Tiếng hát - thét trong sân khấu hát bộ - Trương Đình Quang

08.12.2015

Tiếng hát - thét trong sân khấu hát bộ - Trương Đình Quang

Những người chưa quen xem - nghe hát bộ, hoặc lấy ôpêra nước ngoài so sánh, đều cho rằng phần ca nhạc không hấp dẫn, hát thì nghiêng về phía hò hét (quát, thét), nhạc thì kèn trống, phèng la ầm ĩ, lại còn dội trống chầu!

Vì sao hát bộ cần tiếng hát - thét? Như chúng ta đã biết, hát bộ thuộc sân khấu bi hùng kịch. Ở thể loại sân khấu này, tiếng hát phải thét lên, vì yêu cầu thể hiện tính chất anh hùng ca của nó. Nhân vật trung tâm của hát bộ là những con người dũng cảm, sôi nổi, nhiệt tình, thường trải qua một tấn bi kịch xã hội. Họ không cúi đầu trước bi kịch, mà đấu tranh kiên cường, chống đối mọi thế lực phi nghĩa, dù biết là phải chịu hy sinh, mất mát. Họ có thể chết, nhưng chết với một niềm lạc quan, tin tưởng vào sự tất thắng của chính nghĩa, chứ không chết trong tuyệt vọng, bế tắc. Cái đẹp của bi kịch trong hát bộ là ở đấy. Trong diễn biến của cuộc đấu tranh chống lại lực lượng gây ra bi kịch, có lúc, họ tạm thời chưa thắng nổi lực lượng phi nghĩa, và phải chịu đựng những nỗi đau khổ, những hy sinh lớn lao. Nghệ thuật hát bộ yêu cầu thể hiện con người chân thực, con người dũng cảm, nhưng không chỉ cứng rắn, mà là con người biết yêu thương, biết đau khổ.

Ở vở tuồng Sơn hậu, Khương Linh Tá quyết chết, ngăn chặn anh em họ Tạ phản nghịch, để bạn thân của mình là Đổng Kim Lân phò chúa lánh nạn, không hề nao núng khi làm nhiệm vụ, nhưng cũng rất đau khổ trước cái chết tự nguyện của mình.

Trong vở tuồng An trào kiếm, với tất cả cái đau đớn về tâm hồn và thể xác, Thủy lão thà tự móc cuống họng mình mà chết, chứ không đầu hàng kẻ địch.

Người nông dân già Tạ Ngọc Lân chịu đựng nỗi đau khổ to lớn, ôm con trai mình là Kim Hùng, cùng lăn vào lửa, vì hắn bất hiếu, bất trung, theo phe phản nghịch (vở tuồng Tam nữ đồ vương).

Trên sân khấu, để diễn đạt những tình huống như thế, không thể cất lên tiếng hát du dương, êm dịu, mà phải đẩy lên tiếng hát - thét, với giọng bi hùng xé lòng.

Tiếng hát, một yếu tố trong diễn xuất, không thể nằm ngoài mối quan hệ tất yếu giữa nội dung và hình thức. Các nhà chỉ đạo sân khấu hát bộ rất quan tâm với các quan niệm “vạn sự tùng văn giả xuất” (mọi việc đều từ văn mà ra, nghĩa là biểu diễn phải thể hiện nội dung của kịch bản) hoặc “bất dĩ từ hại ý” (không nên vì lời mà để hại cho ý) trong hành văn, trong ca xướng, có thể phá vỡ nhịp phách của giai điệu (đạp nhịp, buông lơi nhịp), tuy vẫn gắn bó với “phó sư trống chiến”, có thể hát lồng điệu, chen kẽ điệu, hát pha màu âm điệu, hát như lạc giọng, hát như “la hét” trong giai điệu, thích hợp với yêu cầu thể hiện tình cảm, diễn xuất. Nhằm thể hiện con người chân thực, đạt đến chân thực cảm, tiếng hát - thét xé lòng từ hơi gan, hơi ruột (tiếng nhà nghề nói là lối tạo màu âm) giọng điệu hát xướng phải bộc lộ cho được cái TINH (bản chất), cái KHÍ (cái cụ thể sinh động), cái THẦN (cái bên trong, tâm hồn).

Do sự quyết định của nghệ thuật biểu diễn của diễn viên sân khấu (chứ không phải của ca sĩ), tiếng hát - thét chưa phải là âm nhạc thuần túy, mà còn chịu sự chế ước của việc diễn đạt lời văn, ý thơ, và yếu tố ngữ khí(1) được chú trọng hơn là giai điệu.

Như thế, xem - nghe hát bộ, gặp những tình huống sân khấu mà diễn viên phải cất lên tiếng hát - thét, thì xin đừng lấy tiêu chuẩn “bel canto” giọng hát đẹp của thanh nhạc Châu Âu, hoặc giọng hát của diễn viên ca sĩ ôpêra (nghệ thuật âm nhạc) mà so sánh, đánh giá.

Trên sân khấu hát bộ, bên cạnh những nhân vật bi kịch, còn nhiều loại nhân vật trữ tình khác, như Triệu Tư Cung, Địch Thanh, Lục Vân Tiên... Tiếng hát của họ hiền hòa, mềm mại. Ngay cả nhân vật bi kịch như Tiết Cương, cũng có lúc, trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp, đã hát lên tâm sự của mình, với giai điệu mượt mà, giọng đẹp trong điệu nam bình với lời thơ thanh bình:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

gian nan là nợ anh hùng phải vay

Ở vở tuồng Ngũ Hổ, Lưu Khánh là nhân vật sôi nổi, nóng tính. Lúc nữ tướng Trại Ba ngăn cản chồng mình là Địch Thanh - chủ soái của Lưu Khánh -

đi đánh nước Liêu, để cứu mẹ mình bị bọn gian nịnh mưu hại, Lưu Khánh đã hát - thét với Trại Ba. Nhưng khi đang bay lơ lửng trên mây, ngắm nhìn cảnh đẹp của bầu trời, Lưu Khánh đã hát mềm mại, nhẹ nhàng điệu nam xuân:

Xông lướt chân trời nhè nhẹ

đoái cung thiềm, điện quế xa xa

Gấm thêu mấy thức yên hà,

Giang sơn một bức trời đà vẽ nên

Tổ tiên để lại cho chúng ta hát bộ - thể loại sân khấu thể hiện những con người bất khuất, kiên cường, bảo vệ chính nghĩa, luôn đấu tranh cho cái ngay thẳng đè bẹp cái gian tà, muốn diễn đạt lý tưởng về người anh hùng mang tính người - con người thật giữa cuộc đời, chứ không phải những dáng dấp trừu tượng về chủ nghĩa anh hùng. Tiếng hát ở hát bộ là tiếng hát bi kịch, chứ không phải tiếng hát, tiếng thét, tiếng quát của đời thường.

Làm quen, tìm hiểu, xem - nghe hát bộ, nhìn nhận hát xướng trong cái dạng của thể loại, cái đẹp là sự hài hòa, sự hoàn thiện của một vật trong cái dạng của nó, thì tiếng hát - thét, giọng hát xé lòng đã đạt đến cái đẹp sân khấu.

 

(1) Ngữ điệu biểu lộ thái độ, tình cảm, những biến đổi về độ cao của giọng khi nói, khi đọc, có liên quan đến cả một ngữ đoạn, và có thể dùng để biểu thị một số ý nghĩa bổ sung.

T.Đ.Q