Về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

26.02.2024
Tâm Anh
Mặc dù không còn giữ vị trí chủ lưu như trong giai đoạn 1945 - 1975 nhưng dòng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn là một trong những dòng chảy quan trọng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện nay.

Về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Dòng văn học này vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ người cầm bút, nhà nghiên cứu - phê bình và bạn đọc trên cả nước. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn bàn đến thực tế sáng tác và nghiên cứu về đề tài này dựa trên cứ liệu trong “Chương trình đầu tư sáng tác văn học đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng” của Bộ Quốc phòng.

“Chương trình đầu tư sáng tác văn học đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng” là một chương trình lớn, thể hiện sự quan tâm, sâu sát, động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội viết và nghiên cứu về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ của Bộ Quốc phòng. Chương trình đầu tư đã diễn ra được hơn 10 năm và hiện tại vẫn đang tiếp tục theo đề án thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Hằng năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội (được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ chủ trì chương trình đầu tư) sẽ tiến hành thẩm định các bản thảo đăng kí đầu tư được gửi đến, lựa chọn ra những bản thảo có chất lượng tốt nhất để tiến hành thương thảo, kí kết hợp đồng đầu tư với tác giả. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ giữ bản quyền tác phẩm trong một khoảng thời gian nhất định, các tác giả được đầu tư sẽ được một khoản kinh phí tương ứng với thể loại (tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, bút kí, thơ, nghiên cứu - phê bình) và một số sách khi xuất bản. Kể từ khi ra đời đến nay, bình quân một năm chương trình đầu tư cho 10 tác giả, tương ứng với 10 tác phẩm. Như vậy trong hơn chục năm qua, chương trình đã đầu tư cho hàng trăm lượt tác giả với hàng trăm tác phẩm, được dư luận đánh giá tốt, có hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy người cầm bút viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Quan sát chương trình đầu tư trên của Bộ Quốc phòng, chúng tôi có một số nhận xét sau:

Thứ nhất, đội ngũ tác giả tham gia đông đảo, trải đều về độ tuổi. Trong hơn 10 năm thực hiện chương trình đầu tư, hội đồng thẩm định đã tiếp nhận bản thảo của các tác giả nhiều thế hệ: thế hệ tác giả thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ; thế hệ tác giả tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam và thế hệ tác giả trẻ sinh ra trong thời bình. Ở đây có sự phân hóa tương đối rõ rệt giữa các tác giả thuộc thế hệ chiến tranh với các tác giả trẻ sinh ra trong thời bình. Nếu như tuyệt đại đa số các tác giả tham gia đầu tư thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và chiến tranh biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam đều đã trải qua cuộc đời quân ngũ, từng cầm súng bảo vệ quê hương thì ở các tác giả trẻ sinh ra trong thời bình, bên cạnh những cây bút trong quân đội như Nguyễn Minh Cường, Phạm Vân Anh, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Kim Nhung, Uông Triều, Đinh Phương, Đỗ Tiến Thụy, Lý Hữu Lương…. thì có những tác giả trẻ bên ngoài như Nguyễn Quang Hưng, Lữ Mai, Trác Diễm, Đỗ Thị Thu Huyền, Lê Quang Trạng, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Thị Hồng Chinh…Việc các tác giả trẻ, đặc biệt là các tác giả dân sự bên ngoài quân đội tham gia chương trình đầu tư sáng tác là một điều đáng quý, đáng mừng. Điều này thể hiện thế hệ nhà văn trẻ vẫn rất quan tâm đến đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, vẫn tiếp nối, duy trì dòng chảy văn học cách mạng trong nền văn học nước nhà.

Thứ hai, thể loại tác phẩm tham gia đầu tư có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm tác giả. Các tác giả thuộc thế hệ thời chiến, kinh qua chiến tranh chủ yếu viết tiểu thuyết và các thể kí (bút kí, hồi kí, truyện kí) với tỉ lệ trên 70%. Trong khi đó, các tác giả trẻ sinh ra trong thời bình chủ yếu sáng tác trường ca, thơ, kí (chiếm tỉ lệ trên 70%). Điều này không khó lí giải. Tiểu thuyết - thể loại “máy cái” của văn học - đòi hỏi người viết phải có vốn sống dày dặn, kinh nghiệm thực tế phong phú. Với lợi thế là người trong cuộc, các tác giả trưởng thành trong thời chiến có những ưu thế vượt trội so với các tác giả trẻ trong việc miêu tả chiến tranh, khắc họa suy nghĩ, tâm lí nhân vật. Thêm vào đó, do viết với tâm thế tri ân, tưởng nhớ đồng đội nên văn phong của nhiều tác giả thấm đẫm tình cảm, có nhiều trang, nhiều đoạn, nhiều chi tiết gây xúc động mạnh với người đọc. Các tác giả trẻ sinh ra trong thời bình lựa chọn trường ca, thơ là một sự lựa chọn hợp lí. Thơ, trường ca thiên về cảm xúc, là những thể loại giúp các tác giả trẻ bộc lộ tình cảm, thái độ đối với những người lính Cụ Hồ và những tháng năm đất nước “gian lao mà anh dũng”.

Thứ ba, nội dung, nghệ thuật tác phẩm của các thế hệ tác giả tham gia chương trình đầu tư cũng có sự khác biệt, phân hóa tương đối rõ. Các tác phẩm của thế hệ tác giả trải qua chiến tranh đều mang âm hưởng quá khứ, viết về những gì mình đã trải qua trong chiến tranh với bút pháp thiên về “cổ điển” (Mê Kông nổi sóng - Ngô Minh Bắc, Hoa sóng - Nguyễn Duy Liễm, Chuyện tình lính trận - Lương Liễm, Nậm Ngặt mây trắng - Nguyễn Hùng Sơn…) Trong khi đó, các tác phẩm của các cây bút trẻ chưa qua chiến tranh lại trải đều ở cả hai mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay. Tác phẩm của một số tác giả như Sa mộc - Phạm Vân Anh, Tôi đi Trường Sa - Đinh Phương… phản ánh một cách chân thực cuộc sống, quá trình rèn luyện của những người lính đang công tác nơi đầu sóng ngọn gió hay biên cương xa xôi. Bên cạnh đó một số tác phẩm như Lòng tôi biên giới của Nguyễn Minh Cường, Sóng trầm biển dựng của Đoàn Văn Mật… lại quay về với những trận chiến oai hùng trong quá khứ của dân tộc. Bút pháp trong sáng tác của các cây bút trẻ khá hiện đại, mang đậm dấu ấn của ngày hôm nay.

Thứ tư, các tác phẩm tham dự chương trình đầu tư của Bộ Quốc phòng tập trung khắc họa hình ảnh người lính trong chiến đấu và trong lao động, huấn luyện hôm nay. Các tác phẩm nghiên cứu - phê bình đã chỉ ra được những điểm mới, có giá trị trong dòng văn học chiến tranh cách mạng và người lính. Có thể khẳng định những tác phẩm được đầu tư đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với các chiến sĩ trong toàn quân nói riêng, xã hội nói chung, được ghi nhận, khẳng định qua những giải thưởng văn học trong và ngoài quân đội. Nhiều tác phẩm tham gia chương trình đầu tư đã đoạt giải cao của Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Sách hay Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam… Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự quan tâm của Bộ Quốc phòng đối với công tác văn hóa nghệ thuật trong toàn quân.

Tuy nhiên bên cạnh những thành công ấy, chương trình đầu tư của Bộ Quốc phòng vẫn gặp một số khó khăn. Khó khăn đầu tiên và cũng là lớn nhất là sự sụt giảm của đội ngũ tác giả. Trong một hai năm trở lại đây, các tác giả cầm bút thời kháng chiến chống Pháp đã dần “khuất bóng”, các tác giả thời chống Mĩ, chiến tranh biên giới cũng đã dần bước vào những năm cuối của cuộc đời, sức khỏe mệt mỏi, nhiều bệnh tật (có tác giả đang trong chương trình đầu tư thì lâm bệnh nặng) nên ngày càng ít tham gia. Các tác giả trẻ bận bịu những công việc cơ quan, gia đình, học tập nên cũng hạn chế tham gia. Mặt khác, mặc dù đời sống đã có nhiều thay đổi, vật giá đã “leo thang” nhiều nhưng kinh phí đầu tư cho các tác giả theo thể loại vẫn không thay đổi, trong khi đó yêu cầu về chất lượng bản thảo vẫn giữ nguyên, thậm chí không muốn nói là ngày càng cao. Thứ nữa, tác phẩm được chương trình nghiệm thu không bán ra ngoài thị trường mà phân phối đến các đơn vị trong toàn quân, do đó không hướng đến những đối tượng bạn đọc rộng rãi. Trong thời gian thực hiện hợp đồng đầu tư, tác giả không thể tái bản sách ở các nhà xuất bản khác ngoài quân đội, mà nhà văn, như chúng ta đều biết, ai cũng mong muốn đứa con tinh thần của mình đến với càng nhiều bạn đọc càng tốt, càng sớm càng tốt. Ngoài những lí do trên, việc đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng không còn độ “hot” trên văn đàn cũng là một lí do khiến một số tác giả không mấy mặn mà với đề tài này.

Thiết nghĩ những khó khăn mà chương trình đầu tư của Bộ Quốc phòng đang đối mặt cũng là những khó khăn chung mà dòng văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng gặp phải. Để động viên, khuyến khích các tác giả, nhất là các tác giả trẻ viết về đề tài này, tham gia nhiều chương trình đầu tư về đề tài này do Bộ Quốc phòng hay các cơ quan đoàn thể khác chủ trì, theo chúng tôi cần có một số giải pháp mang tính chất đồng bộ, căn cơ, lâu dài.

- Về kinh phí đầu tư: Kinh phí đầu tư cho các tác giả phải có sự điều chỉnh hàng năm hoặc theo một khoảng thời gian xác định để tránh tình trạng “trượt giá”.

- Về thủ tục đầu tư: Các cơ quan chủ trì nên cải tiến thủ tục đầu tư theo hướng nhanh gọn, giảm bớt thủ tục hành chính để công việc được tiến hành thuận lợi.

- Về việc xuất bản: Các cơ quan chủ trì nên hỗ trợ tác giả trong công tác xuất bản. Những bản thảo có chất lượng tốt cần được in với số lượng lớn, phát hành nhanh, rộng khắp trên toàn quốc theo hình thức phi lợi nhuận. Các cơ quan chủ trì đầu tư không nên giữ bản quyền trong một khoảng thời gian nhất định.

-Về quảng bá tác phẩm: Các cơ quan chủ trì cần phối hợp với các đơn vị truyền thông, tác giả, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học để quảng bá tác phẩm đến đông đảo công chúng. Mặt khác, theo xu hướng hiện đại, các tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng cũng cần tiến đến việc hình thành một “hệ sinh thái tác phẩm” khép kín - điều mà các tác phẩm văn học thị trường đang làm - đặc biệt với thể loại tiểu thuyết gồm: tiểu thuyết (gốc) –> chuyển thể truyện tranh –> chuyển thể kịch bản và dựng phim điện ảnh - truyền hình - sân khấu –> chuyển thể thành các trò chơi (games). Điều này về lí thuyết là hoàn toàn khả thi vì đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng ít nhiều cũng có yếu tố “chiến trận” - điểm rất hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều người khi chuyển thể sang điện ảnh hay trò chơi. Hiện nay ở nước ta đã có những nhóm công ti (hoặc chỉ một nhóm bạn trẻ) sản xuất trò chơi, hoạt hình tốt, đã dựng thành công nhiều bộ phim hoạt hình lịch sử thu hút sự chú ý của người xem như Đuốc đồi mồi, Hạc thần Studio với các phim Tử chiến thành Đa Bang, Loa thành rực lửa… Do đó việc chuyển thể các tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thành phim hoạt hình và trò chơi là hoàn toàn khả thi. Nếu làm được những việc trên thì việc quảng bá những tác phẩm viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sẽ có bước chuyển biến về chất, thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, tạo nên những hiệu ứng xã hội tích cực, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục tốt.

(VNQĐ)