Vài nét về truyện ngắn Đà Nẵng 40 năm qua - Thanh Quế

08.12.2015

Vài nét về truyện ngắn Đà Nẵng 40 năm qua - Thanh Quế

1975 - 2015, bốn mươi năm đã trôi qua. Người cầm bút ở thành phố Đà Nẵng đã vật vã thúc bách giữa dòng lịch sử ầm ì sôi động. Cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm gian khổ và ác liệt vừa kết thúc. Trên lưng ta hình như gánh nặng của nó càng nặng trĩu hơn. Tâm hồn ta còn ứa máu với biết bao đau khổ mất mát. Ta lại phải lao vào lo ổn định và xây dựng cuộc sống mới với biết bao khó khăn chồng chất. Thành phố Đà Nẵng vốn là thành phố tiêu thụ và dịch vụ phục vụ cho bộ máy chiến tranh đồ sộ của Mỹ. Công nghiệp bé nhỏ, què quặt, phụ thuộc vào nước ngoài. Đất nông nghiệp tại các vùng ven đô thị bị hoang hóa, đầy bom mìn, làng quê xơ xác tiêu điều...

Để bước đầu xây dựng cơ đồ, Đảng bộ cần phải có những chủ trương đúng đắn sát hợp với tình hình thực tế. Ta chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, củng cố nghề cá, phát triển vành đai thực phẩm, sau đó xây dựng cơ sở kinh tế quốc doanh, công ty hợp doanh và hợp tác xã ngành nghề... Về nông nghiệp, ta chủ trương đưa dân về làng cũ, phá gỡ bom mìn, khai hoang vỡ hóa, cải tạo đồng ruộng, thủy lợi, tìm giống mới, xây dựng kinh tế vùng rồi đi đến thành lập Hợp tác xã nông nghiệp nhằm phát triển cả lương thực và chăn nuôi.

Công việc làm ăn vừa dần dần đi vào nề nếp thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam rồi biên giới Bắc cuốn hàng vạn thanh niên ưu tú phải lên đường đi chiến đấu, gây khó khăn về nhân lực, xáo trộn về tình cảm, tinh thần trong nhân dân.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Ta bước đầu phát triển kinh tế nhiều thành phần trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chủ trương giao khoán trong nông nghiệp đã làm cho sản lượng hàng hóa tăng cao. Từ đó xuất khẩu thành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.

Nhưng con đường phát triển kinh tế xã hội của thành phố cũng như cả nước không êm xuôi. Năm 1991, Liên Xô tan rã, ảnh hưởng đến tình cảm, tư tưởng, làm cho thị trường cung ứng vật tư sản xuất và tiêu thụ địa phương bị cắt giảm đột ngột. Đất nước ở trong tình thế hiểm nghèo, thành quả cách mạng bị đe dọa, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, nhờ có đường lối đổi mới của Đảng, thành phố ta vẫn từng bước khắc phục khó khăn, đẩy lùi khủng hoảng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là tiền đề để thành phố trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 1997...

Tất cả những biến động lịch sử đó vừa là hoàn cảnh sống vừa là đề tài cho những người viết truyện ngắn - một thể loại xung kích - để phản ảnh hiện thực đời sống, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Sau giải phóng, lực lượng viết văn tại Đà Nẵng chỉ lưa thưa, đếm trên đầu ngón tay. Ngoài một số cây bút làm thơ, chỉ có một Phan Du viết truyện nay đã già yếu, một Nguyễn Văn Xuân đang loay hoay trước cuộc sống mới. Lực lượng chủ chốt lúc đó vẫn là những cây bút ở Trại sáng tác văn học Quân khu V và một số cây bút của Hội Văn nghệ giải phóng Quảng Đà, Quảng Nam cũ.

Cuộc chiến tranh vừa đi qua. Tính thời sự vẫn còn đó. Cũng là dịp để người viết suy nghĩ và sáng tác về đề tài này. Lại xảy ra cuộc chiến tranh ở Biên giới Tây Nam và Biên giới Bắc, càng thôi thúc người viết viết về chiến tranh. Nhưng chúng ta không thể viết như đã viết hồi chiến tranh. Văn học không cho phép có sự lặp lại như con tàu trượt mãi bánh trên con đường mòn, trơn lì, nhàm chán. Phải đổi mới. Nhưng cái mới là cái gì? Bơse, nhà văn Đức đã viết: “Cái mới trong văn học điều đó có nghĩa là tác phẩm mở ra những hiện tượng mới của cuộc đời và cấp cho ta một câu trả lời mới khi chúng ta tự hỏi mình về ý nghĩa cuộc đời chúng ta”. Trong những cuộc hội thảo về văn xuôi, chúng ta lại hỏi tiếp: thế cái mới về đề tài chiến tranh của chúng ta là cái gì?

Còn nhớ mấy năm sau giải phóng, thiên truyện đặc sắc Hai người trở lại trung đoàn của nhà văn Thái Bá Lợi - nói về thói bội bạc của một người lính, vừa ra đời đã gây ra những xôn xao phản ứng. Âm hưởng ca ngợi cái tốt, cái đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhằm động viên mọi người xông lên lướt tới của dòng văn học trước đó vẫn còn ngự trị trong quan niệm của nhiều người viết và người đọc: “Làm sao người lính của chúng ta lại có cái xấu, cái bội bạc?”. Viết thế là “sai lập trường rồi, nói xấu cách mạng rồi!”. Tờ tạp chí đăng cái truyện trên nhận hàng đống thư phản đối. Nhưng rồi, cùng với thời gian, quan niệm ấy cũng được cởi mở, khai thông...

Các tác giả viết truyện ngắn ào ạt đi tìm kiếm sự thật của chiến tranh. Bằng kinh nghiệm sống khác nhau, dẫn đến sự khác nhau về đề tài và nội dung; sự không đồng nhất về tài năng, mức độ sâu sắc khác nhau của việc miêu tả những hiện tượng và tính cách nhân vật, tạo ra nhiều nét mới trong cách viết về chiến tranh, nhằm phản ánh chiến tranh trong nhiều khía cạnh, nhiều cách nhìn, đi đến thực chất hơn. Tuy nhiên sự đổi mới cũng có những bước tiệm tiến, thể nghiệm. Ban đầu truyện ngắn chúng ta vẫn đi theo dòng ca ngợi những tấm gương tốt trong chiến đấu, dù đã có những chi tiết phản ánh những thói hư, tật xấu của người anh hùng và có lúc cũng muốn viết mạnh bạo riết róng hơn để nói lên những hiện thực đã xảy ra: sự hèn nhát, tỵ hiềm, thoái hóa, cá nhân dẫn đến sự phản bội. Chúng ta vẫn còn rụt rè trong việc phản ánh những con người đó, những sự việc đó. Mặt khác, dư luận và quan niệm của xã hội cũng còn chưa ủng hộ. Từ sau năm 1986, khi trong kinh tế có sự mở cửa thì quan điểm của cả người viết và người đọc đều rộng thoáng, tạo điều kiện cho sự phát triển phong phú về đề tài, nội dung và cách viết của truyện ngắn.

Phan Tứ vừa “ôm” bộ tiểu thuyết đồ sộ “Người cùng quê”, phản ánh một giai đoạn mấy chục năm khói lửa của cách mạng vừa không quên thể loại truyện ngắn mà ông sử dụng mở đầu cho các tác phẩm thời chống Mỹ của ông. Vốn có những năm làm công tác ở trại tù binh Mỹ, ông đã nghiên cứu kẻ địch và sáng tác những truyện Đại úy Bin, Một tù binh Mỹ, đề tài trước đây xuất hiện rất hiếm trong văn xuôi nước ta. Lưu Trùng Dương sau nhiều năm làm thơ, bị thôi thúc của cuộc sống đã viết lại những truyện ngắn, truyện dài về thời kháng chiến chống Pháp, lâu nay ít được khai thác. Thái Bá Lợi, sau truyện Hai người trở lại trung đoàn, vừa viết tiểu thuyết vừa viết những truyện ngắn mới đầy góc cạnh như Đội hành quyết, Nghệ sĩ đầu cầu... với lối viết trầm tĩnh, thoáng và tinh tế, có óc quan sát nhạy bén và có vốn sống phong phú, các tác phẩm sau chiến tranh đã đưa anh thoát ra khỏi lối viết có phần bản năng của những truyện ngắn trước đó, bước đầu khẳng định phong cách của một cây bút vững vàng...

Bùi Minh Quốc bên cạnh việc viết tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ” đã có những truyện ngắn viết về tình yêu cháy bỏng và gay cấn trong chiến tranh, việc ngày xưa không được khuyến khích (Đêm trên thác Bờm Ngựa). Thanh Quế với truyện Hai người bạn đã miêu tả một người trong chiến tranh đã gộp thành tích của bạn vào thành tích của mình để trở thành anh hùng, khi bị địch bắt lại khai báo và đổ oan cho bạn, sau hòa bình lại được lên chức dù kém năng lực. Nguyễn Bảo viết về nỗi uẩn khúc của một người con gái, đã có mang với một cán bộ lãnh đạo huyện, phải bỏ đơn vị về làng, chịu tiếng phản bội để bảo vệ thanh danh cho người cán bộ ấy (Bí mật của Mùi). Hoàng Minh Nhân viết về những bà mẹ, những em bé hy sinh tất cả cho cách mạng, sau chiến tranh lại bị quên lãng (Áo cỏ, Em Thanh). Ngô Thị Kim Cúc viết về những niềm vui và thách thức khi người dân vừa được hưởng hòa bình (Vị ngọt hòa bình)... Dù viết về những số phận khác nhau, cách biểu hiện khác nhau nhưng những truyện ngắn trên đều có chung một đặc điểm chủ yếu: Sự trung thành với sự thật chiến tranh vốn là một thử thách khắc nghiệt trong đời sống dân tộc ta. Có cái gì như được vỡ lẽ ra. Lần đầu tiên văn học viết về chiến tranh đã vang lên khúc nhạc bi thương trầm lắng như nỗi khổ của nhân dân đã gánh chịu. Thì ra, tác phẩm viết về chiến tranh vẫn có thể kết thúc đầy bi kịch. Thì ra, ngoài mặt trận bên cạnh sự hy sinh quên mình và lòng dũng cảm vô song vẫn còn thói vị kỷ, háo danh và thậm chí cả sự phản bội. Những điều ấy không che lấp những vinh quang mà ta đạt được, chúng chỉ làm ngời sáng thêm thắng lợi bằng ánh sáng mặt trời của sự thật nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng, đề tài chiến tranh cách mạng là vô tận cho những truyện ngắn, truyện dài Việt Nam. Trong tương lai, trên con đường phát triển của dòng văn học này sẽ xuất hiện những tác phẩm mới, những trào lưu văn học mới. Nhưng nếu như đánh bạo nảy ra ý nghĩ dự báo thì tôi cảm thấy rằng: việc nhà văn đi sâu trên góc độ mới vào tâm lý, số phận và nhân cách con người trong những điều kiện đụng độ khổng lồ của hai hệ thống cực mạnh có tính chất loại trừ nhau giữa hai thế giới quan cũng như vấn đề vĩnh cửu của sự lựa chọn sẽ là một khuynh hướng hữu hiệu nhất.

Nhưng viết về chiến tranh để làm gì? Có phải chỉ để cho người đọc biết về một giai đoạn đã qua thôi ư? Đó là đề tài của nhiều cuộc thảo luận của anh chị em cầm bút ở thành phố ta từ những ngày đầu giải phóng. Thì ra, viết về chiến tranh cũng là vì cuộc sống hôm nay. “Chiến tranh dù sao cũng chỉ là bi kịch của loài người từ ngày đầu đến ngày chót của nó, trong những ngày thất bại lẫn trong những ngày chiến thắng”. K.Ximônốp, nhà văn Nga đã nói vậy. Con người với những lo âu, suy nghĩ đời thường vẫn là nhịp điệu vĩnh cửu của đời sống. Vì thế, ta không lạ gì, có những cây bút Đà Nẵng trong giai đoạn này viết về đề tài chiến tranh, giai đoạn khác lại viết về cuộc sống hiện tại và các đề tài xen kẽ nhau như dòng thời gian ngày và đêm trong cuộc sống mỗi người. Đối với người cầm bút chúng ta, các đề tài chỉ là phương tiện để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm của mình. Mà ngay các đề tài, các tư tưởng cũng phát sinh từ cuộc sống ấy thôi. Hãy cảm ơn cuộc sống mới đã làm nảy sinh trong ta những đề tài mới, những tư tưởng mới. Đó là những nhụy hoa mà chúng ta tìm đến để làm nên mật ngọt.

Chúng ta hẳn còn nhớ rằng, có một giai đoạn chúng ta đã nô nức, hăm hở mang ba lô đi khắp Quảng Nam - Đà Nẵng (vì lúc này chưa chia tách tỉnh) để tìm hiểu những cá nhân tiên tiến, những tập thể tiên tiến trong các ngành sản xuất, từng khắc phục khó khăn gian khổ để đưa đơn vị, địa phương mình tiến lên. Đó là một việc làm đúng đắn. Có thể qua năm tháng, một số truyện của chúng ta bị rơi rụng nhưng những gì còn lại là những hạt vàng quý giá nó thấm đẫm sự sống của một giai đoạn đi qua không bao giờ lặp lại. Đó là hình ảnh những chiến sĩ gỡ mìn để lấy đất sản xuất trong các truyện Người gỡ mìn của Nguyễn Bảo, Anh hùng Huỳnh Tiến Năm của Hoàng Minh Nhân. Đó là những con người đi xây dựng đập thủy lợi Phú Ninh trong Đá gốc của Nguyễn Bá Thâm. Đó là những cô gái xã viên cấy thẳng hàng trong truyện Cô gái vùng sông Ly của Đoàn Xoa; những làng nghề ở nông thôn sống lại trong Những biền dâu sống lại của Ngô Thị Kim Cúc; là làn Khói đốt đồng để sản xuất của Nguyễn Lộc An; là cây cầu nối liền những vùng quê hẻo lánh trong Giấc mơ dòng sông của Đà Linh; là một hợp tác xã ngành nghề mới xây dựng ở thành phố trong Óng ánh tơ vàng của Ngô Quy Nhơn; là một làng dệt chiếu ở Hòa Vang trong Những người dệt chiếu của Huỳnh Thảng...

Sự lao động quên mình vì tập thể kèm theo óc sáng tạo không ngừng có lẽ là hình ảnh những người anh hùng mới ngày hôm nay trên quê hương ta. Tôi nhớ có lần một nhà báo hỏi vì sao Duy Sơn II là một vùng đất chua mặn, sỏi đá mà ngày nay cuộc sống của bà con đã trở nên khấm khá? Anh hùng Lưu Ban đã mỉm cười nói theo kiểu nông dân làm ăn chắc thiệt của ông: “Thì có gì đâu, mình thấy bà con mình khổ quá. Mà bà con mình có phải thua kém gì ai. Tôi cùng với anh em đi tham quan nơi người ta làm ăn khấm khá rồi về dựa theo hoàn cảnh xã mình mà làm”.

- Thế còn nhà máy thủy điện?

- À, mình ít chữ nghĩa lắm. Một hôm nghe con nó đọc câu của Lênin: “Chủ nghĩa cộng sản là điện khí hóa cộng với chính quyền Xô viết”. Mình đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa phải không? Mình phải làm điện thôi…

Còn nhớ ông Nguyễn Bá Thanh, ngày ấy đang làm huyện ủy viên Hòa Vang, nghe tin Hợp tác xã Hòa Nhơn III đang làm ăn lụn bại. Ông giả người đi buôn mía để nghe ngóng tình hình rồi xung phong nhận trách nhiệm về làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Có người hỏi ông:

- Sao ông không làm việc ở huyện cho khỏe mà xin về Hợp tác xã đang làm ăn sa sút như anh nông dân vất vả vậy?

Ông đáp:

- Làm anh cán bộ mà để dân khổ thì làm sao ăn ngủ yên được. Tôi xuống đó thực hiện “3 cùng” để gần dân, nghe dân mới mong đưa phong trào Hợp tác xã lên được.

Ông bỏ nhiều ngày đi khắp Hợp tác xã, gặp nhiều người dân để nghe ý kiến của họ về công chuyện làm ăn, sản xuất. Ông phát hiện ở đó có cây cầu tre tạm bợ nối hai vùng, mùa mưa lũ dễ gây tai nạn nên chủ trương xây dựng cây cầu vững chắc để bà con yên ổn qua lại làm ăn. Ông thấy đây là vùng đất khô hạn, mùa màng chỉ nhờ nước trời nên năng suất không cao. Ông vận động bà con ngăn suối, đắp đập làm hồ chứa nước để tưới cho đồng ruộng. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, ông chú ý thay đổi giống mới, cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Từ đó năng suất cây trồng tăng cao, Hợp tác xã làm ăn khấm khá, trở thành Hợp tác xã tiên tiến.

Còn biết bao vùng đất như Duy

Sơn II, Hòa Nhơn III, bao cán bộ như Lưu Ban, như Nguyễn Bá Thanh đang vật lộn với khó khăn để nạo vét một con sông đã chết sống dậy đổ nước vào đồng ruộng, cải tạo đất chua phèn thành đất sản xuất, xây một nhà máy mới, lập một Hợp tác xã làm nghề truyền thống... đang chờ các cây bút viết truyện đến tìm hiểu, khám phá, sáng tạo.

Điều đáng mừng là các cây bút của ta ngày càng tỏ ra có bản lĩnh, lật xới hiện thực để đi sâu vào vấn đề đạo đức, nhân cách đang đặt ra gay gắt trong cuộc sống đầy biến động hôm nay. Có thể thấy rằng, những năm đầu giải phóng, có những cây bút đã đi vào con đường này nhưng còn rụt rè. Từ sau Đại hội VI của Đảng trở đi, như có kim chỉ nam định hướng, chúng ta được lãnh đạo và dư luận xã hội ủng hộ nên càng vững tâm đi vào sự thật, có khi ở mức độ gay cấn để khẳng định và phủ định mạnh mẽ những vấn đề đạo đức nhằm đánh thức lương tâm và nghĩa vụ công dân. Các truyện Lời người giữ biển của Thuận Hữu, Người gõ kẻng của Đà Linh, Trên bãi biển Mỹ Khê của Đoàn Xoa là những lời nhắn nhủ, những cái vỗ vai thân tình đối với những người có công lao trong chiến tranh, giờ trong thời bình đã bị đồng tiền bắt làm tù binh, bị “chiếc ghế” địa vị xui khiến đi tác oai tác quái những người đã từng nuôi mình trong gian khổ ác liệt. Tuy thế, có những kẻ đã đi sâu vào vũng bùn của lợi danh và tiền tài, lời kêu gọi của chúng ta chỉ làm cho họ cười ruồi nhạo báng. Bản chất của chúng đã thay đổi như được tráng qua một chất hóa học, chuyển từ trắng sang đen. Người cầm bút phải dùng kính chiếu yêu soi tận gan ruột chúng rồi dùng Con dao mổ (tên truyện của Phạm Ngọc Cảnh Nam) rạch ra những ung nhọt cơ hội, thói ích kỷ ti tiện, sự dửng dưng trước số phận đồng loại, trước mọi trách nhiệm xã hội. Đi liền với các chứng bệnh ấy là những thủ đoạn bỉ ổi, tham lam, làm ăn giả dối, chụp giựt, lúc trâng tráo, lúc hiểm độc, chà đạp lên những tình cảm, truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân... Sự đa dạng của những hiện tượng ấy là mối quan tâm để phát hiện và thể hiện của người cầm bút, đặc biệt trong các truyện ngắn của Phạm Ngọc Cảnh Nam, Hồ Trung Tú, Trần Kỳ Trung, Nguyễn Trọng Hoạt, Đoàn Bích Hồng, Đỗ Phước Tiến, Hoa Ngõ Hạnh... những cây bút văn xuôi xuất hiện từ sau năm 1975. Chính họ cùng với những tác giả tuy lớn tuổi nhưng mới viết văn trong giai đoạn này như Huỳnh Thảng, Trường Giang… đã thành lực lượng chủ lực, sát cánh cùng những cây bút thời chống Mỹ, chống Pháp, tạo ra một thời kỳ sung sức, nở rộ, chín đều cả nội dung tư tưởng lẫn phong cách ở mỗi người viết, mỗi thế hệ cầm bút, sáng tác được nhiều truyện ngắn thành công nhất cho địa phương trong 40 năm qua, trên cả 2 đề tài chiến tranh và xây dựng…

 

Từ ngày 1-1-1997 Đà Nẵng đã trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương với sự sáp nhập của huyện Hòa Vang và quần đảo Hoàng Sa. Đà Nẵng bây giờ phải là một thành phố phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu để trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của khu vực miền Trung và cả nước. Thành phố đã đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tạo ra sự biến đổi to lớn về quy hoạch và phát triển đô thị. Có nhiều công trình cầu, đường, nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch - nghỉ dưỡng được xây dựng làm cho Đà Nẵng dần dần hình thành nên vóc dáng một đô thị hiện đại, thành phố “giàu, đẹp và văn minh”. Các mặt công nghiệp, thương mại, dịch vụ, thủy sản, nông nghiệp, du lịch ngày càng phát triển, cạnh đó thực hiện tốt công tác an ninh quốc phòng. Thành phố chú trọng đến sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa xã hội, lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế đi đôi với việc giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao mức sống nhân dân, chăm lo tốt các đối tượng chính sách, giảm chênh lệch giàu nghèo. Việc thực hiện chương trình

“5 không”, “3 có” đã tạo thành nền tảng vững chắc để thành phố thực hiện chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn...

Xây dựng nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa nền kinh tế thành phố có những bước nhảy vọt. Nhưng nền kinh tế thị trường cũng có những mặt trái của nó. Bên cạnh những con người hết lòng chăm lo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn có những kẻ tham nhũng, lãng phí, thói làm ăn chụp giựt chạy theo đồng tiền, không đảm bảo chất lượng, các tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm... là những vấn đề nhức nhối cần được phanh phui để làm trong sạch xã hội mà giới viết truyện ngắn - một thể loại xung kích - đang hướng tới.

Một loạt cây bút văn xuôi mới, sung sức xuất hiện để cùng với các cây bút đi trước gánh vác trách nhiệm này. Đó là Quế Hương, Bùi Tự Lực, Phan Thị Thu Loan, Nguyễn Minh Khôi, Hạo Nguyên, Bùi Công Dụng, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Thu Sương... Nhiều cây bút làm thơ cũng với sang viết truyện như Nguyễn Kim Huy, Đỗ Xuân Đồng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Văn Tám, Mai Hữu Phước, Nguyễn Nhã Tiên... và những cây bút rất trẻ như Nguyễn Thị Anh Đào, Ngô Thị Thục Trang... Đề tài của họ cũng đa dạng, từ kẻ khai thác vàng lậu (Vàng - Bùi Công Dụng) đến chuyện buôn lậu, hối lộ, tham ô, đút lót, buôn bán dâm ở cảng đều nhờ một thằng câm (Thằng câm - Bùi Tự Lực). Từ những thanh niên đi xây dựng kinh tế miền núi (Nơi ấy, tôi gởi lại tình yêu - Huỳnh Viết Tư) đến một làng chài ven thành phố sau cơn bão (Nước mắt làng chài - Phan Thị Thu Loan). Từ chuyện tình yêu ở một phòng kỹ thuật nhà máy (Thử nghiệm - Nguyễn Thị Thu Sương) đến những thầy thuốc nhân hậu ở bệnh viện (Cổ tích đời thường - Mai Hữu Phước). Từ sự đổi mới của thành phố Đà Nẵng hôm nay (Đồng dao - Phạm Ngọc Cảnh Nam) đến chuyện uẩn khúc trong thăm thẳm lịch sử (Chiếc lông ngỗng Mỵ Châu - Hồ Trung Tú). Từ chuyện đi thi chuyên viên (Đi thi chuyên viên - Hoàng) đến chuyện được bảo lãnh sang Mỹ (Bảo lãnh sang Mỹ - Đoàn Xoa), chuyện người Việt ở Mỹ (Nước mắt khô - Quế Hương). Từ chuyện sinh hoạt ở một hẻm phố (Người thành phố - Nguyễn Trọng Hoạt) đến những chuyện làm ăn ở các làng quê (Hạnh phúc của con cá rô đồng - Đỗ Xuân Đồng), cả những chuyện xảy ra ở nghĩa trang (Lão Mõ - Nguyễn Thị Thu Hương). Từ chuyện mê tín dị đoan (Ma Đồng Bộng - Nguyễn Kim Huy) đến chuyện bảo vệ văn hóa truyền thống (Văn Thành Lê)... Đặc biệt, có một cây bút tuổi đã cao, khi về hưu mới sáng tác sung sức, viết lại những kỷ niệm thời ấu thơ ở quê hương, về cuộc chiến tranh đã đi qua với những truyện ngắn giàu chi tiết quý, giàu xúc động, giàu chất triết lý. Đó là nhà văn Phạm Phát với truyện Trầm và Quê ngoại của ông...

Những tác giả ấy đã vẽ cho ta một bức tranh sống động về nhiều mặt, nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay ở thành phố chúng ta.

Cách viết của các cây bút truyện ngắn trong giai đoạn này ngày càng đa dạng. Bên cạnh những truyện ngắn giàu tính hiện thực của Phạm Phát, Phan Thị Thu Loan... còn có những truyện ngắn giàu chất thơ của Đinh Thị Như Thúy, giàu chất huyền ảo như truyện Thơ cỏ của Lam Phương. Có truyện giàu chất tùy bút như của Nguyễn Nhã Tiên. Có truyện giàu chất tượng trưng như Lời nguyền của Hạo Nguyên. Có truyện giàu chất trào lộng như Con đường quan thanh liêm của Bùi Tự Lực. Có truyện được viết theo kết cấu truyện phim như Vàng của Bùi Công Dụng, Trò chuyện với mưa của Hoàng Trọng Dũng... Các anh các chị đã làm cho truyện ngắn chúng ta ngày thêm đa dạng, thêm giàu có.

 

Bốn mươi năm đã trôi qua. Cùng với sự phát triển của thành phố, lực lượng văn học nghệ thuật nói chung và lực lượng viết truyện ngắn nói riêng cũng phát triển không ngừng. Cứ mỗi lần họp Hội Nhà văn Đà Nẵng hằng năm, tôi có thói quen ngồi đếm để biết có thêm bao nhiêu gương mặt sáng tác mới. Có phải việc ấy quá lẩn thẩn chăng? Có thể. Nhưng hãy xin cho tôi được lẩn thẩn để biết đến hôm nay, chúng ta đã có thêm hàng chục cây bút viết văn xuôi - trong đó hầu hết là viết truyện ngắn. Làm sao không mừng khi chúng ta có những tác giả đã có bản sắc riêng, cách viết riêng, xông xáo vào mọi ngõ ngách, mọi đề tài dù là chiến tranh hay xây dựng cuộc sống, dù là sinh hoạt hay vấn đề đạo đức xã hội... để viết, đã đạt nhiều giải thưởng ở địa phương và Trung ương, có tiếng vang vượt khỏi vùng đất chúng ta. Có những cây bút trưởng thành từ Đà Nẵng, sau này đi nơi khác, đã trở thành những tác giả nổi tiếng như Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Bảo... Tránh mọi sự khiêm tốn giả dối, chúng ta có thể nói rằng, điều đó không phải ở địa phương nào cũng có.

Trong hàng loạt tác phẩm mà bạn bè tặng cho tôi, nói gì thì nói, những tác phẩm viết về chiến tranh vẫn làm tôi rung động nhất. Điều ấy chẳng có gì lạ. Có lẽ, những tác giả của nó đã có một vốn sống phong phú. Sau chiến tranh, các anh chị đã có một độ lùi cần thiết để nhìn lại và chiêm nghiệm những gì đã từng trải trong đời mình. Các anh chị có điều kiện đi lại, nghiên cứu kỹ hơn về con người và tư liệu, được đọc các sách báo từ nước ngoài tràn vào ngày càng nhiều. Đặc biệt là có sự thay đổi về quan niệm của xã hội rộng thoáng hơn nên đã cho ra đời những truyện ngắn chân thật hơn, sâu sắc hơn, đa dạng hơn trước đây.

Cũng phải chân thật mà nhìn nhận rằng, những truyện ngắn viết về cuộc sống mới chưa được trội bằng. Số lượng còn ít, nhất là những truyện viết về cuộc sống đô thị. Có lẽ do thời gian đang diễn tiến mà diễn tiến lại phức tạp, người viết chưa có đủ độ lùi cần thiết để chiêm nghiệm và nắm bắt những vấn đề cơ bản của cuộc sống. Tương lai đang đợi chờ chúng ta ở phía trước.

Thành phố của chúng ta có những cây bút sáng tác cho thiếu nhi, đã có những tác phẩm văn xuôi hay như Quế Hương, Bùi Tự Lực, Trần Trung Sáng... Nhưng xem ra các anh chị vẫn còn phân vân giữa đề tài người lớn và trẻ em, chưa chuyên tâm dành trọn cả cuộc đời mình cho lứa tuổi măng non. Nhiều cây bút khác lại ngại đi vào lĩnh vực quá khó này, nên truyện viết cho thiếu nhi còn mỏng.

Có một số người hỏi tôi rằng: “Tại sao các ông không viết được những truyện gây nổ trời như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Huy Quang...?”. Xin thưa rằng: Nếu nhìn trên mặt nổi thì anh nói đúng đấy. Chúng ta chưa có những tác phẩm gây xôn xao dư luận. Và cũng không có những tác phẩm xô bồ, phù phiếm, chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Bạn có thể bằng lòng với sự tạm ví của tôi như thế này không: truyện ngắn Đà Nẵng như một bà mẹ xứ Quảng gan lì trụ bám trên mảnh đất của mình, thật sự anh dũng đấy, thực sự có công lao đấy, thực sự có đóng góp đấy, nhưng người ta ít nhắc đến như những chiến công vang dội. Có thể ví như thế chăng?

T.Q