Non Nước Tràng An - Văn Khoa

06.07.2017

Non Nước Tràng An - Văn Khoa

1. Tràng An được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” thuộc địa bàn huyện Hoa Lư và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Toàn cảnh khu sinh thái là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng, soi bóng xuống dòng sông nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, thung lũng hoang sơ, kỳ bí, đẹp đến lạ thường.

Được công nhận di sản thế giới từ năm 2014, Tràng An là một quần thể núi đá vôi, có diện tích khoảng 12.000 ha với 48 hang động với tuổi địa chất lên đến khoảng 250 triệu năm, tạo thành một khu danh thắng kỳ vĩ nổi tiếng

của Việt Nam, niềm cảm hứng của Hollywood trong bộ phim Kong: Skull Island.

Ðiều kỳ diệu ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các hang động xuyên thủy, nước chảy thông từ khe núi này qua khe núi kia, tạo hành trình khép kín, không cần phải quay ngược lại. Quần thể hang động này được xem như một trận đồ bát quái, thế trận liên hoàn giữa mây, trời, non, nước, thoắt ẩn, thoắt hiện.

Dòng Sào Khê kéo dài khoảng

14 km uốn lượn quanh những dãy núi đá vôi, chảy qua các rừng nguyên sinh với trên 300 loài thực vật, đa dạng các loài rêu, tảo, nấm, dược liệu và nhiều loại gỗ quý. Về động vật, nơi đây có hơn 300 loài thú, 50 loài chim. Trong đó, Phượng hoàng đất được xem là loại động vật cực kỳ quý hiếm.

Bến đò Áng Mương, nơi xuất phát cuộc hành trình, có chừng 2.000 chiếc thuyền. Một điều đặc biệt, những chiếc thuyền này đều có xốp ở 2 đầu. Khi bị lật, thuyền không chìm, mặc nhiên trở thành phao cứu sinh cho những người đi trên thuyền. Người hướng dẫn viên giải thích cặn kẽ như vậy cho chúng tôi yên tâm khi bước lên thuyền.

Hiền, một phụ nữ có đôi mắt buồn, tâm sự: “Em làm việc ở đây nhiều năm. Do  không có nghề nghiệp ổn định nên em theo bạn ra bến chèo đò thuê mưu sinh”. Với dáng người khắc khổ, nước da nâu đen, cô kể rằng, công việc bắt đầu từ sáng sớm cho tới khuya. Mỗi chuyến đò, chèo cật lực, họ cũng chỉ kiếm 150 nghìn tiền công. Ngồi bên cạnh, tay cầm chiếc nón lá, chị Đinh Thị Thu (50 tuổi), quê xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, than thở: “Mấy hôm nay ế quá, chị em chúng tôi chờ từ sáng tới giờ mà vẫn chưa tới lượt, ngày mai lại cơm đùm, cơm nắm ra bến chờ tiếp nữa rồi”.

Cô hướng dẫn viên, quê Hoa Lư, ái ngại chia sẻ, những tháng ít khách, để được ra bến ngồi chờ đến lượt chở khách như chị Hiền, Thu phải đợi cả tuần. Bến thuyền hiện có gần 2.000 chiếc đò với hơn 1.500 phụ nữ lái đò mưu sinh. Để phù hợp và công bằng, phía công ty quản lý đã chia đều các phiên, hết người này mới đến lượt người khác. Những người vào nghề đều phải thi tuyển, được cấp giấy chứng nhận (bằng lái) mới được chèo đò đưa khách. Nghề lái đò chở khách của những phụ nữ kể ra cũng nhiều nỗi niềm, mỗi người một phận đời, trôi nổi như những con đò trên sông nước Tràng An.

Đưa chúng tôi lên thuyền là một người phụ nữ có nước da bánh mật, người khỏe chắc. Chị tên là Lê Thị Mơ, người làng Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư. Khi hỏi đến cuộc sống của những người chèo đò, chị tươi cười, niềm vui nhất đối với những người chèo đò là những ngày đông khách. Khách đông, thay phiên nhanh, có thêm thu nhập chăm lo cho gia đình. Khách ế, chẳng biết lấy tiền đâu để nuôi con. Chị tâm sự, công chèo đò chẳng được bao nhiêu, những tháng ít khách, mỗi người chỉ nhận được dăm ba triệu nhưng 3 đến 4 tháng sau mới nhận. Nghề này cũng nhiều may rủi, gặp khách cảm thương cho hoàn cảnh, cho thêm ít đồng uống cốc nước, chị em mừng lắm, để dành, chẳng dám tiêu.

2.

Rời bến đò Áng Mương, theo dòng Sào Khê, chúng tôi trôi giữa một vùng sông nước mênh mông. Bình minh ló dạng, những tia nắng ban mai xuyên qua từng hang động, lung linh trên những tán lá còn đọng sương đêm. Tràng An đẹp như tranh vẽ. Những con le le bơi lặn trước mũi thuyền như đùa nghịch với du khách. Thỉnh thoảng, một đàn chép vàng quẫy đuôi, tung tăng giữa một vùng hoa súng. Nước trong vắt khiến chúng ta có cảm giác, chỉ cần với tay xuống, có thể vớt được những con cá dễ như trong hồ kiểng.

 Chưa đầy 30 phút, chúng tôi tới đền Trình (còn gọi là miếu Trình). Đền xây dựng vào năm 1865, được trùng tu năm 2003, nằm dưới chân núi theo thế “Ỷ sơn, diện thủy”. Trải qua bao phong sương, mưa nắng, biến đổi của lịch sử, thời gian, đền đã được trùng tu và sửa chữa khang trang, to đẹp hơn. Đền được xây dựng theo hình chữ đinh, trong chính cung điện thờ Tứ trụ triều đình nhà Đinh (bốn công thần khai quốc): Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ và Trịnh Tú. Đây là bốn vị công thần cùng với vua Đinh Tiên Hoàng, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nước Đại Cồ Việt. Phần tiền đường thờ hai vị quan trung thần nhà Đinh tước hiệu là Tả Thanh Trù giám sát Đại tướng quân và Hữu Thanh Trù giám sát Đại tướng quân, người cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu ấu chúa Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư gồm 3 vòng thành liền nhau, thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp đồng bằng, nơi bố trí cung điện nên được gọi là thành ngoại. Thành Tây nằm ở bên trong, giáp vùng núi non, nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần nên được gọi là thành nội. Thành Nam rộng hơn, vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành hiện được gọi là Tràng An. Với đặc thù địa hình như vậy, kinh đô Hoa Lư được ví như kinh đô đá với đặc điểm, núi là thành, sông là đường và hang động là cung điện.

Tương truyền, vua Đinh muốn khẳng định, kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc viết câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nước Cồ Việt ngang với nhà Tống đời Khai Bảo - Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán). Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Kể từ đó, danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư - Ninh Bình.

Việc phát lộ hệ thống hang động Tràng An trong lòng đất dần hé mở ra quyết định lập đô của vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư vào thời kỳ đầu của một Nhà nước phong kiến tập quyền. Đó cũng là một căn cứ quan trọng để nhà vua khẳng định độc lập chủ quyền của dân tộc dựa trên cơ sở sức mạnh của toàn dân. Điều này thể hiện bởi sự tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, biến các dãy núi đá vôi làm thành quách để giảm sức người và của. Địa hình Tràng An là gạch nối giữa Hoa Lư và Thăng Long trong việc hồi tưởng những diễn biến lịch sử đã diễn ra ở cố đô Hoa Lư, kế tục tại kinh thành Thăng Long cho đến Hà Nội sau này.

Khi nạo vét ở các hang động, các nhà khoa học phát hiện được nhiều di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định đó cũng là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Tràng An đồng thời cũng là kinh đô kháng chiến chống Nguyên Mông của triều đại nhà Trần.

Ra khỏi đền Trình, tôi tiếp tục chuyến hành trình đến hang Địa Linh (đá nở hoa), tên cũ gọi là hang Châu Báu. Hang dài 1.500m, thông sang thung lũng đền Trần. Hang có nhiều lối rẽ, hiện chỉ khai thác một phần. Vào sâu trong hang, người ta thấy có những chỗ rộng, bằng phẳng nhưng có những nơi rất hẹp, bề ngang chỉ chừng 3m. Hang có nhũ đá đẹp. Hiếm nơi nào có dáng vẻ lộng lẫy như hang Địa Linh. Khi vào hang, du khách có cảm giác như lạc vào kho châu báu hóa thạch. Do mới khai thác nên nhũ đá còn nguyên vẹn, trắng phau, đẹp lung linh như kim cương, lóng lánh. Tất cả tạo ra một vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng đúng như tên gọi của nó là Địa Linh.

Qua khỏi hang Địa Linh, du khách tiếp tục tới hang Tối. Trong hang rất tối, phải mang theo đèn pin mới xem được hang. Hang dài 315m, trong hang có rất nhiều nhũ đá với các hình thù khác nhau. Nhiệt độ trong hang này thường cao hơn bên ngoài từ 2 - 3 độ C vì giữa lòng hang có một mạch nước nóng. Tiếp theo hang Tối, khách thăm hang Sáng. Hang này ngắn, chỉ chừng 100m, do vậy trong hang luôn nhận được ánh sáng từ hai cửa hang tràn vào.

Hang Nấu Rượu nguyên bản có những nhũ đá rất đẹp, dài khoảng 250m. Do cửa hang quá chật, muốn qua hang để sang đền Trần, người ta phải làm cho cửa hang rộng ra nên cũng phần nào làm mất cảnh quan. Trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15m, nước rất trong và mát. Tương truyền, trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, nối ra khu vực Cố đô Hoa Lư. Xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước nấu rượu tiến vua, trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học, các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều bình gốm, hũ, vại, và các dụng cụ để nấu rượu nên hang này gọi là hang Nấu Rượu. Ra khỏi hang nấu rượu, chiếc thuyền nan luồn lách vào các hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương, hang Trần và cuối cùng là hang Quy Hậu.

Nếu chưa từng tham quan các thủy động trước đây, bạn sẽ đầy ắp cảm xúc kỳ lạ khi con thuyền nhỏ tiến vào cửa hang sâu hun hút, tưởng chừng như vô tận. Hệ thống hang động ở Tràng An tuy không rực rỡ, tráng lệ và kỳ ảo với các rừng măng đá, nhũ đá nhưng các hang hết sức đa dạng, muôn hình muôn vẻ, mỗi hang mang một sắc thái riêng.

3.

Len lỏi bằng thuyền qua hang Sáng, hang Tối, leo bộ lên hàng trăm bậc đá quanh co, tôi tìm đến một ngôi đền cổ xưa nằm giữa thung lũng hoang vu của núi rừng.

Đền Nội Lâm (còn gọi là đền Trần) được làm bằng đá xanh nguyên khối với nhiều hoa văn chạm nổi. Nằm giữa một khe nhỏ, phía trái của sân đền có mỏm đá cao khoảng 250m án ngữ ngay sát lối đi lên di tích.

Một cụ già, người Ninh Bình, kể với tôi, đền do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng ở Phú Thọ. Đây là ngôi đền thờ Quý Minh Đại Vương. Theo ngọc phả hiện đang lưu giữ tại đền Cả, Quý Minh là một trong ba anh em, đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18. Họ được phong thánh gồm Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.

Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa ngoài (tiền bái) gồm 3 gian, 2 dĩ, quy mô nhỏ. Gian giữa rộng nhất, mái tòa cuốn vòm bằng bê tông, nhưng bên trong lại dùng các phiến đá xanh để lát trần. Chính giữa nóc của mái trang trí hình hổ phù, hai bên có rồng chầu. Hai cột trụ xây liền với hai tường bên, phía trên trang trí hình hai con nghê. Tòa tiền bái để trống, không có cửa nhưng có hai hàng cột đá bằng đá xanh nguyên khối. Hàng thứ nhất gồm 4 cột, mặt ngoài chạm trổ long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử, hoa lá cách điệu và  hai đôi câu đối. Hàng thứ hai ngoài cùng chạm trỗ hình độc long chầu và hai câu đối. Nét chạm khắc bay bổng, có tính thẩm mỹ cao. Tòa Hậu cung có bàn thờ bằng đá xanh nguyên khối tam cấp. Bên trên có hai long cung, bên trong có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân của ngài là Minh Hoa Công Chúa. Trong cùng tòa hậu cung có 4 hàng cột đá, chân tảng, thắt cổ bồng, hình hoa sen. Bức tượng Quý Minh Đại Vương được tạc ở tư thế ngồi trên bệ, mắt nhìn thẳng, chân chữ ngũ, đầu đội mũ quan, tay phải cầm chùy, tay trái nắm chặt để trên đùi. Tượng của Minh Hoa Công Chúa tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng, tay phải cầm quạt để ngang bụng, tay trái úp xuống đặt trên đầu gối. Phía bên phải của đền có một bệ lộ thiên thờ Mẫu Thượng Thiên Thượng Ngàn.

Vũ Lâm là nơi xuất gia tu Phật đầu tiên của đức Phật hoàng Trần Nhân tông. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294), thượng hoàng đến Vũ Lâm vào chơi hang đá, cửa núi đá hẹp, ngài ngự chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ thái hậu ngồi đằng đuôi thuyền. Mùa hạ, tháng 6, thượng hoàng về kinh sư, rồi xuất gia tại đây. Trong bài thơ Vũ Lâm thu văn (chiều thu ở Vũ Lâm). Ngài viết:

“Lòng khe in ngược bóng cầu treo

Hắt sang bờ khe vệt nắng tà

Lặng lẽ ngìn non, rơi lá đỏ

Mây giăng như mộng tiếng chuông xa”.

4.

Xuyên qua 13 hang động kỳ bí, thuyền dừng lại trước Phủ Khống.

Tôi như hút hồn vào lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc cùng những câu chuyện ly kỳ về cây thị có một ngàn năm tuổi, chứng nhân của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Phủ Khống được xây dựng theo hình chữ Đinh, nằm gần Hang Khống, hướng về thung Khống. Đây là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh, hiệu vị là Đinh Công tiết chế. Theo truyền thuyết, khi vua Đinh và con trai trưởng Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế lúc 6 tuổi. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn. Tuy nhiên, một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đem quân chống lại Lê Hoàn. Riêng Đinh Công tiết chế bị giam lỏng tại Phủ Khống. Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt, sát hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Người dân thương tiếc lập đền thờ ngài ngay tại khu vực này.

Chữ “Khống” tại khu vực này chính là sự bí ẩn về vị trí lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng cho tới tận ngày nay. Chuyện xưa viết rằng, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trung nghĩa trong triều đình đã đúc 100 cỗ quan tài bằng đồng khâm liệm thi hài vua. Họ mang 100 quan tài chôn theo các hướng khác nhau. Sau đó, những vị quan này cùng nhau uống chung ly rượu độc tuẫn tiết, mang theo bí mật ngôi mộ thật của vua Đinh Tiên Hoàng về thế giới bên kia. Đinh Công tiết chế vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng tại đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần.

Thời gian trôi đi, do già cỗi, bão táp, cây thị bị gãy, chết. Ngay dưới gốc cây này mọc lên một cây thị con. Rễ cây sần sùi, bám chặt vào đá khiến cho cây luôn vững chắc. Trải qua hàng nghìn năm cây vẫn phát triển mạnh mẽ như một biểu tượng của sự trường tồn, trung thành bên Phủ Khống như 7 vị quan trung thần với vua Đinh.

Nhìn từ xa, cây thị khép tán giống hình con voi soi bóng xuống mặt hồ và bao trùm Phủ Khống cổ kính. Cây thị với niên đại nghìn năm tuổi,  cành lá rậm rịt che phủ một vùng, mọc trên một gò đá. Rễ cây cuồn cuộn vươn nhánh che bóng mát toàn bộ Phủ Khống. Cây thị thuộc hàng đại thọ xanh tốt, um tùm, sum suê hoa lá. Sự cổ thụ của cây thể hiện rõ ở bộ rễ xù xì, chai sạn oằn lên mặt đất với những đường cong, hình thù kỳ dị.

Hằng năm, mỗi độ thu về, mùi hương thị chín thơm nức cả một vùng không gian rộng lớn. Quả thị mơn mởn khắp cành, đặc biệt không có quả nào bị sâu bọ. Cây thị cho ra 2 loại quả khác nhau (dẹt và tròn), khi chín có màu vàng, mọng nước, đường kính khoảng 3–6cm, chia thành 6 đến 8 “múi”. Bởi thế, người dân nơi đây có câu: “Thị tròn để thờ Trời Phật, thị dẹt để thờ thánh thần”. Những năm gần đây, cây luôn xanh tốt, đặc biệt vào khoảng trung tuần tháng 8, đúng ngày giỗ vua Đinh Tiên Hoàng, cây thị ra nhiều quả khiến nhiều du khách đến tham quan vô cùng thích thú. Tuy nhiên, đến nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa có ai lý giải được điều kỳ bí này.

Người trông coi Phủ Khống cho biết, cây thị gắn với lịch sử của triều Đinh nên rất linh thiêng, người dân và du khách thường xuyên cúng bái và cầu nguyện. Cách đây khoảng 300 năm, có một vị quan đánh trận đi ngang qua. Đột nhiên, ông bị đau bụng dữ dội. Dân làng chữa cách gì cũng không thuyên giảm. Ông quan dần kiệt sức. Bỗng bên tai ông văng vẳng tiếng nói: “Lấy thị chữa bệnh”. Ông gắng sức vào Phủ Khống cúi lạy, cầu xin một quả thị. Sau khi ăn hết một quả dẹt và một quả tròn, bệnh tình bỗng biến mất. Hôm sau ông phục hồi và tiếp tục đi đánh trận trước niềm hân hoan của dân làng. Một câu chuyện khác được người dân vùng này lưu truyền về sự linh thiêng của cây thị. 5 năm trước, một gia đình có cậu con trai 7 tuổi đột nhiên phát bệnh. Cậu bé luôn hốt hoảng, khóc lóc, vật vã suốt ngày đêm, dỗ mãi không chịu nín. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh chẳng thuyên giảm. Nghĩ rằng, ở Phủ Khống có cây thị giúp giảm căng thẳng thần kinh, gia đình đưa cậu bé đến đây làm lễ khấn cầu, xin vài quả thị về đặt trên bàn, gần nơi bé nằm. Cứ vài ngày, gia đình lại lên Phủ xin thị về thay thế. Cứ thế, sau sáu tháng, không biết do “linh vật” hay ngẫu nhiên, bệnh tình thuyên giảm, cậu bé dần dần vui vẻ, hoạt bát và không còn khóc thét vì sợ hãi.

Ra khỏi Phủ Khống, cô lái đò, vừa chèo thuyền, vừa kể chuyện, cây thị không chỉ đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành báu vật của người dân Tràng An. Cây vừa là chứng nhân lịch sử, điểm tựa về tinh thần cho cả cộng đồng, vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành. Người dân coi cây thị ngàn tuổi như “báu vật”, che chở và phù hộ cho dân làng. Người nào muốn thưởng thức phải mang lễ, thắp hương, khấn vái Phủ Khống mới được hái, nếu tự ý động chạm đến “cụ thị” hậu quả khó lường.

Bóng chiều nghiêng dần trên những đỉnh núi. Chuyến đò cuối cùng đã neo bến. Lưu luyến chia tay những người chèo thuyền, tôi trở về Hà Nội. Những hang động huyền bí, trầm mặc ngàn năm, mờ dần trong khói sương. Tiếng chuông chùa thong thả ngân vang, giọng hò của cô lái đò vang vọng, chơi vơi giữa một vùng non nước mênh mông như níu kéo lòng người lữ khách: 

“Hò ơ...

Ai là con cháu Rồng Tiên

Tháng hai mở hội Trường Yên thì về

Về thăm đô cũ Đinh - Lê

Non xanh, nước biếc bốn bề như tranh...”

V.K

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt