Ba ơi, mai con về thăm ngoại - D.Thanh Vân

06.09.2014
...
Nhiều khi, con thèm câu trách: "Sao lâu quá không gọi điện thoại về nhà?", nhưng chưa bao giờ con được nghe tiếng trách ấy. Bởi con hiểu sự mạnh mẽ ở ba mẹ. Con hiểu, ba muốn con thật tập trung cho công việc, cho sự nghiệp, cho toan tính cơm áo gạo tiền và xây dựng một đời sống thật độc lập. Con hiểu rằng ba mẹ luôn biết cách để duy trì cuộc sống không có chúng con kề bên. Mỗi lần con điện thoại về, giọng ba mẹ đều vui vẻ, ba còn cười to để con thấy ba khỏe, mẹ bình thường, ông bà vẫn mạnh.
...

Ba ơi, mai con về thăm ngoại - D.Thanh Vân

Chiều Sài Gòn mưa. Văn phòng cửa kính trong suốt. Máy lạnh chạy êm ru và hơi lạnh tỏa đều. Lách tách tiếng gõ bàn phím. Những gương mặt cắm cúi chăm chỉ trước bàn phím. Tiếng máy in chạy giấy đều đều. Tiếng giấy tờ kêu sột soạt... Rồi bỗng tất cả im phắc mấy giây khi đột nhiên giữa không công sở chợt cất lên tiếng dế kêu rúc rích, tiếng ễnh ương, chẫu chàng ộp oạp... Một thoáng bất ngờ rồi vỡ ra tiếng cười xòa. Chỉ là tiếng chuông điện thoại của ai đó. Âm thanh đồng nội vang dội giữa không gian bàn giấy chỉ đủ cắt bầu không khí chuẩn mực thường ngày một chút. Rồi tất cả lại quay về với những sột soạt, lách cách quen thuộc.

Nhưng tiếng chuông ấy đủ kéo con vài phút ngẩng mặt ra bàn phím máy tính. Ngoài lớp cửa kính, mưa quất những hạt nghiêng ngả lên ngọn cây được cắt xén cẩn thận. Những hạt nước mưa li ti reo vui nhảy nhót hả hê ngoài khoảng trời rộng, bám lên khung cửa kính rồi cứ thể đuổi nhau trượt xuống như đang chơi trò trốn tìm. Con thấy trên má mình hình như có giọt mưa nào đi lạc, rơi nóng hổi ra từ khóe mắt. Chợt con nhận ra hình như lâu rồi con chưa điện thoại về nhà. Không biết lúc này ở dưới quê mình, trời có đang mưa hay không? Con sông sau nhà nước có dâng cao? Hàng cây mãng cầu gai trước nhà ngoại chắc trái trổ đầy cành lúc lỉu. Mùa mưa, giàn lá sâm sẽ nảy chồi xanh mướt. Mùa mưa, tiếng ễnh ương, cóc nhái, dế... sẽ vang dậy một khoảng vườn. Tuổi thơ, trên cánh võng của bà ngoại, bà nội, ngoài câu ca, điệu hát của bà, con còn được ru bằng dàn đồng ca thiên nhiên bất tận.

Để rồi giờ ngồi cách xa nhà hàng trăm cây số, con chợt thảng thốt khi nghe lại âm thanh thiên nhiên ấy, dù là một thứ âm thanh rất nhân tạo.

Giữa chiều mưa Sài Gòn, chắc có hàng triệu người con xa quê như con, cũng đang ngẩng mặt vài phút nhìn ra cửa sổ văn phòng, ký túc xá... tự hỏi, giờ này ở quê mình thế nào? Sài Gòn như chỗ trũng để cho nước chảy về. Dòng nước mạnh mẽ ấy cuốn theo đủ thứ trên đời, từ hoa đến rác. Đây là đất của những người trẻ, những con người hăng say, nhiệt huyết, háo hức tìm kiếm những cánh cửa cuộc đời, mở ra những chân trời mới... Những người trẻ khăn áo rời miền quê ra đi, để lại quê nhà những hình bóng của ông bà, cha mẹ như ông bà ba mẹ của con - những người sẵn sàng để đàn con của mình tự do tung cánh, bay cao, bay xa, bay mãi...

Nhiều khi, con thèm câu trách: "Sao lâu quá không gọi điện thoại về nhà?", nhưng chưa bao giờ con được nghe tiếng trách ấy. Bởi con hiểu sự mạnh mẽ ở ba mẹ. Con hiểu, ba muốn con thật tập trung cho công việc, cho sự nghiệp, cho toan tính cơm áo gạo tiền và xây dựng một đời sống thật độc lập. Con hiểu rằng ba mẹ luôn biết cách để duy trì cuộc sống không có chúng con kề bên. Mỗi lần con điện thoại về, giọng ba mẹ đều vui vẻ, ba còn cười to để con thấy ba khỏe, mẹ bình thường, ông bà vẫn mạnh. Nhưng ba đâu hay, phải có lần khi con điện thoại cho anh họ, con mới biết ba và mẹ vừa trải qua trận cảm nặng, phải tự lo cho nhau để khỏi. Vậy mà vài giờ trước đó, khi con điện thoại, ba vẫn hào hứng trao đổi mấy câu Anh văn học lóm để con yên tâm mọi việc ở nhà bình thường.

Chúng con như những cánh chim thiên di, bay khắp bốn phương trời chỉ có góc trời bé nhỏ quê nhà là không đậu được lâu. Thời gian con ở quê người nhiều hơn quê cha đất tổ. Những người ông người bà lần lượt về với đất, mà con chỉ kịp về tiễn đưa lần cuối. Con nhớ năm bà nội mất, dù bắt chuyến xe sớm nhất để quay về, con cũng chỉ còn kịp ngồi bên quan tài, cạnh ngọn đèn dầu nhỏ, lặng lẽ ngồi khóc giữa không khí chộn rộn của đám tang miền quê. Rồi con nhớ những năm cuối đời ông nội bệnh nặng, con cũng chỉ thi thoảng về thăm, nắm tay bàn tay già nua bất động của ông, rồi lại phải vội vã ra đi.

Con nhớ có lần, con đi công tác về Cần Thơ, khi đó ông nội đã nhập viện ở Long Xuyên. Ba gọi cho con bảo, cứ an tâm làm việc, mọi việc đã có ba lo, ông không sao, cũng như các lần trước rồi sẽ khỏe lại. "Có ba con cứ yên tâm". Rồi khi con vừa đi xe về lại Sài Gòn thì có tin nhà báo ông mất. Ông mất nhẹ nhàng trên tay ba và các cậu sau khi ba tắm cho ông sạch sẽ, đút cho ông chén cháo trắng cuối cuộc đời một con người. Trước khi mất, ông nội còn kịp nói đùa với ba vài câu. Sau này, con trách ba đã không để cho con đi từ Cần Thơ về Long Xuyên để gặp ông lần cuối. Ba chỉ lặng lẽ nói: "Ba chưa bao giờ ngờ ông nội đi nhanh như vậy. Ba vẫn tin là ông còn trụ thêm được một thời gian nữa".

Giờ mỗi khi nhắm mắt lại, con vẫn nhớ như in dáng ông nội khi còn khỏe mạnh, chống gậy thong dong đi từ xóm trên đến xóm dưới, ôm con gà trống độ của ông trên tay. Tuổi già của ông nội thật bình an vì có ba bên cạnh. Ba là cây gậy của ông. Con cũng nhớ những ngày cuối đời, bà nội bị căn bệnh gai cột sống hành hạ, ba bơ phờ chạy chữa thuốc men khắp nơi, ba còng lưng cõng bà nội di chuyển. Những lo toan cuộc sống hàng ngày, những vất vả, mệt nhọc, chăm ông bà già yếu ba đều gánh hết mà không muốn chia phần cho chị em con. Ba mẹ chỉ có mong mỏi duy nhất, chúng con tự tin bước ra cuộc đời lập nghiệp và thành tài, tự đương đầu với những áp lực cuộc sống mà ba mẹ ở xa quá, không thể nào vươn tới.

Hình như, lần gần nhất con điện thoại về cho ba, ba nói bà ngoại ổn, "có ba mẹ và các dì chăm rồi con cứ an tâm". Nhưng không ba ơi, con muốn về để giữ thêm thật nhiều hình ảnh của bà ngoại. Dù giờ bà già lẫn lộn tên con, chẳng còn nhận ra con là đứa cháu một tay bà ẵm bồng ngày nào. Con muốn về để lên núi thắp nén nhang trên mộ ông bà nội, để bần thần nhớ ngày nào con còn bé, bà nội quê mùa, không biết đọc biết viết, vẫn biết ru con bằng những câu Lục Vân Tiên. Để nhớ như mới hôm nào, con cùng ông nội thăm mộ bà, ông chỉ vào lỗ huyệt đào sẵn bên cạnh rồi nói "Nhà của tao sau này đó bây". Và giờ ông đã "định cư" ở đó bao năm.

Ba ơi, con đang viết thư xin nghỉ phép. Mai con về thăm ngoại. Con biết ba lo cho con đủ thứ, đi đường xa sẽ mệt, mất thời gian, ảnh hưởng công việc... Nhưng con phải về. Không có quê nhà, con cũng chẳng là ai giữa biển lớn cuộc đời.

D. Thanh Vân

 

Nguồn: http://vnexpress.net