Từ lá đơn kiện năm 1904 của dân làng Nghi An - Nguyễn Trương Đàn

24.12.2014

Từ lá đơn kiện năm 1904 của dân làng Nghi An -  Nguyễn Trương Đàn

 “Ngày 25 tháng 8 năm Thành Thái 16

Chúng con dân làng Nghi An, tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, ký tên sau, nay đến lạy quan lớn tòa án cho phép làng con bẩm việc trước sau đặng quan lớn rõ. Nguyên làng con địa phận hẹp, công điền công thổ không có, chỉ có sáu gò núi từ thuở nay dân trong làng chỉ nhờ tranh củi trên núi mà làm ăn xâu thuế, đến năm Thành Thái 14, ông Gravelle chủ hãng bạc lên khẩn hai gò giữa (tục kêu gò Cấm lớn, gò Cấm nhỏ) thì làng con đã nhượng giao cho ổng, đến năm Thành Thái 15 ổng lên hai gò trên phía tây (tục kêu gò Trường, gò Trọc) thì làng con cũng giao cho ổng, chỉ còn hai gò nhỏ phía dưới hướng đông (tục kêu gò Miếu, Gò Đình) một gò có cái miếu thì kẻ tiền nhơn làng con là Nguyễn Văn Thi đã trưng một phía rồi, hiện có châu bộ, còn một gò dưới đó có cái đình thì kẻ tiền nhơn làng con là Trương Văn Thạnh, Trịnh Viết Nghi, Nguyễn Văn Quới, Nguyễn Công Nghị, Nguyễn Văn Tờn, Trịnh Thị Hữu, NguyễnThị Phương cũng đã trưng hết rồi, cũng hiện có châu bộ, nạp thuế đã lâu. Đến năm nay ông Gravelle hiếp làng con, ổng nói rằng đất của ổng khẩn rồi, ổng làm nhà, làm chuồng bò sát một bên miếu của làng con, lại đào giếng, đào lỗ, dọn đàng trong đất Gò Đình của dân làng con đã trưng rồi. Việc ấy thì làng con có làm đơn kêu tại tòa sứ đã hơn hai tháng nay làng con xuống hầu hoài mà quan sứ chưa cứu xử, còn ông Gravelle cứ sức cô li dọn làm hoài trong đất Gò Đình đó...”.

Trên đây là phần mở đầu lá đơn kiện của dân làng Nghi An gửi đến Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng, đề ngày 25 tháng 8 năm Thành Thái thứ 16 (tức ngày 4.10.1904). Tài liệu này chúng tôi tìm thấy trong Hồ sơ mang số hiệu 36, được ghi dưới tiêu đề: “Contestation des terrains entre les habitants du Village de Nghi An (Quang Nam) et Gravelle, Dierecteur de l’ Indochine à Tourane - 1904” (Tạm dịch: Sự tranh giành về đất đai giữa dân chúng làng Nghi An (Quang Nam) với ông Gravelle, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương ở Đà Nẵng). Hồ sơ này hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Hà Nội, trong Thư khố Tòa hòa giải rộng quyền Đà Nẵng, có tên tiếng Pháp là “Tribunal de Paix de Tourane”. Trước đây, tác giả Nguyễn Sinh Duy đã đề cập đến cuộc đấu tranh này trong bài “Thái Phiên và vụ giành đất Cấm Đình (Nghi An, Quảng Nam) với thực dân Pháp”, đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 205, 1982. Bài nghiên cứu ấy cho là cuộc đấu tranh diễn ra vào năm 1906 và kéo dài ba năm, mà Thái Phiên là người đứng đằng sau chỉ huy, tham mưu.

 Tập hồ sơ mà chúng tôi sưu tầm được có 36 tờ tài liệu, bao gồm từ biên bản hỏi cung ngay tại hiện trường của hiến binh, thư viết tay của anh em nhà Gravelle gửi đến tòa án để giải trình, đơn kiện của dân làng Nghi An, thư của công sứ, đến trát đòi hầu tòa của tòa án, phán quyết của tòa án và những trích lục án đối với lý trưởng và nhiều dân làng Nghi An.

 Có thể nói, đây là một bức tranh xác thực về cuộc đấu tranh giành đất rất quyết liệt ở làng Nghi An diễn ra năm 1904, cách đây đúng 110 năm, mà trong đó, Thái Phiên không chỉ đứng đằng sau bày mưu tính kế như các bài viết trước đây mô tả, mà chính ông lúc đó là một chàng trai 22 tuổi đã trực tiếp đứng ra tiếp nối các bậc cha anh trong làng chỉ huy dân làng đấu tranh. Cuộc đấu tranh diễn ra rất căng thẳng suốt ngày chủ nhật (25.9.1904), hết đợt này đến đợt khác, dân làng ào ra, lăn xả vào ngăn chặn cuộc cướp đất của Gravelle (còn gọi là Tây Kho Bạc). Hết những người cầm đầu này đến những người cầm đầu khác bị bắt (trong đó có ông Thái Duy Tân - bố của Thái Phiên, rồi ông Trịnh Thiện Giáo - bố vợ của Thái Phiên), nhưng dân làng vẫn không nao núng, lại có người khác đứng ra hô hào, chỉ đạo cuộc đấu tranh. Trong bức thư viết gửi chánh án tòa án vào ngay tối chủ nhật, Gravelle đã mô tả:

 “…Các dân phu của tôi vừa mới cuốc được vài nhát đất thì bỗng nhiên một toán người gồm khoảng 40 dân bản xứ đã phục sẵn từ ngoài rừng xông tới; dẫn đầu là một người đàn ông lớn tuổi, người nhỏ, với vẻ mặt đầy hung hãn, lao đầu về phía em trai tôi. Em trai tôi đã phải lấy hai tay giữ hai vai ông ta lại. Tuy nhiên tiếng la hét lại tăng lên nhiều hơn. Ông lý trưởng làng Nghi An và nhiều hào lý mà chúng tôi biết đã ra lệnh cho dân làng lao vào những người làm thuê của chúng tôi, xô đẩy họ, lấy dụng cụ của họ và ngăn không cho họ làm việc bằng cách nằm lên các hố họ đã đào. Khi chúng tôi tiến hành công việc lại lần thứ 3, họ vẫn tiếp tục ngăn cản chúng tôi. Ngay trước 7 giờ, qua mấy dòng thư ngắn, tôi đã kêu gọi sự che chở của ngài.

 Ngài cảnh sát trưởng tới nơi xảy ra xung đột lúc 10 giờ, thấy tôi đang đối diện với đa số người biểu tình, nhất là ông lý trưởng và các cường hào. Tôi không cho bọn chúng bỏ chạy. Tôi chỉ cho ngài cảnh sát 4 tên đầu sỏ, đầu tiên là ông lý trưởng. Họ đã được thẩm vấn. 4 người bị buộc tội đã bị dẫn về Tourane. Tuy nhiên, tiếng chiêng trống tập hợp dân chúng lại vang lên trong làng, nhưng lần này xa hơn, trong đồng ruộng dưới chân núi.

 Khoảng 1 giờ trưa, khi em trai tôi và tôi đang nghỉ trong lều trên đồn điền của tôi thì một phiên dịch viên của ngài Leroy ở Tourane đến báo với tôi rằng bố cậu ta (63 tuổi) là một trong 4 tù nhân bị giải đi vừa rồi. Ít lâu sau, cùng với năm dân phu, một cai và một cậu bồi, chúng tôi xuống đồi theo hướng tây bắc ngôi đình cũ. Từ phía xa, tiếng ồn vang lên. Đó là sự trộn lẫn giữa tiếng la hét và tiếng kêu chói tai, kéo dài man rợ. Khoảng 2 giờ, một đoàn dân làng gồm khoảng 50 người xuất hiện trong rừng, đi về phía chúng tôi. Chúng không mang theo khí giới hay gậy gộc, chỉ khua chân múa tay và la hét, nằm dài trên các hố bất động như chết. Chúng tôi kéo họ lên, đẩy họ ra và bắt lại 4 tên cầm đầu hung hãn nhất... Cậu thanh niên là phiên dịch viên của ngài Leroy lại chạy tới nói rằng một trong số 4 người chúng tôi vừa bắt có bố vợ cậu ta.

 Lúc 2 giờ 30 chiều, đoàn người kia lại kéo đến với vẻ đầy hung hãn, hét lên man rợ. Lần này, chúng điên tiết thật sự và bao vây chúng tôi. Già cũng như trẻ, chúng nằm lăn xuống đất, vỗ ngực, đánh đấm và la hét. Người của tôi vẫn giữ được bình tĩnh, cố gắng tiếp tục làm việc theo lệnh tôi. Những kẻ cuồng điên này vẫn để cho chúng tôi kéo họ ra khỏi hố, nhưng vừa kéo lên chúng lại trườn xuống hố lại và lại nằm bất động như chếtChúng tôi quá mệt mỏi và không muốn làm việc nữa. Chúng tôi bỏ đi. Những người còn nằm trong các hố, nhiều người gần như thở không ra hơi, nhưng chúng vẫn la hét, vọng đến tận tai chúng tôi đang ngồi ở nhượng địa của tôi. Tại đây, lần này, chúng tôi phải cẩn trọng bảo vệ mình. Chúng vẫn tiếp tục la hét inh ỏi. Tôi nghe chúng gào thét hình như là tên tôi “Tây Kho Bạc”. Tôi nghĩ đó là những phép trừ ma, lời rên rỉ hơn là những lời đe dọa. Trong số 4 tù nhân chúng tôi bắt giữ, một tên đã trốn thoát. Ba tên còn lại bây giờ đã ngồi yên. Tôi ra lệnh cho người của tôi tập hợp thành nhóm, người làm vườn ở lại cùng với họ vì tôi tin rằng trong đêm tối, khi chúng tôi đi, đám người khùng điên cuồng tín kia lại tập hợp đông hơn đến tấn công nhượng địa của tôi.

 Lúc 4 giờ chiều, chúng tôi đi xuống xe hơi đang đỗ phía dưới theo hướng bắc, nhưng 3 tên tù nhân, sau khi đi được 150 bước, hét lên với nhau. Hai tên tù nhân lao đầu xuống đất, tự đánh vào đầu, đánh vào ngực, nằm vật xuống như bị bệnh động kinh. Chúng hét lên như sắp chết khi chúng tôi chạm vào chúng để đỡ chúng dậy. Chúng tôi lên xe đi. Nhưng người dân đã tập trung ở đây. Chúng tôi đã bị đe dọa sẽ có một cảnh ghê gớm tương tự như cảnh vừa rồi đã xảy ra trên ngọn núi Gò Đình vì dường như bọn chúng đều bị giống thế. Một người đàn ông, trẻ hơn hai tên tù mà đã nằm vật xuống đất và đã rống lên như chết đã ở đó, trườn trên đất như là đang bơi dưới nước, la hét, chửi rủa, hai chân giơ lên trời, bám víu vào hai tên tù (tên thứ 3 đang ngồi bất động). Chúng lăn người lên chân tôi khiến tôi suýt ngã. Một tên già (tù nhân) xoay người, nhảy vào bụi gai và nằm đó bất động. Mọi người phía dưới tiến lại. Tôi vội vàng xuống xe, nhảy lên đầu xe vì tôi sợ chúng có thể lấy xe cán tôi…”.

 Lá thư giải trình của Gravelle cho ta thấy một kết thúc thảm hại như thế nào đối với ông ta trong cái ngày chủ nhật xa xưa đó, khi ông ta bị truy đuổi, vây ép và phải tháo chạy trước sức đấu tranh của dân làng Nghi An. Chúng ta cũng thấy hình ảnh “cậu thanh niên làm phiên dịch viên cho ngài Leroy ở Tourane” đã xuất hiện hai lần trong bức thư chính là Thái Phiên. Sau khi bố và bố vợ bị bắt cùng với những hào lý, hào mục của làng trong các đợt đấu tranh trước đó thì Thái Phiên là người đã chỉ đạo các đợt đấu tranh tiếp theo. Vụ đấu tranh giành giữ đất diễn ra vào tháng 9, nghĩa là 6 tháng sau khi Thái Phiên tham gia cuộc họp bí mật rất quan trọng của các sĩ phu tại Nam Thịnh sơn trang để thành lập Duy Tân hội. Chắc chắn rằng, trong gia đình, cha con ông Thái Duy Tân đã bàn bạc kỹ càng, cân nhắc thiệt hơn mới tự mình chủ động xuất đầu lộ diện cùng dân làng quyết liệt đấu tranh. Những người đứng sau điều khiển, cũng như những người đứng ra trực diện đấu tranh phải có sự bàn bạc, phối hợp khéo léo, nhịp nhàng như thế nào thì cuối cùng cuộc đấu tranh mới kết thúc thắng lợi, đất Gò Đình mới được trả lại cho làng Nghi An. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là lá đơn kiện của dân làng Nghi An gửi tới tòa án lại cho thấy một mặt khác trong tính cách của dân làng Nghi An nói riêng và cũng chính là tính chất “hay cãi” của người Quảng Nam. Đó là việc những người dân lương thiện ở một làng quê nhỏ ven thành phố lúc bấy giờ đã biết cách sử dụng quyền của mình để tự bảo vệ mình, không ngần ngại vạch tội của những kẻ thực dân lợi dụng thế lực của mình để chèn ép người dân quê mà họ cho là những từng lớp thấp hèn.

Đến đây, trước khi phân tích tiếp về cuộc đấu tranh của dân làng Nghi An, chúng tôi xin mời độc giả đọc phần còn lại của lá đơn kiện của dân làng:

 “…Nhơn bữa hôm 16 tháng 8 năm nay làng con hội dân tu bổ cửa đình thấy ông Gravelle đem cô li tới làm đó thì làng con ra xin với ổng khoan làm đã để đợi lịnh quan lớn sứ cứu xử rồi sẽ làm, thì ổng biểu làng con ngồi đó. Một giây lâu rồi thấy quan Tuần Thành đến đó hỏi làng con lấy khẩu cung…, qua ngày sau dẫn làng con đến tòa quan lớn hỏi thì khi ấy làng con đã khai với quan lớn rồi dạy làng con trở vô quan Tuần Thành biểu làng con khai lại một lần nữa rồi cho làng con về. Từ ấy đến nay cũng chưa cứu xử. Làng con thiết nghĩ rằng cứ theo trong tờ nghị định làng con giao cho ông Gravelle thì chỗ cái miếu để một trăm thước vuông cho làng con phượng tử thần linh. Với cứ theo giới hạn phân trong tờ ấy thì đất của ông Gravelle khẩn từ gò có cái miếu trở về hướng tây mà thôi còn từ đó trở về hướng đông cho xuống đến cái gò có cái đình thì đất của dân làng chúng con đã trưng rồi cả, mà nay ổng lấy đi, thiệt oan cho làng con lắm. Nên làng con đến lạy quan lớn mở rộng công bình mà soi xét việc ấy cho làng con nhờ, xin đính cái đồ bổn cho quan lớn xem. Như làng con có khai man thì xin chịu tội với quan lớn. Muôn lạy đội ơn quan lớn...”.

 Như chúng tôi đã nêu trên, cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt từ mờ sáng cho đến chiều tối của dân làng Nghi An, cuối cùng đã khiến cho Gravelle mệt nhọc tìm cách tháo chạy khỏi làng. Ngay từ tối hôm đó, ông ta liên tiếp viết thư cho ngài chánh án, vừa cầu xin, vừa hối thúc tòa án can thiệp, để duy trì lực lượng cảnh sát trấn áp dân làng, đòi phải mau chóng cách chức những viên hương lý dám cầm đầu dân làng chống lại ông ta. Còn dân làng Nghi An thì sao? Họ đã dạy cho Gravelle biết thế nào là tức nước vỡ bờ. Nhưng họ cũng biết tình thế và vị thế của những người dân phải chịu cảnh mất nước về tay những người “văn minh”, “bảo hộ”. Họ bình tĩnh, cùng nhau bàn bạc và mãi mười ngày sau mới viết đơn kiện kể rõ đầu đuôi sự việc gửi tới quan tòa.

Đọc lá đơn kiện của dân làng Nghi An chúng ta thấy được cái uất ức bị dồn nén của dân làng đến như thế nào. Có thể gọi đây là một áng văn mộc mạc, dân dã nhưng vang lên trong đó tiếng kêu đòi thiết tha cho những quyền lợi thiết thân của cuộc sống người dân và ẩn chứa trong đó là nỗi niềm phẫn uất, là ý nguyện giành lấy quyền sống của con người. Còn cao hơn thế, đó là sự bất khuất trước kẻ ác bạo ngược, lộng hành. Lời lẽ là mộc mạc, dân dã, dung dị, rất “biết giữ lễ độ, khuôn phép” đối nhà nước “bảo hộ”, một điều “quan lớn”, hai điều “chúng con”, “làng con”... Nhưng khi cần thiết, thì vẫn lên giọng bất bình, không thể không vạch thẳng bản chất, hành vi của kẻ thực dân bạo ngược: “đến năm nay ông Gravelle hiếp làng con”. Chỉ một từ “hiếp” ấy thôi, đã nén chặt bên trong biết bao niềm phẫn uất. Chưa đủ. Tờ đơn kiện còn tiếp tục vạch tội ác của kẻ cường quyền một cách đanh thép hơn, với giọng văn quyết liệt: “Ổng nói rằng đất của ổng khẩn rồi, ổng làm nhà, làm chuồng bò sát một bên miếu của làng con, lại đào giếng, đào lỗ, dọn đàng trong đất Gò Đình của dân làng con đã trưng rồi”. Giọng văn ở đoạn này có tiết tấu dồn dập, miêu tả sự lộng hành ngang ngược của kẻ cướp đất. Và người dân quê tuy mộc mạc, nhưng với đoạn văn như trên, họ đã thể hiện rằng, họ không phải là con sâu cái kiến mà họ cũng chính là những con người, có quyền được làm người, họ thấu hiểu đạo lý của cuộc sống làm người. Cuộc sống này không chỉ là miếng cơm manh áo, không phải là chỉ biết cúi đầu cúi cổ để lo thuế, lo xâu. Cuộc sống con người dù ở thời nào, dù ở nơi đâu, thì đời sống tinh thần, sinh hoạt tâm linh cũng là một nhu cầu không thể cướp đoạt. Họ đã nhân nhượng, hết nhường đất hai gò giữa - gò Cấm lớn, gò Cấm nhỏ, rồi nhượng đến hai gò trên - gò Trường, gò Trọc - ở phía tây. Nhưng đến khi kẻ lộng quyền mon men gặm đến cả những gò đất giành để phượng thờ thần linh, xâm phạm đến nơi tế tự thiêng liêng, bất chấp cả truyền thống tín ngưỡng xã thôn Việt Nam, đến cuộc sống đạo lý - tâm linh của người dân bản xứ, thì họ đã thấy rõ bản chất của kẻ ác, không có thể nhân nhượng thêm được nữa.

Để buộc chặt thêm cái tội của tên cướp đoạt, dân làng đã láy lại cái nỗi niềm ấy khi tiếp tục buộc tội: “Làng con thiết nghĩ... thì chỗ cái miếu để một trăm thước vuông cho làng con phượng tử thần linh... mà nay ổng lấy đi, thiệt oan cho làng con lắm”. Ở đây chỉ dùng một chữ “oan” thôi, nhưng cũng đã hàm chứa biết bao nỗi niềm. Đó là sự kìm nén, không muốn dùng đến những từ ngữ đao to búa lớn không phù hợp với vị thế của người dân quê đang bị chèn ép đủ điều không thể nói ra hơn nữa. Từ trong tâm khảm đã cuộn sôi lòng căm phẫn khi chủ quyền của họ trên mảnh đất của ông cha để lại đã bị tước đoạt, lòng tự hào, tự tôn đối với nền văn hiến của giống nòi, của dân tộc đang bị kẻ xâm lược coi khinh, chà đạp. Với ngôn ngữ thật mộc mạc, với lối hành văn tưởng như rất dân dã như vậy, hầu như không để ý gì đến câu, chữ, mà thực ra, ở đây hàm chứa cả một quá trình nghiền ngẫm, suy nghĩ sâu xa, làm sao nói rõ đầu đuôi sự tình, nhưng cũng làm sao cho kẻ có quyền thế không thể che đậy chạy tội được cho đồng bọn, kẻ có chức trách không thể lẩn tránh việc phải xử lý vụ việc mà dân làng đã đưa tới cửa công. Từ niềm tự tin vào vị thế chủ quyền đối với quê hương, đất nước, từ niềm tự hào về nền văn hiến quốc gia mà bao đời cha ông truyền lại qua biết bao áng văn chương, dẫu là chỉ trong một tờ đơn kiện bình thường, nhưng những đại diện ưu tú của làng Nghi An vẫn chọn lựa được phong thái đĩnh đạc mà quyết liệt cần thiết để tố cáo, kể tội và lên án những mưu đồ tham lam, những hành động cướp đoạt của lũ thực dân.

 Điều quan trọng cần được nhận thức đúng đắn là giá trị nhân văn, giá trị về văn hóa tinh thần của cuộc đấu tranh giành đất Gò Đình - Nghi An thời đó. Kẻ cường quyền với lòng tham vô đáy, mờ mắt trước những món lợi từ khai hóa đất đai đã bất chấp cả đời sống tâm linh, bất chấp những giá trị tinh thần thiêng liêng mà cộng đồng dân cư nơi đây từ lâu xây đắp, dám ngang ngược xâm phạm một cách thô bạo vào những thiết chế văn hóa tâm linh như ngôi miếu, ngôi đình,… mà những bậc tiền nhân đến khai canh lập ấp đã dựng lên cả trăm năm về trước, được những thế hệ con cháu tiếp theo tu bổ, “xuân thu hội tế”. Trong tâm tưởng của người dân, họ có thể nhân nhượng phần nào khi đời sống vật chất bị o ép, thậm chí bị cướp đoạt, nhưng khi đời sống tinh thần, những giá trị văn hóa tâm linh thiêng liêng bị xâm phạm, bị kẻ cường quyền bạo ngược chà đạp thì họ không còn nhân nhượng nữa. Cuộc đấu tranh ở Gò Đình - Nghi An những năm đó không còn đơn thuần là để bảo vệ đời sống vật chất, đời sống kinh tế nữa mà nó còn là sự đứng lên quyết liệt phản kháng sự xâm phạm, sự chà đạp lên truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa. Kẻ bạo ngược ở đây chính là vị Giám đốc một Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, dù thế nào, đối với dân làng Nghi An lúc đó, ông ta cũng là một người đại diện cho nền văn hóa đến từ phương Tây xa xôi. Chắc chắn rằng, từ lúc đầu, dân làng Nghi An chưa phải đã có ngay thái độ thù địch với ông ta. Họ đã kiên trì trao đổi, nói rõ cho ông ta biết về nguyện vọng bảo tồn hai gò núi, nơi có ngôi miếu và ngôi đình của làng. Các văn bản của Hồ sơ 36 đã nhiều lần thể hiện điều đó.

 Những ngôi miếu, ngôi đình, những nếp nhà thờ, nghĩa trủng trong làng là nơi tế tự thần linh, là nơi xuân thu hội tế, con cháu các giòng tộc tập trung về để kính viếng các bậc tổ tiên, các vị tiền hiền đã khai canh, mở đất, rồi các vị hậu hiền bao đời tiếp nối gian lao chung tay góp sức để dựng xây xóm làng, gây dựng nên đồng ruộng nương vườn, gây dựng nên những quy chế, hương ước và cả những tập tục cần thiết để cố kết dân cư, cộng đồng trở thành một thể chế vững mạnh chống chọi được với thiên nhiên khắc nghiệt, với trộm cướp và biết bao điều bất trắc khôn lường. Những biểu trưng đó chính là cuộc sống văn hóa, tâm linh, là đời sống tinh thần mà đời này sang đời khác tiếp nối, truyền thừa để bảo vệ, giữ gìn và phát huy lên thành sức mạnh tinh thần cho cả cộng đồng. Gravelle đã không hiểu được những giá trị văn hóa, tinh thần sâu xa đó. Ông ta chỉ thấy đất và đất. Ông ta chỉ muốn chiếm lấy đất, mở mang đồn điền, trang trại của ông ta, để từ đó nhanh chóng thu lại những món lợi nhuận, những đồng tiền vàng lấp lánh. Ông ta còn đi xa đến mức coi thường và chà đạp lên những biểu trưng thiêng liêng của văn hóa tâm linh bản địa ở cái làng quê xa xôi, khi ông ta sai dân phu “làm chuồng bò sát một bên ngôi miếu của làng”. Xúc phạm, chà đạp đến mức như thế, thì sẽ phải hứng chịu lấy sự trừng phạt thích đáng.

 Qua lá đơn của dân làng Nghi An đã cho thấy sức phản kháng quyết liệt của họ thuở đó không đơn thuần là một cuộc đấu tranh bảo vệ cuộc sống vật chất đang bị tước đoạt, mà chính là họ đã đứng lên bảo vệ giá trị văn hóa tinh thần đang bị coi khinh, đang bị chà đạp. Và chắc chắn rằng, với lý do bảo vệ cuộc sống văn hóa tâm linh, bảo vệ cuộc sống tinh thần theo truyền thống dân tộc như thế, cuối cùng thì dân làng đã thắng lợi, ngài thực dân Gravelle phải trả lại ngôi đình, trả lại vùng đất Gò Đình cho làng Nghi An.

Có thể khẳng định được rằng, với cuộc đấu tranh quyết liệt bảo vệ những thể chế vật chất của nền văn hóa, văn minh bản địa như thế, dân làng Nghi An thuở ấy đã là một trong những cộng đồng dân cư đi đầu đại diện cho người dân xứ Quảng, cho cả nước trong việc thể hiện lòng tự trọng, tự tôn dân tộc khi bị xúc phạm, đấu tranh bảo vệ những giá trị truyền thống nền văn hóa dân tộc đồng thời cũng là bảo vệ những giá trị của nền văn hóa phương Đông trước âm mưu nô dịch của các thế lực xâm lược phương Tây.

N.T.Đ