Văn học thiếu nhi Đà Nẵng- đôi điều nhìn lại và suy ngẫm - Nguyễn Kim Huy

06.07.2018

Văn học thiếu nhi Đà Nẵng- đôi điều nhìn lại và suy ngẫm - Nguyễn Kim Huy

1. Hầu hết các nhà văn đều có một tuổi thơ mê đắm sách vở, gắn bó văn chương, đặc biệt yêu thích thơ truyện viết cho thiếu nhi. Những trang sách đọc say mê lúc nhỏ đích thực là người thầy văn chương đầu tiên, cũng là người đầu tiên kiến tạo niềm say mê yêu mến để dành cuộc đời đeo đuổi sự nghiệp văn chương sau này cho mỗi nhà văn. Đối với các tâm hồn thơ trẻ vẫn nguyên vẹn những “cảm xúc của thế giới hồn nhiên” như tên một cuốn sách các nhà văn Việt Nam kể về chuyện hồi nhỏ mình học văn, văn chương quả là kỳ diệu và có một sức mạnh tràn ngập và chinh phục cả tâm hồn lẫn trí tuệ lớn lao, lâu bền, tất yếu sẽ để lại những dấu ấn ảnh hưởng rất rõ dù cố ý hay vô thức trong phong cách sáng tác và cả quan điểm nghệ thuật của mỗi nhà văn, và gần như có tính quyết định cho sự thành công trong mỗi tác phẩm của các nhà văn!

Có thể nói, chính niềm say mê văn chương tuổi thơ đã hình thành nên nền văn học và các nhà văn. Nếu không có sách văn học dành cho tuổi thơ các nhà văn, chắc chắn sẽ không có các nhà văn tương lai, và tất nhiên, sẽ không có nền văn học nào, tác phẩm văn học nào xuất hiện tồn tại được!

2. Nhưng, gần như tồn tại một nghịch lý có tính phổ biến toàn cầu, là khi lớn lên rồi, khi trở thành nhà văn rồi, thì chính các nhà văn lại rất ít quan tâm đến... văn học thiếu nhi. Nếu kể đến các tác phẩm nổi tiếng, được yêu thích “viết cho các em, viết về các em” trên toàn thế giới từ xưa đến nay  thì cũng không thể nói là nhiều, đủ để đáp ứng nhu cầu đọc của số lượng độc giả tuổi thơ ở thời đại nào chắc chắn cũng... gấp đôi gấp ba số lượng độc giả người lớn! Thậm chí, có thể nêu ra không trên mười tác phẩm quen thuộc khắp thế giới như “Cuộc phiêu lưu của Tom Shawyer”, “Cuộc phiêu lưu của Hucklebrry Finn”... của Mark Twain, “Không gia đình” của Hector Malot, “80 ngày vòng quanh thế giới “ “Hai vạn dặm dưới đáy biển”... của Jules Verne, “Những tâm hồn cao cả” của Edmondo De Amicis hay “Totochan - cô bé ngồi bên cửa sổ” - Tetsuko Kuroyanagi, “Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn” - Nikolai Nosov, “Haryy Potter” của J. K. Rowling... Văn học thiếu nhi Việt Nam cũng không ngoài tình trạng ấy, với những “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Quê nội” của Võ Quảng, “Tuổi thơ dữ dội” của Phùng Quán, “Chuyện hoa chuyện quả” của Phạm Hổ, truyện Nguyễn Nhật Ánh và thơ Trần Đăng Khoa... ít ỏi trong bạt ngàn rừng sách phong phú đồ sộ của nền Văn học Việt Nam hiện đại!

Nghĩa là, chúng ta phải công nhận một thực tế đầy nghịch lý đã phổ biến từ xưa đến nay trên toàn thế giới đối với văn học thiếu nhi: Số lượng các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi luôn chiếm một tỉ lệ cực kỳ khiêm tốn, vô cùng nhỏ so với các tác phẩm văn học dành cho người lớn, trong khi dù ở bất cứ thời đại nào, đất nước nào, chắc chắn số lượng độc giả tuổi thơ luôn áp đảo số lượng độc giả lớn tuổi, và nhu cầu đọc sách của tuổi thơ cũng mạnh mẽ, cấp bách không kém gì nếu như không thể nói là còn tha thiết hơn người lớn. Vậy, tại sao luôn tồn tại nghịch lý này?

Một thực tế nữa là, từ xưa đến nay, số lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi không bao giờ nhiều, mà hầu hết lại dành tâm huyết sáng tác cho những tác phẩm người lớn, viết cho các em chỉ là những khoảnh khắc hồi niệm tuổi thơ ít ỏi trong đời. Trong khi đó, các nhà phê bình và cả bạn đọc luôn đòi hỏi và mong muốn có những nhà văn riêng dành cho thiếu nhi, chỉ viết cho các em, thiết nghĩ đó cũng là một mong muốn có phần... phi lý, và suy cho cùng thì đó cũng không phải là điều kiện cần và đủ để có những tác phẩm văn học hay dành cho tuổi thơ!

3. Văn học thiếu nhi Đà Nẵng cũng không nằm ngoài những quy luật trên. Trong số gần 100 nhà văn Đà Nẵng đương đại có thể ghi nhận chỉ một số rất ít các nhà văn dành những trang viết của mình cho thiếu nhi và có tác phẩm văn học thiếu nhi đã xuất bản: Thơ với Thanh Quế, Đông Trình, Ngân Vịnh, Huy Lộc, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Kiên... Văn xuôi với Thanh Quế, Quế Hương, Bùi Tự Lực, Đỗ Xuân Đồng, Trần Trung Sáng, Trần Kỳ Trung, Nguyễn Kim Huy...

Trong các tác giả trên, ba nhà văn Đà Nẵng đã đoạt được các Giải thưởng Văn học Thiếu nhi với các tác phẩm được đánh giá cao, được nhiều bạn đọc tuổi thơ yêu mến là Thanh Quế, Quế Hương và Bùi Tự Lực.

Nhà văn Thanh Quế, với các tập truyện Cát cháy (NXB Kim Đồng, 1983), Rừng trụi (NXB Đà Nẵng, 1987), Thủ lĩnh Nobu và cô bé làm xiếc (1992), Cuộc phiêu lưu của con chó nhỏ (1993)... và thơ Khi ta giở sách ra (1988), Hái tiếng chim (1991)... là nhà văn dù luôn “chuyển động trong sự đa dạng thể loại” nhưng luôn dành tâm huyết và những trang văn chân thực hồn nhiên, giàu hình ảnh, sinh động và đẹp đẽ nhất của mình cho bạn đọc nhỏ tuổi. Giải nhì (không có giải nhất) cho tiểu thuyết Cát cháy của Hội Nhà văn Việt Nam và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1981 là sự ghi nhận rất xứng đáng cho những thành công của nhà văn Thanh Quế trong các đề tài gắn bó với tuổi thơ này.

Với quan điểm nghệ thuật “Tác phẩm là giấc mơ cuộc đời trên giấy. Ở đó mọi thứ dù tâm thường nhất cũng có thể “ bay” bởi phép lạ ngôn từ, chiều sâu tư tưởng và khát vọng người viết... Trong sáng tác, sự tưởng tượng và thông minh của cảm xúc còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiện thực” (Nhà văn Việt Nam hiện đại tại Đà Nẵng - NXB Đà Nẵng, 2012) được thể hiện một cách chân xác và sinh động qua các tác phẩm dành cho tuổi thơ Quán búp bê (NXB Kim Đồng, 2001), Bí đỏ và... (NXB Kim Đồng, 2001), Đám cưới Cỏ (NXB Kim Đồng, 2004), Chiếc vé vào cổng thiên - đường - xanh (NXB Trẻ, 2009)..., có thể nói nhà văn Quế Hương đã “ưu ái cho phụ nữ và trẻ em một cách rõ ràng” . Với “trái tim đa cảm lắng đọng những giọt lệ ấm áp vào nguồn mạch yêu thương” và giọng văn “tinh tế, nhẹ nhàng, sắc sảo mà giản dị” như nhận định của Ths Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học, Sđd), Quế Hương đã tạo dựng riêng cho mình một thế giới trẻ thơ độc đáo, lung linh, đầy sắc màu và sức cuốn hút từ mỗi câu chữ, mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết. Thành công đầy ấn tượng ấy của chị đã được ghi nhận bởi những giải thưởng lớn về Văn học thiếu nhi: Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 cho Quán búp bê, Giải nhì cuộc thi sáng tác thơ, truyện cho trẻ em của UNICEF Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam 1996-1997, Giải nhất cuộc thi sáng tác Văn học vì trẻ em 2000-2001 do UBBVCSTE, Hội Nhà văn Việt Nam và UNICEF phối hợp tổ chức, Giải nhất cuộc thi viết truyện ngắn cho TNHSSV của NXB Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam 2004, các giải thưởng của NXB Kim Đồng và Dự án Hỗ trợ VHTNVN của Đan Mạch 2000, 2007, 2009... 

Thế giới tuổi thơ bị nhấn chìm trong bom đạn, gia đình sớm rơi vào cảnh phân ly tột cùng, yêu văn chương và hết mực thủy chung với tình yêu văn chương, viết để tri ân những người đã khuất, để tâm tình với người đang sống, viết để kể chuyện cho cháu con..., khi bộc bạch suy nghĩ về nghề văn Bùi Tự Lực đã chân thành chia sẻ như vậy (Nhà văn Việt Nam hiện đại..., sđd). Nhưng đó chỉ là những điều “cần” thiết yếu, chưa phải là đã “đủ” để Bùi Tự Lực ngay từ bước đầu đi vào con đường văn chương đã đặc biệt thành công với truyện dài Nội tôi do NXB Kim Đồng ấn hành đầu tiên năm 2001 và đến nay đã tái bản 7 lần với hàng chục ngàn bản in của anh sau khi được NXB Kim Đồng trao tặng Giải B ngay khi vừa xuất bản năm đầu, nếu như anh không có tài năng và kiến thức văn chương. Câu chuyện cảm động viết về cuộc đời kỳ diệu và cái chết bí ẩn bi hùng của bà nội, một bà Mẹ Việt Nam anh hùng của Bùi Tự Lực thật ra không phải chỉ là cuốn sách dành cho thiếu nhi, mà nó là một tác phẩm dù không đồ sộ nhưng mang đầy đủ chất sử thi anh hùng lẫn sự mờ ảo huyền thoại quyện chặt vào thực tế cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc Việt Nam cuối thế kỷ qua đã in đậm mấy mươi năm trong ký ức tuổi thơ đứa cháu và được viết ra bởi sự thôi thúc tột bậc của trái tim nhà văn nặng ân nghĩa! Nó đã định hình để Bùi Tự Lực xứng đáng được vinh danh là Nhà văn thiếu nhi, và được khẳng định thêm với những tác phẩm khác dành cho các em của anh như Trên nẻo đường giao liên (NXB Kim Đồng, 2003), Cái ống phóc và trái banh chuối (NXB Kim Đồng, 2005), và gần đây nhất là truyện vừa Chó hoang viết về loài vật khá độc đáo cuốn hút và có thể nhẹ nhàng rút ra nhiều bài học nhân văn cho con người đã được NXB Kim Đồng tái bản hai lần ngay sau năm xuất bản lần đầu 2017, Giải A của Liên hiệp VHNT TP Đà Nẵng 2017... 

Một gương mặt văn học thiếu nhi Đà Nẵng có nhiều đóng góp và được chú ý là nhà văn Trần Trung Sáng. Nhà văn Trần Trung Sáng là cây bút có quá trình gắn bó lâu dài với văn học thiếu nhi. Dường như hầu hết các tác phẩm đầu tiên của anh đều viết về thiếu nhi. Đó là các tập Ngày chủ nhật tuyệt vời (Nhà thiếu nhi Đà Nẵng, 1988), Ông Hoàng đu đủ (NXB Đà Nẵng, 1994), Cổ tích họa sĩ mù và com chim xanh (NXB Đà Nẵng 1989), Búp bê phiêu lưu ký (NXB Đà Nẵng, 1991) - tác phẩm này sau đổi lại thành Khúc nhạc mùa hè in nhiều kỳ trên báo Nhi Đồng năm 2005... Truyện của anh thường viết về những chuyện bình thường, gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống, nhưng sống động, thú vị, dễ đọc, dễ nhớ rất hợp với lứa tuổi. Trần Trung Sáng đã góp phần làm phong phú đa dạng thêm diện mạo văn học thiếu nhi Đà Nẵng, được bạn đọc nhỏ tuổi yêu mến bởi giọng văn đằm thắm, nhiều hoài niệm thơ trẻ và lung linh trí tưởng tượng của mình.Trong những năm gần đây, bạn đọc nhận thấy Trần Trung Sáng ra mắt một số tập sách có thiên hướng người lớn. Thế nhưng, anh cho biết, những trang viết mơ ước nhất của ngày mai, với anh vẫn là viết về thiếu nhi.

4. Như vậy, có thể khái quát rằng, với các tác giả tác phẩm tiêu biểu trên, nhiều nhà văn Đà Nẵng đã dành tâm huyết, đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học thiếu nhi Việt Nam, có những tác phẩm được bạn đọc tuổi thơ và cả người lớn yêu mến.. Tuy nhiên, có cảm giác rất rõ là các nhà văn Đà Nẵng thường chỉ viết điều mình tâm đắc, ít chú ý đến nhu cầu đọc hoặc các đề tài sôi động đang được lớp trẻ hiện nay quan tâm. Mảng truyện tranh thiếu nhi gần như vắng bóng. Rất nhiều năm liền, có khi cả 10 năm, Hội Nhà văn Đà Nẵng không có tác phẩm văn học thiếu nhi ra mắt. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề chúng ta cần suy nghĩ để có thể tạo ra những cơ chế động viên thiết thực giúp các nhà văn quan tâm hơn, có nhiều tác phẩm xuất sắc hơn nữa để khẳng định và làm phong phú sinh động hơn nữa diện mạo Văn học thiếu nhi Đà Nẵng trong tương lai.

Đà Nẵng 08/6/2018

N.K.H