Thơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương Việt

19.04.2018

Thơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương Việt

Tôi say mê phụ nữ, say mê phái đẹp. Mà phụ nữ, người đẹp có tài năng, trong đó có tài làm thơ hay lại càng cuốn hút, quyến rũ, không chỉ giới văn chương mày râu, mà tất cả đàn ông khi đọc, nghe thơ hay phái nữ đều có cảm giác run rẩy, xúc động, lắng lòng. Có lẽ vì thế, từ cổ chí kim người ta mặc nhiên gọi thơ là "nàng thơ", chứ có "chàng thơ" đâu. Nàng, không ai khác là những bóng hồng yêu kiều, thục nữ ở thế gian này đi vào cõi thơ.

Đầu xuân 2018 này có buổi tao ngộ, liền sau buổi ra mắt giới thiệu tuyển thơ "Như tiếng biển đêm" của các tác giả nữ Đà Nẵng. Hai việc làm, trong một mà hai, trong hai mà một. Càng có ý nghĩa hơn, như nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn có nói: Đây là cuộc sinh hoạt văn học nghệ thuật bình thường, không giới hạn thơ nữ trong thi tuyển, mà còn mở rộng biên độ liên quan đến những vấn đề về cảm hứng sáng tạo thơ ca nữ, chất lượng nghệ thuật, môi trường xã hội, tiềm năng phát triển và sự lan tỏa, phổ cập thơ nói chung và thơ nữ trong phạm vi Đà Nẵng, cũng như cả nước. Tất nhiên là còn nhiều nội dung căn cốt khác như: thi pháp, ký hiệu học thơ ca, thơ cổ điển, tự do, cách tân, siêu thực, hậu hiện đại v.v... những vấn đề về học thuật to tát đó không thể nói vào dịp này. Nhưng kỳ thực, theo tôi, đây chỉ là buổi sinh hoạt thời sự cập nhật trong đời sống văn học nghệ thuật cần có, lại là đời sống văn chương nữ giới, ở mảng thi ca. Như thế, khá thú vị và cần thiết, để chúng ta có dịp "bất kiến kỳ hình" tiếp cận, hiểu thêm vị thế, tiếng nói của một đối tượng vốn được gọi là phái yếu - nhưng lại được trời đất ban cho họ trái tim, tâm hồn nhân hậu, nhạy cảm, cuốn hút - lại dễ thương, cháy bỏng, bạo liệt, khao khát khi làm thơ. Họ cũng dằn vặt, trăn trở, đau đáu, nỗi niềm trước bao điều.

Chiều nay gặp một người điên

Cúi hôn rêu mượt

Vô biên... rùng mình

                                (Gặp - Hoàng Thị Thương)

Tôi về

Chỉ mùa thu ở lại

Lá vàng rơi

Lá vàng rơi trên những ngõ đời

Dâu bể đi qua

 

Trái tim thôi gởi lại

Mỗi phận người phần đất quyện

Quê ơi...

                                (Ký ức vọng - Vô Biên)

 

Ngày mai lại quăng mình vào hộp

Cưỡng bức mình một vị trí buổi chiều

                (Một vị trí buổi chiều - Đinh Thị Như Thúy)

 

Thôi ta về đi anh

Phía bên kia bức tường

Anh có nhìn thấy được

Những bước chân quay ngược phía bên này

                               (Giới hạn - Phan Hoàng Phương)

 

Những câu thơ của ông

Tựa hồ như những nhánh sông con

Dò dẫm ngàn năm không tới bến.

                (Nhớ Phùng Quán - Phan Hoàng Phương)

Người ta thường nói viết văn, làm thơ. Văn xuôi thì viết, còn thơ thì phải làm. Có lẽ làm thơ không dễ. Cày cục thâu đêm suốt sáng, thẫn thờ, rũ rượi, cực nhục cả ngày, cả tháng để tìm một chữ, một ý, một câu cho ra hồn. Cũng có khi vỡ òa sung sướng, vì sự vụt hiện, xuất thần một tứ thơ đẹp, lạ, hút hồn người đọc, như Lưu Trọng Lư khi ông hạ bút trong bài "Ngựa say" của ông:

Ta say ngựa cũng tần ngần

Trời cao xuống thấp, núi gần lên xa.

Một ông già như tôi yêu thơ phái nữ trường kỳ, cũng là chuyện thường tình. Nhưng yêu những câu thơ, bài thơ hay đích thực. Thơ chỉ có hay và dở, nhớ và quên, ám ảnh và nhạt nhòa. Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, trước hết làm cho mình như một sự giải tỏa, gửi gắm. Thơ là một thoáng phù du không thể nào tái hiện. Thơ là tia chớp ngất ngây không bao giờ trở lại. Thi nhân không hai lần làm lại được một câu thơ. Với độc giả cũng vậy thôi, là cuộc kỳ ngộ không hẹn kỳ tái ngộ, khi đọc thì thầm lại câu thơ mình yêu thích, mình chỉ níu vào hoài niệm. Thơ không ra ngoài phạm trù mình yêu mình, tình yêu con người, cuộc sống, đồng bào, đồng đội, yêu nghệ thuật, yêu đàn bà, đàn ông và đất nước, cả trong ký ức và hiện thực đời mình. Thơ là màu còn lại, khi sắc đã phôi pha.

Tôi chép lại vội vàng mấy câu thơ không đầu không đuôi mà tôi thán phục trong tập "Như tiếng biển đêm", vì đây là thơ tuyển. Nhưng tôi tin, đâu chỉ có chừng ấy nhà thơ nữ ở vùng đất này. Có điều, lâu nay tôi sống xô bồ với công việc viết lách nên có chút lơ đãng, khinh xuất, giờ mới giật mình. Đâu chỉ là Lam Anh (... - 1735) bài vịnh Khuất Nguyên có câu: "Bực mình khí uất trời nên hỏi / Một tĩnh người đi nước rỗng không". Bà Bang Nhãn (1853 - 1927) "Qua Đà Nẵng cảm tác", khi nghĩ đến người xưa thương đất cũ: "Nỗi niềm tâm sự chừ ai hỏi / Nghĩ cuộc tang thương hận lắm mà". Song Thu (1899 - 1970) trong "Ngọn gió xuân", "Phong trần dù đến bao lâu nữa/ Son sắt lòng này đến dễ phai". Hằng Phương (1908 - 1983), cái thuở ban đầu giản dị, chân quê: "Ngày xưa em ở bên trời/ Ngây thơ chưa rõ cuộc đời là chi". Ý Nhi, một triết lý ẩn uất: "Giữa chiều lạnh / Một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ / Dưới chân chị / Cuộn len như những quả cầu xanh / Đang lăn những vòng chậm rãi".... đều là những bậc anh thư quê Quảng, đã sinh nở ra những áng thơ để đời.

Ở đâu đó đều có thơ nữ hiện diện, có những câu thơ, bài thơ làm ta suy ngẫm, nhói lòng. Thơ hay không bao giờ là cũ. Bởi "Thơ ca là tình yêu và vầng dương của cuộc sống" như Blinxki (Nga) đã nói. Từ nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI này, đất nước thăng trầm, nhưng thơ thì không vật vã. Đặc biệt, trong khu vườn văn học, ngày càng xuất hiện những cây bút nữ khí phách và hào hoa, chứng nhân của một thời kỳ văn học nữ trong xu thế phát triển của lịch sử đất nước không ngừng đổi mới, ít ra là ở vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng này. Chúng ta bắt gặp ở họ có cách nghĩ riêng, cảm xúc riêng và cách nói riêng. Cách nói của đàn bà làm thơ trong thời đại mới, có cái đằm thắm, nhu mì, nhưng cũng có lúc bứt phá, dữ dội.

Tôi không dám làm người phê bình, lý luận, phân tích thơ nữ trong lúc này, mà chỉ là cảm nhận và yêu thơ nữ, khi chạm đến tiếng thơ hay như cảm giác chạm đến ân sủng tình yêu của người đẹp mang đến cho mình niềm hoan lạc và rung động không cùng.

Ta hãy khám phá họ, ở mọi góc cạnh của thơ. Tôi tin, có một dòng thơ nữ đã và đang âm ỉ chảy với một thần thái và ngôn ngữ lạ. Đó là sự vượt thoát của sáng tạo.

H.H.V

Bài viết khác cùng số

Sao mình không về Hòa Xuân sớm hơn… - Nguyễn Hải LýVũ công - Bashir Sakhawarz (Afghanistan)Khe trời - Kiều GiangKiên trung - Trầm Nguyên Ý AnhMiền sương trong - Nguyễn Thị Anh Đào“Huyền thoại những cây cầu” - Phạm Thị Hải DươngKý ức thành phố tiếng còi tàu - Trần Trung SángMột Hội An, một lời ru - Ngân VịnhNgày rộng - Nguyễn Nhã TiênGiữa những giới hạn - Nguyễn Hoàng ThọThơ Lê Ái NiệmSau cái tư lự của gió - Hồng Thủy TiênBên thềm chiều - Nguyễn Hoàng SaNiệm - Kim DungNgày thường - Nguyễn Đông NhậtĐàn bà - Trần Trúc TâmThơ Xuân CừThơ Huệ ThiTản mạn về tiếng Quảng - Bùi Văn TiếngDiễn ngôn tính dục trong sáng tạo văn học về đề tài lịch sử Việt Nam đương đại - Nguyễn văn HùngPhan Tứ - hành trình sáng tạo và khát vọng khẳng khiu cuối đời - Trịnh Thị Vân Dung, Phạm Phú PhongThơ và thơ nữ của chúng ta - Hoàng Hương ViệtPhải chăng tiếng Việt đang “thất thủ” trên sân nhà? - Diệp Dân Hùng“Vạt nắng cuối chiều” của Trương Công Mùi - Hoàng LiênNgược dòng - bao nỗi đắng cay -Trịnh Đình Nghi Như tiếng biển đêm: yêu thương, khát vọng và bứt phá - Nguyễn Thị Thúy HồngChọn lựa tình yêu như một cách giải thoát - Tần Hoài Dạ VũThơ nữ Đà Nẵng, một tập hợp đa thanh - Huỳnh Văn HoaHành trình đến với thơ hay - Bùi Văn TiếngNSNA Thân Nguyên: Nghệ thuật là lưu giữ khoảnh khắc “cựa mình” của nhân vật - Huỳnh Thạch Hà