Nhân vật hoạt hình - Trần Quang Minh

08.12.2015

Nhân vật hoạt hình - Trần Quang Minh

Nhân chuyện nhân vật Tintin và chó Milou được đúc thành tiền lưu hành ở Châu Âu, tôi thấy nhân vật hoạt hình, nếu được đi vào lòng quần chúng, sẽ trở thành thần tượng Văn hóa của mọi người, từ trẻ

đến già.

A - Điểm qua nhân vật hoạt hình ở vài nước

Ở Mỹ : Có chuột Mickey, có cả tuần báo Mickey, và là biểu tượng chính của Disneyland.

Ở Pháp : Ngoài Tintin và chó Milou, còn có Asrerix & Obelix, Spirou (cũng có tuần báo Spirou) cũng nổi tiếng không kém, và Xì Trum nữa…

Ở Thụy Điển :  Có Luke Luke

Ở Nhật Bản: Có Doremon, có Dragon Balls ...

Và ngoài ra, ở các nước khác, chắc cũng có những nhân vật rất riêng cho trẻ em của đất nước đó.

B - Nhìn lại nhân vật hoạt hình trong nước

Vào thập niên 60, có nhân vật Thằng Bờm của tuần báo Thằng Bờm, có Tám Sạc Ne của báo Dân Chúng, có Bé Ngôn Bé Luận của báo Ngôn Luận,

(2 nhân vật này theo tôi, có nhiều thuận lợi để trở thành nhân vật thân thương của trẻ em, kể cả người lớn, vì họa sĩ Văn Hiếu có nét vẽ rất hoạt hình, và cốt chuyện rất hấp dẫn ). Nhưng tất cả đều mai một, thật đáng tiếc, vì không ai tha thiết nuôi dưỡng ...

Hiện nay trong nước, có rất nhiều họa sĩ tài hoa, có nét vẽ rất duyên dáng, có tâm huyết, nhưng có lẽ vì lý do cơm áo, nên chưa hình thành được nhân vật riêng cho thiếu nhi Việt Nam .

Gần đây, có nhân vật Thần Đồng Đất Việt, đang đi vào lòng trẻ em, nhưng tạo hình nét mặt các nhân vật chưa dễ thương, nét vẽ chưa được sạch, hy vọng ban biên tập chăm chút hơn, đầu tư liên tục kịch bản thật tốt, song song đó, các giới hữu trách, quan tâm nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn, thì có thể, trong vài năm nữa, sẽ trở thành nhân vật thân thương cho trẻ em nước ta.

C - Một vài đề nghị

Nhân vật hoạt hình lý tưởng nên có truyền thuyết, xuyên suốt với lịch sử, và nhất là phải gần gũi với trẻ em.

Thập niên 70 có sinh viên Kiến Trúc là anh Phan Lạc Việt (đã mất), đã phác họa được nhiều nhân vật hội đủ các yếu tố trên.

1/ Có Truyền thuyết

Lấy từ truyền thuyết Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ, sinh ra 100 trứng, nhưng nở ra 101 con, hiện tượng sinh đôi có từ đó, nhưng vì quá dị thường, nên sử sách xưa đã giấu kín.

2/ Xuyên suốt với lịch sử

 Bà Âu Cơ, vì là Tiên, nên biết được nước ta sau này bị nhiều binh biến, bị các thế lực ngoại bang xâm lược, nên truyền dạy theo cách riêng cho đứa bé thứ 101 được trẻ mãi không già, và đi xuyên suốt lịch sử Việt Nam, gần gũi với trẻ em của mỗi giai đoạn, và tạo nên những nhân vật trẻ em huyền thoại hoặc giai thoại như: cậu bé ba tuổi, như đứa trẻ họ Đinh cờ lau tập trận, như thiếu niên Trần Quốc Toản... Sau khi các nhân vật hoàn thành câu chuyện lịch sử trở thành Phù Đổng Thiên Vương, thành Đinh Tiên Hoàng Đế,... cậu bé 101 này lại âm thầm tiếp tục ra đi, đến đâu trên dặm dài quê hương đều truyền dạy những phép thuật, binh pháp, nghề rèn, nghề dệt... cho những trẻ em Việt Nam.

3/ Gần gũi với trẻ em

Cốt chuyện luôn là hư cấu vui, ngộ nghĩnh, phát triển và sáng tạo dựa trên truyền thuyết có sẵn.

Thí dụ: Trong truyền thuyết Lạc Long Quân, Âu Cơ, có đứa bé rất mê Âm nhạc, lúc đó có nghệ sĩ Ve hát nhạc rock, rap rất giỏi, chinh phục hầu hết 100 bé.

Bé nhạc sĩ miệt mài tạo ra nhạc cụ, có âm thanh, với hy vọng tiếng đàn nói được tiếng lòng của bộ tộc Lạc Việt. Bé bị mọi người cười nhạo vì nhạc khí mới tạo, vì âm thanh quá kinh dị, trong khi đó, nghệ sĩ Ve càng được ưu ái. Quá buồn, bé nhạc sĩ vào rừng sâu lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng suối reo, tiếng chim hót ... lòng dạt dào cảm hứng, bé đã hòa điệu cùng đất trời, và khi chấm dứt bản nhạc, muông thú và... các anh em đang bàng hoàng thưởng thức tự lúc nào. Lúc bấy giờ Nghệ sĩ Ve hối hận với dòng nhạc kích động lai căng vọng ngoại của mình, đập gãy cây đàn, lấy bầu đàn làm mõ, lấy cần đàn làm dùi, mỗi năm, vào dịp Hè, nghệ sĩ Ve đều tụng kinh sám hối với giọng vè vè buồn bã, và tên Ve Sầu có từ đó…

D - Khả năng biến tấu

Mỗi câu chuyện dài, có thể biến tấu, tùy theo nhu cầu trẻ em thích thú.

Thí dụ : Cũng trong truyện Lạc Long Quân, ta có thể biến tấu thành nhiều truyện quanh quẩn với 50 bé trai và 50 bé gái, thỉnh thoảng còn xuất hiện cậu bé 101, giống như những mẩu truyện của Xì Trum.

Có thể có những truyện tranh ngắn về phá án, xưa thì như Bao Công thời trẻ, nay thì như Thám tử Conan. Có những truyện tranh phiêu lưu mạo hiểm tại những địa  phương nhiều thắng cảnh và phong tục, qua đó ta có thể thông tin và truyền bá phong tục tập quán nước ta, như Tintin mạo hiểm qua Tây Tạng...

Có thể nhân vật đó xuất hiện mỗi ngày trên nhật báo với chuyện vui hằng ngày, như bé Ngôn bé Luận ngày xưa, xin đừng câu nệ nhân vật phải dính liền tên báo, chúng ta hãy vì trẻ em Việt Nam.

E - Vài đề nghị nhân về tạo hình nhân vật:

Hoạt hình em bé Việt:

1. Đầu to mình nhỏ: Thông minh như người hành tinh

2. Trán vồ, mũi xẹp: Hiền mà lanh lợi, nhiều cá tính

3. Tóc 3 vá : Kiểu tóc của trẻ em xa xưa.

4. Dáng tròn trịa: Không mập, nhưng chắc da chắc thịt để có sức khoẻ tốt

5. Ngón cái to : Hình ảnh của chân Giao Chỉ, do đó trong truyện nên tạo cơ hội để bé có dịp đi chân đất khoe bàn chân dễ thương của mình.

6. Y phục: Ăn mặc dân gian theo giai đoạn lịch sử, thông thường là bộ bà ba

Thay lời kết

Trẻ em trên thế giới rất mê tranh truyện, do đó rất cần có nhân vật truyện tranh để say mê.

Chúng ta chưa có, bây giờ nên có và phải có, đừng để trẻ em Việt Nam chỉ say mê Đoremon, thần tượng Lucky Luke, thích thú Tintin...

Chúng ta nhất định xây dựng nhân vật tranh truyện để trẻ em ta thần tượng và xa hơn nữa trẻ em thế giới cũng phải say mê.

T.Q.M