Nhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai Anh

06.07.2017

Nhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai Anh

Nhà văn Nguyễn Chí Trung, thế hệ chúng tôi biết được qua truyện ngắn Bức thư làng Mực, với nhân vật Nhật dám mang súng trường lên rẫy mai phục và bắn rơi một máy bay Mỹ. Thời bấy giờ, khi câu hỏi chúng ta có thể đánh thắng giặc Mỹ có quân đông, tướng mạnh, vũ khí tối tân không, thì chính anh du kích Nhật đã góp phần trả lời. Rồi gần đây, lại được đọc tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út, Nhà văn Nguyễn Chí Trung, qua hiện thực của cách mạng miền Nam, cụ thể là vùng đất Trung Trung Bộ, lại gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, nếu để mất chính quyền sẽ phải trả giá bằng máu. Đó chính là máu của đồng chí, đồng bào. Có phải lời nhắn gửi ấy chăng mà tiểu thuyết này đã đưa ông đến Giải thưởng Hội Nhà Văn và Giải Văn học Đông Nam Á. Gần đây tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út đã được chuyển thể thành phim Chỉ một con đường, do Trần Vịnh, một đạo diễn chuyên về làm phim tài liệu và chiến tranh dàn dựng.

Trong quá trình làm việc, tôi được biết, nhà văn Nguyễn Chí Trung tham gia cách mạng từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công. Lúc ấy, Thái Nguyên Chung, tên khai sinh của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, mới bước vào tuổi 15, được giao nhiệm vụ liên lạc Ủy ban Việt Minh chiến khu Đồng Bò. Một thế hệ chớm ngưỡng tuổi thanh niên hăng hái tham gia kháng chiến bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Đến 1946, chàng thanh niên Nguyễn Chí Trung nhập ngũ và được cử vào Ban biên tập báo Xung phong của Ủy Ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam rồi làm báo chí, văn nghệ Ban Tuyên huấn Liên khu V. Chính thời gian này Nguyễn Chí Trung gặp nhà thơ Trần Mai Ninh. Nhà thơ Trần Mai Ninh đã dạy Nguyễn Chí Trung làm báo, viết văn. Khi nói về đời văn, đời báo của mình, Nguyễn Chí Trung luôn xem Trần Mai Ninh là người thầy đầu tiên. Với một người làm báo, viết văn, người thầy đầu tiên rất quan trọng, tạo nên cách tiếp cận hiện thực và văn phong. Văn bút ký Nguyễn Chí Trung mang chất chính luận, phảng phất hùng ca văn xuôi, chính là tiếp thu được ở thầy Trần Mai Ninh, tác giả Gió Tuy Hòa, cùng nhiều truyện ký khác.

Không chỉ là nhà văn, một trong những cán bộ văn nghệ đầu tiên được phong quân hàm cấp Tướng, từng đảm đương chức Trợ lý Tổng Bí thư mà ở khía cạnh quan trọng khác ông còn là một cán bộ lý luận sắc sảo, hoạt động tư tưởng lâu năm. Là thư ký, được tiếp xúc, giúp đỡ ông một số công việc trong những năm tháng cuối đời, tôi luôn thấy ông trăn trở và quan tâm đến chủ đề là làm thế nào để giữ vững bản chất cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng với đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt ông rất quan tâm đến tư tưởng, quan điểm, những nhận thức sai trái về chủ nghĩa xã hội, về vai trò của Đảng. Tôi nhận thấy rất rõ ở khía cạnh này tư duy của ông vô cùng sắc sảo, nhạy bén.

Nhớ hôm kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2014, hai ông cháu ngồi nói chuyện, ông đã khóc và kể chuyện về Cụ Hồ: “Sao nghẹn ngào quá đỗi khi nhớ tới hình ảnh Bác Hồ đạp nước, thoăn thoắt tát gàu sòng, lặn lội trên những bờ ruộng xa, đời quá mà thực quá...”. Chính cuộc đời hy sinh cao quý, coi thường danh lợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu phục ông. Những năm tháng tuổi già hiu quạnh, nhưng trong nội tâm ông lúc nào cũng đau đáu nghĩ về Tổ quốc, về Nhân dân. Ở ông, luôn lặng lẽ đập một trái tim yêu nước. Cả cuộc đời ông thấm nhuần Chủ nghĩa yêu nước và Chủ nghĩa nhân văn.

Vậy mà làm việc với ông chưa được bao lâu thì ông trở bệnh, nhiều lúc tôi rất tiếc, giá như được làm việc với ông lâu hơn một thời gian nữa thì tốt biết mấy. Tôi rất quý những ngày được giúp ông, được tiếp xúc với những cán bộ lão thành lớn tuổi (ông và các chiến hữu thân thiết của ông). Ở họ, tôi đã học hỏi được nhiều điều, mặc dù có những chuyện, chắc chắn tôi cần phải có một quá trình phấn đấu, rèn luyện lâu dài mới mong hiểu được. Mùa hè năm 2015 ông vào Sài Gòn, 3 giờ sáng ngày Quốc khánh 2/9, từ Sài Gòn ông gọi cho tôi hỏi, mai con có đi xem diễu binh không. Sau đó ông òa khóc trên điện thoại nói rằng: “Ông nhớ các con, ông nhớ Hà Nội quay quắt! Ông lúc nào cũng giữ một tấm lòng son với nước non! Có lúc lẽ phải, có lúc chân lý tạm thời bị vùi dập nhưng rồi chân lý, lẽ phải ắt sẽ thắng...”.

Đến ngày 29/9/2015 ông đáp chuyến bay từ Sài Gòn về Hà Nội. Ông bay chuyến 11 giờ trưa thì muộn nhất là 2 giờ chiều là ông về đến nhà. Sau 2 giờ chiều không thấy ông về tôi sốt ruột gọi điện thoại, máy không liên lạc được. Không biết làm cách nào, tôi gọi điện cho người thân của ông, khiến con cháu trong Nam, ngoài Bắc ai cũng lo lắng. Thế rồi đến hơn 6 giờ tối, có anh lái xe taxi đưa ông về. Tôi vội vàng chạy xuống đón ông. Nhìn thấy tôi, ông vui vẻ nói, giờ này mà con vẫn ở đây, chưa về nhà sao. Hóa ra ông về nhà trễ vậy là vì ông đi mua quà cho từng người. Ông tặng riêng tôi một chiếc váy màu xanh, một vòng cổ ngọc trai. Thông lệ, đi công tác về ông thường có quà biếu mọi người trong cơ quan. Với phụ nữ, ông chọn thứ quà theo sở thích từng người. Ai dè, ông độc thân lại sống tình cảm tới vậy.

Hôm sau, hai ông cháu tiếp tục làm việc. Thời gian này ông đang viết dở cuốn tiểu thuyết tư liệu về Campuchia. Ông bảo tôi là quyết tâm làm việc để ba tháng nữa cho xong. Vậy mà chỉ hai ngày sau, ông thấy bàn chân mình bị phù nề, tôi liền gọi bác sĩ quân y đến nhà để khám cho ông. Bác sĩ khuyên ông nên đến viện làm các xét nghiệm để tìm gốc của căn bệnh. Hai ông cháu chuẩn bị đồ vào viện, đưa ông đi làm các xét nghiệm ở phòng cấp cứu xong, trở lại khoa A1, bệnh viện 108. Điều dưỡng xếp giường để ông điều trị cũng đã 8 giờ tối. Tôi chạy đến căng tin mua thức ăn, đồ uống để ông dùng bữa. Ông cảm ơn rồi bảo tôi hãy về nhà nghỉ ngơi. Tính ông vốn ngại làm phiền người khác.

Lúc mới nhập viện lần này, ông vẫn đi lại và sinh hoạt hoàn toàn bình thường, chỉ là chân hơi phù, bác sĩ chẩn đoán ông bị suy tim cấp độ 2. Cứ ngỡ ông chỉ nằm viện mấy ngày điều trị cho hết phù chân rồi về. Ai ngờ, chữa khỏi phù chân, thì khớp chân, khớp tay của ông sưng vù vì bệnh gút tái phát. Ông bảo hai ông cháu mình chữa xong gút rồi về, vậy mà khoảng nửa tháng sau hai chân ông yếu hoàn toàn, đi lại rất khó khăn, rồi dần nằm liệt không đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân, nhân viên điều dưỡng đều phải làm tại giường. Thấy bất an tôi liền gọi điện thoại cho cháu ông từ Sài Gòn bay ra gấp. Bệnh tình của ông chuyển biến xấu rất nhanh. Những ngày sau đó, nhiều lúc ông đã đi vào hôn mê, nhưng may sao sang khoảng cuối tháng 11/2015 sức khỏe ông như khá ra, đã tỉnh táo hơn trước. Gia đình hỏi ý kiến bác sĩ, xin chuyển ông về Sài Gòn, bởi lúc đó Hà Nội đang là mùa Đông, thời tiết năm ấy lạnh hơn mọi năm rất nhiều. Về Sài Gòn nắng ấm sẽ tốt cho sức khỏe của ông hơn. Hơn nữa trong đó ông có nhà riêng, có mấy người cháu sẽ chăm sóc ông tiện hơn. Được bác sĩ đồng ý, các thủ tục chuyển viện được tiến hành khẩn trương. Trong ngày ông sắp chia xa Hà Nội này có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Anh hùng phi công Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, gia đình nhà thơ Khương Hữu Dụng, những người bạn thân thiết, Lương Sĩ Cầm, Đặng Minh Phương, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Thanh Tú... đã đến lưu luyến, tạm biệt ông để về Sài Gòn điều trị.

Về Sài Gòn ông được chuyển đến Bệnh viện Quân đội 175. Có lúc sức khỏe ông tiến triển khá hơn, da dẻ hồng hào trở lại, đôi khi có thể nghe và nói chuyện điện thoại với một vài người bạn. Tôi đã tính sau Tết Nguyên Đán sẽ thu xếp vào thăm ông tại nhà riêng, biết đâu ông sẽ viết nốt cuốn sách. Ai ngờ, vừa ra Tết thì được tin ông lại nhập viện. Tôi vội vào Sài Gòn rồi đến viện thăm ông ngay, ông nhận ra tôi liền. Ông nói: - Con ngồi bên cạnh ông, đừng đi đâu. Khoảng nửa tháng sau, sức khỏe ông ngày càng xuống, bác sĩ thông báo với gia đình, ông giờ như ngọn đèn trước gió, gia đình cũng nên chuẩn bị tinh thần khi tình huống xấu xảy ra. Tôi vội đặt vé máy bay trở lại Hà Nội mang toàn bộ quần áo, đồ dùng cá nhân của ông về Sài Gòn. Hôm tôi trở lại Sài Gòn lần thứ hai này, trời Sài Gòn mưa như trút, máy bay trễ giờ, 2 giờ sáng tôi mới vào đến nơi. Sáng hôm sau, tôi vào viện sớm với ông luôn. Tôi rất xúc động khi sau cơn hôn mê sâu ngày hôm trước, sáng ra bác sĩ vào phòng ông cũng không nhận ra, vậy mà đến khi tôi vào, ông tự nhiên lại nói với bác sĩ: "Mai Anh đó, Mai Anh của Ông đó!".

Và chỉ một ngày sau, lúc 22h35' ngày 11/6/2016, sau khoảnh khắc ấy, ông nhẹ nhàng ra đi vào cõi vĩnh hằng sau tám mươi bảy năm trên thế gian đầy biến động. Từ thời thơ ấu sống trong cảnh nước mất, gia đình ly tán. Vào tuổi thanh niên, chàng trai Thái Nguyên Chung đã tham gia cách mạng và xông pha nơi chiến trận, bàn chân ông đã đặt những bước chắc chắn trên nhiều nẻo đường của đất nước. Cuộc đời ông đã để lại nhiều dấu ấn, không chỉ bằng chiến công mà với cả những đức tính dũng cảm, cần cù, thanh liêm.

Tổng cục Chính trị đã tổ chức tang lễ cho ông rất trọng thể. Các đơn vị quân đội nơi ông từng công tác đến viếng, thủ trưởng các đơn vị ấy bây giờ thuộc thế hệ sinh ra và lớn lên sau khi đất nước hòa bình, nhưng họ đã được nghe lớp trước kể những câu chuyện về nhà văn Nguyễn Chí Trung đã từng đến tận chiến hào trong thời giữ nước ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp. Chính trên đất bạn Campuchia, Nguyễn Chí Trung đã bị thương trong khi đi làm nhiệm vụ quan trọng. Thương tật đã khiến cánh tay ông không thể cử động được bình thường, nhưng nhờ gắng luyện tập, may mắn là ông vẫn cầm bút được và cho ra đời những truyện ngắn, bút ký có chiều sâu. Bên ông trong giờ phút vĩnh biệt, còn có nhiều đại diện của bà con xứ Quảng sâu nặng ân tình đã về tiễn biệt ông.

 

Sau lễ tang, tôi ở lại hết tuần đầu rồi trở về Hà Nội để lo sắp xếp sách vở và tài liệu của ông ở đây. Mọi người xung quanh cứ thắc mắc tại sao cái kho sách đó mà tôi dọn hàng tháng không xong. Họ đâu biết rằng, tôi phải nâng niu từng cuốn sách, sổ ghi chép, bản thảo như thấm mồ hôi của ông, và khi lật giở từng trang sách ấy, kỷ niệm của người ông đức độ lại hiện về.

Tôi không thể quên bàn tay còn nguyên dấu vết thương của nhà văn Nguyễn Chí Trung run run khi lật giở từng trang sách. Ông có thói quen đọc sách khi gặp những ý quan trọng thường dùng bút gạch chân dưới hàng chữ. Rồi những kỷ vật được ông giữ gìn cẩn thận như lá cờ Campuchia có thấm máu của ông, được bạn dùng để băng bó vết thương khi ông bị thương trong lúc làm nhiệm vụ ở nước bạn; rồi thư từ, nhật ký ghi chép, băng đĩa... Tôi sắp xếp, phân loại tài liệu và sách vở. Một số sách được gửi về Sài Gòn để lưu giữ trong phòng truyền thống của gia đình, số báo chí (ông đã đóng thành từng tập mỗi năm) được trao tặng Thư viện làng Bình Vọng, số sách văn học khác dành tặng Thư viện Quân đội.

Suy cho cùng, tài sản của nhà văn chỉ là tác phẩm và những trang bản thảo đã hoàn thành hay còn dang dở. Con người ta sinh ra, học tập, làm việc để tạo ra tài sản cho xã hội, cho riêng mình, tới lúc từ biệt cõi đời, nào có mang theo được đâu. Với văn nghệ sĩ, họ để lại di sản quý báu nhất chính là tác phẩm. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Chí Trung không phải đồ sộ về số lượng, mặc dù ông viết rất nhanh, nhưng ông còn bận với biết bao việc quan trọng khác. Đặc biệt, trong mỗi cuốn sách hay bài báo ông luôn có những ý tưởng sâu sắc, nhân văn. Đó chính là những tư liệu, chất liệu được lấy từ cuộc chiến đấu mà tác giả từng tham dự. Những chất liệu như thấm máu của người cầm bút. Nhà văn Nguyễn Chí Trung còn công phu chắt lọc, tìm những chữ mới, câu văn có tầng lớp. Đọc văn ông thấy được công sức và trách nhiệm của nhà văn với cuộc đời.

 

Cuộc đời nhà văn Nguyễn Chí Trung là sự nối tiếp những chuyến đi. Hình như ít khi ông dừng nghỉ trong thời gian dài. Có lúc nhiễm bệnh hay bị thương buộc ông phải nằm điều trị ở bệnh viện nào đó, nhưng ngay cả trên giường bệnh, ông vẫn suy ngẫm, vẫn làm việc. Không có được gia đình riêng, theo nghĩa có vợ con, ông dành trọn sức lực, trí tuệ, để phục vụ đất nước. Con người ông lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng vì công việc đang làm và sắp làm.

Cho tới bây giờ, sau gần một năm ngày ông đi xa, tôi vẫn thường đọc lại những bài viết của ông, càng hiểu hơn về con người ông. Ông luôn sống, học tập, lao động và cống hiến tận tâm, tận lực, xứng đáng là người con của nhân dân cần lao. Là người ông gương mẫu cho chúng tôi học tập và noi theo. Tôi tin rằng ông không chỉ giúp tôi trở về những ngày đã qua thiêng liêng mà còn làm thức dậy và giữ gìn những gì tốt đẹp, là sức mạnh của mỗi chúng ta, để chúng ta có thể sống tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Giờ đây, ông đã về an nghỉ giữa nghĩa trang gần bên người bạn chiến đấu Thu Bồn mà ông yêu mến, nhưng với người thân, trong đó có tôi vẫn ngỡ như ông đang thực hiện chuyến đi đâu đó trên đất nước này.

T.M.A

Bài viết khác cùng số

“Sống lại” sau nửa thế kỷ làm liệt sĩ - Hồng LoanAnh hùng, Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Dương Xuân BìnhKỷ niệm vùng ven với nhà văn - chiến sĩ Chu Cẩm Phong - Lê Ngọc NamNon Nước Tràng An - Văn KhoaTu My nam tử - Đỗ Nhựt ThưBước khỏi giấc mơ - Ngô Thị Thục TrangBuổi chiều có thể - Nguyễn ĐạtNgười về - Nguyễn Xuân DiệuNắng của mẹ - Lê Minh HảiLoay hoay hai cảnh Phố - Quê - Phạm Thị Hải DươngNhững kỷ niệm về anh tôi Liệt sĩ Đinh Phổ (1939 - 1969) - Lưu Phương ĐịnhBuổi chiều và những người bạn - Nguyễn Hoàng ThọGiấc mơ đi lạc - Nguyễn Hoàng SaBóng cũ - Trần Nhã MyPhố lạc mùa - Thụy DuCho sự đổi thay - Tăng Tấn TàiHợp âm từ ngụm cà phê - Vô Biên... Và thấy tôi tỉnh rượu, say mình - Trúc Linh LanThơ Nguyễn Lương HiệuLời liệt sĩ khuyết danh - Quốc LongViếng nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ - Nguyễn Xuân TưCây đa bán đảo Sơn Trà - Nguyễn Minh ĐứcNgõ hẹp - Nguyễn Ngọc HạnhNgọt ngào giọng quê - Từ Dạ LinhXé bão - Nguyễn Thị Anh ĐàoHát - Quốc SinhỞ nơi chưa hề dấu vết... - Trần Võ Thành VănTừ nam Hải Vân đến sông Thu Bồn, vùng đất 160 năm “sổ sách chỉ chép tên suông” - Vũ HùngNhà văn Nguyễn Chí Trung một ngọn lửa ấm áp - Trần Mai AnhNhạc sĩ Chu Minh - Trương Đình Quang Nguyễn Giúp và hơi gió Thu Bồn - Đỗ Tấn Đạt