Nhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang

06.07.2017

Nhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang

Nhạc sĩ Chu Minh thành đạt trong cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Ông cũng là nhà sư phạm có công lớn, đã đào tạo cho nền âm nhạc đất nước nhiều thế hệ nhạc sĩ mà nay đã trở thành những nhà soạn nhạc nổi tiếng.

Ông được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư (1984) và tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001).

Năm nay, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật.

Tên khai sinh của ông là Triệu Đạt Hiền, sinh ngày 5/01/1931 (năm Tân Mùi), tại Hà Nội, trong một gia đình công chức.

Từ bé ông đã bộc lộ năng khiếu và niềm say mê học kiến thức lý thuyết âm nhạc, năm 1942, học đàn viôlông.

Sau Tháng tám 1945, tham gia cách mạng và đi kháng chiến, công tác võ trang tuyên truyền.

Khi bắt đầu sáng tác, nhạc sĩ lấy bút danh Chu Minh, với các ca khúc: Việt Trung Xô, Chiến thắng biên giới (1950), Hoa sen (1951), Ta yêu Cụ Hồ (1952), phổ biến trong vùng kháng chiến. Từ 1952 - 1960, ông là một trong bảy người đầu tiên thành lập Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, ông tiếp tục viết: Ánh lửa tình yêu (1954), Lúa hợp tác (1957), Lớp công nhân (1957), Ngợi ca (1959). Từ 1961 - 1965, Chu Minh đi học bậc đại học sáng tác tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm với thể loại và hình thức khác nhau. Có thể nhắc đến Liên ca khúc phổ từ 6 bài thơ ở Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch và tổ khúc giao hưởng Miền Nam tuyến đầu.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở về Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), dạy sáng tác. Có thời gian làm Chủ nhiệm Khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tên tuổi của ông nổi bật qua những ca khúc như: Đường đi trăm nẻo, Cánh sóng ơi, hãy cùng ta thức, Lời ca mở tuyến, Người là niềm tin tất thắng, Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! (phổ thơ của Hoàng Trung Thông), Màu xanh ánh mắt yêu thương, Nụ cười tia nắng, Ru lời tôi ru ngàn năm không lời...

Tính trữ tình trong ca khúc của Chu Minh đa dạng, phong phú. Có bài mang phong cách trữ tình, trang nghiêm, tha thiết, ngâm ngợi (ở Người là niềm tin tất thắng).

Có bài mang tính chất trữ tình nội tâm, suy tư, day dứt (ở Biển của anh, biển của em). Có bài thể hiện tính trữ tình, hoành tráng, ngợi ca (ở Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!).

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung “Có thể khẳng định ca khúc của Chu Minh đã đánh dấu những chặng đường lao động sáng tạo của ông và góp phần vào những thành tựu của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX, trong lĩnh vực thanh nhạc. Hai bài Người là niềm tin tất thắng và Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! đã và sẽ sống mãi với thời gian”1.

Ông là một trong những tác giả viết khí nhạc nổi tiếng trong thế kỷ XX với những tác phẩm như: Tổ khúc Khăn quàng đỏ cho piano (1980), Concerto piano và dàn nhạc giao hưởng Tuổi trẻ (1986), Giao hưởng 1 chương Ngã ba Đồng Lộc (1989), Tam tấu dây (1996) và hai tác phẩm viết cùng Trần Quý cho dàn nhạc dân tộc - Ouverture thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố trẻ - Dáng đứng Việt Nam (1998)...

Ông còn viết nhạc múa Trừ Văn Thố (1996), Lũy hoa (1967), nhạc cho 20 bộ phim truyện, tài liệu; ca kịch Tiếng ru 1 màn, 3 cảnh (1971) là đề tài về công nhân mỏ than.

Nhạc sĩ Chu Minh còn viết giao hưởng rất thành công. Bản Tổ khúc giao hưởng Miền Nam tuyến đầu hoàn thành năm 1963, và công diễn lần đầu cùng năm, tại Nhạc viện Bắc Kinh. Tác phẩm được phát trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, được Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội biểu diễn. Năm 1987, tại Nôvôxibiêc, Dàn nhạc giao hưởng của thành phố trình diễn tác phẩm này, dưới sự chỉ huy của NSND Trần Quý. Tác phẩm được đưa vào giáo trình của ngành Chỉ huy giao hưởng Nhạc viện Hà Nội. Bản Concerto Tuổi trẻ cho piano và dàn nhạc hoàn thành năm 1986, chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, và chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Với các tác phẩm khí nhạc, Chu Minh đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các thể loại, hình thức âm nhạc phương Tây, trên chất liệu ngôn ngữ âm nhạc dân tộc sao cho hòa hợp với hình tượng âm nhạc, và sự phát triển các hình tượng ấy.

Sự thành công trong ca khúc, khí nhạc, và trong điện ảnh, sân khấu của Chu Minh, có sự tác động qua lại của cả sự nghiệp đào tạo của mình. Luôn tìm tòi, tiếp thụ những phong cách sáng tạo của thế giới, để nâng cao trình độ giảng dạy, giúp học sinh mở rộng tầm nhìn, noi gương thầy, luôn tự đòi hỏi sáng tạo trong tác phẩm.

T.Đ.Q

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt