của thế kỷ XX, chúng ta sẽ thấy rõ được vai trò to lớn của báo chí đối với công cuộc đổi mới đất nước và vị trí có tính chất tiên phong của báo chí đối với công cuộc đổi mới nền văn học dân tộc.
Bởi so với các loại hình văn hóa khác, báo chí có hai ưu thế là tính thời sự và số lượng phát hành lớn nên ở thời hiện đại (nhất là sau 1986), báo chí mặc nhiên trở thành phương tiện truyền thông có khả năng phát tin nhanh và diện phủ sóng rộng, đặc biệt là báo hình và báo mạng. Mặt khác, trong đội ngũ nhà báo Việt Nam, có rất nhiều nhà văn, vì thế những vấn đề thời sự bức xúc của đời sống văn học thường được bùng nổ từ báo chí, có nghĩa là báo chí luôn giữ vai trò khởi xướng.
Dường như đây là một quy luật. Vì điều này đã từng xuất hiện ở công cuộc đổi mới văn học đầu thế kỷ XX. Trước khi có những truyện ngắn xuất sắc và những tiểu thuyết “làm vinh dự cho mọi nền văn học”, lịch sử báo chí Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của cả một phong trào phóng sự sôi nổi, rộng khắp với những tên tuổi sáng giá: Tam Lang (Tôi kéo xe), Trọng Lang (Hà Nội lầm than, Thanh niên truỵ lạc), Ngô Tất Tố (Việc làng, Vụ án cái đình), Vũ Trọng Phụng - ông vua phóng sự đất Bắc (Cơm thầy cơm cô, Cạm bẫy người, Lục sì, Kỹ nghệ lấy Tây)… Nhờ hệ thống phóng sự này mà văn chương có được nhiều tư liệu quý, các nhà văn có thêm dũng khí để mạnh dạn phản ánh và phê phán những mặt trái của xã hội Việt Nam đương thời…
Cuối thế kỷ XX, công cuộc đổi mới văn học cũng được mở đầu bằng hàng trăm tác phẩm ký in trên báo. Tiêu biểu là những phóng sự trên báo Văn nghệ: Cái đêm hôm ấy đêm gì (Phùng Gia Lộc, 1986), Người đàn bà quỳ (Lê Văn Ba, 1988), Vua lốp (Trần Huy Quang, 1986), Lời khai của bị can (Trần Huy Quang, 1987). Rồi hàng loạt truyện ký của nhà văn - nhà báo Minh Chuyên: Người không cô đơn, Nước mắt làng, Mười lần sinh tử, Vào chùa gặp lại…
Sau sự bùng nổ của phóng sự là những tiểu thuyết - phóng sự ăm ắp tư liệu báo chí. Khởi đầu là: Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù Lao Tràm (Nguyễn Mạnh Tuấn). Tiếp đến là Gặp gỡ cuối năm, Tháng ba ở Tây Nguyên, Thời gian của người (Nguyễn Khải)… Sau những tiểu thuyết - tư liệu là sự xuất hiện của hàng loạt tiểu thuyết hay: Thời xa vắng (Lê Lựu); Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng); Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường); Bến không chồng (Dương Hướng); Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh); Góc tăm tối cuối cùng, Những bức tường lửa, Đối chiến (Khuất Quang Thụy ) Lạc rừng (Trung Trung Đỉnh); Hồ Quý Ly, Mẫu thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh), Luật đời và cha con (Nguyễn Bắc Sơn) Giàn thiêu (Võ Thị Hảo)… cùng hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban…
Sự được mùa của tiểu thuyết - thể loại “chúa tể “của văn chương thời hiện đại chứng tỏ công cuộc đổi mới văn học đã thắng lợi. Văn học đã đón nhận được một luồng gió mới - luồng gió dân chủ, vì thế văn học trở nên nhân bản hơn, sâu sắc hơn và hiện đại hơn.
Dĩ nhiên khát vọng đổi mới văn học đã âm ỉ từ sau 1975, thậm chí còn xuất hiện rất sớm từ những năm chống Mỹ ở người mở đường tinh anh Nguyễn Minh Châu (Nguyễn Khải) nhưng khát vọng ấy chỉ có thể thực hiện và thực hiện thắng lợi khi có chủ trương đổi mới toàn diện đất nước của Đảng và nhận được sự ủng hộ và bảo vệ của báo chí. Ngoài điểm tựa tinh thần báo chí còn kịp thời cung cấp cho văn chương cả một kho tư liệu với những thông tin cập nhật quý báu. Đó là những dữ liệu quan trọng để các nhà văn tài năng thổi hồn vào làm nên những tác phẩm để đời. Quả thật, báo chí đã là nguồn động lực quan trọng, đã lĩnh trách nhiệm đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Nên đâu phải vô cớ mà con đường vận động của cả hai cuộc đổi mới văn học Việt Nam đầu và cuối thế kỷ XX đều có chung một quy trình: từ phóng sự đến tiểu thuyết - phóng sự rồi mới đến tiểu thuyết.
Định hướng phát triển, phát hiện bồi dưỡng tài năng văn học
Báo chí vừa làm nhiệm vụ khởi xướng vừa giữ vai trò hướng đạo cho những cuộc tranh luận học thuật văn nghệ sôi nổi và hữu ích, đã góp phần định hướng thẩm mỹ cho đông đảo công chúng, góp phần giúp cho phê bình văn học ngày càng trở nên chuyên nghiệp… Tất cả những tranh luận học thuật lớn nhất trong các giai đoạn lịch sử đều được tiến hành dưới hình thức báo chí. Qua những cuộc tranh luận nảy lửa ấy, chân lý nghệ thuật đã thắng thế. Nhờ thế mà văn học không chỉ đi theo đúng định hướng mà còn có thể phát triển với một tốc độ lớn… Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: hầu như tất cả mọi vấn đề lý luận văn học mới nhất trong và ngoài nước đều được đưa lên mặt báo. Những vấn đề xoay quanh việc dạy văn và học văn trong nhà trường đều được báo chí quan tâm. Tất cả những tham luận tốt nhất của mọi hội thảo khoa học đều được lần lượt đăng tải trên các tờ báo…
Báo chí quả là đã có công lớn đối với phê bình bởi vì nếu không có sự nâng đỡ của báo chí thì phê bình khó có thể phát triển và dễ dàng đến với số đông công chúng hôm nay. Như một quy luật: hầu như các tác phẩm phê bình văn học đương đại đều là sự tập hợp những bài viết đăng trên báo mà thành. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh với Nhà văn hiện đại Việt Nam - Chân dung và phong cách, Trần Mạnh Hảo với Thơ và phản thơ, Phê bình và phản phê bình; Vương Trí Nhàn với Những kiếp hoa dại, Đặng Anh Đào với Tài năng và người thưởng thức, Đỗ Lai Thuý với Con mắt thơ, Từ cái nhìn văn hóa, Chân trời có người bay; Trần Đăng Khoa với Chân dung và đối thoại, Nguyễn Hữu Sơn với Điểm tựa của phê bình văn học, Nguyễn Đăng Điệp với Vọng từ con chữ, Giọng điệu trong thơ trữ tình, Thơ Việt Nam tiến trình và hiện tượng; Chu Văn Sơn với Ba đỉnh cao thơ mới, Tự tình cùng cái đẹp; Văn Giá với Một khoảng trời văn học, Bích Thu với Theo dòng văn học, Văn học Việt Nam sáng tạo và tiếp nhân, Lý Hoài Thu với Văn nhân quân đội, Những sinh thể văn chương Việt…
Ngoài ý nghĩa quan trọng là góp phần định hướng cho văn học, qua các cuộc thi được tổ chức thường xuyên hàng năm, với con mắt xanh, báo chí còn làm nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ. Báo chí đã trở thành một sân chơi trí tuệ - văn hoá rất tin cậy và hữu hiệu của công chúng, là nơi giúp những người viết văn luyện chữ, rèn tài.
Bởi khi có tác phẩm được đăng báo, nhà văn được động viên, khuyến khích cả về vật chất và tinh thần. Những bài viết khi được xã hội hoá thường tạo nên làn sóng dư luận đa phương, nhờ thế mà những người cầm bút đã nhanh chóng trưởng thành. Nên không có gì lạ khi hầu hết những nhà phê bình đang sung sức trên văn đàn hiện nay như: Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đăng Điệp, Hữu Sơn, Bùi Việt Thắng, Văn Giá, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu… đều thành danh nhờ báo chí.
Đăng tải kịp thời một khối lượng tác phẩm văn chương lớn
Ta cứ thử tưởng tượng xem đời sống văn học hôm nay sẽ ra sao nếu báo chí khước từ toàn bộ những tác phẩm văn chương mà chỉ cho đăng toàn những tin tức thời sự với độc một giọng văn thông tấn? Và công cuộc đổi mới văn học liệu có thể tiến hành có hiệu quả hay không nếu không nhờ vào sự trợ giúp đắc lực của báo chí?
Trước cách mạng hầu như văn trên báo, báo là văn. Có nhiều nguyên nhân: Phần là vì ở buổi đầu, lý thuyết về thể loại chưa rõ ràng, ranh giới giữa báo và văn còn chưa tách bạch; yêu cầu về tin tức thời sự của xã hội lúc đó cũng chưa thật bức xúc. Phần vì cánh ký giả bấy giờ lưng vốn thường chỉ là những kiến thức văn chương mà công chúng lúc đó thì cũng chỉ quen lối tiếp nhận những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ theo kiểu thả thơ đố chữ….
Cho nên không phải chỉ có những tờ báo văn như Đông Dương, Nam Phong, An Nam tạp chí, Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phong Hoá, Ngày Nay… mới có hiện tượng báo chí phải cầu cứu tới sự hỗ trợ to lớn của văn chương mà trên tất cả các báo, ngay cả những tờ công báo như Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, rồi Tân Dân, Thanh nghị, Trung Bắc chủ nhật, Hữu ích… cũng đăng rất nhiều tác phẩm văn học. Thậm chí có tờ như Phổ thông bán nguyệt san mỗi số còn đăng trọn hẳn một cuốn tiểu thuyết.
Hiện nay tác phẩm văn chương vẫn cứ là một phần quan trọng của báo chí, không chỉ riêng các báo văn học mà ngay trên các báo lớn, báo ngành, và cả báo mạng điện tử cũng không thể thiếu vắng các tác phẩm văn học… Điều đó lại tạo thêm nhiều cơ hội để các nhà văn đi làm báo, để càng ngày càng nhiều tác phẩm văn chương có điều kiện được chuyển tải trên mặt báo và càng khẳng định vai trò to lớn của văn học đối với sự phát triển của báo chí ở mọi thời đại, nhất là ở thời đại toàn cầu hóa như hiện nay…
Ngoài những tác phẩm trực tiếp in trên báo viết, truyền đi trên báo phát thanh còn có hiện tượng: càng ngày báo chí càng có nhu cầu vay mượn những tác phẩm văn học để chuyển thể thành các kịch bản truyền thanh, truyền hình, các phim truyền hình nhiều tập. Rõ ràng báo chí và văn học đã thừa hưởng thành tựu to lớn và quý báu của nhau. Suốt nửa thế kỷ qua, nhiều tác phẩm văn học trong nước và trên thế giới (Cả dân gian và văn học viết), đủ mọi thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, sân khấu, đã được chuyển thể thành phim hoặc diễn trên đài hay trình chiếu trên màn ảnh nhỏ… Tất cả những vở kịch tiêu biểu của các tác giả tên tuổi mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống… dường như chỉ đến với đa số khán giả Việt Nam chủ yếu qua kênh truyền hình và truyền thanh. Những tác phẩm hay nhất trong thời kỳ Đổi mới như: Mùa lá rụng trong vườn, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Mùa hoa cải ven sông, Người không cô đơn, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Đời cát, Mẹ chồng tôi, Luật đời và cha con… đã lần lượt được giới thiệu trên báo chí. Mỗi năm riêng báo hình cũng phải chuyển thể khoảng vài trăm tác phẩm văn học.
Có thể nói rằng: phim truyền hình Việt Nam cơ bản là được chuyển thể từ những tác phẩm văn học. Cũng nhờ báo hình, báo phát thanh mà hầu như những kiệt tác văn chương của nước nhà từ cổ chí kim và rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã dễ dàng đến được với công chúng. Nhưng để giảm bớt khoảng cách giữa văn hoá nghe nhìn và văn hoá đọc lại đòi hỏi người làm phim không chỉ dừng lại ở kỹ thuật làm phim mà cần phải có một trình độ thẩm định văn chương tốt. Có như vậy bộ phim mới mang được hồn cốt, mới lột tả đúng được chiều sâu của tác phẩm.
Góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc
Với những thế mạnh của mình, báo chí cũng góp một phần không nhỏ vào quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc.
Nói đến hiện đại chính là nói đến những nhân tố mới, nói đến sự phát triển mà điều này chỉ qua giao lưu mới có được. Chủ yếu nhờ báo chí, nhờ sự nỗ lực không ngừng của các báo văn nghệ, văn học mà chúng ta nhanh chóng đến được với những quan điểm nghệ thuật mới và những kỹ thuật viết văn hiện đại của các dân tộc anh em trên thế giới, từ đó giúp những nhà văn Việt Nam nhất là lớp nhà văn trẻ đổi mới tư duy trong sáng tạo nghệ thuật để có được những đổi mới thật sự trong lòng đời sống văn học, bước đầu đáp ứng được thị hiếu của bạn đọc hôm nay… Báo chí cũng đã cung cấp cho nhà văn rất nhiều tư liệu quý báu, trong đó phần lớn là những vấn đề nóng (Dĩ nhiên mới ở dạng thô), giúp cho nhà văn có nhiều cơ hội để nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng nói thật. Con mắt sự kiện sẽ giúp nhà văn áp sát cuộc sống, đưa văn học về với cuộc sống làm cho văn chương trở nên gần gũi hơn, đời hơn. Như vậy báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng giữa tác phẩm của nhà văn và công chúng. Tính thời sự của báo chí làm cho văn học thêm tốc độ, góc cạnh, sắc sảo, linh hoạt, bút lực của nhà văn cũng trở nên lớn hơn...
Rõ ràng sự gặp gỡ giữa báo chí và văn chương đã tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn để có thể bùng nổ những tài năng của người nghệ sỹ. Báo trong văn sẽ làm cho văn chương sắc hơn nhưng ngược lại văn trong báo lại làm cho báo thêm sâu hơn, nhân tình hơn.
Như một quy luật tất yếu, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, công cuộc đổi mới nền văn học dân tộc nhất định sẽ được tiến hành nhưng với sự đóng góp tích cực và đầy hiệu quả của báo chí, hoạt động văn hoá quan trọng này đã diễn ra nhanh chóng hơn, tốc độ hơn và cũng đúng định hướng hơn.
(Văn nghệ số 24/2023)