Văn học thiếu nhi Đà Nẵng- Một góc nhìn - Nguyễn Thị Anh Đào

06.07.2018

Văn học thiếu nhi Đà Nẵng- Một góc nhìn - Nguyễn Thị Anh Đào

Văn học thiếu nhi đã và đang là đề tài được khá nhiều bạn đọc quan tâm. Tại Đà Nẵng, văn học thiếu nhi không nằm ngoài dòng chảy chung của văn học, nghệ thuật, nhưng thực tế, mảng đề tài văn học thiếu nhi đang thiếu vắng những cây viết mới cùng những sáng tác mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. Câu hỏi làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đọc của lứa tuổi thiếu nhi vẫn đau đáu đối với những người làm phê bình văn học, những nhà văn, nhà thơ.

Những gương mặt quen

Trong số các nhà văn, nhà thơ tại Đà Nẵng, nhiều tên tuổi đã gắn liền với  mảng văn học đề tài thiếu nhi. Có thể kể tên các nhà văn, nhà thơ với bề dày kinh nghiệm cùng lượng tác phẩm viết cho thiếu nhi có bề dày, chất lượng như nhà thơ Thanh Quế, Ngân Vịnh, Quế Hương, Nguyễn Kim Huy, nhà văn Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng... Gần đây nhất có nhà thơ Ngô Thị Thục Trang cũng có nhiều tập truyện ngắn, tản văn nghiêng về ký ức dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ những năm cuối 1980 - 1990, nhà thơ Thanh Quế đã xuất bản khá nhiều những tác phẩm thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn dành cho thiếu nhi như Cát cháy-1983, Khi ta giở sách-1988, Hái tiếng chim -1991; Những đám mây kể chuyện-1991, Thủ lĩnh Nôbu và cô bé làm xiếc-1992, Cuộc phiêu lưu của con chó nhỏ-1993. Nhà văn Bùi Tự Lực chọn viết cho thiếu nhi là viết cho chính mình với một tuổi thơ chưa bao giờ bình yên. Ông nổi tiếng với những tác phẩm dành cho thiếu nhi, trong đó có những tập tái bản nhiều lần và ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Như tập Truyện vừa: Nội tôi - 2001, Cái ống phóc và trái banh chuối- 2005; Truyện dài Chó hoang- 2017. Nhà văn Trần Trung Sáng với các tác phẩm Truyện ngắn Cổ tích họa sĩ gù và con chim xanh - 1990, Truyện vừa Búp bê phiêu lưu ký-1991; gần đây nhất nhà thơ Ngân Vịnh với tập thơ Con chuồn chuồn nghệ...

Trong nhiều cuộc trò chuyện về giải mã những khó khăn trong văn học nói chung và riêng mảng đề tài văn học thiếu nhi, nhà văn Thanh Quế đã không ít lần bộc bạch với tôi rằng, hiện nay cái chất liệu cuộc sống của những nhà văn trẻ hình như ít hơn, hoặc do môi trường sống hiện tại đã phần nào làm cho sự năng động, sáng tạo, nghĩ về thiếu nhi, nghĩ về tuổi thơ... ít dần? Do đó, văn học thiếu nhi Việt Nam hiện tại đang thiếu dần những ngòi bút sắc sảo hoặc “lấy được lòng bạn đọc trẻ”. Nhà văn Thanh Quế cho rằng, chất liệu cuộc sống, ký ức, sự va chạm với thực tiễn đời sống chính là sự cọ xát vào từng thực thể văn chương và mảng văn học thiếu nhi không nằm ngoài dòng chảy, không nằm ngoài đường ray đó. Bởi vậy, con tàu sẽ luôn chuyển động, và ông vẫn đặt niềm tin về một thế hệ những nhà văn, nhà thơ dốc sức viết cho thiếu nhi bằng tất cả niềm đam mê cháy bỏng nhất.

Còn nhà văn Bùi Tự Lực đến với văn học thiếu nhi từ ký ức tuổi thơ không bình yên của mình. Và như lời ông tâm sự, “chính nghịch cảnh gia đình, thế giới tuổi thơ của tôi bị nhấn chìm trong bom đạn; gia đình tôi tột cùng trong nghịch cảnh phân ly. Tôi thiếu bầu vú mẹ, thiếu cháo cơm, nhưng bên vành nôi là lời ru mênh mang của ký ức... Ký ức vẫn tươi xanh, nhớ thương đến quặn lòng, khát khao cháy bỏng... tôi viết về tuổi thơ của mình. Dù biết rằng văn chương là con đường khổ lụy, cái nghiệp đa mang, nhưng tôi vẫn đi theo tiếng gọi cõi lòng: Viết để tri ân về người đã khuất, để tâm tình với người đang sống; viết để kể chuyện với cháu, con...”.

Và những trang văn của ông, đã giúp bạn đọc trẻ hôm nay hiểu ít nhiều về một thời bom đạn.

Vai trò của nhà văn, nhà thơ

Từ trước đến nay, nhiều trại sáng tác đã được tổ chức nhưng trại viết, sáng tác cho thiếu nhi thì hầu như chưa triển khai. Nói đúng hơn là sự vắng bóng. Hai năm trở lại đây, Nhà xuất bản Kim Đồng chi nhánh tại Đà Nẵng đã phối kết hợp với Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tổ chức hai hội thảo, tọa đàm về văn học thiếu nhi, đã chỉ ra cái khó, cái thiếu của thể loại văn học này. Tuy nhiên, xu hướng đọc sách của giới trẻ hiện nay, của thiếu nhi hiện nay không mấy mặn mà với việc đọc kiểu dạng sách thiếu nhi hồi ức của người viết, mà thay vào đó cần sự trải nghiệm tuổi thơ thời hiện đại với hàng ngàn phương tiện để giới trẻ tiếp thu tri thức và đọc sách. Nếu quay lại giai đoạn vang bóng một thời của văn học thiếu nhi với những tên tác phẩm mới nhắc lại thôi đã gợi nhớ một thời như “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), “Quê nội” (Võ Quảng), “Chuyện hoa, chuyện quả” (Phạm Hổ), “Búp sen xanh” (Sơn Tùng)... Hay các sáng tác của tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Vậy, các bạn đọc trẻ Đà Nẵng hiện nay thích đọc sách gì? Đà Nẵng là thành phố trọng điểm khu vực miền Trung, Tây Nguyên, việc chú trọng vào giáo dục - đào tạo là thước đo của sự phát triển và chuẩn bị một nguồn nhân lực dồi dào cho toàn khu vực. Vậy, đối với văn học, học sinh Đà Nẵng thích đọc gì? Theo một số liệu điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng vào cuối năm 2017, với số lượng 420 phiếu ở 70 trường trên toàn địa bàn thành phố, ở cả ba cấp học thì thể loại sách được học sinh lựa chọn nhiều nhất là truyện tranh, sau đó đến sách tham khảo. Hầu hết các em đều tham gia các trang mạng xã hội, thích đọc sách điện tử, việc đến thư viện của học sinh trung học phổ thông tại Đà Nẵng chỉ đạt 10%. Hầu hết các em ở tất cả bậc học đều cho rằng, một cuốn sách hay, hấp dẫn người đọc trước hết cần có nội dung mới lạ, sau đó mới đến việc cung cấp thông tin cần thiết.

Khảo sát nhanh của người viết bài này tại Ngày hội sách Hải Châu năm 2018, sách mà các bạn trẻ thích nghiêng về truyện tranh, sách ngôn tình (các tác phẩm văn học dịch) với nhiều gương mặt tác giả trẻ đang nổi hiện nay trong khu vực và trong nước. Nhiều em học sinh cấp trung học cơ sở, khi tôi phỏng vấn nhanh các em thích đọc sách gì, tôi nhận được câu trả lời: Sách viết về lịch sử bằng hình ảnh minh họa, sách viết về tuổi mới lớn, những thay đổi về tâm sinh lý, những cảm xúc giao thoa của tuổi vị thành niên và cả những cảm xúc đầu đời. Như cách lý giải của các em, với những cuốn sách kinh điển, sẽ mất nhiều thời gian để đọc, nhưng nếu một cuốn sách lịch sử được diễn đạt qua hình ảnh sẽ dễ thấm, dễ ngấm hơn đối với quỹ thời gian mà các em hiện có.

Như vậy, những nhà văn, nhà thơ đang hoạt động văn học nghệ thuật tại Đà Nẵng cần làm gì để làm mới, có nhiều tác phẩm mới, phù hợp lứa tuổikết nối được với các em?

Trong khuôn khổ của bài viết ngắn này, tôi mạnh dạn đề xuất Hội Nhà văn thành phố cần đưa vào kế hoạch trong hoạt động, hằng năm ngoài việc tổ chức trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi (đối tượng là học sinh các trường trên địa bàn thành phố) thì Hội cần tổ chức trại sáng tác văn học viết riêng về thiếu nhi với sự góp mặt của những nhà văn, nhà thơ tại Đà Nẵng và mời các tác giả thiếu nhi trên cả nước; Cần tăng cường đặt hàng các nhà thơ, nhà văn để có tác phẩm dành cho thiếu nhi gối đầu được tài trợ in ấn và phát hành tận hệ thống thư viện các trường học, các thư viện địa phương. Kêu gọi xã hội hóa các chương trình vui chơi, dã ngoại dành cho thiếu nhi để từ đó, hiểu và nắm bắt được những sở thích của các em học sinh ở nhiều lứa tuổi và lên kế hoạch đặt hàng các nhà văn. Đối với các trại sáng tác văn học thiếu nhi được Hội Nhà văn thành phố liên tục tổ chức tốt trong gần 20 năm qua, tôi mạnh dạn đề nghị cần nuôi dưỡng nguồn nhân lực viết này, vì nếu không chăm bẵm, đầu tư, quan tâm thì cuộc dấn thân vào văn chương của các em chỉ dừng lại/hoặc chỉ phát huy được một thời gian diễn ra trại viết và sau đó chết yểu.

Ở một góc nhìn riêng, văn học thiếu nhi hiện nay đang thiếu lắm hơi thở cuộc sống và sự nhập vai của các nhà văn, nhà thơ trong thế giới tuổi thơ.

Đà Nẵng, tháng 5/2018

N.T.A.Đ