Buổi chiều có thể - Nguyễn Đạt

06.07.2017

Buổi chiều có thể - Nguyễn Đạt

Tòa dinh thự có bờ tường xây thấp, chắn song sắt ngang dọc trên cao, chạy dài suốt đoạn đường, cổng mở ra ngã tư. Anh đã chọn một chỗ ngồi ở quán cà-phê góc ngã tư nhìn chếch sang tòa dinh thự.

Nhưng đâu phải anh chọn một chỗ ngồi để nhìn sang tòa dinh thự. Anh đã tới uống cà-phê ở đây từ nhiều năm tháng, vào lúc ba giờ chiều mỗi ngày, sớm hay trễ một chút, anh đã hoàn toàn rảnh rỗi, đã ngủ được một giấc, hoặc nếu chưa ngủ thì dư âm công việc của anh trong đêm trước cũng đã tan rồi. Anh ra phố, đi thẳng tới quán cà-phê. Anh chú ý tòa dinh thự này từ lần đầu ngồi quán. Kiến trúc của tòa nhà theo lối cổ điển hay hiện đại, hay cả hai hòa lẫn rồi hiển hiện như vậy? Từng đường nét thích hợp với dáng vẻ tòa nhà đến nỗi không thể thay đổi một chút cỏn con. Tòa nhà kiên cố bền bỉ như đã có ở đấy và còn tồn tại ở đấy một ngàn năm.

Bà chủ quán người Hoa hỏi anh như thường lệ:

- Cà phe leng?

- Lúc nào anh chẳng uống chỉ mỗi một thứ cà-phê đen, nhưng anh vẫn thích nghe bà chủ quán hỏi bằng giọng nói hiền và ngọng nghịu. Có một chị giúp việc hay người nhà chủ quán, không rõ người Hoa hay người Việt tuy giọng nói không ngọng nghịu. Còn cô bé xinh đẹp con bà chủ quán thì thường anh chỉ nghe tiếng cười giòn, đang đứng loay hoay bên trụ điện thoại mới lắp đặt ở góc phố ngay phía trước quán. Cô bé cầm ống liên hợp kề sát miệng, tưởng tượng đang nói chuyện với ai đấy, thỉnh thoảng cô bé cười ngặt nghẽo. Anh uống cà-phê và nhìn ngắm các thứ diễn ra ở chung quanh. Trời chiều không nắng, lững lờ ngập ngừng. Cô bé tưởng tượng đang nói chuyện lại cười giòn tan, câu chuyện hẳn thú vị đến nỗi cô bé đã đứng ở bên trụ điện thoại này một tiếng đồng hồ chưa thôi. Ở bên kia ngã tư, những người làm việc bắt đầu đi ra cổng tòa dinh thự.

Chủ nhân tòa dinh thự là một người Hoa vừa danh tiếng vừa nhiều huyền thoại về cuộc đời và sự giàu có. Người ta gọi ông ấy là Chú Hỏa. Sau khoảng một trăm năm, tòa dinh thự của Chú Hỏa trở thành cơ quan Ngân hàng Xuất nhập khẩu. Hầu hết người làm việc ở cơ quan phục sức sang trọng hợp thời. Có một cô gái luôn luôn mặc áo dài, khi áo dài trắng khi áo dài màu, các màu đều sậm và đều đẹp. Cô gái đi ra cổng, bước đi lúc nào cũng thong thả và khép nép, đứng trên hè đường rộng ngoài bức tường thấp có chắn song sắt, chờ người đàn ông luống tuổi có lẽ là cha, lái xe tới đón. Chiếc xe hơi đón cô gái là kiểu xe không lỗi thời hay hợp thời, không gây ấn tượng nào, hiện ra đơn thuần là một chiếc xe hơi. Cô gái đứng đợi năm mười phút, vẻ khép nép tội nghiệp. Anh nhìn chăm chú cả lúc cô gái lên xe ngồi bên người đàn ông luống tuổi có-lẽ-là-cha, xe chạy khuất bóng mà anh vẫn lẩn quẩn trong đầu hình ảnh cô gái. Anh đã ngắm nhìn cô-gái-áo-dài từ một buổi chiều nào đấy lâu rồi, cô gái đã dự phần quan trọng vào những buổi chiều của anh, vẻ đẹp của cô gái đối với anh thật hoàn hảo.

Cô bé tưởng tượng nói chuyện lúc nãy biến đi đâu đó, để lại ống liên hợp không vào đúng khoen móc, lệch lạc bên hộp máy gắn đứng trong trụ điện thoại. Hai cánh cổng sắt to lớn đã khép lại, những chắn song sắt ngang dọc ở hai cánh cổng bây giờ nối vào nhau thành hình đồng tiền xưa, có lẽ một thứ tiền kim loại thời các vua của triều đại nhà Nguyễn. Anh tự hỏi: cô gái có bồn chồn như anh không? Mọi người ở tòa dinh thự đã về hết mà chiếc xe hơi đón cô gái vẫn chưa thấy tới. Ấy tuy nhiên vì thế anh cũng có niềm vui được ngắm nhìn cô gái đứng mãi ở đấy, vẻ khép-nép-tội-nghiệp, những sợi tóc thỉnh thoảng bay ngang gương mặt xinh đẹp.

Anh cũng chợt hiểu bầu trời chiều nay, bầu trời lững-lờ-ngập-ngừng giữa có thể mưa và có thể không mưa. Bây giờ thì những hạt mưa phớt màu xám tro đang rớt xuống mỗi lúc lại thêm dày đặc. Anh hơi mất bình tĩnh khi cô-gái-áo-dài bước vào quán. Cô gái băng sang đường lúc nào? Anh gật đầu chào cô gái, rồi anh hỏi cô gái, câu hỏi tự nhiên đến nỗi bản thân anh cũng không ngờ:

- Chiều nay cha cô bận việc gì tới trễ phải không?

Cô gái trả lời vui vẻ:

- Dạ. Nhưng không phải cha. Bạn tôi đấy mà.

Anh ngạc nhiên về điều cô gái cho biết, nói:

- Vậy mà tôi cứ tưởng là cha của cô. Tôi thấy ông ấy đón cô mỗi chiều tan sở.

Cô gái lại cười, nói ngay:

- Tôi cũng thấy anh ngồi đây mỗi chiều. Hình như anh ngồi rất lâu để uống ly cà-phê.

- Tôi uống một ly cà-phê hết cả buổi chiều.

Anh nói, hân hoan khi thấy cuộc trò chuyện với cô gái được bắt đầu dễ dàng như vậy.

Mưa làm sẫm đặc bàn ghế trong quán. Cô gái ngồi ở bên chiếc bàn song song với bàn anh đang ngồi, chỉ cách một khoảng ngắn. Cô gái nhìn anh, nói:

- Anh có vẻ thật rảnh rỗi.

Nghe cô gái nói, anh không biết đấy là câu chê trách, hay chỉ đơn giản là cô gái hỏi anh như vậy.

- Bây giờ thì tôi rảnh rỗi. Chẳng lẽ tôi không được ra khỏi căn hầm vào lúc ban chiều?

Cô gái ngạc nhiên, thốt tiếng kêu nhỏ:

-  Anh ở dưới hầm à?

- Đúng như vậy. Nơi tôi ở thấp hơn mặt đường. Nó được dựng trên khu vực đầm lầy ngày trước. Từ chỗ ở của người chủ nhà đến nơi tôi ở có bậc thang gỗ dẫn xuống khá sâu.

Có lẽ cô gái đang hình dung căn hầm, rồi hỏi anh:

- Căn hầm như thế có tối lắm không?

Anh lắc đầu, nói nhanh:

- Ban ngày cũng sáng như mọi nơi. Có một mặt nhìn ra ao lục bình. Đêm thì tôi cứ việc thắp nến mà vẽ.

Có lẽ căn hầm đối với cô gái khá hấp dẫn, cô gái trở nên hào hứng:

- Căn hầm của anh hoàn toàn bằng gỗ phải không? Và trên sàn gỗ của căn hầm đầy những đụn nến?... Mà anh dùng nến màu gì?

- Nến màu gì hả? Nến trắng cũng có nến hồng cũng có, cả những cây nến bé tí xíu đủ màu của trẻ con thắp đèn Trung Thu cũng có.

Cô gái bây giờ có vẻ lo lắng:

 - Thế anh vẽ cái gì?

- Tôi vẽ tranh.

Anh đáp gọn lỏn, thản nhiên vô sự.

- Ý tôi muốn hỏi anh vẽ gì trong bức tranh của anh?

- À... tôi vẽ gì trong bức tranh của tôi hả?... Tôi vẽ nhiều bức tranh, chẳng biết cô muốn hỏi bức tranh nào?

Cô gái trở nên trầm tư:

- Tôi đâu hiểu nhiều gì về tranh, về hội họa. Tôi có người bạn vẫn mang dụng cụ đi vẽ ngoài phố, có khi đi thật xa để vẽ, như chuyến đi Long Hải với bạn bè hồi tháng trước. Anh ấy có phải là họa sĩ như người ta nói?

- Phải ông vẫn đón cô về mỗi chiều đấy không?

Anh hỏi cô gái đột ngột, chợt nhớ tới người đàn ông luống tuổi. Cô gái không trả lời. Một lát sau cô gái hỏi anh:

- Thế anh không vẽ ở ngoài trời à? Trong căn hầm của anh có những thứ gì để anh vẽ mãi được?

- Tôi không vẽ thứ gì ở trong căn hầm cả. Tôi mong cô hiểu, căn hầm là chỗ tôi ở mà thôi.. Tôi làm việc ở đấy.

Anh nói rồi chợt nhớ cô gái bảo đâu hiểu gì nhiều về tranh. Giọng anh tha thiết:

- Cô thích căn hầm bằng gỗ của tôi chứ?

Cô gái gật đầu, gương mặt sáng rạng hồn nhiên:

- Tôi mong sẽ được tới thăm căn hầm bằng gỗ của anh, lúc anh thắp nến vẽ ấy... Mà anh nhớ thắp những cây nến bé tí xíu  đủ màu... Tôi sẽ mang theo cả hộp nến còn nguyên của tôi nữa.

Anh chắc chắn bằng lòng, vui vẻ bằng lòng. Anh nghĩ không chừng bức họa chân dung đẹp nhất anh có thể thực hiện được, là gương mặt cô gái trong ánh sáng của những ngọn nến đủ màu.

Anh thốt nhớ ra, anh chưa mời cô gái uống gì... Trời còn đang mưa... Anh tìm chị-giúp-việc-hay-người-nhà-chủ-quán. Nhưng lúc anh nhìn thấy chị ta thì cô-gái-áo-dài không còn ngồi ở bên chiếc bàn song song với bàn anh đang ngồi... một khoảng cách ngắn...

Anh vội hỏi chị ta:

- Bạn cô áo dài tới đón cô ấy về rồi sao?

Chị ta cười không thành tiếng, gương mặt lộ vẻ ngạc nhiên:

- Anh nói cô Nhã ở Ngân hàng hả? Cha cô ấy tới đón về rồi mà. Về lâu rồi.

Anh bước ra khỏi quán vội vã như muốn rượt theo ai, băng qua đường sang bên kia ngã tư, đi sát bức tường thấp có chắn song sắt trên cao, dài hun hút trong màu sẫm tối đang tràn đầy chung quanh. Hình như cả một chùm ngọn đèn bật sáng những ô cửa kính của một căn phòng trong tòa dinh thự, cùng lúc những trụ đèn trên bờ chắn song sắt tỏa màu trắng đục rải xuống hè đường rộng và khô ran. Anh ngỡ ngàng tự hỏi: chiều nay có mưa không?

Anh nhận ra một bàn tay của anh đang nắm thanh sắt giá buốt khô cứng, trong lúc bóng tối mềm dịu bao bọc khắp thành phố.

N.Đ

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt