“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng Liên

19.04.2018

“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng Liên

Tôi biết anh Trương Công Mùi trong những ngày anh công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Anh là một người hiền hậu, gương mặt như ẩn chứa bên trong nỗi niềm sâu kín nhân sinh. Nỗi niềm sâu kín đó, anh thường gửi gắm trong thơ và thỉnh thoảng cộng tác cho tạp chí Non Nước. Có đôi lần cùng uống cà phê, mới biết thêm quê anh ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; cuộc sống nhiều thác ghềnh, tuổi thơ gian khó ở quê nhà, có giai đoạn đi bộ đội ở chiến trường Campuchia ác liệt, rồi cuộc sống đưa đẩy anh cùng gia đình về sống vùng ngoại ô thành phố, bây giờ thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Cuộc sống từng trải, nếm nhiều đắng cay, tiễn bao nhiêu đồng đội hy sinh giữa chiến trường đã cho anh cảm nhận thật rõ khổ đau và hạnh phúc, sự sống và cái chết của đời người. Những suy tư, chiêm nghiệm đó đưa anh đến với thơ, thơ giãi bày dùm anh, nói hộ dùm anh những ý nghĩ sâu xa trong đáy lòng mình.

Năm 2016, anh xuất bản tập thơ đầu tay “Bờ lau bạc tóc”. Trong tập thơ này anh dành nhiều bài tâm đắc viết về sự hy sinh của đồng đội ở chiến trường, về thế sự của cuộc sống hôm nay. Tập thơ đầu tay tuy xuất hiện muộn màng, nhưng chứa đầy tâm tình thanh xuân.

Thân phận anh còn có một nỗi đau khác: anh mang trong mình một căn bệnh lạ. Đầu năm 2017 bạo bệnh bùng phát.Anh chạy chữa từ bệnh viện Đà Nẵng đến thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã mổ, đã xạ trị. Nhiều lần thần chết dường như đã cầm tay anh lôi đi và anh kiên cường chống chọi lại. Có lẽ nhờ trái tim của người vợ hiền, nhờ tình thương của các con, nhờ những câu thơ hộ mệnh đã cứu anh. Tuy nhiên, anh không còn lành lặn như xưa: con virut quái ác nào đó đã làm anh liệt nửa người, không đi lại được; những “viên hạch” vẫn chạy trong người anh, rồi tập trung ở vùng cổ, định kỳ phải mổ lấy hạch ra. Một điều may mắn, anh chỉ bị liệt tay và chân nhưng bộ nhớ vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng và trái tim vẫn còn nóng bỏng tình yêu qua từng câu thơ.

Thời gian sống với bệnh tật, nàng thơ thường trực ở bên anh chia sẻ. Nhưng khi ý thơ đến làm sao viết ra thành chữ khi bàn tay phải của anh đã bị liệt? Lại có điều may, bàn tay phải của anh chỉ liệt 4 ngón, còn ngón cái vẫn cử động được. Chỉ 1 ngón cái ấn vào bàn phím điện thoại những dòng thơ tươi mới lại hiện lên...

Tôi viết đôi dòng như trên, nhằm giúp bạn đọc biết thêm đôi điều về tác giả và qua đó giới thiệu tập thơ mới của anh VẠT NẮNG CUỐI CHIỀU.

“Vạt nắng cuối chiều” không chỉ là tên một bài thơ trong tập thơ, mà ở đây tác giả muốn gửi gắm một ý khác: cuộc đời anh đã ngã về cuối chiều, chỉ còn một vạt nắng trước hoàng hôn, trước khi chìm vào đêm. Biết sinh tử là quy luật, nhưng khi nghĩ về, cảm nhận buổi hoàng hôn đời người thì ai không ngậm ngùi, luyến nhớ.

Thời trẻ dẫu đi bốn phương trời, khi xế chiều thường hướng về quê - “lá rụng về cội”. Quê không chỉ là nơi sinh ra mà còn là cõi sinh thành. Nghĩ về quê, Trương Công Mùi trước hết anh nghĩ về dòng sông - dòng sông Vu Gia:

“Một dòng sông đi vào huyền sử

Dòng sông đầy ắp tuổi thơ tôi”

                                (Vu Gia, dòng sông trong tôi)

Dòng sông “đầy ắp” tuổi thơ của anh và đã kể anh nghe bao câu chuyện buồn vui.Dòng sông Vu Gia rất thực mà câu chuyện của dòng sông trở thành “huyền sử” thơ mộng nuôi sống tâm hồn anh, ươm tình yêu trong anh.

Trên bờ con sông ấy là những biền cỏ ngát xanh, và in đậm trong anh là những Bông cỏ may: “Có những đêm giật mình tỉnh giấc/ Tôi mộng màng thầm gọi Cỏ may ơi”. Cỏ may không chỉ là bông cỏ nhỏ nhoi nơi quê nhà mà qua thơ, cỏ may trở thành hành ảnh của nỗi nhớ, réo gọi từ nguồn cội quê hương.

Quê nhà còn là nơi sinh thành giấc mơ, sinh thành tình yêu trong những năm tháng đầu đời. Bài thơ “Đại Lãnh còn hạ trắng không em” có hình ảnh đẹp:

“Đại Lãnh chừ có còn hạ trắng không em

Trong giấc mơ tiên tôi gặp người thiếu nữ

Tà áo em bay bàn tay lớ ngớ

Chạm đôi vai gầy người con gái thầm yêu”.

Tình yêu thuở xa xưa ấy, chỉ vô tình “chạm đôi vai gầy” thôi, đủ cho ta nhớ, ta thương không nguôi. Tình yêu ấy sáng trong, tinh khiết như mùi hương: “Chúng mình sóng đôi thả bước dưới cơn mưa/ Em lặng lẽ vân vê từng hạt nắng”(Dư hương ngày ấy). Chỉ có tình yêu mới giúp ta cảm nhận được những “hạt nắng” trong những cơn mưa từ trời cao tươi mát ríu rít quanh đôi tình nhân.

Tập thơ “Vạt nắng cuối chiều”, Trương Công Mùi còn dành nhiều tình cảm và nỗi nhớ về đồng đội của anh trong những ngày chiến đấu ở chiến trường Campuchia ác liệt: “Bát ngát trời mây lặng nhìn mộ chí/ Thương hoài thương quá đồng đội ơi!” (Thương quá đồng đội ơi). Người bình thường đứng trước nghĩa trang còn xót xa, huống chi anh phải đứng trước hàng hàng mộ chí của chính đồng đội mình, của bạn mình từng sống bên nhau.

Càng thương, càng nhớ đồng đội đã hy sinh bao nhiêu, anh càng căm phẫn những thằng bạn còn sống đến hôm nay, nhưng đã bán lương tâm cho đồng tiền. Có những thằng bạn đã quay lưng lại với đồng đội, quay lưng lại với nhân dân, chỉ lo ăn tàn phá hại đất nước. Thật là đau đớn khi “còn đó những thằng bạn”:

“Những thằng bạn lừ lừ ngồi đó

Chớp thời cơ đục nước hôi mùa

Nói rồng leo làm như mèo mửa

Người ngợm người quen nết sum sua”.

Đứng trước thực tế phũ phàng như thế, có lúc anh dường như thấy trắng đen lẫn lộn, sai đúng khó lường: “Cứ tưởng rằng mình tỉnh hóa ra say/ Biết bao người say té ra họ tỉnh” (Tỉnh say). Đôi lúc tỉnh tỉnh say say, nhưng đâu đó trong cõi lòng anh vẫn tin một ngày nào đó trong lẽ “vô thường” điều thiện, điều tốt vẫn trường tồn vĩnh cửu, điều ác sẽ biến tan: “Đừng bao giờ ngái nghĩ/ Có tiền là mua tiên” (Vô thường).

Nhiều bài thơ trong tập thơ này, Trương Công Mùi viết trong leo lắc ánh nắng sót lại cuối chiều. Nghĩa là anh viết trong tuyệt vọng vì bệnh nan y. Bạn đọc hãy đặt mình vào tâm trạng đó để hiểu hết những câu thơ “Phía sau những giọt dịch truyền”:

“Ngước nhìn từng giọt lơi rơi

giọt đan tím tái giọt hời hợt sương

giọt gieo bao nỗi dặm trường

giọt nghe réo rắt vấn vương tơ lòng”

Bình dịch treo trên giá, nhỏ đều đặn từng giọt truyền vào cơ thể anh ngày này qua ngày khác. Từng giọt từng giọt dịch truyền đều đặn đã gọi trong ký ức của anh bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao khổ đau, bao hạnh phúc đời người. Trong tận cùng yêu thương cuộc sống, có lúc anh đã nhìn thấy:

“ráng chiều

lẻ bóng

nâng hồn bước

thấp thoáng

chiều buông

nhẹ bước thầm”.

“Ráng chiều” hay “cuối chiều” trong thơ Trương Công Mùi là một cách nói, là một lời giãi bày khi căn bệnh toan quật ngã anh khi vừa đến tuổi sáu mươi. Tôi rất xúc động khi viết những dòng giới thiệu này, mong bạn đọc thơ anh hãy chia sẻ cùng anh những tâm tình trong các bài thơ, biết đâu trong cõi vi diệu của tình yêu thương, một ngày nào đó, bàn chân anh có thể đi lại được, bàn tay anh có thể cầm bút được và sẽ nói cười cùng chúng ta.

H.L

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà