Phải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng

19.04.2018

Phải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng

Cách đây chưa lâu, tình cờ người viết đi ngang một quán cà phê mới khai trương trên một con đường cũng không lớn lắm ở Đà Nẵng, bảng chữ tên quán rất bắt mắt và nổi bật nhưng có điều lạ là nó hoàn toàn bằng tiếng Anh, không có một dòng chữ Việt nào cả, nguyên văn Gunners - Coffee football”, tạm dịch là “Cà phê bóng đá mang tên “Pháo thủ”, cũng là biệt danh của đội bóng Asenal của nước Anh. Đây là một quán cà phê bóng đá tọa lạc tại một con phố nhỏ và chắc chắn là không có khách nước ngoài nào đến đây để uống cà phê và xem bóng đá cả.

Từ câu chuyện trên, nghĩ đến mấy con đường mà người viết đi qua mỗi ngày ở Đà Nẵng, nhất là những con đường lớn có đông người qua lại, chẳng hạn con đường Bạch Đằng, tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa... Không khó nhận thấy đa số các khách sạn, nhà hàng, quán giải khát dọc những tuyến đường này đề biển bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn. Đành rằng, khi mở cửa hội nhập rồi, biển hiệu các điểm kinh doanh dịch vụ, trong đó có khách sạn nên đề kèm tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh để người nước ngoài biết đến. Cụ thể là Điều 18 của Luật Quảng cáo đã quy định khá chi tiết về vấn đề này, trong đó có quy định cỡ chữ tiếng nước ngoài phải nhỏ hơn tiếng Việt, nhưng sử dụng tiếng nước ngoài 100% như vậy thì quả là không nên chút nào.

Dư luận trong thời gian qua rất bất bình về tình trạng một số nơi ở nước ta, có những đoạn phố, con đường toàn đề biển tên cửa hiệu, nhà hàng, khách sạn bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, và cả tiếng Hàn, tiếng Nga, trong khi tiếng Việt thì không thấy hoặc nếu có thì cỡ chữ rất “khiêm tốn”, tạo ra những khu “phố Tây”, “phố Tàu”… trong lòng Việt Nam. Có người đã nói là “Đi giữa "phố ta" mà cứ ngỡ như lạc vào một khu phố hổ lốn Âu - Á nào đó”, nhận xét đó quả là không sai. Chưa hết, ở các thành phố lớn, chữ nước ngoài nhan nhản khắp nơi. Bước chân ra đường là nhìn thấy nào là cofffe, karaoke, massage, shop... Thậm chí đến cả trường mẫu giáo, tiểu học họ cũng đặt tên, kẻ biển bằng tiếng nước ngoài... Các cháu học bậc mầm non dù có muốn đọc để giới thiệu tên trường, e rằng cũng không dễ. Không hiểu, tiếng Việt hết từ hay sao mà nhiều người bí từ đến thế!?

Có những nơi, bảng giới thiệu tìm mãi không ra một từ tiếng Việt, mặc dù quán hàng đó chỉ có người Việt ra vào. Trong "rừng chữ nghĩa" mặt tiền ấy, có không ít các bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài, loại chữ "toàn Tây" có, loại "nửa Tây nửa ta" và cả những loại "chữ Tây" nhưng cả người nước ngoài và người Việt đều không hiểu nghĩa là gì! Chỉ nguyên chữ cà phê, mỗi quán cũng tự sáng tạo những tấm bảng hiệu quảng cáo rất to khác nhau, đề "chữ Tây" không ra Tây, ta không ra ta, đọc lên chẳng hiểu là gì. Chỗ thì café, nơi thì coffee, cũng có nơi là cà pê. Buồn cười là có những nơi, chỉ phục vụ người Việt mà cũng cố thêm vào những dòng chữ tiếng Anh to đùng, lấn hết cả dòng chữ quảng cáo bằng tiếng Việt. Thế nên mới có những chữ tiếng Anh ngô nghê của các công ty "sính" ngoại ghi đường dây nóng "Hotline" thì viết là "Holine", thức ăn nhanh "Fast food" thì viết thành "Fast foot", v.v... khiến không ít người phát ngượng thay cho chủ nhân quảng cáo.

Có những cơ quan, hội trường…, từ lúc xây xong đến khi sử dụng chưa một người nước ngoài nào bước vào, vậy mà  cũng đề chữ "No smoking" (cấm hút thuốc), Caution wet floor (lưu ý trơn trượt)... Gần đây là nở rộ quảng cáo trên truyền hình về giới thiệu các khu đô thị mới, khu nghỉ dưỡng hầu như chỉ có tiếng Anh, mà đâu phải ngắn có câu rất dài, đọc líu cả lưỡi. Trong khi các báo, đài truyền hình trong nước lại đưa tin về “quảng trường Thời Đại” ở New York, thì lại đưa tin ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay đâu đó ở nước ta có khu đô thị Times City, Royal City, Ecopark, GS MetroCity,  Premier Village Resort v.v... và v.v...

Trong khi tiếng Việt của chúng ta hoàn toàn có thể có từ rất hay, rất nên thơ và dễ nhớ để diễn đạt mong muốn của những chủ đầu tư xây dựng đô thị, nhưng chẳng hiểu sao lại không được người ta quan tâm và sử dụng. Thiết nghĩ, có tốn kém, khó khăn gì đâu khi có thể vừa ghi tiếng Anh vừa ghi tiếng Việt. Vậy mà người ta vẫn thích dùng tiếng Anh cho có vẻ “sành điệu”!?

Không hiểu sao người Việt lại "sính" dùng tiếng nước ngoài như vậy? Từ những câu giao tiếp thông thường cũng bị ngoại ngữ hóa, hễ mở miệng nói là pha tiếng Tây loạn cả lên. Nhưng lúc cần phải nói bằng tiếng nước ngoài để "ra" tiền thì không nói được. Nhìn ra nước ngoài, những nước lân cận mà người viết từng đến, thì thấy rằng, họ đều dùng tiếng mẹ đẻ để ghi trên biển quảng cáo ở các phố. Khách không hiểu phải tự tìm ý nghĩa. Các thành phố ở Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc... bảng hiệu quảng cáo hay nhãn hiệu hàng hóa…, bao giờ tiếng mẹ đẻ cũng ở vị trí trang trọng nhất, được viết đậm nhất, chữ nước ngoài chỉ là thêm, bị đặt ở vị trí thứ yếu. Ai không đọc được phải tự tìm hiểu. Đó là lòng tự tôn dân tộc về ngôn ngữ. Đó là văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Và đó cũng là những nước phát triển hơn ta!

Yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình, trong khi tiếng Việt không thiếu những từ hay, gợi, dễ viết, đặt tên, sao người làm biển, bảng quảng cáo hay tên thương hiệu không sử dụng mà dùng tiếng nước ngoài tràn lan, tùy tiện?! Người viết không phản đối việc học ngoại ngữ, nhưng học ngoại ngữ khác với việc lạm dụng ngoại ngữ một cách tùy tiện như vậy, điều đó chỉ thể hiện ý thức dân tộc kém, tự hạ thấp bản thân và cả vi phạm pháp luật.... Không thể chấp nhận việc người Việt Nam lại tự làm tiếng mẹ đẻ của mình "lép vế" như vậy được.

D.D.H

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà