Hài cốt của rừng - Huỳnh Trương Phát

06.07.2018

Hài cốt của rừng - Huỳnh Trương Phát

Một ngày mùa đông, năm 1977, chúng tôi ba lô lên đường làm nhiệm vụ “chỉ đạo trồng cây nhân dân” ở các xã vùng cao Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Tập, Trà Mai,... Tôi được phân công về xã Trà Tập, một xã nằm bên kia bờ sông Tranh, giáp với Takpỏ. Muốn qua sông thì phải lụy đò, còn không thì đù đưa với cầu treo làm bằng mây, treo ở hai đầu ngọn núi. Ngày tôi đặt chân lên thôn Tư xã Trà Tập, tôi đã thấy sự có mặt của anh Trần Trọng Dỗi, cán bộ mặt trận của huyện Trà My và Phan Đình Tri, công nhân Lâm trường Trà My. Chúng tôi gặp nhau giữa núi rừng sau ngày quê hương giải phóng, cuộc sống còn đầy rẫy những gian khó. Đêm mắc võng quanh bếp lửa nhà sàn ám vàng khói bếp của người Cà dong. Ngày hôm sau anh Dỗi tạm biệt tôi và Tri để về trụ sở Ủy ban xã Trà Tập. Lại một đêm chúng tôi ám vàng khói bếp, sau một ngày vào nóc vận động bà con dân tộc thiểu số trồng cây gây rừng. Đêm ấy Tri nói với tôi trong cơn sốt rét rừng ác tính: Tui gửi cái đồng hồ ni cho anh, nhờ anh chuyển đến cho người yêu của tui ở đội 3 lâm trường. Rủi có chuyện chi thì...”. Người yêu của Tri là một cô gái trồng rừng. Tôi chỉ biết vậy thôi. Tri nói chưa hết câu, cơn sốt ập đến, Tri ngất đi. Nhiệt độ mỗi lúc một tăng nhanh. Dù không có nhiệt kế nhưng tôi đoán được chừng trên 40 độ xê. Ngoài trời đêm đen. Gió rừng rít từng cơn. Tiếng của nhiều loại côn trùng rả rích. Thỉnh thoảng có tiếng gầm rú của những loài thú hoang dã. Tôi ngồi bên Tri. Mong sao trời mau sáng để nhờ thanh niên trong nóc khiêng Tri xuống trạm xá xã. Tôi lo lắng thật sự khi thấy Tri không còn nhận biết chi nữa. Trời chưa sáng tỏ, tôi vội vã nhờ mấy anh con trai có sức khỏe võng Tri vượt qua cả cây số đường rừng trơn trượt. Dù sao đi nữa Tri cũng đã về tới trạm xá, tôi thấy yên lòng. Tôi nghĩ mình phải cố hết sức để cứu lấy bạn. Còn nước còn tát.

Trạm xá xã Trà Tập nằm bên bờ sông Tranh, sát con nước Choang. Trạm trưởng và nhân viên y tế đều là người Cà dong. Lúc này trời vẫn trút những cơn mưa rừng xối xả. Sông Tranh nước ngập cả đôi bờ, lũ về vàng sông cuốn theo cây rừng. Nhiều thân gỗ to ngụp lặn dưới lòng sông như số phận của những người thợ rừng nghèo khó. Tôi đứng một mình giữa mùa đông trên đỉnh rừng xứ thượng với một nỗi đau lần đầu tôi chạm tới của tuổi đôi mươi. Nhìn Tri nằm bất động trên sạp giường lồ ô trong góc nhà hiu hắt, lòng tôi cộm lên bao nỗi niềm. Nhưng tôi cố phải quên để lo cho người bạn xấu số. Nước lớn. Không thể đưa Tri qua sông. “Thôi mày nằm lại với đất lành rừng xanh”. Nghĩ là vậy song tôi vẫn tìm mọi cách. Trước hết tôi nhờ chị em cấp dưỡng của Ủy ban xã Trà Tập nấu một chén cháo bằng gạo đỏ của đồng bào Cà dong mà chúng tôi thường gọi là gạo bọc thép, để mớm cho Tri vì cả đêm qua Tri có ăn uống gì đâu. Và ... nếu như Tri có đi chăng nữa thì cũng có chút gì trong bụng, mình đỡ thấy xót xa. Chập choạng, tôi bưng tô cháo vào cho Tri ăn. Nhưng không kịp. Một nỗi bàng hoàng khôn xiết. Tri đã đi rồi. Tri đi trong tư thế quằn quại. Thân thể của Tri nửa trên giường, nửa dưới đất sau cơn co giật. Tôi cố nén nỗi đau, nhào tới tự tay mình bồng Tri đặt lên giường cho ngay ngắn. Nói là giường nhưng đây chỉ là cái sạp giường làm theo kiểu của người Cà dong. Bốn cẳng giường chôn sâu dưới đất. Nhờ vậy mà khi an táng Tri tôi xin phép trạm xá khiêng luôn cả sạp, để lại bốn cẳng giường cho nó tiện. Đây cũng là một trong sáu mảnh ghép của cái áo quan. Sau khi đặt Tri vào đáy huyệt bằng chiếc sạp giường ấy, tôi tiếp tục che liếp năm tấm cót còn lại mà tôi nhờ anh chị em nhân viên trạm xá Trà Tập đan bằng nứa và lồ ô trước đó. Tri đi nhưng còn nuối điều gì mà hai con mắt vẫn nhìn vào tôi. Tôi vuốt mắt bạn ba lần, mong Tri sống khôn thác thiêng. Hãy bình thản ra đi và trở về phù hộ cho bạn bè. Còn điều gì Tri muốn nói, tôi sẽ nói hộ cho Tri trong đoạn đời còn lại của mình. Tôi lục tìm trong hành trang của người thợ rừng xấu số, không có gì ngoài tầm khăn bàn con công Tri từng đắp khi còn sống. Tấm khăn bàn này bây giờ tôi lại đắp cho Tri nhưng không đủ kín. Kéo lên thì lòi đôi chân. Kéo xuống thì không kín mặt. Cuối cùng tôi quyết định đắp kín phần chân, còn phần mặt của Tri tôi đắp bằng những tờ báo cũ. Giữa rừng đêm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho Tri và cho cả tôi, cho người đã chết và cho cả người còn sống, khi một mình tôi và Tri nằm trong gian nhà xác tối đen như mực, ngoài kia đêm cũng đã nhuộm đen cả mùa đông. Tiếng gầm gừ của đại ngàn khiến tôi giật mình, không ngủ được và cảm thấy đơn độc vô cùng. Tôi mắc thân phận của tôi vào hai thân cột ở góc nhà xác bằng chiếc võng dù để bảo vệ thi thể và linh hồn của bạn tôi, mong cho đêm qua mau. Tôi cứ sợ thi thể của bạn có bề chi thì tội nghiệp. Tôi nghĩ ra cách lấy dây mây buộc thi thể của Tri vào sạp giường. Thấy tôi lục đục nhóm lửa lồ ô để xua bớt đi nỗi sợ hãi, anh phụ trách trạm xá bước vào nhắc nhở tôi đừng làm như vậy, vì có hơi nóng sẽ không tốt cho thi thể. Tôi vội vàng dập lửa và tiếp tục “ngủ với Tri” trong nhà xác cho đến sáng.

Sông gầm và thác réo là những thứ âm thanh luôn làm tôi lo lắng và cảm thấy ngày về Lâm trường xa lắc xa lơ. Tôi vội vàng kéo anh Dỗi ra khỏi giấc ngủ mùa đông. Việc đầu tiên, tôi với anh Dỗi xem lại hành trang của Tri rồi ghi vào trang giấy gọi là biên bản. Tôi nói với anh Dỗi là anh hãy cùng tôi đưa Tri về nơi yên nghỉ cuối cùng. Anh Dỗi nói thật vợ anh đang mang thai nên khó làm được việc này. Lại thêm một nỗi lo. Nhưng chẳng lẽ để Tri như vậy sao. Càng không thể đưa Tri ra huyệt mộ mà chỉ có mình tôi. Trong khi đó người miền núi rất sợ ma kinh. Biết vậy. Nhưng không còn cách nào hơn. Tôi thuyết phục mãi, những chàng trai Cà dong đồng ý với điều kiện khiêng giúp thi thể ra đến huyệt mà thôi. Y như rằng, vừa đến huyệt họ chạy hết, bỏ lại mình tôi với Tri bên cái huyệt chứa đầy nước mưa. Tôi đành phải nhảy xuống huyệt dùng cái soong bể tát cạn huyệt nước trước khi đặt Tri xuống. Lúc này không còn ai. Từ lời khẩn cầu của tôi, anh Dỗi chấp nhận vượt qua hủ tục để cùng tôi đưa Tri xuống huyệt. Cũng vì ám ảnh bởi hủ tục, anh Dỗi không còn bình tĩnh, anh khiêng về phần mình nhiều hơn khiến tôi hụt chân té nhào cùng thi thể. Cuối cùng, rất may, mọi chuyện cũng qua. Hành trang gửi theo Tri là mấy cái áo cái quần công nhân cũ mèm chưa kịp giặt sau mấy ngày lặn lội vào nóc vận động dân làng trồng cây gây rừng. Nấm mồ của Tri được đắp bằng đất rừng bên rặng lồ ô, trước trụ sở xã Trà Tập. Mưa. Mưa ken dày lối đi. Đó là nước mắt của trời, khóc thương cho một phận người. Gió. Gió xô tôi ngã vào vách núi. Tôi cố gượng dậy, đứng lặng người bên nấm mồ đầy hơi lạnh, không một nén hương sưởi ấm linh hồn. Thương cho người mẹ già của Tri đơn độc ở tận miền trung du Tiên Phước, ngày ngày vẫn mong ngóng đứa con yêu quý trở về. Chôn cất cho Tri xong, tôi tìm người nhắn tin về Lâm trường Trà My. Lúc này những cơn mưa rừng có phần nhẹ hạt. Nhưng nước trên nguồn thì vẫn không đồng nghĩa với sự yên bình. Dòng sông Tranh ầm ào ngày đêm. Nhận được tin nhắn của tôi, ông Nguyễn Đức Sĩ, trưởng phòng tổ chức Lâm trường cùng hai nhân viên mang tơi đội nón lên đường. Thời ấy chưa có cầu treo qua sông, ông Sĩ và nhân viên quấn hết đồ đạc vào ni lon làm phao cứu sinh vượt lũ sông Tranh. Chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thì ra trong cái phao cứu sinh của ông Sĩ có cả tấm bia đúc bằng xi măng do Lâm trường chuẩn bị để dựng trên mộ phần Phan Đình Tri. Thời gian đi qua, hơn cả chục năm, kể từ ngày chuyển sang nghề làm báo, tôi có dịp trở lại Nước Choang thăm nơi yên nghỉ của Tri thì chỉ thấy còn mỗi tấm bia rêu cỏ phủ đầy. Hỏi ra mới biết hài cốt của Tri đã được đoàn tìm mộ liệt sĩ quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện Trà My, nay là huyện Bắc Trà My.

Phan Đình Tri ra đi oan nghiệt vì cơn sốt rét rừng ác tính đã làm cho những người thợ rừng có mặt trên núi rừng Trà My sau ngày giải phóng nơm nớp nỗi lo sợ. Ở Trà Mai, thằng bạn thân nối khố của tôi là Nguyễn Bộ nghe nhầm tin là tôi đã chết, vội vàng hỏi thăm những người đi công tác thường qua lại khu vực Takpỏ - Trà Tập. Đang trên đường tìm hiểu thông tin về tôi, Nguyễn Bộ (hiện nay cũng làm báo như tôi với bút danh Nguyễn Điện Ngọc) bất ngờ gặp Nguyễn Văn Diệp từ Trà Nam chống gậy về như người sắp chết sau cơn sốt ác tính, thân xác bơ phờ, da vàng như ngọn bấc, bước chân rã rời trong mưa nguồn, mệt mỏi men từng ngón chân qua chiếc cầu treo làm bằng mây, vắt vẻo đôi bờ sạt lở Nước Là. Hai thằng gặp nhau, ôm chầm lấy nhau và khóc... Số phận của những chàng trai cô gái tuổi mới đôi mươi mười tám gửi vào rừng thiêng nước độc, treo trên bờ vực của những cơn sốt rét rừng quái ác đã để lại trong tôi nhiều ám ảnh, cô độc. Nhiều người đã bỏ việc về xuôi. Có người không về được bởi đã phải lòng với Trà My. Nhưng cũng có người liều mình ở lại với tâm trạng bất an. Trong đó tôi cũng là một trong những nạn nhân, từng chết đi sống lại bởi cơn ác tính năm 1981. Bệnh viện Trà My “chê”. Bệnh viện Tam Kỳ cũng “chê”. Đặng Thị Hồng Phúc, cô gái Lâm trường, vợ sắp cưới của tôi đã theo tôi suốt cả mấy tháng trời để chăm sóc từng đũa cơm muỗng cháo, chịu cực chịu khổ từ việc tắm rửa đến chuyện đái ỉa. Thậm chí phải chịu đựng những lời lẽ nặng nề của tôi khi cơn đau hành hạ tôi, tôi không còn làm chủ được mình. Do tiêm thuốc quá nhiều, tôi bị áp xe, người ta mổ sống, không cần thuốc tê, máu mủ phun ra đầy người cha tôi, tôi ôm chặt cha tôi, cắn răng chịu đựng cái đau sống sít như dao cắt. Mẹ tôi ở nhà đặt bàn vọng ngoài sân, trăm lạy cô bác, kẻ khuất mặt khuất mày, phù hộ cho tôi sống lại với đời. Mẹ vào Tam Kỳ thăm tôi. Tôi thấy mẹ quấn cái khăn màu đà trên đầu. Thấy tôi nhìn, mẹ nói luôn cho tôi biết là mẹ đã cạo trọc đầu, giữ lời hứa với cô bác. Tôi nghe tim mình thắt lại. Mẹ bảo rằng đây là lần thứ hai mẹ cạo trọc đầu để tìm sự sống cho tôi. Hồi mới sinh ra, tôi là đứa khó nuôi, chết đi sống lại cũng không biết bao nhiêu lần. Và lần này... sau cơn thập tử nhất sinh ấy, màu vàng của ký - nin, một loại thuốc tây chữa trị bệnh sốt rét lúc bấy giờ, làm cho số phận của tôi không thể vàng hơn.

H.T.P