Góp phần xứng đáng vào việc gầy dựng thương hiệu nghệ thuật múa Đà Nẵng

10.06.2023
Đại hội Hội Nghệ sĩ múa thành phố lần thứ V, nhiệm kỳ 2023-2028 phiên chính thức đã diễn ra vào sáng ngày 10/6/2023, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng đối với sự phát triển của Hội trong thời gian tới. Trang thông tin tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng xin gửi đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu này.

Góp phần xứng đáng vào việc gầy dựng thương hiệu nghệ thuật múa Đà Nẵng

Thưa Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam cùng các nghệ sĩ múa là lãnh đạo Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nghệ sĩ múa thành phố Cần Thơ, 

Thưa các đồng chí lãnh đạo sở ban ngành thành phố và các vị đại biểu khách mời,

Thưa toàn thể Đại hội,

Hội Nghệ sĩ Múa là một trong không nhiều hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đủ điều kiện tổ chức đại hội hết nhiệm kỳ ngay vào nửa đầu năm 2023. Có thể nói Hội chúng ta vừa trải qua một nhiệm kỳ cực kỳ khó khăn, bởi so với hai loại hình nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật tạo hình có thể vẫn sáng tạo mà chưa cần công chúng, nghệ thuật biểu diễn chẳng hạn như múa luôn cần đến sự có mặt của công chúng, không thể múa trực tiếp trên sàn diễn mà không có công chúng tận mục sở thị, chính vì vậy suốt thời gian dài phong tỏa/cách ly ai ở đâu ở yên đấy trong đại dịch cực kỳ căng thẳng - thậm chí có đến hai nghệ sĩ múa đã qua đời vì dịch bệnh mà chúng ta vừa tưởng niệm, hầu như nghệ sĩ múa không thể tác nghiệp. Đương nhiên nói “hầu như không thể tác nghiệp” chủ yếu là nói diễn viên múa, chứ trong thời gian cách ly ai ở đâu ở yên đấy, không ít biên đạo múa vẫn sáng tác kịch bản và chính nỗ lực vượt qua đại dịch của cả thành phố lại là nguồn cảm hứng nghệ thuật sinh động cho các biên đạo sáng tạo, để khi đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Hội Nghệ sĩ Múa có thể trình diễn thành công chương trình Vũ khúc sông Hàn vượt qua đại dịch và một số hoạt động nghề nghiệp khác, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội.
Chính vì vậy, dẫu không được như mong đợi nhưng những thành tựu từ sáng tác kịch bản cho đến biểu diễn, từ nghiên cứu lý luận cho đến đào tạo/ truyền nghề… như đã nêu trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vốn rất đáng trân trọng lại càng đáng trân trọng hơn. Thay mặt Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên hiệp Hội, tôi xin ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của toàn thể hội viên, của Hội đồng Nghệ thuật, của Ban Kiểm tra và nhất là của Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa thành phố Đà Nẵng khóa IV - với sự cố vấn đầy tâm huyết của Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân - trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội, góp phần tích cực và đáng kể vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ 2019-2024 của Liên hiệp Hội.   

Thưa toàn thể Đại hội,

Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ IV của Hội cách đây 5 năm, tôi có nhắc tới chương trình “Mỵ” của tác giả kịch bản/biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh - Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc. Chương trình nghệ thuật múa này đã được đầu tư 3 tỷ đồng không chỉ để được trao Giải Chương trình ấn tượng và Giải Biên đạo múa xuất sắc trong Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018 đợt I tổ chức tại Cao Bằng, mà còn nhằm đạt được mục tiêu phải bán được vé tại nhà hát và thu hút được khách du lịch đến xem. Và nhờ sự hợp tác giữa Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc với Nhà hát Lớn Hà Nội và Công ty du lịch Nam Hưng Media, từ tháng 9 năm 2018 vợ chồng A Phủ đã có thể rời rừng xuống phố để chinh phục trái tim công chúng miền xuôi qua 10 buổi biểu diễn giới thiệu trong năm 2018 và sau đó được công diễn định kỳ gắn kết với tour du lịch tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội trong năm 2019. Như vậy nghệ thuật múa chỉ thực sự “lên ngôi” khi được “bay” trên đôi cánh của tài năng và của tài chính - tài năng của các vũ công và quan trọng hơn là tài năng của tác giả kịch bản và biên đạo múa, tài chính của các nhà đầu tư cỡ như Nam Hưng Media và của bản thân đơn vị tổ chức biểu diễn cỡ như Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc - một đơn vị nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trụ sở chính trên Thái Nguyên, chứ không phải của Liên hiệp Hội, càng không phải của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố. Nhiệm vụ chủ yếu của Liên hiệp Hội mà trực tiếp là của Hội Nghệ sĩ Múa thành phố là làm sao khơi dậy - hơn thế nữa - làm sao nâng cấp được tài năng của hội viên, còn nguồn lực tài chính thì cần có hướng đi khác với lâu nay - nghĩa là cần được tạo nguồn thông qua các đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp.   

Làm thế nào để khơi dậy và nâng cấp tài năng của hội viên? Trong việc khơi dậy và nâng cấp tài năng của hội viên và chuyên nghiệp hóa biên đạo và diễn viên múa, trước hết cần thấy vai trò của các cơ sở đào tạo nghệ thuật là rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà Chương trình Bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa cung đình Chăm lại được dàn dựng và biểu diễn tại sân khấu của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố. Cần tận dụng lợi thế của một địa phương có cơ sở đào tạo nghệ thuật tại chỗ; đồng thời cũng cần phát huy lợi thế của một địa phương từng tổ chức thành công Hội thi Tài năng múa thiếu nhi để có thể bắt đầu sớm. Từng có ý tưởng đưa Múa vào Trại Sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi hè hằng năm do Liên hiệp Hội và Sở Giáo dục đào tạo cùng tổ chức - vấn đề này sẽ được thảo luận tại Đại hội Liên hiệp Hội nhiệm kỳ 2024-2029 và nếu được sẽ chính thức triển khai từ mùa hè năm 2025, và nếu được đề nghị Đại hội Hội Nghệ sĩ Múa đưa việc này trở thành một nội dung tác nghiệp trong nhiệm kỳ mới. Các lớp tập huấn về nghiệp vụ do Hội Nghệ sĩ Múa thành phố tổ chức trong nhiệm kỳ cũng góp phần đáng kể vào việc khơi dậy và nâng cấp tài năng của hội viên và chuyên nghiệp hóa biên đạo và diễn viên múa.       

Thưa toàn thể Đại hội,

Từ diễn đàn long trọng này, thay mặt Đảng đoàn và Ban Thường vụ Liên hiệp Hội, tôi xin bày tỏ lòng tri ân đối với các nghệ sĩ Huỳnh Ngọc Kim, Lê Thị Hậu - Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2013-2018 có nguyện vọng không tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ này. Tôi xin chân thành cảm ơn Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã đến dự và sẽ phát biểu chỉ đạo Đại hội; xin chân thành cảm ơn các nghệ sĩ múa là lãnh đạo Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Hà Nội, Hội Nghệ sĩ múa Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nghệ sĩ múa thành phố Cần Thơ đã đến chung vui với Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng chúng tôi; xin chân thành cảm ơn lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành đã đồng hành và tạo điều kiện để giới nghệ sĩ múa Đà Nẵng phát huy cao nhất năng lực sáng tạo nghệ thuật, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với tư cách những công-dân-nghệ-sĩ, vừa phục vụ cho sự phát triển của bản thân nghệ thuật múa, góp phần xứng đáng vào việc gầy dựng thương hiệu Đà Nẵng luôn trân trọng vẻ đẹp mê hồn của ngôn ngữ múa. Chúc các nghệ sĩ múa lão thành cùng tất cả những người hoạt động nghệ thuật múa là đại biểu Đại hội và cả những người hoạt động nghệ thuật múa trên địa bàn thành phố không có mặt ở đây luôn đầy ắp cảm hứng nghệ thuật và luôn tươi mới trong sáng tạo nghệ thuật, hơn thế nữa có thể vươn đến năng lực đặc biệt trong các điệu mua thiêng như Nghệ sĩ Phan Thục Linh vừa đề cập. Chúc Đại hội lần thứ V Hội Nghệ sĩ Múa Đà Nẵng thành công như mong đợi. Xin chân thành cảm ơn mọi người đã chăm chú lắng nghe./.

B.V.T