Xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật

08.12.2023
Đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật hiện nay đang ngày càng thưa thớt, thiếu vắng những cây bút chuyên nghiệp, tâm huyết. Từ đây, đặt ra những yêu cầu mới đối với vấn đề xây dựng lực lượng này để đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật

Hàng năm, Hội Nhà văn Việt Nam đều xét kết nạp hội viên cũng như xét tác phẩm trao giải thưởng, tuy nhiên số lượng các tác giả, tác phẩm mảng lý luận, phê bình chiếm một số lượng rất khiêm tốn so với chuyên ngành thơ, văn xuôi. Như năm 2021, trong số 34 hội viên mới được kết nạp chỉ có 3 hội viên lý luận, phê bình. Đến năm 2022, hội viên lý luận, phê bình chỉ chiếm 2/44 hội viên mới được kết nạp.

Tình hình cũng không mấy khả quan ở các lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu,... Nhìn ở các địa phương, ngoại trừ hai trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do có những điều kiện thuận lợi giúp quy tụ được nhiều tác giả cả ở mảng sáng tác cũng như lý luận, phê bình, còn hầu hết các tỉnh, thành phố hiện nay đội ngũ những người làm lý luận, phê bình chuyên nghiệp gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, sức hút của chuyên ngành lý luận, phê bình đối với người trẻ là vô cùng hạn chế.

Tại Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội, nhiều năm qua chuyên ngành lý luận, phê bình về múa, sân khấu, nhiếp ảnh của trường đã không có nổi một bộ hồ sơ dự tuyển. Khoa Lý luận, phê bình của Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh TP Hồ Chí Minh cũng đã bỏ trắng nhiều năm vì không có sinh viên.

Còn Trường đại học Văn hóa Hà Nội, việc đào tạo sinh viên chuyên ngành sáng tác và chuyên ngành lý luận, phê bình từng có thời gian được gộp chung trong Khoa Sáng tác và lý luận, phê bình văn học, tuy nhiên sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường, họa hoằn chỉ có vài người theo đuổi lĩnh vực lý luận phê bình. Điều này giúp lý giải cho sự xuất hiện khá ít ỏi của các tác giả hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đây là một hiện trạng vô cùng đáng buồn. Bởi lẽ nền văn học nghệ thuật của mỗi quốc gia, bên cạnh lĩnh vực sáng tác không thể thiếu được hoạt động lý luận, phê bình. Vì hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật là việc nghiên cứu, đưa ra các quan điểm, đánh giá về quá trình hình thành, phát triển của vănv học nghệ thuật, các trào lưu trường phái, các hiện tượng mới nảy sinh, phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; đồng thời thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả; từ đó tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động của văn học nghệ thuật.

Ở khía cạnh nhất định, lý luận, phê bình góp phần khích lệ, kích thích sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ để có những tác phẩm chất lượng đáp ứng đòi hỏi của xã hội, mặt khác góp phần nâng cao thị hiếu, thẩm mỹ văn hóa cho công chúng. Do đó tình trạng “nghiệp dư hóa”, vừa thiếu vừa yếu của đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự vận động, phát triển lành mạnh của đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

Liên quan đến hoạt động lý luận, phê bình, tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” ghi nhận: “Phê bình văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”.

Tuy nhiên Nghị quyết 23 cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế đó là: “Hoạt động lý luận văn học nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...”.

Từ đó Nghị quyết 23 xác định mục tiêu thời gian tới, một trong số đó là: “Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc”.

Mới đây, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (Chương trình). Đáng chú ý trong phần nhiệm vụ và giải pháp, tại Điều 5 đề cập đến việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, trong đó chỉ rõ: “Đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật”.

Nhiệm vụ đã đặt ra, vấn đề là làm thế nào để khắc phục sự thiếu hụt về lực lượng đồng thời từng bước nâng tầm đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời đại?

Trước hết cần phải củng cố lực lượng hiện tại, giữ chân những người đã và đang làm công tác lý luận, phê bình bằng quan tâm, tạo điều kiện cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp. Thực tế muốn có một sản phẩm lý luận, phê bình chất lượng người viết cần rất nhiều thời gian và sức lực để nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, luận giải... Nhưng sản phẩm dù đã hoàn thành song không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nơi công bố. Các báo chí chuyên ngành dù luôn dành số trang nhất định cho mảng lý luận, phê bình song khó lòng đáp ứng hết nhu cầu của người viết, chưa kể số lượng phát hành có hạn, nhuận bút chưa tương xứng, không đủ sức động viên cũng như tái tạo sức lao động cho người làm công tác lý luận, phê bình.

Chưa kể, phần nhiều các tờ báo thường không mặn mà và cũng không thu xếp được trang mục dành cho các bài nghiên cứu chuyên sâu. Bởi vậy người viết vốn đã nhọc nhằn trong quá trình sáng tạo, lại phải vất vả tìm đầu ra cho đứa con tinh thần của mình. Để khắc phục tình trạng trên đây đòi hỏi ngành chức năng, Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp cũng như các cơ quan báo chí về văn học nghệ thuật cần mở rộng diễn đàn dành cho lĩnh vực lý luận, phê bình, tận dụng tối đa lợi thế của báo điện tử và nền tảng mạng xã hội, đa dạng các hình thức đưa tác phẩm lý luận, phê bình đến với công chúng.

Đồng thời cần thực hiện chế độ nhuận bút phù hợp đối với các sản phẩm lý luận, phê bình; cũng như xem xét cơ chế đặt hàng, hỗ trợ, đãi ngộ đối với người làm công tác lý luận, phê bình, tạo điều kiện xuất bản các cuốn sách phê bình, tiểu luận chuyên sâu.

Thứ hai không ngừng phát hiện, bổ sung lực lượng, nhất là người trẻ. Như bất cứ một lĩnh vực, ngành nghề nào, đội ngũ làm lý luận, phê bình cũng rất cần một sự phát triển vững chắc trên cơ sở có sự tham gia của nhiều thế hệ, tạo sự liền mạch, không bị thiếu hụt nửa chừng. Vậy lực lượng những người làm lý luận, phê bình, nhất là những người trẻ, có thể bổ sung từ đâu? Chúng ta có các trường đại học chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, có lực lượng đông đảo các nhà báo theo dõi mảng văn học nghệ thuật, các nghệ sĩ có khả năng viết lý luận, phê bình…

Nếu kịp thời phát hiện những người có tố chất, từ đó ngành chức năng, Viện nghiên cứu, Hội nghề nghiệp có những biện pháp động viên, khuyến khích, định hướng nghề nghiệp,... thì chắc chắn đây sẽ là nguồn bổ sung quý giá cho đội ngũ người làm lý luận, phê bình trong tương lai.

Thứ ba cùng với việc xây dựng, củng cố lực lượng, thì việc cần làm thường xuyên, liên tục đó là chú trọng công tác bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ, cập nhật thời sự cũng như kiến thức mới,... đối với đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình, bảo đảm “sắc về chuyên môn, vững về bản lĩnh, tư tưởng, nhạy bén với thực tiễn”.

Do đặc thù của nghề nghiệp, người làm lý luận, phê bình đòi hỏi phải có tư duy khoa học và nghệ thuật, vừa nhạy bén vừa phải có bản lĩnh vững vàng để kịp thời nắm bắt, đánh giá, luận giải được những vấn đề, hiện tượng mới nảy sinh trong đời sống văn học nghệ thuật, từ đó góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Không chỉ am hiểu các vấn đề trong nước, người làm lý luận, phê bình cũng cần được thường xuyên cập nhật những kiến thức, xu hướng sáng tác mới trên thế giới, sự tác động của các trào lưu nước ngoài đến Việt Nam,...

Chỉ có như vậy những công trình, bài viết của họ mới thực sự có giá trị chuyên môn và thực tiễn, phát huy hết vai trò của lý luận, phê bình trong đời sống. Do đó cùng với yêu cầu đặt ra cho mỗi người làm nghề cần chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao sự hiểu biết, thì việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trong đó chú trọng việc tư vấn, định hướng hoạt động tiếp nhận lý luận, văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam với sự tham gia của những chuyên gia đầu ngành sẽ giúp rút ngắn thời gian cho người làm lý luận, phê bình, giúp họ nhập cuộc và thực hành nghề nghiệp thuận tiện và nhanh chóng hơn, tránh tình trạng tụt hậu, xa rời thực tiễn, lạc hậu, lúng túng trước những sự kiện, hiện tượng nổi cộm mới xuất hiện để rồi đưa ra những đánh giá phân tích phiến diện, lệch lạc, làm mất niềm tin của công chúng.

Đồng thời lựa chọn những văn nghệ sĩ, nghệ nhân, trí thức trẻ có năng lực, khả năng sáng tạo để đào tạo dài hạn, tham dự các khóa bồi dưỡng nâng cao ngắn hạn ở trong nước và nước ngoài như Quyết định số 515/QĐ-TTg đã chỉ ra.

Thứ tư, tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực lý luận, phê bình như: tọa đàm, hội thảo nhìn nhận, đánh giá về các trào lưu, xu hướng mới xuất hiện ở Việt Nam và trên thế giới, thảo luận về những tác phẩm đang được dư luận quan tâm.

Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Tổ chức và đẩy mạnh công tác quảng bá các giải thưởng dành riêng cho lĩnh vực lý luận, phê bình như một cách tôn vinh, biểu dương, ghi nhận những đóng góp, cống hiến thầm lặng của những người làm nghề chân chính. Giải thưởng cần có tính phát hiện, động viên, khích lệ những nhân tố mới.

Làm tốt những yêu cầu trên chắc chắn chúng ta sẽ từng bước xây dựng được đội ngũ người làm lý luận, phê bình vừa đông về số lượng, vừa chắc về trình độ.

(nhandan.vn)