... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh Lan

06.07.2017

... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh Lan

Đọc tập thơ Lặng của Nguyễn Lương Hiệu, NXB Trẻ - 2016

TRÚC LINH LAN

...Buồn vui, hờn giận tương phùng

Cầm tay nhau đến tận cùng đầy vơi...

 

               Bạn bè là bạn bè ơi!

(Lời ru bạn bè - Nguyễn Lương Hiệu)

bạn bè là bạn bè ơi!”, chính câu thơ này đã thôi thúc tôi từ Cần Thơ lên TP. Hồ Chí Minh dự buổi giới thiệu tập thơ “Lặng” của Nhà thơ Nguyễn Lương Hiệu (diễn ra cùng triển lãm ảnh Sống động những dòng kênh của Nguyễn Lương Hiệu tại đường sách TP.HCM vào ngày 13/12/2016). Tình cảm bạn bè của người làm thơ, yêu thơ, trở nên gần gũi, dù chỉ biết tên nhau qua trang báo, qua những bài thơ đọc thật tình cờ. Tôi biết Hiệu như vậy đó. Rất cảm động khi một lần ghé qua Cần Thơ anh đã đến tận nhà gửi tặng tập thơ LẶNG. Trong cuộc sống cơm, áo, gạo tiền đa đoan tất bật này, “Lặng” của Hiệu là một nốt nhạc ngừng trong một bản nhạc cuộc sống của chính bản thân nhà thơ. Tôi có đọc đâu đó ai đã viết thế này: “...Dù muốn dù không, sẽ có một lần trong đời bạn, bạn cảm thấy cô đơn và dường như mọi thứ đang đóng băng lại. Đó là lúc “dấu lặng” trong khuôn nhạc cuộc sống bạn đã được bắt đầu ngân lên...” Lặng của Nguyễn Lương Hiệu là một nốt nhạc ngừng. Lặng để nhà thơ lắng nghe, để nhìn ngắm cuộc đời, nhìn lại mình để cảm nhận, để bao dung, để tha thứ và tin yêu cuộc sống này hơn. Trong góc khuất của phận người, của cảnh vật Hiệu ghi vào ảnh, trong thơ cũng vậy. Trong “Lặng” Hiệu đã dành một góc ký ức để anh nhìn lại thật lặng lẽ, thật thấu đáo và đầy yêu thương. Tôi thấy hai nốt lặng trong cùng một tập thơ Nguyễn Lương Hiệu đã bộc lộ niềm hân hoan tràn đầy cảm xúc: “Yêu được sống sợi nắng vàng lồng lộng/ Sống được yêu sống là yêu ta yêu”.

Nốt lặng thứ nhất ngân lên trong khuôn nhạc mà cuộc sống chứa đầy hình ảnh những người thân yêu trong lúc anh “hoảng hốt trở mình”... “bằng sự linh thiêng quá khứ dội về...”: “...Mẹ tôi gánh ban trưa băng qua cánh đồng ngược gió. Người cha ốm như tôi hôm nay. Mò mẫm cầm nụ mầm trên triền đất trung du thẫn thờ ngồi chờ ngày nẩy lộc...”

Quá khứ như một tấm ảnh chụp rất rõ nét nụ cười tuổi thơ anh thật hạnh phúc: “...Có đàn chim tự nhiên bay ngang hót ríu ran/ trong cánh đồng trống/ Tôi, đứa trẻ vô tư nhặt nhạnh tiếng chim/ Bỏ đầy túi áo/Về nhà rũ ra vô số những nụ cười/Có nụ cười mẹ tôi trong gánh gió/Có nụ cười cha tôi trong dáng ngoài...”. Đọc những câu thơ đầy hình ảnh, đầy âm thanh của Hiệu gợi lại cho chúng ta bóng dáng một cậu bé thật hồn nhiên, vô tư trong sáng.Và cũng từ trong ký ức đó đã “Dệt vào tôi tiếng chim ríu rít lồng lộng gió xanh”. Ký ức theo nhà thơ đi suốt chặng đường mưu sinh:

“...Từ trong gánh gió mẹ tôi rực rỡ

Tôi làm hành trang dấn thân cuộc đời

Từ trong dáng ngồi cha tôi linh thiêng

Tôi mang theo mưu sinh cuộc sống”

(Ngày thanh tân)

Khoảng lặng của Nguyễn Lương Hiệu có trải nghiệm, có suy tưởng nhưng bạn yêu thơ không thấy một chút bi lụy nào. Trong bài thơ “Thời gian tình nghĩa”: “Chúng ta đã tiêu pha tuổi thanh xuân/ bằng những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh/ Có cuộc mưu sinh quá đớn đau (hay hạnh phúc)”. Hay trong bài “Khởi động tuổi sáu mươi” anh hóm hỉnh viết:“Tôi khởi động tuổi 60 của mình bằng hành trình đi ngược/Tôi sửa soạn lòng mình chào đón tương lai”. Có người lo sợ tuổi già, đau ốm bệnh tật, sợ mất đi nét thanh xuân tươi đẹp, sợ bị bỏ quên, sợ cô đơn và nhiều cái sợ khác bủa vây. Nhà thơ chúng ta không vội vã vì chính anh biết tuần hoàn của cuộc sống, của đời người có ai vượt qua được ải sinh, lão, bệnh tử... Anh biến hóa cuộc sống mình: “...Niềm hoan lạc dẫn ta tung tăng/Ngày thành phố tay gỡ dấu chân bùn đất/Mảng phù sa dát ngọc trái tim mình”. Hãy cùng Hiệu trải nghiệm “Bảy buổi sáng của tuổi 60”. Ta sẽ bắt gặp mình trong đó, một mình cô đơn giữa vội vã bao người “Một mình ngồi với rất đông/Rất nhiều tiếng nói mà không thấy người” (Sáng thứ sáu).

Nốt lặng thứ hai, theo cảm nhận riêng tôi là một nốt lặng thành công nhất. Bởi vì Hiệu đã dành tất cả tâm huyết, tài hoa từ cuộc sống đớn đau, sướng khổ, có cả tiếng cười và những giọt nước mắt để chụp thật sắc nét chân dung một con người: “Một nửa mặt người tất cả giống nhau/ Một nửa kia khác nhau do dòng máu”. Thú vị đây, có bao nhiêu người nhận ra điều này khi chính nhà thơ cũng hoài nghi: “Mỗi buổi sáng tôi nhìn tôi đau đáu/ Tôi có vẹn nguyên khuôn mặt một con người?” (Một nửa mặt người). Tôi ấn tượng với bài thơ “Những người trong chai”. Trong chúng ta ít nhất một lần dừng chân trước những hình ảnh này, có thể vì tò mò, thương hại... Nhưng trong ánh mắt nhà thơ ta thấy một tần số giao thoa mãnh liệt với số phận người: “Khi nhìn, không biết họ bao nhiêu tuổi/ Khi thấy, tôi biết họ chưa cất tiếng khóc chào đời đã chết”. Cách sử dụng từ gần nghĩa “nhìn”, “thấy” tạo cho tứ thơ mang một chiều sâu đa nghĩa để nhà thơ đúc kết một điều: “...tôi biết có rất nhiều người mẹ gục đầu quay mặt không dám nhìn con” “những người con trong chai đặt trong Bảo tàng”. Tôi thích những câu thơ này của Nguyễn Lương Hiệu, nó rất đậm tình người “Em không mơ ước được nhìn thấy/ vì đó là điều không thể/ Em chỉ mơ ước được mọi người nhìn thấy em”... “Lòng giật mình khi nghe người khiếm thị nói vậy/Rào cản đôi khi không từ đôi mắt người khiếm thị/mà từ cách nhìn của người sáng mắt” (Tôi mắt sáng). Trong “Ly cà phê ngước nhìn” nhà thơ ngẫu nhiên đi sau một đám tang “Tôi thành người đưa tiễn/ Một người vừa khép lại cuộc đời”. Có lẽ cuộc sống quá bận rộn, đám tang diễn ra hằng ngày, nó trở thành hiển nhiên thì sự thờ ơ cũng là chuyện bình thường, đâu phải ai cũng như nhà thơ ngẫm nghĩ: “Cõi người trăm năm/ Nụ cười rồi xuôi tay/Lo toan rồi nhắm mắt”. Bài thơ “Thơ người không biết uống rượu” cũng là một bài thơ có những tứ thơ độc đáo, nếu chỉ nói “tôi buồn đi uống rượu giải sầu, tỉnh rượu tôi sầu hơn khi uống”. Ừ bình thường, nhưng Hiệu thú vị ở chỗ “Tôi thấy nhân gian những điều không cần thấy/ và tôi thấy tôi tỉnh rượu, say mình”. Tác giả lý giải điều này bằng những câu thơ mang tính triết lý rất tình người.

Khép lại trang thơ cuối cùng khi ngoài kia gió bấc tràn về, cái lạnh ùa qua song cửa, tôi thấy lòng ấm áp bởi những vần thơ ấm áp tình người. Nhà thơ đã cho tôi những khoảng “Lặng” thật tuyệt vời. Tôi mượn mấy câu thơ rất Nguyễn Lương Hiệu để kết thúc bài viết này:

Đến Sài Gòn tất bật cuộc mưu sinh

Cuộc sống mới bao tấm lòng

trầm tích             

Nhưng cái giọng Quảng Nam

cũ rà cũ rích

Tôi mang trong lòng nặng trịch

nghĩa nhân.

(Giọng nói Quảng Nam)

T.L.L

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt