Hồ Thấu - Nhà giáo dục - Bùi Văn Tiếng

06.07.2018

Hồ Thấu - Nhà giáo dục - Bùi Văn Tiếng

Trong cuộc đời ba mươi mốt năm ngắn ngủi của mình, Hồ Thấu từng làm nhiều công việc khác nhau, nhưng tôi vẫn muốn tiếp cận Hồ Thấu với tư cách một nhà giáo dục. Năm 1940, Hồ Thấu cùng anh ruột là Hồ Nghinh và một số người cùng làng lập trường tiểu học Tân Tân ở Duy Trinh và trực tiếp giảng dạy tại ngôi trường nổi tiếng đương thời. Cái tên Tân Tân này dễ gợi nhớ đến phong trào Duy Tân đất Quảng đầu thế kỷ XX của “bộ ba Quảng Nam” với chủ trương Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh - ba cạnh của tam giác đều Dân quyền, trong đó cạnh huyền là Khai dân trí. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Thấu được xem là trí thức trong làng không phải vì ông là cựu học sinh Quốc học Huế - học sau Huy Cận một lớp/ cùng khóa với Tố Hữu, mà vì ông biết đem sở học phục vụ cộng đồng, trước hết qua việc mở trường dạy học theo khuynh hướng yêu nước và cách mạng, đích thân đứng lớp giảng dạy và đứng mũi chịu sào trong việc quản lý điều hành nhà trường.

Mở trường dạy học theo khuynh hướng yêu nước và cách mạng dưới thời Pháp thuộc không dễ. Ở đất Quảng hồi ấy, nhà cầm quyền Pháp và Nam triều vẫn rất nhạy cảm với hai chữ “Duy Tân” vốn gắn liền với các phong trào vận động yêu nước và cách mạng tại vùng đất “chưa mưa đà thấm” này như phong trào Duy Tân của “bộ ba Quảng Nam”, như Duy Tân hội của Tiểu La và Phan Bội Châu, như cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ vua Duy Tân của Thái Phiên và Trần Cao Vân... Chính vì thế những tư thục như Tân Dân ở Hội An, như Tân Tân ở Duy Xuyên, thậm chí như Chấn Thanh ở Đà Nẵng - do con trai Phan Thành Tài là Phan Bá Lân sáng lập, Lưu Trọng Lư và Chế Lan Viên từng dạy trường này...1 - chắc chắn là nằm trong tầm ngắm của họ. Đó là chưa kể trong những người sáng lập Tân Tân, có hai người từng bị đuổi học ở Huế vì tham gia cuộc bãi khóa đòi ân xá Phan Bội Châu và để tang Phan Châu Trinh là Trương Dĩnh và Hồ Nghinh, làm sao Tân Tân không bị theo dõi giám sát chặt chẽ. Song không trở lực nào ngăn nổi lòng yêu nước và cách mạng của thầy trò Tân Tân nói chung và của thầy hiệu trưởng Hồ Thấu nói riêng...

Chẳng hạn một cựu học sinh Tân Tân khóa đầu tiên là ông Lê Đào kể rằng: “khi khánh thành trường Tân Tân, các thầy tự soạn diễn văn nhưng chính quyền Nam triều dưới sự giám sát của Pháp không cho, bảo phải đọc diễn văn do trên huyện đưa xuống. Các thầy bảo chúng tôi làm trường thực tế ra sao thì chúng tôi nói như thế, giờ các ông bảo đọc một bài chung chung thì không thể phù hợp được. Cuối cùng, chấp nhận đọc cả hai, bài huyện trước, bài trường sau”2. Sức mạnh của nghệ thuật cũng được một số thầy giáo Tân Tân tận dụng. Thầy hiệu trưởng Hồ Thấu làm thơ hay từ thời còn đi học - đến Huy Cận cũng ngưỡng mộ, nhưng ông không hay làm thơ. Đứng trên bục giảng của trường Tân Tân, Hồ Thấu dùng thơ mình chủ yếu để truyền cảm hứng cho học trò về ý thức “xếp bút nghiên” sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc: “Kẻ lo chi định mệnh/ Kẻ ôm chi kinh thư/ Kẻ chờ chi ngày tạnh/ Kẻ mở chi trường tư/ Hãy đứng dậy lên đường/ Nhập vào lòng biển cả/ Đời không còn xa lạ/ Đời chỉ là mến thương” (Lên đàng, 1944). 

Cũng với mong muốn truyền cảm hứng cho học trò về ý thức dấn thân vì đại cuộc, thầy hiệu trưởng Hồ Thấu còn chuyển thể cuốn tiểu thuyết Gia đình và sự nghiệp của mình thành kịch bản sân khấu và trực tiếp dàn dựng cho đoàn thoại kịch Tân Tân với các diễn viên không chuyên là thầy và trò nhà trường - vở kịch Gia đình và sự nghiệp được công diễn lần đầu vào năm 1943 tại nhà hát Trà Kiệu và một số nơi khác, bán vé lấy tiền giúp bà con tiểu thương ở chợ Hàm Rồng bị hỏa hoạn. Rõ ràng tài năng văn chương nghệ thuật của Hồ Thấu được ông phát huy chủ yếu với tư cách một người thầy, một nhà giáo dục. Cần nói thêm một trường tiểu học tư ở nông thôn như Tân Tân mà có được đoàn thoại kịch riêng, mà mời được thủ lĩnh phong trào Thơ Mới như Lưu Trọng Lư về dạy - đầu năm 1945 đoàn thoại kịch Tân Tân còn tiếp tục xuất hiện với vở Đời thi sĩ của tác giả Tiếng thu, chứng tỏ đẳng cấp văn hóa của Tân Tân nói chung, của nhà giáo dục Hồ Thấu nói riêng đáng được ngưỡng mộ đến nhường nào...

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Thấu bước hẳn vào con đường chính trị chuyên nghiệp, nhưng ông vẫn gắn bó với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chẳng hạn như trên cương vị Ủy trưởng phụ trách công tác văn hóa, tuyên truyền của Ủy ban cách mạng lâm thời Duy Xuyên, bằng cách làm đầy sáng tạo của mình - thông qua các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa - và uy tín cá nhân, Hồ Thấu đã vận động tổ chức thành công nhiều lớp học truyền bá quốc ngữ/ xóa nạn mù chữ, tích cực phục vụ mục tiêu “diệt giặc dốt” ở quê nhà. Khi được phân công giữ chức Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh Quảng Nam, Hồ Thấu cũng trực tiếp đặc trách công tác trí thức vận và văn hóa/văn nghệ. Rõ ràng không ai thích hợp hơn nhà giáo dục Hồ Thấu trong việc đảm đương sứ mệnh chính trị quan trọng này. Và không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi ông qua đời vì bạo bệnh, người Quảng vinh danh Hồ Thấu trước hết với tư cách nhà giáo dục: Tỉnh ủy Quảng Nam Đà Nẵng đã lấy tên ông đặt tên cho trường Đảng của liên tỉnh - trường Đảng Hồ Thấu.

Năm 2018 là tròn 100 năm năm sinh Hồ Thấu, tiếp cận Hồ Thấu với tư cách một nhà giáo dục, thế hệ hậu bối chúng ta có thể học tập được những gì từ tấm gương ngời sáng của ông? Theo tôi, muốn trở thành một nhà giáo dục gương mẫu, phải rất mẫu mực trong việc học tập. Chẳng hạn ngay từ khi rời đất Quảng vào trường Quốc học Quy Nhơn để học lấy bằng thành chung, Hồ Thấu đã nổi tiếng học giỏi: ở đây Hồ Thấu được các bạn đồng môn chọn là một trong ba người học giỏi nhất có tên vần Th, gọi là “ba T”: Hồ Thấu, Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thương. Không học giỏi tiếng Pháp và am hiểu văn hóa Pháp từ thuở thiếu thời, chắc Hồ Thấu khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phó Trưởng đoàn Đoàn đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp tại Đà Nẵng vào tháng 3 năm 1946. Ngoài chuyện học giỏi, Hồ Thấu còn có không ít kỹ năng mềm bộc lộ tài hoa về văn chương nghệ thuật - chính điều này đã tác động đến tư duy giáo dục toàn diện của thầy hiệu trưởng trường Tân Tân sau này.

Tuy nhiên, tỏa sáng rực rỡ nhất trong cuộc đời của nhà giáo dục Hồ Thấu là tấm gương dấn thân/tận hiến vì Đảng vì Dân: vào đêm trước của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thầy giáo Hồ Thấu đã đứng dậy lên đường/ nhập vào lòng biển cả của dân tộc đang cuồn cuộn khí thế thác đổ triều dâng và từ đó cống hiến hết mình cho quê hương đất nước. Đặc biệt với nhãn quan nhìn xa trông rộng của một trí thức trẻ/ một nhà giáo dục, Hồ Thấu còn đi trước thời đại khi sớm cảnh báo về nguy cơ lãng quên quá khứ qua những câu thơ đi cùng năm tháng trong tác phẩm Gửi Phạm Văn Kỳ - được xem là bản “di chúc tinh thần” theo cách nói của Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh: Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua...3. Lãng quên quá khứ trong tư duy nghệ thuật Hồ Thấu chắc không chỉ là chuyện không nhớ/ không biết dưới đáy sông còn đó bạn tôi nằm khi xuôi dòng Thạch Hãn (Lời gọi bên sông - thơ Lê Bá Dương)!

B.V.T